Thứ sáu, 26/04/2024 04:53 (GMT+7)

13 doanh nghiệp cổ phần hóa phải chốt phương án xử lý nhà, đất

Cẩm Anh -  Thứ tư, 10/06/2020 16:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp thuộc thành phố thực hiện CPH năm 2020 tập trung thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp thực hiện CPH.

Chốt phương án xử lý nhà, đất trước 30/5/2020

Theo danh sách chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) đến hết năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội có 13 doanh nghiệp nhà nước sở hữu từ 50% - 65% vốn, bao gồm 4 tổng công ty là: Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC); Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico); Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) và Vận tải Hà Nội (Transerco).

9 công ty TNHH MTV có trong danh sách là Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội (Hapulico); Nước sạch Hà Đông (Hadowa); Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco); Công viên Cây xanh Hà Nội; Công viên Thống Nhất; Thoát nước Hà Nội; Vườn thú Hà Nội và Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (Haic).

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) nằm trong danh mục doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành cổ phần hóa đến hết 2020. 

Để đảm bảo tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ công tác CPH doanh nghiệp thuộc UBND TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019, Chủ tịch và Tổng giám đốc các doanh nghiệp trong danh mục doanh nghiệp thực hiện CPH đến hết năm 2020 khẩn trương chỉ đạo rà soát, kê khai, báo cáo, hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý toàn bộ cơ sở nhà, đất đang được giao quản lý, sử dụng… gửi Sở Tài chính trước ngày 30/5/2020 để xử lý theo quy định.

Cụ thể, đối với các cơ sở nhà, đất trên địa bàn TP. Hà Nội: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Cục Thuế Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có cơ sở nhà, đất) tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà, đất, họp liên ngành và thống nhất ký tờ trình do Sở Tài chính dự thảo báo cáo UBND Thành phố phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ đúng quy định.

Đốii với các cơ sở nhà, đất nằm trên địa bàn các địa phương khác: Sở Tài chính rà soát, tham mưu UBND TP lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, gửi Bộ Tài chính để chủ trì xử lý và phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định và đúng thẩm quyền.

UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch và Tổng giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về nội dung, tiến độ và chất lượng báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiến độ và đúng quy định của pháp luật.

Điểm qua thông tin của 4 tổng công ty thuộc diện cổ phần hóa

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hanoi Tourist chính là doanh nghiệp công bố thông tin không đầy đủ nhất trong số 4 Tổng công ty của Hà Nội.

Doanh nghiệp nhà nước này chỉ công bố 3/9 loại báo cáo phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, thiếu các báo cáo quan trọng như kế hoạch SXKD, kết quả SXKD 3 năm gần nhất, BCTC năm và công bố thông tin bất thường…

Ngược lại, TCT Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) chấp hành công bố tất cả các báo cáo.

UDIC hiện đang sở hữu 30% trong liên doanh Khu đô thị Ciputra lớn nhất Thủ đô. 

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC tiền thân là Công ty San nền trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, thành lập năm 1971. Năm 2004, UDIC được UBND TP Hà Nội tổ chức lại theo mô hình công ty mẹ - công ty con cùng các doanh nghiệp khác trực thuộc Thành phố.

Hoạt động kinh doanh chính của UDIC là đầu tư xây dựng, lấp đặt các công trình, xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng vật tư máy móc thiết bị chuyên ngành xây dựng và xuất khẩu lao động…

Đáng chú ý, UDIC hiện đang sở hữu 30% trong liên doanh Khu đô thị Ciputra lớn nhất Thủ đô với diện tích 301 ha, trị giá 1.836 tỉ đồng do Liên danh Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư(liên doanh giữa UDIC và Tập đoàn Ciputra của Indonesia).

Vài năm trở lại đây, doanh thu hoạt động tài chính của UDIC tăng ấn tượng. Con số này chủ yếu đến từ cổ tức các đơn vị thành viên và lợi nhuận được chia từ các dự án đầu tư. Chỉ trong năm 2018, lợi nhuận tài chính "khủng" giúp UDIC đạt con số lãi ròng 784 tỉ đồng, gấp 3 lần năm 2017.

Theo tìm hiểu, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) được thành lập từ năm 1999 theo mô hình Tổng công ty 90, vai trò ban đầu của Handico nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong lĩnh vực xây dựng, phát triển nhà ở và các khu đô thị của TP Hà Nội.

Tòa nhà Handico Tower, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. 

Handico chính là "kiến trúc sư trưởng" giúp hình thành các khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Đại Kim – Định Công, Mễ Trì Hạ, Sài Đồng – Long Biên, Vĩnh Hoàng, Trung Văn, Nam Trung Yên… góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt thành phố.

Công ty cũng là đơn vị chủ lực của Hà Nội trong việc thực hiện quỹ nhà ở xã hội cho học sinh – sinh viên, nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tái định cư (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; Nam Trung Yên, Cầu Diễn; nhà ở cho sinh viên Mỹ Đình II; nhà ở cho công nhân tại Kim Chung, Đông Anh và khu công nghiệp Phú Nghĩa; làng sinh viên HACINCO…).

Doanh thu hoạt động tài chính của Handico đều đặn 150 tỉ đồng mỗi năm, 2/3 trong số đó đến từ phần cổ tức được chia trong các công ty đầu tư (gần 100 tỉ đồng). 

Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) hiện là một trong những công ty nắm giữ nhiều khách sạn hạng sang bậc nhất thủ đô Hà Nội.

Theo đó, trong số hơn 10 khách sạn 5 sao của Hà Nội hiện nay, Hanoitourist nắm giữ cổ phần chi phối 5 khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất gồm: Sofitel Legend Metropole Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake, Pullman Hanoi, Hilton Hanoi Opera và Hotel De L’Opera.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn sở hữu và nắm giữ cổ phần chủ yếu của các khách sạn 2-4 sao như Khách sạn Hà Nội, Hilton Garden Inn, Thăng Long Opera, Hòa Bình, Thăng Long Espana…

Trong những khách sạn mà Hanoitourist đang sở hữu, Metropole là khách sạn lâu đời nhất ở Hà Nội (từ năm 1901). Hiện Metropole cũng là liên doanh hoạt động hiệu quả nhất của Hanoitourist, trong đó công ty nắm giữ 50% vốn và lợi ích, tương đương khoản đầu tư 203 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hanoitourist hiện cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu 46% vốn tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội (chủ sở hữu Công viên nước Hồ Tây). Năm 2018, công viên này ghi nhận 150 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 6 tỷ đồng lãi sau thuế.

Bên cạnh đó, Hanoitourist còn là chủ sở hữu của tòa nhà văn phòng Hanoitourist, Hanoi Toserco; Trung tâm thương mại BigC Thăng Long…

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là doanh nghiệp nhà nước quản lý hệ thống xe buýt toàn TP. Hà Nội. Báo cáo tài chính của Transerco cho thấy, doanh nghiệp này đã và đang sở hữu cổ phần trong nhiều dự án bất động sản (BĐS) trên các khu đất đắc địa tại Thủ đô. Đây có thể là một trong những yếu tố giúp cổ phần của Transerco hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Transerco sở hữu 28% công ty là chủ đầu tư của dự án Mipec trên đường Xuân Thủy. 

Hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác bến xe và điểm đỗ, lợi thế của Transerco là nắm trong tay các khu đất nằm tại các khu vực sầm uất, cạnh các trục giao thông huyết mạch của nội thành Hà Nội. Thực tế, Transerco đã và đang tận dụng lợi thế này để cho ra đời các dự án bất động sản tầm cỡ.

Đơn cử như Dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán nằm tại vị trí 122 - 124 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy được thành lập vào tháng 6/2016, địa chỉ trụ sở chính nằm ngay tại Dự án. Tại thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng do Công ty CP Hóa dầu Quân đội (MIPEC) nắm giữ cổ phần chi phối 51%, Transerco sở hữu 28% và Công ty CP Hoa Cương nắm giữ 21% còn lại.

Báo cáo tài chính năm 2017 của Transerco cũng cho biết, doanh nghiệp này nắm giữ 26% cổ phần Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Hồ Tây, đơn vị phát triển tổ hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại tại địa chỉ 69B Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Địa chỉ này hiện là Dự án Sun Grand City Thụy Khuê Residence.

Hay Transerco nắm trong tay 40% cổ phần Công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza, chủ sở hữu Dự án Khách sạn Nikko tọa lạc tại vị trí "vàng" 84 Trần Nhân Tông. Từ 1/1/2019, khách sạn này đã được đổi tên thành Hotel Du Parc Hà Nội.

Bên cạnh đó, khu đất số 90 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân - nơi hình thành dự án 900 căn nhà liền kề và chung cư cao tầng do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, Transerco cũng từng sở hữu cổ phần trong Công ty CP Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMachino). Transerco và PVMachino đã bắt tay khai thác dự án tại số 1, 3, 5 Đinh Tiên Hoàng (thường gọi là tòa nhà Hàm Cá Mập).

Transerco sở hữu 5 công ty con và khoảng 10 đơn vị trực thuộc đều hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác bến xe và điểm đỗ. Nhiều đơn vị trong số đó cũng đang sở hữu những khu đất đắc địa như: Xí nghiệp Toyota Hoàn Kiếm (số 7 Đặng Thái Thân, quận Hoàn Kiếm), hay Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT (Trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, số 1 Kim Mã, quận Ba Đình)…

Bạn đang đọc bài viết 13 doanh nghiệp cổ phần hóa phải chốt phương án xử lý nhà, đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.