Thứ sáu, 29/03/2024 02:21 (GMT+7)

Băn khoăn mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng

MTĐT -  Thứ hai, 15/06/2020 09:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất vẫn là cơ chế liên kết cũng như công tác điều phối để tạo động lực phát triển chung.

Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) vừa đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay. Theo phương án mới, sẽ mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) bằng cách đưa vào 4 tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình.

Kết nối giao thông thuận lợi

Theo Bộ KH-ĐT, ưu điểm của phương án này bảo đảm tính kế thừa cao, ít gây xáo trộn về vùng; mở rộng không gian phát triển mới cho ĐBSH, hình thành vùng thủ đô Hà Nội mới; đồng thời tạo điều kiện cho một số tỉnh trung du và miền núi phát triển hơn, tăng tính liên kết vùng.

Góp ý phương án này, Văn phòng Chính phủ cho biết ĐBSH có dân số đông nhất với hơn 21,5 triệu dân (bằng 22,78% so với cả nước) nhưng diện tích lại nhỏ nhất chỉ 21.258 km2 (bằng 6,42% so với cả nước). "Do đó, cần thiết phải mở rộng để có thêm không gian phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kết nối, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh mở rộng" - Văn phòng Chính phủ đề xuất.

Hà Nội đi Bắc Giang rất thuận lợi nhờ đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang Ảnh: Minh Phong

Việc chọn Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình để mở rộng ĐBSH, Văn phòng Chính phủ lý giải các tỉnh này có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với Hà Nội và các địa phương trong vùng. Về mặt địa hình, bốn tỉnh này có phần đồng bằng và đồi thấp, chênh lệch cao độ không quá lớn so với Hà Nội và các tỉnh nên các giải pháp phát triển hạ tầng cơ bản không nhiều khác biệt.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông từ Hà Nội đi bốn tỉnh khá phát triển, đều có các tuyến đường cao tốc kết nối thuận lợi như Hà Nội - Lạng Sơn (đi qua Bắc Giang); Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai (đi qua Phú Thọ), Hòa Lạc - Hòa Bình.

Đánh giá của Văn phòng Chính phủ cũng cho thấy Hà Nội và các tỉnh trong vùng có mối quan hệ gắn kết hữu cơ, hai chiều về các hoạt động kinh tế - xã hội. Đối với Hòa Bình, có sự gắn kết với Hà Nội về thị trường dịch vụ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Phú Thọ, Thái Nguyên - Hà Nội và các tỉnh gắn kết qua phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu như gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Samsung, Giấy Bãi Bằng...; Bắc Giang gắn kết với các địa phương qua phát triển các khu công nghiệp.

Tính kỹ, không để nhập rồi lại tách

GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng phương án đưa bốn tỉnh trên về ĐBSH có ý nghĩa nhấn mạnh sự liên kết giữa ĐBSH với vùng chuyển tiếp rồi lan tỏa đến vùng miền núi. "Để có sự lan tỏa thì từ vùng ĐBSH phải lan tỏa đến vùng trung du, sau đó mới lan tỏa lên vùng núi được" - GS-TSKH Nguyễn Quang Thái phân tích thêm và nhấn mạnh: "Phú Thọ là đất Tổ, gắn vào cùng châu thổ sông Hồng cũng là hợp lý. Hà Nội kết nối với Hòa Bình, lên Sơn La tạo thành vùng du lịch".

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng nếu bốn tỉnh này về ĐBSH sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với các quân khu của quân đội. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang nằm ở Quân khu 2, Hòa Bình lại ở Quân khu 3, trong khi Bắc Giang và Thái Nguyên lại thuộc Quân khu 1. Do đó, ông Thái cho rằng có nhiều vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng, tính toán để chọn phương án tốt nhất.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, cho rằng việc mở rộng ĐBSH lên 15 tỉnh, TP là quá lớn. Ông Nghiêm lưu ý khi phân vùng cần đánh giá về mối liên kết kinh tế, nhưng điểm quan trọng hơn cả là xem xét tính đồng nhất về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, quan hệ đối với các tỉnh lân cận. Đối với ĐBSH, dù có phân vùng như thế nào, bổ sung thêm tỉnh nào thì sự liên kết vùng và thể chế để thúc đẩy sự liên kết đó đóng vai trò quan trọng, là động lực cho sự phát triển các địa phương trong vùng.

Dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng bốn tỉnh trên có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đáng chú ý như Thái Nguyên và Bắc Ninh là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nếu 4 địa phương này kết nối cùng các tỉnh, TP trong vùng ĐBSH sẽ tạo nên những động lực nhất định cho vùng.

Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cũng lưu ý cần xem xét các nét tương đồng về điều kiện địa lý, tự nhiên, bởi các tỉnh, TP thuộc vùng ĐBSH hiện nay có sự khác biệt rõ rệt với 4 tỉnh trên. "Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, tính toán kỹ khi nhập 4 tỉnh này để tránh trường hợp nhập rồi lại tách" - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh. 

Cần thiết lập hội đồng vùng

TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần nghiên cứu các phương án phân vùng đồng bộ với cơ chế quản lý vùng. Ông Nghiêm chỉ rõ cơ chế hội đồng vùng do chủ tịch UBND các tỉnh luân phiên làm chủ tịch vùng không phát huy hiệu quả, "mạnh ai nấy làm", không có các yêu cầu đặc thù để phát triển chung cho vùng.

"Cần thiết phải thành lập hội đồng vùng do Phó Thủ tướng làm chủ tịch để kết hợp "2 vai", đồng thời bố trí văn phòng vùng chuyên trách để tăng cường kết nối" - ông Nghiêm kiến nghị.

Theo Minh Chiến/Báo Người Lao Động

Bạn đang đọc bài viết Băn khoăn mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.