Thứ bảy, 20/04/2024 01:12 (GMT+7)

Cần công bố phương án chuyển đổi trụ sở nội thành Hà Nội

Cẩm Anh (Thực hiện) -  Thứ hai, 08/06/2020 11:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo chuyên gia đô thị, nhiều Bộ, Ngành đã chuyển đến trụ sở mới nhưng không trả trụ sở cũ cho thấy kế hoạch di rời còn một lỗ hổng lớn. Theo đó cần phải công bố phương án chuyển đổi trụ sở nội thành.

Đã hơn 5 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, việc di dời diễn ra rất chậm khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, lo ngại.

Trước đó, năm 2019, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Xây dựng cho biết chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết 16/2008.

Lúc đó, đã có 9 bộ, ngành hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, gồm Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT,  Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bộ Nội vụ đã chuyển trụ sở từ số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về số 8 Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy, Hà Nội). 

Trong các Bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới, chỉ có Bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý; Bộ Tài chính đã có quyết định thu hồi 4 cơ sở này để bố trí cho các cơ quan khác quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc. Còn lại, một số cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP. Hà Nội khai thác.

Bàn về vấn đề này, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Nhìn nhận từ vấn đề trên, theo ông, vì sao các bộ, ngành hiện nay vẫn chưa chịu bàn giao lại đất trụ sở cũ cho TP.Hà Nội mà vẫn coi đây là trụ sở thứ hai và tiếp tục sử dụng? Điều đó có ảnh hưởng gì đến quá trình kiện toàn hạ tầng của Thủ đô?

KTS. Trần Huy Ánh: Trong các Bộ, tôi thấy trụ sở Bộ Nội Vụ cũ ở phố Nguyễn Bỉnh Kiêm chuyển đi thì chỉ thời gian ngắn vắng vẻ, cứ nghĩ là sẽ được sử dụng theo phương án của Bộ Xây Dựng triển khai theo Quyết định số 130/QĐ-TTg: “Quỹ đất sau khi di dời… ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”.

Thế nhưng bây giờ bố trí cho mấy cơ quan mới vào trụ sở cũ, xe ô tô cá nhân của các ông bà nhân viên đỗ từ trong nhà tràn ra lòng đường, chất lượng không gian đô thị không được cải thiện chút nào… cho thấy việc di rời này không có mấy tác dụng.

Các phương tiện tại Bộ Nội vụ cũ đỗ tràn ra đường. 

Các Bộ, Ngành đi rồi không trả cho thấy kế hoạch di rời còn một lỗ hổng lớn, đó là cần công bố phương án khai thác trụ sở cũ đã rồi hãy đầu tư làm trụ sở mới. Chúng ta cần lượng hóa giá trị sử dụng không gian trụ sở làm việc thành tiền bạc.

Việc sử dụng đã có định mức, Bộ Ngành nào sử dụng vượt quá định mức thì  lấy kỷ luật tài chính ra cư xử, quỹ lương/thưởng/chi thường xuyên duy trì hoạt động cho vào một giỏ. Sử dụng không hiệu quả không gian làm việc sẽ thiệt hại ngay thu nhập cán bộ công chức thì sẽ lập lại kỷ luật tiết kiệm ngay.

Rất nhiều trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương đang hiện diện trên những công trình có kiến trúc Pháp cổ giữa trung tâm Hà Nội, những công trình này được xác định có giá trị lịch sử to lớn đối với văn hóa của Thủ đô. Ông có suy nghĩ như thế nào về quan điểm, sau khi di chuyển, các địa điểm này có thể đấu giá một phần hoặc từng phần để khai thác thương mại và kết hợp với bảo tồn di sản kiến trúc?

KTS. Trần Huy Ánh: Đây là một vấn đề lớn khi lượng hóa giá trị đô thị, là cơ hội để Nhà nước, Thành phố nhận thức rằng giá trị lịch sử nghệ thuật đô thị nằm trong tổng thể giá trị đô thị. Nếu vẫn nhắm mắt đập bỏ các công trình kiến trúc tạo nên lịch sử đô thị để làm dự án nhà mới to hơn, thiết bị hiện đại hơn một cách thực dụng nhưng giảm nhẹ giá trị tổng thể đô thị thì vẫn là cách tiếp cận ngắn hạn, cổ vũ cho làn sóng chạy dự án chuyển đổi trụ sở cũ giá rẻ đổi lấy xây trụ sở mới giá đắt, chỉ mang lợi cho vài cá nhân, tổ chức tham gia vào công việc chuyển đối bất đối xứng này thì việc chuyển đổi này lợi ích công vẫn bị thiệt đơn thiệt kép.

KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội. 

Theo tôi Thành phố nên công bố danh sách các trụ sở dự kiến di chuyển, mô tả hiện trạng và gợi ý các phương án chuyển đổi, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng, tổ chức cuộc thi các phương án “tái thiết các không gian chuyển đổi”.

Tôi nghĩ các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Hội nghề nghiệp sẽ tham gia, tổ chức tuyển chọn các phương án tối ưu rồi đấu thầu rộng rãi phương án tái khai thác trụ sở cũ và tạo lập trụ sở mới. Thành phố ta sẽ có phương án tối ưu làm  giàu về tiền bạc cũng như văn hóa lịch sử rất nhanh và tạo sự đồng thuận cao từ xã hội đến doanh nghiệp và kể cả các cơ quan cần phải di rời.

KTS. Trần Huy Ánh:Phải chăng, khi các bộ, ngành đã có đất, đã xây trụ sở mới mà chây ì trong việc trả lại phần đất trụ sở cũ thì người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm về vấn đề này thay vì quy trách nhiệm chung chung cho tập thể. Ông có nhìn nhận gì về việc này?

Theo tôi không phải trường hợp nào trây ì cũng tiêu cực. Thực tế, có Hiệu trưởng trường Đại học nói thẳng “di chuyển đại học đi để nhồi chung cư thương mại vào thì thà để nguyên còn hơn”. Nhưng những trường hợp đã đi nơi mới thỏa đáng mà còn trây ì, trong khi phương án tái thiết mạng lợi ích công cộng lớn thì sức ép xã hội sẽ thúc đẩy quá trình này nhanh.

Ví dụ như trường hợp các vị quan chức về hưu mấy năm rồi không trả nhà công vụ, khi cơ quan công quyền công bố danh tính các vị đó thì chỉ ít ngày sau là thu hồi được ngay.

Còn nhiều đơn vị nhà nước dù đã có trụ sở mới nhưng vẫn chưa trả lại trụ sở cũ cho Thành phố. 

Bài học này cho thấy, các Bộ ngành giao dịch với nhau còn nhiều nể nang, né tránh. Đây là cuộc giám sát tài sản công, sở hữu toàn dân, liên quan đến lợi ích cả cộng đồng nên cần công khai để cả cộng đồng xã hội chung tay giám sát thực hiện thay vì chỉ vài cá nhân tổ chức đối thoại với nhau.

KTS. Trần Huy Ánh:Trong dự thảo Nghị quyết một số cơ chế đặc thù thí điểm, TP.Hà Nội có đề xuất Quốc hội được hưởng 50% khoản tiền sử dụng đất, khi bán tài sản công gắn liền trên đất. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Đây là bài toán sử dụng/hoán đổi công sản để đầu tư công. Phương án bán nhà cũ để làm gì? Tiền thu đúng giá thị trường không? Số tiền thu được đầu tư vào các dự án có hiệu quả không? Cần làm rõ những nội dung trên trước tiên.

Bởi lẽ, trước đây, Thành phố đã từng có đề xuất bán hết đất công, nhà công đi để đầu tư mấy trăm cây số đường sắt trên cao. Thời gian qua cho thấy các dự án loại này Hà Nội mua rất đắt và vướng nhiều rắc rối nên một số dự án tạm dừng, một số thì chuyển đổi phương án, phương thức đầu tư cho hiệu quả hơn. Điều đó cho thấy cơ chế thoáng mà kiểm soát không hiệu quả thì hãy thận trọng và tăng cường minh bạch, công khai thì cơ chế ưu đãi mới có hiệu quả.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bạn đang đọc bài viết Cần công bố phương án chuyển đổi trụ sở nội thành Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...