Thứ sáu, 29/03/2024 17:36 (GMT+7)

Người dân Hà Nội với cơn khát không gian công cộng

MTĐT -  Thứ năm, 20/05/2021 14:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù đang sống ở những khu đô thị hiện đại nhưng người dân Hà Nội đang phải chịu cảnh bức bí do thiếu không gian cho những hoạt động cộng đồng.

Hà Nội bước vào những ngày nắng nóng cao điểm của mùa Hè năm 2021 cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp cần người dân thực hiện hạn chế tụ tập nơi công cộng. Thế nhưng vào những ngày cuối tuần hay buổi chiều tối tại các khu vực như hồ Tây, Công viên Yên Sở, Công viên hồ Linh Đàm… vẫn chật kín người đến hóng mát, vui chơi, tập thể dục, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Thực trạng này phần nào phản ánh cuộc sống người dân đô thị đang ngày càng bị bó hẹp trong "hộp ngủ" dày đặc, không gian công cộng, không gian xanh phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, thư giãn… tại các khu dân cư, khu đô thị đang bị thiếu trầm trọng.

Sau khi TP Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, khu vực phát triển tính từ Vành đai 2 trở ra là những khu đô thị mới, đường phố mới rộng vài chục mét với hàng trăm tòa nhà cao hàng chục tầng. Thế nhưng, chính những nơi được coi là phát triển hiện đại này lại rất thiếu cây xanh, mặt nước, công viên, không gian công cộng… Mặc dù đang sống ở những khu đô thị hiện đại nhưng không chỉ vật vã, khổ sở vì quá tải, ùn tắc vì thiếu đường đi lại, người dân còn phải chịu cảnh bức bí do thiếu không gian cho những hoạt động cộng đồng. Ông Trần Đức Hậu, cư dân khu T5 Linh Đàm cho biết, cư dân về ở từ năm 2015, gồm 16 tòa chung cư cao tầng, 600 căn biệt thự với 10.000 dân nhưng không có phòng sinh hoạt cộng đồng, thiếu công viên, vườn hoa, chỗ vui chơi cho trẻ em nên nhiều gia đình chỉ còn cách ra Công viên hồ Linh Đàm để thư giãn, tập thể dục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khi đó, khu vực nội đô lịch sử, nơi tập trung dân cư đông đúc nhưng đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Một số công viên lớn như Thủ Lệ, Thống Nhất, Indira Gandhi, Tuổi trẻ… lại chưa được chú trọng đầu tư, duy tu sửa chữa thường xuyên nên dần xuống cấp, không thu hút người dân tham quan, sinh hoạt. Theo KTS Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án TP Sống tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người. Thậm chí, theo thống kê tại khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng 13 vườn hoa, với diện tích chia theo đầu người thì mỗi người dân ở đây chỉ có khoảng 0,1m2. Đặc biệt, tại khu vực phố cổ còn hạn hẹp hơn, khi gần 7 vạn người mới có duy nhất vườn hoa Đường Thành, phường Cửa Đông với diện tích 990m2. Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các TP trên thế giới.

Theo phân tích của PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), không gian công cộng của Hà Nội đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị mới mọc lên trong khi diện tích đất dành cho mục đích công cộng không được chú trọng. Bên cạnh đó, không gian công cộng còn đang bị hiện tượng thương mại hóa, tư nhân hóa. Diện tích vỉa hè bị lấn chiếm bởi các hộ kinh doanh do sự phân biệt về công, tư không rõ ràng. Trong khi nhiều nơi không gian công cộng phải nhường chỗ cho những bãi đỗ xe hay việc mở rộng hạ tầng giao thông.

Theo chuyên gia này, thời gian gần đây, Nhà nước và các cấp chính quyền cũng đã có những sự quan tâm nhất định đến không gian công cộng như diện tích trồng cây xanh được mở rộng, số lượng các công viên nhiều hơn, tổ chức các tuyến phố đi bộ… nhưng diện tích cho không gian công cộng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. “Giành lại các không gian công cộng và vận hành nó tốt trong TP thì phải có sự tham gia của cộng đồng, bởi chính quyền sẽ không thể lo hết. Cần phải có sự liên kết giữa những nhà quản lý đô thị với các DN để tạo nên nhiều hơn các không gian công cộng cho người dân” - PGS.TS Phạm Quỳnh Phương nhấn mạnh.

Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Thủ đô đang đứng trước một giai đoạn phát triển về chất chứ không phải theo số lượng. Bởi vậy, không có lý do gì chúng ta không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng chúng ta dù không phải TP giàu nhất nhưng là TP vì con người nhiều nhất. Về giải pháp, ông Trần Huy Ánh cho rằng, khi có quyết tâm sẽ tìm ra cách để tạo ra không gian ưng ý và đủ sức thu hút người dân. Ông lấy dẫn chứng, trong 5 năm qua, một quận có diện tích chật hẹp như Hoàn Kiếm đã sáng tạo và lập ra 13 không gian công cộng, điển hình như không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố nghệ thuật Phùng Hưng, không gian công cộng ven sông Hồng tại phường Phúc Tân…

Đáng chú ý, Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, một trong 19 chỉ tiêu cụ thể được xác định là cải tạo nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có và đầu tư xây dựng mới 5 công viên, vườn hoa… Để cụ thể hóa, mới đây, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát thực trạng công tác quản lý, duy tu, duy trì công viên, vườn hoa trên địa bàn TP Hà Nội. Các giải pháp về đầu tư, quản lý sau đầu tư trong thời gian tới. Kế hoạch, danh mục công viên, vườn hoa cụ thể đề xuất đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2021 - 2025. Thực trạng công tác trồng, chăm sóc, duy tu duy trì cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch, đề xuất trồng mới, thay thế trên tuyến phố cũ và trồng mới trên các tuyến đường, tuyến phố mới mở giai đoạn 2021 - 2025... Như vậy, trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ có nhiều hơn không gian công cộng cho người dân Thủ đô.

PV (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Người dân Hà Nội với cơn khát không gian công cộng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ