Thứ sáu, 29/03/2024 20:37 (GMT+7)

Những “đòn bẩy thép“ đưa Thủ đô bước vào thập kỷ mới

MTĐT -  Thứ bảy, 20/02/2021 10:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hạ tầng giao thông luôn được coi là bước tạo đà để phát triển đô thị của một quốc gia. Một Hà Nội năng động, hiện đại ngày hôm nay có sự đóng góp quan trọng của những cây cầu và con đường.

Những con đường vẽ nên Thủ đô Hà Nội

Khu Ngoại giao đoàn Võ Chí Công là một trong những khu đô thị mới hiện đại của Thủ đô

Thủ đô Hà Nội đang mở rộng, phát triển không ngừng với tầm vóc mới. Từ một thành phố hơn 30 vạn dân, đến nay Hà Nội đã có 7,6 triệu dân với khoảng 5 triệu xe máy, gần 500.000 ô tô, chưa tính 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. 

Những con đường mới đem đến diện mạo hiện đại cho thành phố

Sự phát triển không ngừng ấy bắt buộc Hà Nội phải đổi mới. Công cuộc đổi mới, mở cửa đã mang đến cho người dân hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông hoàn thiện và phát triển chưa từng có. Đó là hệ thống giao thông khu vực vành đai với đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và sắp tới là vành đai 4, vành đai 5 cùng các tuyến đường sắt trên cao, các tuyến metro chạy ngầm…

Đường đua công thức 1 ở Hà Nội

Đường vành đai 3 dài khoảng 65km, đi qua các quận, huyện: Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Gia Lâm, Đông Anh. Trên đường vành đai 3 có đường cao tốc trên cao, nối Hà Nội tới các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai…; phía Nam đi Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… qua tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vô cùng thuận lợi.

Đường vành đai 3 và đường cao tốc trên cao khi đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết lưu lượng lớn xe tải, xe con, xe khách, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa vào địa bàn Hà Nội. Từ tuyến đường này có thể đến bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, sân bay Nội Bài…

Đường vành đai 3 đoạn qua hồ Linh Đàm

Bắt đầu từ đường vành đai 3, những con đường nối Hà Nội với các tỉnh, thành lân cận cũng vô cùng thuận lợi với cao tốc Hà Nội - Lào Cai nằm trong vành đai kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Từ Nội Bài có tuyến quốc lộ 18 đi Bắc Ninh, Quảng Ninh tới cửa khẩu Móng Cái. Từ Hà Nội, chúng ta có quốc lộ 6 hướng đi Tây Bắc với các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên…

Qua sông Hồng, quốc lộ 5 đi Hải Phòng đã trở thành tuyến giao thông quan trọng, vừa thuận lợi đi lại cho nhân dân, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế khi nối liền Hà Nội với cảng Hải Phòng…

Đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long

Bên cạnh đó, đường vành đai 2 cũng được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng. Những dự án mới được đưa vào khai thác như tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn qua Nhật Tân - Xuân La, cầu cạn Vành đai 2 qua đường Trường Chinh… cũng góp phần giúp cho giao thông Thủ đô ngày càng thuận lợi.

Cầu cạn Vành đai 2 qua đường Trường Chinh

Khu vực nội đô lại có những cây cầu vượt nhằm giải tỏa ách tắc giao thông vào giờ cao điểm tại nơi đông dân cư như ngã tư Láng Hạ - Thái Hà, Chùa Bộc - Tây Sơn, Láng - Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt - Bạch Mai…

Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt

Sắp tới, chúng ta sẽ có thêm lựa chọn di chuyển với những tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Ga Hà Đông, Nam Thăng Long - Tây Hà Nội…

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Sau hơn 10 năm mở rộng Thủ đô (từ năm 2008 đến nay), Hà Nội đã cải tạo, mở rộng và xây dựng mới được một hệ thống đường giao thông lên tới hơn 7.500km, trong đó có 20% là tuyến đường chính, 7 trục hướng tâm và 3 tuyến vành đai cùng nhiều cây cầu vượt ở các nút giao thông…

Đường cao tốc Láng - Hòa Lạc hay còn gọi là Đại lộ Thăng Long

Những cây cầu vắt ngang sông Hồng

Từ chỉ có duy nhất cây cầu Long Biên, Hà Nội nay đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, bao gồm cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân. Những cây cầu hiện đại biến sông Hồng từ “vành đai” thành con sông nội đô mang vẻ đẹp không nơi nào có được.

Cầu Long Biên (ảnh sưu tầm)

Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1898 và hoành thành năm 1902 từng là cây cầu duy nhất bắc qua sông Hồng của Hà Nội. Là một trong 4 cây cầu thép lớn nhất châu Á, cầu Long Biên được coi là công trình kiến trúc đẹp, độc đáo trong khu vực. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, cầu Long Biên như một chứng nhân lịch sử, một phần không thể thiếu của thành phố.

Cầu Thăng Long

Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974. Và 11 năm sau, cây cầu nối Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài mới hoàn thành, mở ra một cuộc dịch chuyển lớn về giao thông giữa Thủ đô ra quốc tế và các vùng. Đến nay, cầu Thăng Long vẫn giữ vai trò huyết mạch khi là điểm đến sân bay Nội Bài, nối Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc. Vậy nên, cầu Thăng Long không chỉ mang trong mình sứ mệnh kết nối các vùng miền trong nước với Thủ đô mà còn kết nối với quốc tế.

Cầu Thăng Long

Cũng từ cầu Thăng Long, Hà Nội mở tuyến vành đai III để đi ra các tỉnh phía Nam và đồng bằng sông Hồng. Nay, từ cầu Thăng Long đi về phía Nam có đường vành đai III trên cao ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi Nam Định, Thái Bình hay Ninh Bình, Thanh Hoá chỉ vài mươi phút. Thế mới thấy, cây cầu được xây dựng cách đây 40 năm đóng vai trò quan trọng thế nào trong hệ thống hạ tầng giao thông của cả nước.

Cầu Nhật Tân

Cầu Nhật Tân là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng. Công trình kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay Quốc tế Nội Bài.

Cầu Nhật Tân

Đặc biệt, cây cầu Nhật Tân được thiết kế dạng cầu dây văng bắc qua sông Hồng, đoạn qua làng đào Phú Thượng và Đông Anh mới được khai thác đã làm mới trông thấy diện mạo giao thông của Thủ đô. Ngoài việc mang lại một điểm nhấn về cảnh quan, cầu Nhật Tân được triển khai đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc tới trung tâm Hà Nội.

Ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển với hệ thống giao thông 4 tầng

Có thể nói, bên cạnh những thành tựu về giao thông, chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại phải khắc phục, đó là sự phát triển thiếu đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông với sự phát triển của các phương tiện giao thông, là năng lực quản lý hệ thống giao thông đô thị… Nhưng, có thể đánh giá rằng, sự thay đổi của giao thông Thủ đô Hà Nội khiến người đi xa trở về phải ngỡ ngàng. Hà Nội hôm nay đã có những bước phát triển vượt bậc.

Hà Nội của năm xưa là 36 phố phường, là tiếng tàu điện leng keng. Còn Hà Nội của hôm nay là những tòa nhà cao tầng san sát, là những con đường 6 làn thênh thang và là những cây cầu thép dây văng. Hà Nội đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện về mọi mặt trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn nhất cả nước.

Theo Trịnh Tây/Reatimes

Bạn đang đọc bài viết Những “đòn bẩy thép“ đưa Thủ đô bước vào thập kỷ mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới