Thứ sáu, 29/03/2024 05:42 (GMT+7)

29.000 tỉ đồng thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn ở TP.HCM

MTĐT -  Thứ năm, 26/11/2020 11:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP.HCM đã lập quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố đến năm 2025 tầm nhìn đến 2050. Kinh phí thực hiện đồ án quy hoạch này là 28.911 tỉ đồng.

Theo Sở TN-MT TPHCM, công tác xử lý chất thải rắn (CTR) đã được chính quyền các cấp quan tâm nhưng vẫn còn một số tồn tại. TP.HCM đã lập quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố đến năm 2025 tầm nhìn đến 2050.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đồ án quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu: 80% hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn; 100% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng CTR sinh hoạt được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng; 100% tổng lượng CTR công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý; 100% lượng CTR y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý; 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế; 100% bùn bể phốt, bùn thải của hệ thống cấp nước và thoát nước, bùn phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải sản xuất, bùn nạo vét kênh rạch được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Những kết quả đạt được trong giai đoạn này sẽ là tiền đề để thành phố tiếp tục phấn đấu cho những mục tiêu tiếp theo.

Đồ án quy hoạch xử lý CTR của thành phố đã chứa đựng toàn bộ nội dung và giải pháp tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, trung chuyển, tái chế và xử lý các loại CTR phát sinh trên địa bàn thành phố. Trong đó, xây dựng được các phương thức phân loại CTR tại nguồn và xác định lộ trình triển khai thực hiện phân loại CTR tại nguồn đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố. Quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển CTR cho các loại hình CTR khác nhau.

Quy hoạch được hệ thống các cơ sở xử lý CTR sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng và bùn thải. Các công nghệ xử lý đề xuất lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần CTR của địa phương; lựa chọn các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, các công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ của mỗi địa phương. Đồng thời, đề xuất được hệ thống quản lý, cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý CTR; đề xuất được kế hoạch, lộ trình và xác định nguồn lực thực hiện quy hoạch xử lý CTR theo từng giai đoạn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo kế hoạch, chi phí triển khai đồ án trên trong giai đoạn 2020 - 2025 khoảng 28.911 tỉ đồng. Kinh phí này được lấy từ nhiều nguồn như vốn ngân sách, ODA, tín dụng đầu tư, tài trợ, từ doanh nghiệp, từ các thành phần kinh tế khác…

Kế hoạch dành 14.500 tỉ đồng để chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn, trong đó dành 9.500 tỉ đồng để chuyển đổi công nghệ hai nhà máy hiện hữu và 5.000 tỉ đồng đầu tư xây dựng nhà máy mới công suất 2.000 tấn/ngày.

Chi phí cho đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu xử lý chất thải rắn tập trung ở Tây Bắc, Đa Phước và Khu công nghệ môi trường xanh - Long An là 3.300 tỉ đồng.

Chi phí hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự và nguồn lực tài chính cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý chất thải rắn từ TP đến các quận, huyện là 1.250 tỉ đồng cho 5 năm…

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, đến năm 2025 TP.HCM đạt mục tiêu 80% số hộ gia đình phân loại rác tại nguồn, tối thiểu 80% rác thải sinh hoạt được thu hồi, tái chế, làm phân và đốt thành năng lượng.

Đến năm 2025, 100% các loại chất thải rắn sinh hoạt, y tế, công nghiệp và bùn các loại được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường…/.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 29.000 tỉ đồng thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn ở TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.