Thứ sáu, 29/03/2024 05:55 (GMT+7)

Quy hoạch Đà Lạt: Cố trả lời cho một câu hỏi sai?

MTĐT -  Thứ sáu, 05/04/2019 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyện công trình mới, cũ, rồi di sản nói mãi chẳng hết. Di sản không chỉ được định nghĩa là một công trình cũ, được xây dựng từ ngày xửa ngày xưa.

Con người cũng vậy, có những người ‘‘càng già càng bé lại‘‘,ngược lại có những người càng già càng uyên thâm, càng đáng trọng. Nói vậy để thấy, công trình cũng như đời người, giá trị của nó cần được xác định bởi giá trị tự thân và mối quan hệ, ảnh hưởng của nó đến môi trường, bầu không khí đô thị.

Hình ảnh hiếm hoi mà chúng ta lưu giữ được về khu vực quảng trường Hòa Bình ở Đà Lạt, không biết rằng các nghiên cứu tiền khả thi đã được thực hiện hay chưa. Cho đến nay dư luận nên cần quan tâm về vấn đề này.

Bảo tồn di sản phải là một khoản ‘’Đầu Tư’’ chứ không phải là một ‘’Chi Phí’’. 

Dù chưa được làm nhiều dự án ở Việt Nam, nhưng tôi đã tham gia các đồ án cải tạo, tái định hướng các thành phố nhỏ hoặc thị trấn ở nước ngoài. Có đồ án thì tôi được chủ trì nghiên cứu và đề xuất (như là nghiên cứu cho Kriens, Thụy Sĩ), có đồ án thì tôi chỉ tham gia một phần nhỏ trong kế hoạch tổng mặt bằng (như là ở vùng Dornburg, Đức), có đồ án thì làm việc trực tiếp với chủ sở hữu của di sản (như ở Parras de la Fuente, ở tận bên Mexico), có đồ án thì chỉ làm việc với Sở ban ngành địa phương (như tại cảng Shina, Tongyeong, Hàn Quốc). Tôi nhận ra rằng, trong bất kì đồ án nào, Kiến trúc sư (KTS) luôn chỉ giữ một vai trò nhỏ. 

Thông thường, trước khi KTS tham gia nghiên cứu phương án kiến trúc thì đã có một cuộc nghiên cứu tiền khả thi, được thực hiện một cách liên ngành bởi các nhà nghiên cứu xã hội, giới Chủ đầu tư, Thành phố, đại diện Hội đồng nhân dân, các chuyên gia về cảnh quan phức hợp đô thị, các chuyên gia về bảo tồn, đội ngũ tư vấn về địa kinh tế, địa chính trị, tư vấn về chuỗi chương trình (programming) … Nghiên cứu này nhằm mục tiêu đánh giá tiềm năng “Phát triển” ở địa phương đó chứ không phải là chuyện giữ lại cái gì hay phá bỏ cái gì.

Ở Việt Nam sự “Phát triển” thường gắn liền với việc đập đi xây mới và dễ có liên tưởng đến văn hóa tiêu dùng. Có lẽ, nguyên nhân là do tư tưởng đặc thù cố hữu của chúng ta sau chiến tranh, cái gì cũng phải mới, phải đàng hoàng, to đẹp, đã là “cũ” thì chỉ là tàn dư, cần loại bỏ đề bước vào một thời đại mới (theo những đánh giá có phần chủ quan). Đối với những nhà nghiên cứu tiền khả thi của đồ án, sự “Phát triển” được hiểu theo một hướng rất khác, họ sẽ chỉ tập trung vào chứng minh bảo tồn di sản văn hóa là một khoản “Đầu tư” chứ không phải là một “Chi phí”. Các vấn đề không thể tách rời khỏi kinh tế chính trị. Từ những năm 1950, các thành phố châu Âu đã gánh chịu hậu quả nặng nề bởi sự tăng trưởng kinh tế theo lý thuyết truyền thống đã làm mờ đi bản sắc đô thị lâu đời và trầm tích của chúng. Sự cạnh tranh kinh tế cũng làm tăng mối quan hệ thống trị và phụ thuộc giữa các lãnh thổ. Chính vì thế, sự phát triển mà chỉ coi trọng tăng trưởng kinh tế là không đủ trong thời đại này, nó cũng cần phải tập trung vào các vấn đề môi trường và xã hội nữa. Điều này có nghĩa là sự “Phát triển” thực sự phải là một quy trình nhằm đạt được sự cải thiện về môi trường, kinh tế và xã hội từ cấp địa phương cho đến toàn cầu. Hoạt động này phải sinh lợi, hơn thế nữa nó phải là một trạng thái được duy trì ở một mức độ ổn định vô thời hạn và hạn chế các mất mát không thể phục hồi có thể xảy ra ở mọi khía cạnh. Do vậy, nếu không chứng minh được cho khả năng “Đầu tư” thì người ta sẽ không coi đối tượng nghiên cứu là di sản. Thêm vào đó, trong nghiên cứu tiền khả thi, các đơn vị tham gia phải thảo luận với nhau để đảm bảo rằng, phương án đưa ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà còn không ảnh hưởng đến khả năng các thế hệ tương lai đạt được chúng (trách nhiệm liên thế hệ trong sử dụng tài nguyên – mà trong đó, di sản được coi là một dạng tài nguyên).

Chuồng bò ở Đức và Rạp Hòa Bình ở Đà Lạt

Sự nghiên cứu trên nghe qua thì có vẻ như rất phức tạp nhưng trên thực tế nó chỉ là mục tiêu để hướng đến cho tất cả các tình huống, bối cảnh. Nghiên cứu ấy không chỉ được thực hiện ở quy mô lớn như cả một đô thị, mà có thể chỉ thực hiện ở quy mô rất nhỏ như một ngôi làng, một nhóm công trình hoặc một công trình. 

Trên lý thuyết, thì sự phát triển của một đô thị nên là một quá trình tăng trưởng chậm và kéo dài, bất kì một công trình nào phát sinh cũng có lí do và là thai nghén tử những đòi hỏi cụ thể. Chính vì vậy khi một công trình tồn tại đủ lâu thì nó cũng là minh chứng rằng công trình đó đã đáp ứng được các yêu cầu của một thời đại và được thời đại đó chấp nhận, bất kể đó là công trình gì. Tựa đề Chuồng bò ở Đức và Rạp Hòa Bình ở Đà Lạt không hề có ý hạ thấp giá trị của các công trình ở Đà Lạt hay nâng tầm một chuồng bò vô danh bên châu Âu. Đó là một câu chuyện ám chỉ rằng các công trình cũ cần được đánh giá, xem xét cẩn trọng để xem rằng nó là một di sản hay không phải là một di sản. Sau đây là một ví dụ thực tế có thể kể ra: 

Khi tham gia vào một đồ tái định hướng cho một làng nhỏ ở miền trung nước Đức, tôi cũng băn khoăn không biết có nên giữ lại một cấu trúc trên mặt bằng tổng thể hay là loại bỏ nó. Sau khi làm việc với nhóm nghiên cứu tiền khả thi thì được biết đó là một cái Chuồng bò cũ được xây cách đây 120 năm. Nhà rất cũ, sàn mục ruỗng, cột kèo xiêu vẹo tới mức nhiều người có lẽ chỉ muốn phá banh nó ra mà xây vào đấy cái quán rượu cho xong (làng này xưa truyền thống nấu rượu và chăn nuôi gia súc).

Sau nhiều cuộc thảo luận, nhóm nghiên cứu tiền khả thi đã đi đến kết luận sau: “Phải giữ lại cái Chuồng bò đấy như một phần di sản của làng”. Tài liệu nghiên cứu hàng trăm trang bao gồm bản vẽ, thống kê, phiếu phỏng vấn, các bảng tính toán về độ hiệu quả kinh tế, đầu tư, khả năng tạo ra lợi nhuận… được gửi cho tôi và qua đó nêu bật lên các ý sau:

1- Nó được coi là cấu trúc nhân tạo văn hóa xuất hiện qua hơn một thế kỷ. Đó là di sản (ký ức văn hóa) của các thế hệ trong quá khứ cần được đề lại cho thế hệ tương lai (được coi như trung tâm lịch sử) như một yếu tố cơ bản của bản sắc.
2- Nó được coi là cảnh quan xã hội nằm trong các mạng xã hội/ dân sự. Sự đóng góp của nó vào tổng mặt bằng nhằm làm chặt chẽ cơ cấu và quy mô của tổng mặt bằng, từ đó tạo ra yếu tố mật độ xây dựng và quyết định đến bầu không khí (density & atmostphere) của cảnh quan xã hội ( không phải cứ thoáng đãng, to đẹp, khang trang đã là hay, nhiều khi phải bé, vì dân ở đấy họ quen với những công trình nhỏ bé rồi, không chịu được những công trình to lớn bề thế kiên cố. Người dân mỗi nơi lại có nhận thức về không gian khá đặc thù, không thể so sánh người dân ở làng quê với người dân ở đô thị lớn được ).
3- Nó là cấu trúc phản ánh chuyên môn, kiến thức địa phương, tinh thần kinh doanh địa phương, sự sáng tạo của người dân địa phương trong một thời điểm của quá khứ. Nó giúp cho con người ở đó khác với con người ở chỗ khác. (cấu trúc cũ trên thực tế, dù cũ nhưng đẹp, phản ánh tinh hoa kinh nghiệm xây dựng một thời – xem ảnh)
4- Nó đóng góp vào cảnh quan tài chính - kinh tế lâu năm của địa phương bao gồm các tổ chức tín dụng địa phương, hợp tác xã, kho thóc, xưởng làm việc được thúc đẩy bởi dân địa phương và có khả năng kích thích du lịch nếu được tôn tạo với chức năng mới. 
5- Các đánh giá và bản vẽ ghi lại nguyên trạng của công trình, chứng minh tính khả thi của nó khi được tái tạo trong một chức năng mới trên tổng mặt bằng ( phần này là rất quan trọng đối với bất cứ công trình cũ nào bởi phấn đánh giá này sẽ giúp nhóm nghiên cứu có thể dự tính được độ khả thi của hoạt động tôn tạo)

Dựa vào 5 ý chính trên, nhóm nghiên cứu và KTS thống nhất rằng cái Chuồng bò là một thành phần không nên tách rời khỏi “phức hợp cảnh quan di sản” của ngôi làng đó (“complex urban landscape of historic urban”) và nó phải được đối xử như một Di sản. Tuy nhiên, mặc dù giữ lại Chuồng bò nhưng nhóm nghiên cứu không tìm cách giữ lại tất cả mọi thứ. Trên mặt bằng tổng thể, nhiều công trình khác, mặc dù rất lâu đời như Kho thóc, Chuồng cừu, Tháp chuông nhưng vẫn bị dỡ bỏ do không đảm bảo được các yếu tố tạo nên di sản như trên. Bao giờ cũng vậy, có một số công trình được giữ lại và một số thì không. Khi nhìn bao quát có thể ta sẽ nhận ra rằng, nhiều khi, một công trình đơn lẻ thì không phải là một di sản, di sản có thể được tạo nên bởi một tập hợp nhiều công trình đơn lẻ trong một bối cảnh văn hóa – chính trị đặc thù với tên gọi: “phức hợp cảnh quan di sản nhân tạo”. Giống như khi ta nói “cây đa, giếng nước, sân đình” thì nó gợi lên một bầu không khí, một ấn tượng cụ thể, còn nếu ta chỉ nói “giếng nước” thì nó không gây ra ấn tượng đặc thù nào cả. Bàn về di sản thì cần phải quan sát từ nhiều quy mô, tỷ lệ như vậy. 

Trích đoạn một bản vẽ ghi lại cấu trúc nguyên trạng của Chuồng bò, thành phần các cấu kiện, Ở bên phải là nghiên cứu điển hình cho việc tôn tạo với minh họa mặt cắt tỷ lệ 1/100. (nguồn lequang-architect)

Kiến trúc Sư không phải là người duy nhất quyết định đến quy hoạch đô thị. 

Trong giai đoạn KTS nghiên cứu giải pháp về kiến trúc, khi gặp các vấn đề cần hỗ trợ, KTS có quyền khởi động một cuộc thảo luận như phía trên hoặc anh ta sẽ được yêu cầu giải đáp các vấn đề từ phía các bộ môn khác khi cần thiết. Quá trình này cần phải lặp đi lặp lại và tạo nên sự dân chủ trong định hướng phát triển đô thị và loại bỏ yếu tố “lợi ích nhóm” mà chúng ta thường nhắc đến như một kẻ thù vô định.

Từ chuyện cái Chuồng bò di sản ở ngôi làng nọ, ta thấy rằng việc đánh giá tính khả thi trong bảo tồn di sản cần được lập nghiên cứu nghiêm túc và phải rất thực tế, công bằng, không đặt “ân oán cá nhân” vào đó (nếu đem ân oán cá nhân vào thì người ta đã chẳng giữ lại đấu trường La Mã làm gì). Việc giữ lại hay phá dỡ một công trình cũng không được phép duy ý chí mà phải liên tục kiểm chứng các nhận định thông qua các tình huống nghiên cứu điển hình. KTS tham gia vào đồ án cũng nên thường xuyên đặt câu hỏi, thắc mắc để được lắng nghe và giải thích về định hướng phát triển của nhóm tiền dự án (bởi có rất nhiều vấn đề nằm ngoài chuyên môn của KTS). 

Một đô thị, vì thế nó được tạo ra bởi tổng hòa nhiều yếu tố, nó liên quan đến kiểu hình, định hướng, chính sách chứ không chỉ đơn thuần là lớp vỏ cấu trúc vật lý hiện hữu có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ẩn phía dưới lớp da thịt đó, nó còn là những học thuyết, những hạt giống mà người ta vun trồng ở thời điểm này để thỏa mãn một loạt những nhu cầu cụ thể trong tương lai. Có những thiết kế làm việc được ở địa phương này, nhưng sẽ hoàn toàn thiếu khả thi ở địa phương khác bởi mỗi một địa phương có một “bầu không khí” và lịch sử hoàn toàn khác nhau. Việc áp đặt một “kiểu hình” (typology) của địa phương này vào địa phương khác sẽ dẫn đến những đô thị vô hồn, trống rỗng. 

Người dân xem bản đồ quy hoạch khu vực trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Zing

Thời đi học, có những lúc thực hành các “biện pháp can thiệp” trong các đô thị cổ, tôi thường sa vào lạm dụng kĩ năng thiết kế mà không làm đánh giá khả thi. Thầy giáo tôi thường bảo “Người ta mất 500 năm mới có được một thành phố, sờ vào cái 500 năm đấy, mày nghĩ mày thiết kế được gì hả con?”. Thầy này thì nức tiếng Thế giới, đạt giải Pritzker (tương đương giải Nobel trong lĩnh vực kiến trúc), chuyên môn rất giỏi, nhưng cũng phải đến sau này khi thực hành thực tế rồi tôi mới nhận ra là thầy dạy phải lắm. Chúng ta có thể có nhiều Kiến trúc sư giỏi, có cá tính thiết kế nhưng nếu ta đặt họ vào một bộ máy, một cách vận hành sai lầm thì sản phẩm ta thu lại vẫn có thể tồi. Kiến trúc sư không phải là Chúa trời mặc dù cái công việc mà họ làm dễ khiến người ta liên tưởng đến hình dung đó. Ở nhiều nước đang phát triển, Kiến trúc sư thường rất giỏi trong khi đưa ra các giải pháp nhưng đôi khi họ chưa nghĩ đến việc đặt ra các câu hỏi hoặc nghi ngờ các câu hỏi. Và trong nhiều trường hợp, người ta vận dụng tất cả những kĩ năng tốt nhất mà họ có để đi tìm lời giải cho một câu hỏi sai. 

Ở trường hợp khu Hòa Bình của Đà Lạt, mặc dù chưa có điều kiện để xem bộ nghiên cứu tiền khả thi, nhưng khi nhìn sản phẩm cuối thì cá nhân tôi đoán rằng nghiên cứu tiền khả thi có thể còn sơ sài và có lẽ người ta phải cẩn trọng hơn. Chúng ta có thể đánh cược vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng kích thước lớn, nhưng chiến lược thiên về chức năng đô thị này có thể sẽ không bao giờ đặt thành phố Đà Lạt vào một thứ hạng mà nó xứng đáng, mà chỉ có thể biến nó thành một nơi bạn “ghé qua” chứ không phải là một đích đến thực sự. Nó có thể xóa bỏ vĩnh viễn một Đà Lạt đầy hoài niệm trong quá khứ và một thập niên sau, rất có thể, du lịch cũng không còn là lợi thế như người ta mong ước ở thành phố này. 

Các công trình cũ của đô thị đã ở đó và chứng kiến nhiều đổi thay của xã hội, chứng kiến nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên. Phần xác của chúng đã từng nuôi dưỡng con người bằng các chức năng của nó, còn phần hồn, nó hiện ra sống động trong tâm tưởng của mỗi người. Đấy chính là lí do vì sao người ta lại hoài niệm, điều đó cần được tôn trọng. Sự phát triển là yếu tố tất yếu, tuy vậy nó chỉ có thể có nếu như các hoạt động chuyên môn định hướng tầm nhìn được diễn ra minh bạch và dân chủ. Một đô thị được phép lột xác nhưng nó không nên bỏ rơi lại phía sau những con người đô thị, những người đã góp phần tạo nên chính nó.

Các KTS quan sát viên, các KTS trực tiếp tham gia vào đề tài và cả các đơn vị nghiên cứu tiền khả thi, do đó cũng cần có những thảo luận dân chủ hơn để rộng đường dư luận. Việc công bố một phần của bộ tài liệu nghiên cứu là hoàn toàn có thể chấp nhận được, nhất là khi nó được cho là đã hoàn thành. Đối với việc tu sửa hay dỡ bỏ các công trình cũ, để giải đáp nỗi hoang mang của quần chúng thì nhóm nghiên cứu có thể giải trình các bản nghiên cứu và bản vẽ ghi hiện trạng. Suy cho cùng các công trình lâu năm thì đáng quý nhưng cũng chính là do con người tạo nên chứ không phải ở trên trời rơi xuống. 

Ông Thầy già hay nặng lời rằng phải mất 500 năm mới có được một thành phố, đấy là vì ông ấy không muốn nói rằng để phá hủy một thành phố, người ta chỉ cần có một quyết định sai lầm.
Theo Tia sáng
Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch Đà Lạt: Cố trả lời cho một câu hỏi sai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.