Thứ sáu, 29/03/2024 04:31 (GMT+7)

KTS. Trần Huy Ánh: 'Bà con lo ngại về bãi đỗ xe ngầm là chính đáng'

Cẩm Anh thực hiện -  Thứ sáu, 08/03/2019 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

PV đã có cuộc trò chuyện với KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội KTS Hà Nội về việc quy hoạch bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội nói chung và dự án bãi đỗ xe ngầm tại Cầu Giấy nói riêng.

Theo ông, việc quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội hiện nay có cần thiết hay không? Và khi lựa chọn địa điểm xây dựng, chúng ta cần phải lưu ý điều gì?

Quy hoạch bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội là rất cần thiết và trên thực tế, thành phố cũng đã và đang triển khai. Tuy vậy, theo những thông tin tôi nhận được thì việc quy hoạch này còn tồn tại nhiều bất cập.

KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội KTS Hà Nội. 

Vị trí các công trình ngầm làm nơi đỗ xe đặt tại những nơi có thể xây ngay, không phải giải phóng mặt bằng, chứ không phải đó là vị trí cần thiết phải xây dựng. Thậm chí nếu xây, bãi đỗ xe ngầm không cải thiện lưu thông trên đường phố mà còn gây rối loạn ách tắc hơn nữa. Tóm lại, tôi cho rằng bản quy hoạch hiện nay có chất lượng rất thấp, không đáp ứng được những yêu cầu cần thiết để đầu tư xây dựng. 

Bố trí bãi đỗ xe ngầm mâu thuẫn với phân vùng hạn chế  phương tiện cơ giới vào trung tâm thành phố (Do liên doanh tư vấn nước ngoài đề xuất). 

Lựa chọn vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm đầu tiên phải là nơi thuận tiện ra vào, không xung đột với các luồng tuyến lưu thông. Có khả năng kết nối, tích hợp với công trình ngầm hiện có như tầng hầm các tòa nhà chung quanh, công trình giao thông ngầm, ví dụ như nhà ga, tàu điện ngầm (vì dù sao cũng phải đào sâu tới tunnel ngầm và tận dụng các không gian ngầm sẵn có) hoặc kết hợp với các công trình hạ tầng ngầm khác như đường thoát nước, bể nước dự trữ, các tunnel cho đường dây, đường ống ngầm…

Việc xây dựng và vận hành, duy tu công trình ngầm rất đắt đỏ, do vậy tích hợp nhiều chức năng vào một công trình ngầm sẽ giảm giá thành và việc cân nhắc nhiều khía cạnh làm cho công trình ngầm được sử dụng tối ưu và đem lại hiệu quả đầu tư cao.

Mới đây, cư dân tòa nhà NO8B đã làm đơn thư gửi Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, phản đối và đề nghị dừng ngay việc triển khai dự án bãi đỗ xe ngầm tại một phần góc phía Đông Bắc, Công viên Cầu Giấy. Ông có thể bình luận những lý do này có đủ lý lẽ để lãnh đạo TP dừng ngay việc triển khai dự án không?

Cá nhân tôi rất cảm kích khi được biết từ năm 2017, lãnh đạo thành phố đã nhận diện được thực trạng “chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”. Nếu khu vực này đã có quy hoạch, dự án này lại phá vỡ quy hoạch đó là việc nên dừng lại ngay.

Hơn nữa, vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 05/CT-TTg yêu cầu tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt .

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân yếu kém trong phát triển đô thị một phần do “công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn tùy tiện”. Nên dừng ngay dự án làm sai quy hoạch chính là TP thực hiện nghiêm túc “tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt”.

Công viên Cầu Giấy. 

Thứ hai, việc xây bãi đỗ xe ngầm, xây khu vui chơi, khu nhà hàng, cửa hàng là không cần thiết bởi “ở phía Đông của công viên cạnh nhà NO9B1 (khoảng cách đến công viên Cầu Giấy là 20m) đã có một nhà để xe nổi 5 tầng; các tòa chung cư xung quanh công viên đều có tầng hầm và diện tích dành cho việc để xe, phía sau tòa nhà NO4B1 là khu đất đã quy hoạch cho việc xây nhà để xe và trung tâm thương mại nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng, chỉ làm nhà tạm…”?

Theo dõi lịch sử phát triển đô thị Hà Nội thì dễ nhận ra Hà Nội bắt đầu xấu dần trong 20 năm gần đây (1998 - 2018). Nhiều vị quản lý yếu kém về chuyên môn nhưng lại có khả năng “biến báo uyển ngữ” phụ trách việc quản lý kiến trúc quy hoạch TP.

Những ý kiến chủ quan, thiếu sự nghiên cứu, phân tích đã khiến các dự án “điểm nhấn” xuất hiện “dày như gai mít”, nhiều quyết định tùy tiện đã làm thay đổi mọi chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch.

Tình trạng đó kéo dài và ngày càng phát triển, dừng lại bây giờ liệu có quá muộn không? Qua ý kiến của dân quanh dự án bãi đỗ xe ngầm tại công viên Cầu Giấy, bà con đã đưa ra các dẫn chứng xác thực, phân tích, tính toán rõ ràng về sự không cần thiết của dự án này.

Ngày nay, các nhà chuyên môn còn dùng nhiều công cụ, phần mềm máy tính để việc phân tích mô phỏng có kết quả tốt hơn. Trong khi cả nước ta đang hướng tới CMCN 4.0, người dân và thành phố nên chăng tham khảo sử dụng công cụ này để đưa ra quyết định chính xác?

Lý do thứ ba, người dân cho rằng, trong thời gian xây dựng, họ sẽ phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn. Một khoảng công viên rộng lớn sẽ bị đóng cửa trong vài năm để phục vụ việc xây dựng. Sau khi xây dựng, bãi đỗ xe ngầm còn là trung tâm thương mại, làm thay đổi một phần chức năng sử dụng đất và ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của toàn khu vực?

Lo ngại của bà con nơi đây là chính đáng, lo ngại của toàn thể cư dân Hà Nội về việc xén bỏ cây xanh để làm những công trình phi công cộng lại càng cần được quan tâm hơn.

Hà Nội ta trong những năm vừa qua dân số nội thành tăng nhanh nhưng diện tích cây xanh tăng không đáng kể. Cuộc sống ngày nay không chỉ cần đủ ăn, đủ mặc mà còn đòi hỏi phải có không gian sống đảm bảo chất lượng. Dự án làm giảm chất lượng cuộc sống thì đương nhiên không nên làm.

Mặt khác công viên, vườn hoa là tài sản công cộng, dự án lại bớt đất công để phát triển công trình thương mại dịch vụ tư nhân, dự án hô biến đất công thành đất tư liệu có đúng luật?

Chung cư NO8B - Khu đô thị mới Dịch Vọng (p. Dịch Vọng, q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội). 

Tiếp đó, người dân cho rằng, trong quá trình xây dựng, những cây to sẽ phải đào bỏ hoặc di dời, chức năng điều hòa thanh lọc không khí sẽ bị hạn chế. Dự án này sẽ đi ngược với chủ trương của thành phố trong những năm gần đây “Hà Nội hướng tới thành phố XANH – SẠCH – ĐẸP”.

Thành phố ta đang mong muốn cư dân, cộng đồng chung tay xây dựng thành phố XANH – SẠCH – ĐẸP. Thiết nghĩ các nhà quản lý cần phải thận trọng, cân nhắc việc có hay không  nên chặt cây xây nhà vì đây sẽ là tấm gương sáng (hoặc ảnh hưởng  tiêu cực) cho đông đảo bà con noi theo. Chúng ta cần chung tay xây dựng thành phố XANH – SẠCH – ĐẸP thực sự chứ không chỉ là khẩu hiệu. 

Giả thiết dự án đưa vào sử dụng, mật độ các phương tiện giao thông sẽ tăng lên gây quá tải và tắc nghẽn. Môi trường, không khí ô nhiễm sẽ gây hại đến sức khỏe của những người dân sống gần dự án. Liệu quan điểm này có đúng, thưa KTS?

Tất cả các tác động tiêu cực từ dự án có thể tính dựa vào kết quả phân tích thông tin địa lý (GISS- Geographic Information System), hoặc đánh giá toàn diện các khía cạnh khác nhau về chi phí xây dựng và bảo trì, các quan điểm và tham khảo cả người dân địa phương bằng công cụ “Phương pháp phân tích theo cấu trúc”(AHP-Analytic Hierarchy Process), nó có tính năng xử lý yếu tố định tính và định lượng cùng một lúc, nhằm áp dụng cho các vấn đề đánh giá phức tạp.

Các chuyên gia giao thông Việt nam có khả năng sử dụng “Lý thuyết đồ thị cập nhật” (UGT-Updated Graph Theory) để phân tích quan hệ tương tác trong mạng lưới đường sá đô thị dự vào các dữ liệu: phạm vi phục vụ, dân số, bố trí hạ tầng, khối lượng, tần suất di chuyển, khả năng chuyển đổi, kết nối trong mạng lưới. Phân tích đa hồi quy cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa các chỉ số để có kết quả phù hợp.

Những công cụ này có thể giúp xác định chính xác, đánh giá thành công của dự án. Vấn đề là Hà Nội có muốn sử dụng hay không mà thôi.

Thưa ông, ngoài các lý do trên, người dân còn nghi ngờ về năng lực của chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ, đơn vị này cũng là chủ đầu tư dự án Bãi đỗ xe ngầm tại Mễ Trì Hạ (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) với tổng kinh phí 300 tỷ đồng. Họ cho rằng trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vi phạm trật tự xây dựng, chậm tiến độ… Do đó, người dân lo lắng sai phạm sẽ lại tái diễn, ảnh hưởng đến cảnh quan sẵn có tại công viên Cầu Giấy, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Vậy về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, theo ông cần phải đáp ứng các tiêu chí nào? Lý do trên của người dân có hợp lý hay không?

Nếu tất cả mọi người dân đã biết rõ như vậy thì các nhà quản lý Thành phố chắc chắn nắm vững năng lực chủ đầu tư tường tận hơn và họ có trách nhiệm trước nhân dân đúng với vị trí công tác, với vai trò là “công bộc của nhân dân” và như vậy cá nhân tôi tin rằng họ sẽ có quyết định sáng suốt.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bạn đang đọc bài viết KTS. Trần Huy Ánh: 'Bà con lo ngại về bãi đỗ xe ngầm là chính đáng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.