Thứ sáu, 29/03/2024 07:57 (GMT+7)

Báo động nhiều khu du lịch bị xâm hại, 'xẻ thịt'

Phương Lê -  Thứ năm, 03/01/2019 11:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều khu du lịch mang đậm vẻ đẹp hoang sơ đang thu hút được lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện trạng xây dựng ồ ạt đang làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên.

Những năm gần đây, nhiều khu du lịch, những địa danh mang đậm vẻ đẹp hoang sơ đang thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt vào những dịp nghỉ lễ, tình trạng khách tham quan đổ xô đến các địa danh du lịch đã thu hút sự quan tâm đầu tư, xây dựng từ nhiều tập đoàn, công ty lớn.

Tuy nhiên, các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, các công trình vui chơi giải trí … ồ ạt được xây dựng làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên vốn hoang sơ, thơ mộng của các địa danh. Đây là một vấn đề lớn cần được xem xét và nhìn nhận một cách cụ thể để có thể làm tốt bài toán quy hoạch cùng sự cân bằng trong phát triển bền vững .

Sapa "tan nát" vì những công trình xây dựng khổng lồ

Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, Sapa nổi tiếng là địa danh du lịch hoang sơ, mang đậm nét văn hóa dân tộc, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Theo tiến trình phát triển, dự kiến năm 2020 cùng với sự lưu thông đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Sapa sẽ đón 3 triệu lượt du khách. Bởi vậy, chính quyền địa phương mới ra chủ trương cho đầu tư các công trình lưu trú cao cấp để phục vụ đủ lượng khách du lịch.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng trăm công trình tổ hợp khách sạn lớn nhỏ chi chít mọc lên tại các con phố, cả thành phố ngổn ngang với hàng đống nguyên vật liệu, bụi mù mịt khắp các con đường… chính là hình ảnh của Sapa được các phóng viên ghi lại.

Nếu du khách đến Sapa vào những ngày mưa phùn, những ngày lạnh giá để ngắm nhìn băng tuyết thì là một sự lựa chọn đáng cân nhắc vì đường sá thì đầy bùn đất; còn mùa hè thì đầy bụi bặm. Khắp các con đường dẫn vào Sapa đều có những công trình đang được xây dựng. Nhiều khách tham quan tỏ ra khó chịu khi đi bộ trên các con đường trong thị trấn vốn nên thơ này, có ý kiến cho rằng Sapa đang dần bị thương mại hóa làm mất đi vẻ truyền thống, hoang sơ và mang đậm bản sắc văn hóa.

Khách sạn, nhà hàng xây dựng chen chúc tại Sapa. Ảnh: Báo Lao Động.
Công trình xây dựng ngổn ngang (Nguồn: Zing.vn).

Theo KTS. Trần Huy Ánh, các khu du lịch hấp dẫn du khách nhờ những nét độc đáo từ cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa. Tại Sapa có sẵn các công trình người Pháp xây dựng rất tinh tế, cảnh sắc vừa thơ mộng, vừa hùng vỹ, cộng thêm sự đặc biệt của khí hậu và con người đã hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế những năm qua. Tuy nhiên, các khu du lịch hiện lại là miếng mồi béo bở của bất động sản. Việc phát triển bất động sản ồ ạt sẽ triệt tiêu những yếu tố văn hóa bản địa, những nét đẹp thu hút khách du lịch, không chỉ Sapa mà Nha Trang, Sầm Sơn… nhiều nơi khác cũng đang trong tình trạng tương tự.

KTS. Trần Huy Ánh.

Khi cái đẹp bị phá phách thì trở thành tầm thường, đại trà, người ta sẽ không muốn đến nữa, giá trị cốt lõi sẽ biến mất do cung cấp quá nhiều dịch vụ thương mại, tất cả chỉ đem lại lợi ích kinh tế trước mắt chứ không phải lâu dài, sự bất hợp lý ở đây tôi cho rằng có sự thỏa hiệp của địa phương”, ông Ánh nói.

Các công trình xây dựng ồ ạt tại Sapa hầu hết là các khách sạn 4-5 sao. Tuy nhiên, khách du lịch đến Sapa chủ yếu là khách trong nước, do vậy có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng các khách sạn cao cấp là không cần thiết bởi nhu cầu sử dụng các khách sạn 4-5 sao là không cao. Việc xây dựng ồ ạt các công trình đầu tư gây hệ lụy biến một Sapa nổi tiếng là một thị trấn nhỏ bé, bình yên thành một công trường.

Tràng An – Công trình “không phép” nghiễm nhiên xây dựng

Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép vào năm 2013. Không chỉ là một địa danh lịch sử nổi tiếng, Tràng An còn được biết đến là thắng cảnh hùng vĩ với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất 250 triệu năm, hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Tràng An luôn là điểm du lịch thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Công trình “Tràng An cổ” xây dựng không giấy phép (Nguồn:saigontv.news).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An đã bị xâm phạm bởi một công trình lớn được gọi là “Tràng An cổ”, xây dựng không có giấy phép. Theo kết quả điều tra của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình khoảng từ giữa đến cuối năm 2017, Công ty Cổ Phần Du lịch Tràng An đã tự ý triển khai công trình “Tràng An Cổ” tại thôn Trường An xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã tự ý xây dựng công trình gồm cổng và đường lên núi Cái Hạ xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình với khoảng 2.000 bậc, dài hơn 1 km. Công trình xây dựng này không được bất kì cơ quan chức năng nào cho phép xây dựng. Để làm ra công trình đồ sộ này, công ty đã xâm phạm nghiêm trọng đến vùng di sản, núi đá bị đục đẽo khoan thủng sâu, rừng bị chắt phá bừa bãi, nhà vệ sinh cũng được xây dựng kiên cố trên núi, tường bao, các cột mốc bê tông vững chắc … làm phá hỏng nghiêm trọng cảnh quan vùng di sản.

Chính quyền địa phương đã yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình, công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã tự nguyện tháo dỡ và cam kết sẽ trả lại nguyên trạng, không xâm hại thêm vào di sản. Thế nhưng, theo phóng viên ghi nhận, công trình chỉ được tháo bỏ hành lang và các bậc thang, còn hệ thống cột chống vẫn bám chặt vào lòng núi, khu di sản không thể trở lại hình dạng nguyên thủy vốn ban đầu.

"Tràng An cổ" sau tháo dỡ (Nguồn: http://thainguyentv.vn).
Ảnh Báo Lao Động.

Vườn quốc gia Cát Bà bị "xẻ thịt"

Vườn quốc gia Cát Bà là một trong những vườn quốc gia lớn nhất đất nước được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004. Diện tích quy hoạch bảo vệ là 15.200ha, gồm 9.800ha rừng và 4.200ha biển. Hệ động vật có tới 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư, nổi tiếng với hệ sinh thái nguyên sơ, tuyệt đẹp.

Thế nhưng vài năm trở lại đây, Cát Bà đang mất dần vẻ nguyên thủy vốn có, hàng loạt resort, nhà hàng, nhà nghỉ được xây dựng ồ ạt, không giấy phép. Theo phản ánh của người dân địa phương, tại đảo Cát Dứa 2, dọc theo Vịnh Lan Hạ đến vùng lõi của Vườn quốc gia, chi chít các nhà hàng, quán bar đã đi vào hoạt động, nhiều hạng mục đang được triển khai đang còn ngổn ngang. Nhiều công trình chưa được thành phố phê duyệt, xây dựng không phép.

Xây dựng lấn biển. Báo Giao Thông.
Xây dựng trái phép tại Cát Bà. 

Ngoài ra, tại các địa điểm như Nam Cát, Vạn Bội, Tháp Nghiêng... cũng bị các doanh nghiệp chia nhau xây dựng trái phép. Đây là vấn đề cần nhìn nhận từ các cơ quan chức năng để cùng đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả tránh làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của Vườn quốc gia nổi tiếng thế giới, thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước.

Thừa nhận phát triển du lịch là cần thiết cho đất nước và từng địa phương, ngành công nghiệp không khó đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách, tuy nhiên, bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa VIII cho rằng, phát triển du lịch phải nằm trong quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể, phát triển du lịch không được tàn phá danh thắng tự nhiên mà phải giữ được nguyên trạng, tôn tạo và từ đó phát triển.

Nhắc đến đại công trường Sa Pa, Tràng An hay vườn quốc gia Cát Bà bà An đề nghị mỗi dự án đều phải đánh giá tác động xã hội, tác động đến môi trường trước khi triển khai, việc xây dựng ồ ạt sẽ phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường và hiệu quả du lịch.

Bạn đang đọc bài viết Báo động nhiều khu du lịch bị xâm hại, 'xẻ thịt'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.