Thứ sáu, 26/04/2024 02:25 (GMT+7)

Nguy cơ đánh mất “hồn đô thị” trước cơn lốc “đô thị hóa”

MTĐT -  Thứ ba, 11/06/2019 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong cơn lốc đô thị hóa, các đô thị lớn của Việt Nam như TP. HCM, Hà Nội đang đứng trước nguy mất dần “hồn đô thị”.

Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng qua (10/6), nhiều chuyên gia đã nêu quan điểm của mình về vấn đề này.

Di sản kiến trúc đang mất dần

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận định những khái niệm “đô thị thông minh”, “thành phố hiện đại”, “quá trình đô thị hóa”... đang ngày càng hình thành rõ nét trong sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không thể phủ nhận giá trị to lớn mà các di sản kiến trúc mang lại. Thực tế, nhiều di sản kiến trúc đã trở thành biểu tượng của các thành phố lớn tại VN và trên thế giới, thậm chí trở thành thương hiệu quốc gia.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhấn mạnh: Di sản tạo ra sức hấp dẫn vô cùng tận cho điểm đến du lịch. Nhưng cũng chính sức hút ấy đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch di sản, một mặt tạo ra những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu để bảo tồn chính di sản văn hóa đó. Tuy nhiên, cũng chính quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đang gieo rắc không ít những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, dẫn tới những hệ lụy phải trả giá đắt.

Một ngôi biệt thự cổ tại 110-112 Võ Văn Tần (Q.3) nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing.

Một hiện tượng đáng báo động khác tại TP.HCM chính là sự mất dần của các di sản kiến trúc, trong đó điểm hình là các biệt thự cổ. Mới đây nhất là hồi tháng 4 vừa qua, một số chuyên gia bảo tồn và kiến trúc sư tình cờ khảo sát hiện trạng biệt thự cổ ở TP.HCM phát hiện hiện trạng 2 căn biệt thự cổ tại địa chỉ 68 Phạm Ngọc Thạch và 45B Võ Thị Sáu (Q.3) đã bị tháo dỡ gần như hoàn toàn.

Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM), toàn thành phố hiện có khoảng 1.300 biệt thự kiến trúc cổ, rất nhiều trong số này thuộc sở hữu tư nhân. Tình trạng chủ sở hữu tự ý tháo dỡ biệt thự cổ, hay tự cải tạo đã làm sụt giảm con số thống kê trên. Điều này đồng nghĩa với sự ra đi của không ít công trình kiến trúc cổ mang trong mình những giá trị di sản về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật…

Công trình thương mại mang lại giá trị kinh tế cao hơn

PGS.TS.KTS Trần Văn Khải, Giảng viên môn Bảo tồn di sản tại nhiều trường đại học, thừa nhận thực tế trên và cho rằng, bảo tồn di sản kiến trúc là việc làm rất khó khăn, nhất là những công trình này hầu hết đều nằm trên những vị trí vàng, vị trí kim cương, có thể mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều khi xây dựng công trình thương mại mới.

Quá trình đô thị hóa dần làm mất đi phần hồn của các đô thị. Ảnh minh họa.

“Muốn bảo tồn và phát triển di sản thì phải làm sao để người sở hữu di sản “sướng” hơn người không có di sản. Còn ngược lại, người dân sẽ tìm cách phá hủy di sản để có lợi ích lớn hơn”, KTS.Trần Văn Khải nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: Việc bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người dân sống trong các di sản đó. Hay nói nói một cách khác, lợi ích cốt lõi của các cá nhân, tổ chức sở hữu di sản, đó là quyền phát triển khu đất có di sản cảnh quan kiến trúc.

Chính vì vậy, theo KTS.Trần Văn Khải, Nhà nước có thể áp dụng các chính sách về quy hoạch sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách thuế... để bảo tồn di sản. Trong đó, có thể cần áp dụng cơ chế chuyển đổi quyền sử dụng đất cho chủ sở hữu di sản sang một khu đất khác có giá trị tương đương để giữ lại di sản, biến chúng thành các di tích, địa điểm bảo tồn, tham quan...

Nói về vấn đề này, KTS Cao Thành Nghiệp - Thành viên Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng, với một khu đất có di sản, DN vẫn có thể giữ gìn và phát huy giá trị khu đất. Có rất nhiều giải pháp quy hoạch, thiết kế công trình vẫn bảo đảm giá trị cho chủ đầu tư, đồng thời đảm bảo giá trị di sản. Vì vậy xin đừng bao giờ xem di sản là bất động sản, vì nó có giá trị cao hơn rất nhiều. Nếu xóa đi di sản là xóa đi văn hóa, xóa đi bản sắc thì Sài Gòn chỉ còn cái tên. Rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư cũng như các nhà nghiên cứu, cơ quan truyền thông để cứu di sản.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ đánh mất “hồn đô thị” trước cơn lốc “đô thị hóa”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.