Thứ sáu, 29/03/2024 00:38 (GMT+7)

Lá phổi xanh khổng lồ, mát rượi giữa lòng Thủ đô

MTĐT -  Thứ bảy, 03/07/2021 09:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vườn Bách Thảo Hà Nội là một không gian xanh trong lành nhất, mát mẻ nhất của Thủ đô. Giống như một lá phổi xanh điều hòa không khí, nơi đây cảnh quan thiên nhiên đa dạng, có núi, rừng, hồ nước.

Trong những ngày hè nóng bỏng khi nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, không gian trong Vườn bách thảo là sự trái ngược. Thay vì bê tông là rừng cây cổ thụ tỏa bóng mát, nhiệt độ hạ xuống dưới tán lá xanh rậm rì. Người yêu thiên nhiên được đắm mình trong màu xanh cây lá và âm thanh của rừng.

Những vạt rừng cổ thụ đủ sức che mát cho những con đường nhỏ phía dưới. Trước đây, khi mới thành lập vào năm 1890, vườn có diện tích trên 33 ha, ngoài các loại cây sẵn có, các nhà khoa học còn sưu tập trồng các giống cây bản địa quý hiếm từ khắp cả nước, và dẫn giống nhập trồng thí nghiệm các loài cây cỏ lạ từ nhiều vùng trên thế giới.

Đây là một không gian lý tưởng cho nghỉ ngơi và thư giãn. Đi ngược với xu hướng đô thị hóa bên ngoài, là nơi ít thay đổi nhất của thành phố trong suốt nhiều năm qua. Ngay giữa ồn ào phố xá, Vườn bách thảo trở thành một không gian xanh, đủ rộng, đủ yên bình để người ta có thể lạc hẳn vào sự tĩnh lặng rất hiếm hoi của đời sống đô thị. 

Không quá lớn nhưng khuôn viên vườn bách thảo có mặt nhiều loài cây gỗ quý hiếm đặc trưng cho các cánh rừng ẩm nhiệt đới phương Nam. Số loài địa phương chiếm trên 2/3 các loài cây hiện hữu, còn lại 1/3 là các loài cây nhập nội từ nhiều châu lục trên thế giới: châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương.

Cây muồng ngủ (cây còng) khổng lồ có nguồn gốc châu Mỹ (cùng nhiệt đới). Đây là cây gỗ cực lớn, cao từ 15-25 m, trong điều kiện thích hợp có thể cao đến 50 m. Gốc cây ở Vườn bách thảo có chu vi 5-7 người ôm. Tán xòe rộng hình giống mâm xôi, che trùm cả khoảng không gian rộng lớn.

Cây bao báp nguồn gốc châu Phi. Loài cây này thường có chiều cao 5-25 m (ngoại lệ tới 30 m), đường kính gốc cây 7-11 m. Có khả năng lưu trữ nước bên trong thân cây to phình ra, với dung tích lưu trữ tới 120 lít nước để đảm bảo tồn tại trong các điều kiện khô cằn cao cụ thể trong từng khu vực.

Cây bụt mọc cổ thụ. Các loài cây cũng đại diện cho các họ, bộ của hệ thực vật bậc cao có mạch, nổi bật là các loài cây thuộc ngành thực vật hạt trần và thực vật hạt kín.

Cây dầu rái là cây gỗ lớn, thân tròn, thẳng, cao 40-50 m, có thể đạt đến 70 m. Gỗ màu nâu đỏ nhạt, thớ thô, bền. Dầu rái là cây nguyên liệu chế biến sơn, véc ni. Đây là nhóm cây cao nhất trong Vườn bách thảo.

Giữa ồn ào phố thị, Vườn bách thảo trở thành một không gian xanh, đủ rộng, đủ yên bình để thư giãn, nghỉ ngơi, tận hưởng sự tĩnh lặng rất hiếm hoi của đời sống đô thị. Học sinh vui chơi giải trí, du khách có thể tham quan du ngoạn và nghiên cứu về các loại thực vật, các ông bà cụ già cũng tìm thấy nơi đây một không gian xanh yên bình cho những hoạt động tuổi già và bảo vệ sức khỏe.

Trước đây để tăng thêm sự hấp dẫn, rải rác dọc theo lối đi người ta cho xây các chuồng nuôi chim thú. Do đó, Vườn bách thảo còn được gọi là Vườn bách thú.

Núi Nùng, đây là một giải pháp cho cảnh quan bớt đơn điệu do địa hình bằng phẳng, các nhà thiết kế vườn đã cho đắp một ngọn đồi thấp đặt tên là núi Nùng kèm theo nhiều bãi cỏ và tạo dựng các lối đi quanh co dưới tán những cây gỗ sum sê.

Vì không gian và môi trường trong lành, nhiều người nhà xa phải đi xe máy đến để được rèn luyện thể thao tại đây.

Cây săng đào. Cây chủ yếu mọc trong rừng nhiệt đới thường xanh; ở nơi có độ cao dưới 700 m. Cây có thể mọc lẫn với Gụ mật; Vối thuốc; Chiêu liêu; đôi khi tạo thành các đám rừng thuần loại. Trong bảng phân loại gỗ ở Việt Nam thì săng đào được xếp vào nhóm 2, cùng hạng với các cây gỗ quý khác như: đinh, lim xanh.

Ngày nay, Vườn bách thảo được quy hoạch lại chỉ còn khoảng trên 10 ha. Tuy vậy không vì thế mà thiên nhiên nơi đây kém đi phần hấp dẫn, nó còn trở nên quý giá hơn nhiều khi xu hướng nhà cao tầng đang lấn át cây xanh.

Vạt rừng xanh trong Vườn bách thảo.

Theo Hữu Nghị/ Dân Trí

Bạn đang đọc bài viết Lá phổi xanh khổng lồ, mát rượi giữa lòng Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.