Thứ sáu, 29/03/2024 06:24 (GMT+7)

Quảng trường: Tên nào mới dễ để đời?

MTĐT -  Thứ năm, 01/11/2018 08:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đặt tên đường phố, quảng trường, công trình... thật dễ nếu đặt bằng số, nhưng thật khó khi lấy tên các nhân vật chính trị, lịch sử, quân sự, các danh nhân và cả thường nhân.

Cách nay không lâu, gặp lại người bạn Cuba là cháu của Fidel Castro, cùng học với nhau ở Đại học Lomonosov, tôi hỏi chuyện tại sao Fidel không muốn để lại dấu ấn vật chất sau khi mất, ông ta nói những năm cuối đời Fidel đã chiêm nghiệm lại và có những thay đổi về nhận thức. Những người lãnh đạo Cuba hiểu rằng rồi sẽ đến lúc phải từ bỏ những giáo điều khô cứng, phải đi đến dân chủ đại nghị, khi ấy hơn một triệu người Cuba lưu vong (chiếm hơn 10% dân số) sẽ quay trở về, khi họ có vị thế chính trị thì mọi chuyện có thể diễn ra giống như ở Liên Xô sau 1990.

Tôi đã quay trở lại Nga, Ukraina, Belarusia, Uzbekistan, đến những nơi mà ngày xưa từng chụp ảnh dưới các tượng đài, quần thể tượng đài, quảng trường... nay không còn một vết tích gì nữa. Đã một thời ở bất cứ đâu trên đất nước rộng lớn ấy, chúng ta đều thấy họ và cả những thứ liên quan đến họ được sùng bái như vợ, gia đình, dòng họ, làng quê, trường học, điều đó khiến tôi đã từng nghĩ đó là vĩnh cửu. Dần tôi nhận ra, cái vĩnh cửu nhất là cái mà nhân dân lựa chọn.

Được biết lãnh đạo TP.HCM đề xuất với Trung ương cho quảng trường trung tâm trên bán đảo Thủ Thiêm mang tên Hồ Chí Minh. Đó là một đề xuất nghiêm túc mang ý nghĩa chính trị cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị vĩ đại mà còn là nhà văn hóa lớn, với tầm vóc và đạo đức như thế tôi tin chắc rằng người sẽ sống mãi với dân tộc này. Nhưng có hai điều chúng ta cần suy nghĩ, thứ nhất tên Bác đã đặt cho một thành phố lớn và đông dân nhất rồi, thì có nên đặt tên cho một quảng trường trong chính thành phố không, bởi quảng trường nói cho cùng dù to lớn đến đâu chỉ là một bộ phận trong hàng nghìn thành tố hợp thành đô thị. Trong khoa học, một trong số những điều tối kỵ là đặt trùng tên trong công trình, hay trùng định danh thành phần trong một tổng thể; thứ hai, trong nghệ thuật cái gì có quá nhiều phiên bản, xuất hiện quá nhiều nơi chốn sẽ trở nên tầm thường và nhàm chán, tương tự như thế các biểu tượng cao quý nhưng xuất hiện vô tội vạ, kể cả ở những nơi không đáng thì sự linh thiêng và trân quý không chắc đã cao. Cho đến nay, chúng ta không hiểu hết được chiều sâu tư tưởng của Bác cho nên đã không làm đúng ý nguyện của Người. Ba quả đồi rợp bóng cây xanh ở ba miền Bắc, Trung, Nam, ở đó có phần tro cốt của Bác sẽ là vĩnh cửu, bởi khi đó đích thực Người hóa thân vào hồn cốt dân tộc. 

Ảnh: Andy Le

Ở mỗi một vùng đất được hình thành từ mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ sẽ có những kỷ niệm, những ký ức, những hình ảnh và cả những tên gọi được đóng đinh vào tâm tưởng của tất cả mọi người, mọi thế hệ cho dù họ sống ở đó hay phải di cư đến nơi khác do hoàn cảnh lịch sử can dự. Những dấu ấn ký ức đó có sức sống cực kỳ mãnh liệt, và tồn tại bất chấp hoàn cảnh lịch sử - chính trị, cho dù thế lực này khác muốn xóa bỏ nó bằng các mệnh lệnh hành chính, thậm chí xóa sổ nó trên thực địa thì nó vẫn cứ tồn tại một cách dai dẳng khi âm ỉ khi bùng phát. Người dân ở một thành phố nước Nga sẽ không bao giờ quên trận đánh lớn nhất và đẫm máu nhất trong đại chiến thế giới lần thứ hai diễn ra tại thành phố của họ, nhưng khi chọn tên cho thành phố này sau khi Liên Xô tan rã, họ không giữ tên cũ của nó là Stalingrad nữa mà chọn tên dòng sông đã sống với họ hàng nghìn năm theo chiều dài của những đời người. Đó là thành phố Volga. 

Vùng đất Sài Gòn có những cái tên để đời như thế. Những địa danh như Gia Định, Sài Gòn, Bến Nghé; những tên con đường như Duy Tân, Tự Do, Công Lý; những địa điểm như Tao Đàn, Givral… đã đi vào tâm trí của hàng triệu triệu người dân sinh ra, lớn lên, có thời gian làm ăn sinh sống ở mảnh đất này. Những cái tên đó cần được phục hưng, cần được tái sinh một cách chính danh trên bản đồ hành chính, với các danh xưng trên phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn quốc tế, bởi chúng hoàn toàn xứng đáng tồn tại trên mảnh đất không phải của riêng cá nhân, tổ chức, đảng phái nào. Nó là tài sản của cha ông ta, của những người đi trước, của tiền nhân, kể cả của những người không phải là người Việt Nam đã đến đây. Họ đã đổ mồ hôi, công sức, xương máu, khai phá dựng xây thành phố này một cách thành tâm. Một khi nhận thức được như thế thì vấn đề còn lại chỉ là các công tác kỹ thuật.

Những cái tên gắn liền với dòng chảy nhiều thế hệ đời người thì không đơn giản chỉ là một cái tên để gọi mà đó là hồn cốt, là sức mạnh và chính là lịch sử cần nâng niu.

Một ví dụ điển hình nhất, chưa bao giờ cái tên Sài Gòn lại được nhắc đến nhiều như lúc này. Người sống ở đây lâu đã đành, đến người mới đến cũng chuộng xưng danh “Tôi là người Sài Gòn”, lạ là nhiều người nước ngoài cũng “I am Saigonese”. Chưa bao giờ sách nghiên cứu, truyện, ký, tiểu thuyết xuất bản mang tên “Sài Gòn” nhiều như thế, cái tên này cũng xuất hiện ngày một nhiều ở nước ngoài, không chỉ trong lúc chuyện trò mà ngay cả trên các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, triển lãm, biểu diễn trên thế giới. Khu vực downtown (930 ha) của TP.HCM mang tên Sài Gòn có gì là không hợp lý, ngay trên các bản đồ du lịch in ở nước ngoài họ đã sử dụng tên này rất phổ thông, sẽ là hợp lòng dân nếu quảng trường mới mang tên Thủ Thiêm, người dân sẽ vui khi mà khu vực đô thị mới hoành tráng ở Tân Cảng - Ba Son mang tên khu đô thị Bến Nghé, hay khu đô thị Đông thành phố mang tên Gia Định.

Nếu nhìn ra rộng hơn và nhìn sâu hơn vào quá khứ sẽ thấy việc tái cấu trúc TP.HCM hôm nay sẽ hợp lý hơn nếu thành lập tỉnh Gia Định (nên nhớ Gia Định xưa bao gồm hầu hết vùng đất Đông và Tây Nam Bộ), như thế trong tỉnh Gia Định có nhiều thành phố và thị trấn như TP.HCM, TP. Sài Gòn, TP. Phú Mỹ Hưng, TP. Đại Học, thị trấn Củ Chi, thị trấn Thủ Thiêm… tất nhiên các thành phố sẽ được xếp theo thứ bậc và vị thế của nó. Thành phố Matxcova nằm trong tỉnh Matxcova, thành phố Seoul nằm trong tỉnh Gyeonggi, và thủ đô Hà Nội nằm trong tỉnh Thăng Long như nhiều nhà khoa học đề xuất có gì là bất thường đâu. 

Những cái tên gắn liền với dòng chảy nhiều thế hệ đời người thì không đơn giản chỉ là một cái tên để gọi mà đó là hồn cốt, là sức mạnh và chính là lịch sử cần nâng niu. Trong nhiều trường hợp, chỉ nội việc dũng cảm phục hưng một cái tên thôi đủ cho ta thấy tầm vóc và trí tuệ của nhà lãnh đạo, há đó chẳng phải là cách thu phục lòng dân đó sao? 

Theo Người Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Quảng trường: Tên nào mới dễ để đời?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.