Thứ sáu, 19/04/2024 09:34 (GMT+7)

Ban QLDA Hà Nội: Ẩn họa từ các công trình vi phạm chất lượng!

MTĐT -  Thứ hai, 04/06/2018 22:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngoài vấn đề sự lãng phí, chất lượng dự án Khu liên cơ Võ Chí Công, các dự án khác do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội làm chủ đầu tư cũng đang ẩn họa mất an toàn.

Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong đầu tư công đã và đang gây ra nhiều hệ quả rất nặng nề. Mới đây nhất, dư luận lại đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng, sự an toàn nhiều công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phản ánh về “Sự lãng phí khủng khiếp từ Khu liên cơ Võ Chí Công?!”, trong đó nêu rõ trụ sở làm việc của 8 sở, ngành thuộc UBND TP Hà Nội, xây dựng bằng tiền ngân sách… nhưng đang đứng trước nguy cơ phá bỏ nhiều hạng mục, gây lãng phí hàng chục tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài vấn đề liên quan đến sự lãng phí, chất lượng Dự án Khu liên cơ Võ Chí Công, các dự án khác do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội làm chủ đầu tư cũng đang ẩn họa nguy cơ mất an toàn.

Dự án Khu liên cơ Võ Chí Công đang gặp phải những bất thường cần sớm làm rõ.

 Từ chuyện nứt hệ kết cấu công trình

Liên quan đến hệ kết cấu công trình Dự án Khu liên cơ Võ Chí Công, Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng – Bộ Xây dựng (Cục giám định) đã tiến hành kiểm tra.

Theo thông báo số 368/CGĐ-CGĐ2 ngày 02/06/2016 thì tại một số sàn (của cả phần ngầm, khối đế và khối cao tầng; ram dốc lên xuống tầng hầm) có hiện tượng nứt kết cấu dầm sàn. Các vết nứt tập trung chủ yếu vào các nút liên kết các dầm sàn. Các vết nứt xuất hiện đáy dầm và thường có dạng cắt ngang dầm tại các nút liên kết, hoặc có dạng nối các góc chéo của nút liên kết. Nhiều vết nứt kèo dài đến hết bề rộng đáy dầm và lan hết chiều cao của dầm. Bề rộng các vết đủ lớn để mắt thường có thể nhìn thấy ở khoảng cách hơn 2m.

Cục Giám định đã có chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư tổ chức khảo sát, lập hồ sơ theo dõi các vết nứt, quan trắc diễn biến các vết nứt, đánh giá chất lượng các kết cấu bê tông bị nứt và có giải pháp xử lý triệt để, đảm bảo khả năng chịu lực của kết cấu. Trường hợp các vết nứt qua theo dõi thấy có sự phát triển thì cần thuê tổ chức tư vấn kiểm định đánh giá và xử lý triệt để. Đối với các dầm, sàn chưa thi công, yêu cầu thiết kế cần có tính toán kiểm tra cấu tạo lại, rồi mới thi công để tránh tiếp tục bị nứt.

Ngoài ra, Cục Giám định cũng khẳng định: “hầu hết các tiết diện của các cáp cấp nguồn cho các tầng đều không đảm bảo”.

Hơn một năm sau, Cục Giám định đã kiểm tra lại, tuy nhiên những tồn tại trước đây đã không được khắc phục. Theo thông báo số 1411/CGĐ-CGĐ2 ngày 01/12/2017 của Cục Giám định thì: Kết cấu bê tông dầm, sàn xuất hiện nhiều vết nứt theo quy luật về vị trí và dạng vết nứt. Các vết nứt ngang đáy dầm và lan lên hai bên thành dầm cho đến sàn, chủ yếu tập trung tại khu vực giữa hoặc gần giữa dầm phụ và dầm chính.

Một lần nữa, Cục Giám định tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn độc lập đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định thực hiện kiểm định đánh gia, xác định nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp đảm bảo chất lượng và tuổi thọ công trình; Đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các chủ thể tham gia xây dựng công trình đảm bảo đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định.

Theo phản ánh, ngoài việc không tuân thủ theo khuyến cáo, chỉ đạo từ Cục Giám định về việc chỉ đạo điều chỉnh thiết kế, biện pháp thi công theo công năng mới của tòa nhà một cách trình tự, bài bản, khắc phục các tồn tại đặc biệt là các vết nứt kết cấu công trình, kiểm tra tiết diện dây nguồn đảm bảo sự an toàn cháy nổ, chủ đầu tư tiếp tục cho đơn vị thi công (thi công cả những phần việc buộc phải thay đổi thiết kế nhưng chưa được thẩm định, phê duyệt, như việc tự cắt sàn từ tầng 1 đến tầng 27 để bổ sung hai thang máy, thi công hệ vách kính ngoài không đảm bảo tiêu chuẩn, cho hoàn thiện các khối tường có kích thước lớn không có giằng trụ,…hiện tại các khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt mà chủ đầu tư chỉ đạo làm trước, theo phản ánh của nhà thầu thi công tại văn bản số 65/CV-LDNT ngày 08/03/2018 thì phần giá trị khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng khi chưa có thiết kế điều chỉnh được duyệt do chủ đầu tư đã yêu cầu làm trước đã thực hiện ước khoảng 5-6 tỉ đồng chưa được thanh toán gây nợ đọng xây dựng cơ bản).

Đặc biệt đối với gói thầu PCCC, theo báo cáo số 151/BY-CV ngày 15/01/2018 của nhà thầu thi công hạng mục này “đã cơ bản thi công xong các đường ống chữa cháy trục chính và các tay ngang” nhưng đến tháng 01/2018 Cục Cảnh sát PCCC mới thẩm định thiết kế hệ thống PCCC điều chỉnh.

Cũng theo báo cáo này, nếu làm theo bản vẽ điều chỉnh mới toàn bộ các tay nhánh ngang sẽ phải cắt ra dịch chuyển vị trí và bịt lại các vị trí đã để chờ trên ống trục chính, dẫn đến việc vật tư không tận dụng được lại hoặc tận dụng được rất ít kèm theo thời gian thi công sẽ bị kéo dài hơn.

Như vậy có thể khẳng định chủ đầu tư đã đồng ý để nhà thầu thi công hạng mục PCCC khi chưa được điều chỉnh. Việc nhà thầu thi công đề xuất phương án khắc phục tồn tại (như kiểu phương án cải tạo) đối với một công trình trọng điểm văn phòng loại A có hàng trăm người hàng ngày tham gia, hệ thống thiết bị văn phòng trang bị thông minh, kho dữ liệu của cả 08 sở ngành quan trọng, nếu xảy ra hiện tượng cháy nổ thì hệ quả sẽ khôn lường!

Tới tòa nhà tái định cư Trần Phú

Hiện tại công trình này theo phản ánh có một vấn đề nghiêm trọng về quản lý chất lượng. Nếu không được kiểm tra, chấn chỉnh thì hệ quả sẽ khôn lường. Cụ thể:

Chủ đầu tư đã tự chia đôi nhà để thi công không theo hồ sơ thiết kế được duyệt (nhà B Khu tái định cư Trần Phú) đã thi công để lại từ trục 1 – 3 (từ xử lý nền, tầng hầm, cho đến kết cấu theo phương thẳng đứng).

Chủ đầu tư đã tự thẩm định (không có thẩm tra, biện pháp thi công mối nối, nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình) trái với quy định tại khoản 3, Điều 17 Thông tư 18/2016/TT-BXD quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình của Bộ Xây dựng: “Điều chỉnh thiết kế xây dựng do có thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực (trừ trường hợp làm tăng tính an toàn cho công trình) và biện pháp tổ chức thi công có ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình;”.

Theo một số chuyên gia về xây dựng, việc để mạch ngừng thi công theo kiểu đối với Dự án này rất ít gặp trong thực tế. Nếu buộc phải để mạch ngừng toàn bộ từ móng đến mái thì phải được đề cập trong thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công do cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm định bài bản (vị trí mạch ngừng, cấu tạo mạch ngừng, cần thiết phải bổ sung thép tại vị trí mạch ngừng,…). Hiện nay, công trình đã xong một bên, một bên nối từ trục 1-3 đang tổ chức thi công phần thân nếu không được kiểm tra thẩm định bài bản rất dễ dẫn đến lún, nứt công trình tại các vị trí mối nối (phải tổ chức quan trắc lún, quan trắc biến dạng đối với hai khối nhà trên).

Và chuyện ở công trình cột cờ Cà Mau

Đây là công trình mang tầm vóc Quốc gia về ý nghĩa của Thành ủy, UBND TP Hà Nội đối với tỉnh Cà Mau và đối với đất nước. Theo tiến độ, tháng 8/2018 công trình phải hoàn thành bàn giao nhưng đến nay đã chậm rất nhiều. Hiện tại, mới thi công xong phần cọc đại trà (mới tổ chức nghiệm thu nội bộ).

Theo phản ánh, đây là công trình nằm trên vùng đất địa chất phức tạp, điều kiện thi công rất khó khăn, độ xâm thực nước biển cao, dự án lại quá xa đòi hỏi phải có một quy trình nghiêm ngặt trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác quản lý chất lượng.

Cũng theo phản ánh, công trình hiện tại khi thi công cọc đại trà đã nổ rất nhiều cọc, một số cọc đóng xuống chưa đến độ sâu thì không đóng được. Chủ đầu tư đã không tổ chức ngay xem xét tìm ra nguyên nhân việc sự cố xảy ra tại cọc đại trà, thẩm định đánh giá lại việc xử lý nền trước khi tổ chức thi công phần móng và phần thân.

Trường hợp nếu phần cọc đại trà không đảm bảo công trình sẽ bị lún, nứt, nghiêng thì hệ quả sẽ rất nặng nề (đặc biệt, tránh xảy ra hiện tượng như tượng đài Điện Biên). Đặc biệt với công trình này do điều kiện đường vào khó khăn giải pháp thiết kế kể cả phần móng và phần thân lắp ghép cấu kiện đúc sẵn do đó đòi hỏi độ chính xác rất cao.

Đây là những công trình đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội làm chủ đầu tư, người đứng đầu là ông Nguyễn Sỹ Bảo. Đối với một ban quản lý dự án chuyên nghiệp, có hàng trăm kỹ sư tại sao lại để xảy ra hiện tượng này. Có hay không biết việc làm sai nhưng vẫn cố tình? Phải chăng có lợi ích nhóm, hay áp lực giải ngân, tiêu tiền nhà nước? Với những tồn tại, sai phạm tại những công trình nêu trên cần thiết phải có sự vào cuộc của Thành ủy, UBND TP Hà Nội.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung này.

Bạn đang đọc bài viết Ban QLDA Hà Nội: Ẩn họa từ các công trình vi phạm chất lượng!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

NHÓM PV

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?