Thứ năm, 25/04/2024 20:50 (GMT+7)

Khu đô thị phía Nam sông Cần Thơ: Nhiều hệ lụy vì chủ đầu tư "mượn đầu heo nấu cháo"

MTĐT -  Thứ sáu, 21/07/2017 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rất nhiều cá nhân, hộ gia đình góp vốn, mua nhà đất dự án các KDC thương mại hoang mang lo lắng, bức xúc phản ánh tới đại biểu Quốc hội, HĐND, yêu cầu hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của họ vì đứng trước nguy cơ thiệt hại nhưng chính quyền địa phương lúng túng, không thể can thiệp, giải quyết vì sự “lươn lẹo” của các chủ đầu tư…

Qua mặt chính quyền và cơ quan chức năng

Cuối năm ngoái, hàng chục hộ dân mua nhà trong dự án KDC Hoàng Quân bức xúc kéo nhau đến trụ sở Công ty yêu cầu làm giấy đỏ vì họ đã chi trả 90% số tiền mua nhà, đất nhưng chủ đầu tư nhiều lần hứa hẹn, quá hạn cam kết, không làm thủ tục tách thửa sang tên. Nguyên nhân chính do chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ nộp 5% diện tích đất ở trong dự án cho quỹ đất công của thành phố, căn cứ vào qui trình triển khai dự án Sở Tài nguyên và Môi trường không thể làm thủ tục cấp giấy cho chủ đầu tư, vậy nên chủ đầu tư không thể tiến hành thủ tục chuyển nhượng, tách thửa, sang tên theo qui định cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà, đất.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong KDC Thiên Lộc còn “trầm ê”.

Việc Công ty Hoàng Quân đã thu tiền bán nhà cho cá nhân, hộ gia đình trước khi hoàn tất kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, nộp tiền sử dụng đất, nộp quỹ đất công, trước khi cơ quan quản lý, chính quyền địa phương thẩm định để cấp giấy đỏ là sự “xé rào” mà các chủ đầu tư đã thực hiện từ nhiều năm trước. Nhiều chủ đầu tư các dự án KDC thương mại trong khu đô thị mới phía Nam sông Cần Thơ đã ngầm bán nền đất ở trên bản vẽ dự án, gom tiền của nhiều người dưới hình thức ký kết “Hợp đồng góp vốn” và thậm chí ký kết cả “Hợp đồng mua bán nhà đất” cho các cá nhân, hộ gia đình mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không kiểm soát được.

KDC Thiên Lộc còn hơn 10ha chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Có thể nói tất cả các dự án KDC thương mại ở khu đô thị Nam sông Cần Thơ này đều bán nền đất ở, nhà ở từ sau khi dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Dự án nào cũng phải “mượn đầu heo nấu cháo”, phải bán trước dưới mọi hình thức để gom tiền đầu tư chứ làm sao có nhiều tiền như vậy đề mà triển khai dự án” – Ông N., một người quản lý hơn chục năm nay của dự án KDC Thiên Lộc, cho biết.

Mua bán nhà đất không tuân thủ trình tự qui định

Cũng như các dự án KDC thương mại khác trong khu đô thị Nam sông Cần Thơ, dự án KDC Thiên Lộc qui mô 42ha, chính thức khởi công từ năm 2004, sau khi có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án của UBND thành phố thì việc gom tiền dưới hình thức “Hợp đồng góp vốn” của hàng trăm người đã được tiến hành. Theo phân tích của các luật sư, bằng hình thức “Hợp đồng góp vốn” nhiều người cứ tưởng là họ đã mua được nền đất ở nhưng thực chất chỉ là việc góp vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Các chủ đầu tư đều có thành lập “Hội đồng thành viên góp vốn” và các điều khoản trong hợp đồng rất ít sự ràng buộc đối với chủ đầu tư còn người góp vốn thì xác suất tỷ lệ rủi ro rất cao.

Trường mẫu giáo trong KDC Thiên Lộc đang được kêu bán giá trị đầu tư công trình kiến trúc trên đất với giá 20 tỉ đồng để trừ nợ thuế và nợ đơn vị thi công.

Thực tế, sau 13 năm triển khai dự án, toàn bộ diện tích đất đã được chủ đầu tư chuyển nhượng, thu tiền nhưng vẫn còn khoảng 10ha chưa được bồi thường, giải tỏa thu hồi đất, chưa có nền để giao cho rất nhiều hộ góp vốn. Trong đó, có nhiều người đã vay vốn tín chấp ngân hàng rồi trừ dần những đồng lương còm cõi hàng tháng kéo dài suốt nhiều năm qua, vẫn chưa có nền đất ở. Ông N., nói: “Muốn giải phóng mặt bằng phần còn lại để có nền giao cho những người góp vốn thì chủ đầu tư phải thương lượng thỏa thuận với các hộ dân bị thu hồi đất, thường thì họ đòi giá quá cao nhưng nói thật nếu những hộ dân này có đồng ý thì chủ đầu tư cũng không còn tiền để bồi thường”.

Đã có rất nhiều người góp vốn kêu cứu tới chính quyền phường Phú Thứ yêu cầu hỗ trợ. Song chính quyền địa phương chỉ có trách nhiệm giải quyết những trường hợp liên quan đến tái định cư còn các quan hệ giao dịch trong triển khai dự án KDC thương mại giữa chủ đầu tư với các đối tác dù căng thẳng hơn nhưng chính quyền địa phương không có trách nhiệm giải quyết. – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thứ, Phạm Văn Tâm, cho hay: “Nhiều hộ góp vốn khiếu nại đến chính quyền chúng tôi chỉ còn cách phân loại nếu hộ nào có ký kết hợp đồng với chủ đầu tư có dấu mộc, có pháp nhân thì tư vấn bà con có thể làm thủ tục khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án, còn trường hợp nào giao dịch “giấy tay” thì... đành “bó tay” thôi, vì tòa án không thụ lý”.

Đẩy khách hàng tới nguy cơ mất tài sản…

Điều khiến những người góp vốn chưa được giao nền đất ở rất hoang mang, vô vọng là hiện nay chủ đầu tư dự án KDC Thiên Lộc còn nợ ngân hàng trên 400 tỉ đồng vay thế chấp bằng giấy đỏ đất trong dự án, không có khả năng hoàn trả; nợ thuế lên tới khoảng 70 tỉ đồng; ngoài ra còn nợ đơn vị thi công các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (trường học),… thì người đại diện chủ đầu tư dự án thì đã qua đời.

Trường phổ thông trong KDC Thiên Lộc cũng đang được kêu bán giá trị đầu tư công trình kiến trúc trên đất với giá 30 tỉ đồng để trừ nợ.

“Trước khi ông ấy mất chúng tôi có hỏi thì nắm được giá trị tổng tài sản đã âm so với số nợ. Việc giải quyết về thừa kế kéo dài đến nay cũng chưa xong bởi 4 người con của ông ấy không ai chịu nhận thừa kế… Do vậy tất cả các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến dự án KDC Thiên Lộc đang dừng lại chờ tòa án phân xử về thừa kế sau đó mới có thể tiếp tục giải quyết khiếu nại cho các đối tượng có quyền lợi liên quan đến dự án này” – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thứ, Phạm Văn Tâm, nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện dự án KDC Thiên Lộc đang tiến hành chuyển nhượng phần giá trị đầu tư xây dựng công trình 1 trường phổ thông và 1 trường mẫu giáo trị giá khoảng 50 tỉ đồng để giải quyết nợ cho đơn vị thi công, nợ thuế. Việc thương lượng bồi thường giải phóng mặt bằng 10ha còn lại để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phân nền, giao cho người góp vốn vẫn chưa có phương án. Việc hoàn vốn ngân hàng để rút giấy đỏ ra tiến hành làm thủ tục tách thửa, sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng cho các cá nhân, hộ gia đình đã ký “hợp đồng mua bán nhà đất” từ nhiều năm qua cũng không có khả năng thực hiện.

Báo TN&MT tiếp tục phản ánh về thực trạng bất cập tại Khu đô thị phía Nam sông Cần Thơ

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Khu đô thị phía Nam sông Cần Thơ: Nhiều hệ lụy vì chủ đầu tư "mượn đầu heo nấu cháo". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng