Thứ bảy, 20/04/2024 13:41 (GMT+7)

Cần cơ chế để thành lập thành phố phía Đông TP. Hồ Chí Minh

MTĐT -  Chủ nhật, 05/04/2020 13:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được đánh giá cao về ý tưởng, tuy nhiên việc thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là chưa có tiền lệ về chính trị và hành chính.

Ngày 1/4, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản số 1157/UBND-TH gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM.

Theo đó, TP. HCM đang xây dựng đề án thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức. Theo dự kiến, sau khi được thành lập, thành phố phía Đông của TP.HCM sẽ có diện tích tự nhiên là 211,57 km2, quy mô hơn 1,169 triệu dân. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của thành phố phía Đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%.

Thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM. 

Tuy nhiên, việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập thành phố trực thuộc thành phố là chưa có tiền lệ (nếu sáp nhập 3 quận để thành lập một quận mới thì phù hợp chủ trương theo tinh thần Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 653). Nếu thực hiện được thành phố phía Đông, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình “thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”.

Đa số chuyên gia đều cho rằng đề xuất của TP.HCM là hết sức bình thường, dựa trên cơ sở nghiên cứu và xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nhưng thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội. Vì vậy, khi TP.HCM có nhu cầu thì có thể làm đề án và đề xuất, còn duyệt hay không, duyệt như thế nào sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

"Khó khăn lớn nhất của việc thành lập TP phía Đông hiện nay chính là rào cản về luật pháp và thể chế bởi luật pháp chưa có quy định về vấn đề này. Do đó, để phát triển TP phía Đông, TP.HCM cần có một cơ chế đặc thù để linh hoạt vận hành và tận dụng hiệu quả nguồn lực.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ TP phải thành lập một cơ quan quản lý đề án này như các ban quản lý hiện nay là Ban quản lý khu Tây Bắc, khu Nam Sài Gòn... để giúp lãnh đạo TP xúc tiến các thủ tục, kêu gọi đầu tư...”, một chuyên gia quy hoạch nhận định.

Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, người có nhiều năm làm công tác quy hoạch cho TP, cũng thừa nhận việc thành lập TP phía Đông là chưa có tiền lệ về chính trị và hành chính. Nhưng về mặt đô thị thì đây là một ý tưởng hay, nếu làm đúng như đơn vị tư vấn có thể sẽ thành hiện thực.

Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý tưởng thiết kế phải tốt, đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo TP và đặc biệt là phải thu hút được các nhà đầu tư tham gia.

Chuyên gia nhận định khu vực phía Đông TP. HCM có tiềm năng rất lớn. 

KTS-TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng khu vực phía Đông của TP.HCM có tiềm năng rất lớn, có điều kiện cần để lập TP, nhưng muốn đủ phải xây dựng được chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu vực này trước, giải quyết trước bài toán về quy hoạch, giao thông sau đó sẽ thành lập bộ máy để lo từ vấn đề quy hoạch tới các nguồn tài chính, tổ chức đầu tư, thực hiện...

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, thành phố trong thành phố là chủ trương đúng, một định hướng tốt về mặt đô thị nhưng để thực hiện cần có sự rõ ràng về mặt cơ chế.

Theo ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam của Bộ Nội vụ, việc chọn hướng đột phá về Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP để định hướng tổ chức lại đơn vị hành chính TP thuộc TP là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng có chuyên gia cho rằng việc đề xuất xây dựng mô hình thành phố trong thành phố của TP. HCM là chưa căn cứ trên các cơ sở thực tiễn quy định của pháp luật hiện hành mà thiên về mong muốn và cảm xúc nhiều hơn.

PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia về đô thị học, người có nhiều nghiên cứu các mô hình đô thị trên thế giới, đã công bố ở Việt Nam từ năm 1990 cho rằng đề xuất này rất khó được Bộ Xây dựng hoặc cao hơn là Thủ tướng Chính phủ chấp nhận. Điều này đã xảy ra vài lần khi TPHCM trình đề án chính quyền đô thị lên các cấp ở Trung ương. Bởi chưa có trong tiền lệ, muốn thực hiện điều này, đầu tiên phải thay đổi nhiều bộ luật liên quan như Luật Quản lý Đô thị, Luật Quản lý hành chính Nhà nước, Luật Xây dựng…

Được biết, trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình thực hiện hồ sơ thành lập thành phố phía Đông theo chủ trương của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM. Ngay sau đó, Bộ Nội vụ có công văn đề nghị UBND TP.HCM xin ý kiến của Bộ Xây dựng nội dung liên quan đến hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị.

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Cần cơ chế để thành lập thành phố phía Đông TP. Hồ Chí Minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ