Thứ sáu, 26/04/2024 03:09 (GMT+7)

Biệt thự cổ ở Đà Lạt đang dần bị lãng quên

MTĐT -  Thứ tư, 19/08/2020 18:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù Đà Lạt đang sở hữu rất nhiều dinh thự cổ có giá trị về lịch sử và kiến trúc, nhưng xót xa là, rất nhiều trong số đó rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có hơn 1.900 biệt thự, trong đó hơn 1.500 căn xây dựng trước năm 1975. Những biệt thự này đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp, do những kiến trúc sư tài hoa như E.Hébrard, Pineau, Mondet, Lagisquet… thiết kế.

Chính quyền TP Đà Lạt đã lập đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước với nhiều căn ở trung tâm các trục đường lớn như Trần Hưng Đạo, Cô Giang, Quang Trung, Nguyễn Du, Hùng Vương, Trần Bình Trọng... nhưng số biệt thự thực sự đưa vào kinh doanh du lịch lại rất hạn hữu, dẫn đến những ngôi biệt thự cổ này đang bị bỏ hoang.

Theo báo Người lao động, điển hình hiện có biệt thự cổ số 1, số 7, số 9 trên đường Cô Giang, (phường 9, TP Đà Lạt) được xây dựng với kiến trúc 2 tầng gần như bị bỏ hoang, các hạng mục như tường, mái ngói, cửa, cầu thang bộ nứt nẻ, bong tróc..., người dân xung quanh tận dụng để chăn nuôi gia súc.

Hay căn biệt thự cổ nổi tiếng số 13 đường Trần Hưng Đạo bị cơi nới để hàng chục hộ dân ở... Đặc biệt, các vùng ven TP Đà Lạt như đèo Prenn, Vạn Thành, Xuân Thọ..., nhiều biệt thự cổ bị bỏ hoang, bị đồn thổi là "căn nhà ma", nhiều người tìm đến khấn vái khiến tình hình an ninh trật tự thêm phức tạp.

Tình trạng nhiều biệt thự cổ không được sử dụng không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm cho người dân khi những căn nhà này đã bị xuống cấp, mỗi trận mưa gió, lốc xoáy, nhiều cánh cửa va đập rơi xuống đất, bay ra đường.

Nhiều biệt thự bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Báo TPO.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh. Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra tình hình quản lý, khai thác, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt.

Qua kiểm tra cho thấy, nhiều vấn đề bất cập kéo dài liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng biệt thự Đà Lạt chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Về nhà, hầu hết các biệt thự đưa vào sử dụng rất chậm so với quy định của UBND tỉnh; về đất, có 11 biệt thự chủ đầu tư đã nhận bàn giao nhưng khai thác cũng khá chậm, kéo dài; bên cạnh đó, khuôn viên của nhiều biệt thự đã bị chủ đầu tư tự ý xen cấy thêm một số công trình, hạng mục trái phép...

Đáng nói, có 32/104 biệt thự do TTQLN Đà Lạt trực tiếp quản lý; ký hợp đồng thuê nhà, thuê đất tồn tại khá nhiều hạn chế, bất cập (hồ sơ cho thuê nhà, hợp đồng thuê nhà, biên bản bàn giao nhà cho đơn vị thuê; giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính…) nhiều thiếu sót. Đặc biệt, có 4 biệt thự, chủ đầu tư hợp đồng thuê đã tự ý xây dựng thêm một số công trình mới, cơi nới trái phép nhưng không có bất cứ hồ sơ, biên bản kiểm tra hoặc biên bản xử lý vi phạm nào.

Cần nói thêm, có 4 cơ sở nhà đất biệt thự xây dựng không xin phép hoặc một số công trình có phép nhưng thực hiện không đúng giấy phép xây dựng; tổng diện tích xây dựng cơi nới trái phép là 764,25m2; gồm các biệt thự: số 21 - đường Hùng Vương; biệt thự số 1A và 1B - đường Quang Trung; biệt thự số 11- đường Pasteur…

Về nghĩa vụ tài chính (thuê nhà, đất) gần 11 tỷ đồng hiện các chủ đầu tư nợ chưa thực hiện. Riêng 56 biệt thự giao các cơ quan, đơn vị nhà nước quản lý, sử dụng (không thu tiền) nhưng sử dụng không ổn định, khai thác không hết công năng, gây lãng phí; số biệt thự giao các tổ chức, doanh nghiệp quản lý cho các hộ gia đình thuê thì không được bảo quản, bảo trì, duy tu nên đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng…

Rõ ràng, công tác quản lý việc cho thuê khai thác, sử dụng quỹ biệt thự cổ Đà Lạt đang bị buông lỏng; một số đơn vị liên quan thiếu quan tâm trong việc kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh, xử lý các nhà đầu tư, chủ thuê nhà, đất biệt thự kéo dài việc đưa vào khai thác; các trường hợp vi phạm về cơi nới, xây dựng công trình trái phép và không thực hiện nghĩa vụ tài chính thuê nhà, đất biệt thự…

Theo ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng (Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành), dù số biệt thự bị hư hao khá nhiều so với trước đây; tuy nhiên, số lượng quỹ biệt thự Đà Lạt hiện nay vẫn còn rất lớn. Nếu quản lý, khai thác hiệu quả sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương. Đáng buồn, một thực trang như hiện nay đã làm ảnh hưởng đến kiến trúc nhà, khuôn viên các biệt thự; cùng với đó, công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng cũng không được quan tâm thực hiện…

Về tình trạng này, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, người tâm huyết với việc gìn giữ nét đẹp cổ kính của TP Đà Lạt, đánh giá: "Các biệt thự cổ ở Đà Lạt được xem là bộ sưu tập kiến trúc tiêu biểu của các vùng miền nước Pháp. Không chỉ phong phú về thể loại mà còn đa dạng về phong cách, thẩm mỹ mà không đô thị nào của Việt Nam có được, tình trạng hoang phế như hiện nay là rất đáng tiếc".

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Biệt thự cổ ở Đà Lạt đang dần bị lãng quên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.