Thứ bảy, 20/04/2024 18:49 (GMT+7)

Cần một kịch bản quy hoạch mới cho sự phát triển của nông thôn Việt

KTS. Trần Huy Ánh -  Thứ hai, 03/08/2020 08:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Yêu cầu trên được đặt ra trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng, môi trường sống ở nông thôn có sự chuyển dịch, đòi hỏi cao hơn về chất lượng cuộc sống.

Việt Nam là một quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ người sống ở nông thôn đang giảm dần, tiến tới mức 40% vào những năm tới. Như vậy, nông thôn cũng dần chuyển đổi, không hoàn toàn chỉ là nơi cư trú của bà con nông dân…

Vậy môi trường sống ở nông thôn đang trong quá trình chuyển dịch như thế nào và cần những giải pháp gì để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở nông thôn? Qua đó, KTS. Trần Huy Ánh đặt vấn đề: Cần một kịch bản mới cho quy hoạch không gian phát triển kinh tế, xã hội nông thôn Việt Nam hiện nay

Nông thôn Việt Nam đối mặt với thách thức môi trường ô nhiễm, khô hạn, suy thoái tài nguyên đất và nước. 

Quy hoạch nông thôn mới cần nhìn nhận lại những vấn đề gì?

Cho đến năm 2019, cả nước đã có 99,7% số xã trên cả nước được lập đồ án quy hoạch chung xây dựng xã. Các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới (NTM) được xem là cơ sở tiền đề cho xây dựng đề án xây dựng xã NTM, tiến tới triển khai xây dựng NTM tại các xã trên toàn quốc. (“Thanh tra”- 4/10/2019).

Bộ Xây dựng đã từng nhận định: “Thực tế cho thấy, chất lượng các đồ án quy hoạch của một số xã còn thấp, thiếu sự liên kết giữa bố trí dân cư, xây dựng các công trình hạ tầng, vùng sản xuất tập trung và thiếu tính liên kết vùng. Chủ yếu đáp ứng yêu cầu xây dựng trước mắt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, nhiều nơi còn mang tính hình thức”.

Thực tế, nông thôn đang diễn biến không như mong đợi. Cảnh quan, kiến trúc nông thôn đang mất dần tính sinh thái, bản sắc văn hóa truyền thống và dần trở nên ngột ngạt.

Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn là sức ép lớn, gây ra những hệ lụy về môi trường, xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng trầm trọng hơn. Xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn thiếu quy hoạch, nguồn lực, giải pháp đồng bộ… “đồng bằng hóa miền núi, đô thị hóa nông thôn, bê tông hóa làng quê”…

Những tồn tại trên đặt ra câu hỏi: Quy hoạch nông thôn thời gian qua có thực sự hiệu quả? Và chúng ta cần làm gì để thay đổi thực trạng này?.

Cả nước hiện có 833 đô thị các loại trên 63 tỉnh/thành, 707 quận/huyện, 11.000 xã/phường/thị trấn… cho thấy mạng lưới đô thị đã phủ kín các quận, huyện… và vùng nông thôn chỉ còn là các không gian bao quanh các đô thị với bán kính 10-20km. Điều này cho thấy cần nhận diện rõ hơn sự khác nhau giữa hai không gian đô thị/nông thôn cũng như sự tương tác giữa chúng để có cách ứng xử phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc can thiệp sai lầm vào cả hai vùng.

Cần làm rõ sự khác biệt của quy hoạch đô thị và nông thôn. Khác biệt của không gian nông thôn là không tách rời với không gian sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản thực phẩm. Quy hoạch NTM chưa đạt yêu cầu nếu chỉ đề cập tới không gian ở tại nông thôn mà không để cập tới không gian sản xuất nông nghiệp.

Cần một kịch bản mới cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam?

Làn di cư từ nông thôn ra đô thị tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ bởi khu vực đô thị chiếm 35% không gian lãnh thổ nhưng chiếm 70-80% GDP. Lao động nông nghiệp Việt Nam chiếm 48%, nông nghiệp chiếm 65% đất đai, sử dụng tới 92% tổng lượng nước, nhưng chỉ đóng góp 18% GDP (theo Ngân hàng Thế giới – WB).

Tuy vậy, với tỷ trọng 60% nông dân thì vai trò ổn định xã hội của nông nghiệp Việt Nam là quan trọng. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nông nghiệp: không thu thế đất nông nghiệp/hỗ trợ chi phí thủy lợi. Hỗ trợ nhiều vậy nhưng do vận hành kinh tế nông nghiệp kém hiệu quả nên nông dân vẫn nghèo, lãng phí tài nguyên/nhân lực.

Nông nghiệp Việt Nam: hiệu quả thấp, thu nhập lao động nông nghiệp thấp, giá trị gia tâng thấp (so với các quốc gia châu Á).

Báo cáo “Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: tăng giá trị, giảm đầu vào” (WB-2016) cho thấy, Nông nghiệp Việt Nam đang sử dụng  nước hiệu suất thấp chỉ 2,37 USD-GDP/m3 nước, thấp hơn Lào, Philippines; Thái Lan cao gấp 3 (6,93), Trung Quốc gấp 7,7 lần (18,2), Pháp cao gấp 36,5 lần (86,48).

Trong khi nguồn nước ô nhiễm/nghiễm mặn; Ngập lụt nông thôn mùa mưa và úng ngập đô thị mùa mưa/hạn hán mùa khô hạn diện rộng gia tăng, đặc biệt nghiêm trọng khi tác động kép của biến đổi khí hậu và các quốc gia đầu nguồn xây đập ngăn nước tràn lan… ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước – vốn là yếu tố sống còn của sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phát tán diện rộng dư lượng hóa chất từ phân bón/thuốc bảo vệ thực vật hay phế thải từ chăn nuôi, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản… gần như không kiểm soát.

Theo mô hình tính toán của cơ quan khoa học CH Pháp 1990, ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp gấp 5 lần phát thải sinh hoạt, còn từ nông nghiệp gấp 13 lần. Nội suy từ phát thải sinh hoạt Việt Nam (2018) là 31 triệu tấn/ năm, thì tổng lượng phế thải nông nghiệp lên tới hàng trăm triệu tấn.

Chi phí xử lý phế thải có thể lên đến hàng trăm tỷ USD, nếu so với vài chục tỷ USD xuất khẩu nông sản cho thấy “lợi bất cập hại”, trong khi thu nhập của lao động rất thấp so với các sản xuất khác. Do đó cần một kịch bản mới cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam: Nông nghiệp/nông thôn với sứ mạng giải thoát các bế tắc của đô thị Việt Nam chứ không phải là nơi đón nhận tài trợ vô tác dụng và thiếu bền vững.

Cuộc sống nông dân có chất lượng cao thì khung cảnh nông thôn mới thực sự đẹp?!

Nông nghiệp Việt Nam phát triển không bền vững. 

Nông thôn với sứ mạng giải thoát các bế tắc của đô thị Việt Nam?

Từ đầu Thế kỷ 20, Piere Gourou - nhà địa lý nhân sinh Pháp, tác giả cuốn “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” đã cảnh báo về sự thiếu hụt ruộng đất sản xuất nông nghiệp, sẽ có nguy cơ thiếu lương thực thực phẩm (nhưng lúc đó Việt Nam đã là cường quốc nông nghiệp của châu Á, xuất khẩu lúa gạo hơn cả Ấn Độ, Thái Lan… Lúc bấy giờ đồng bằng sông Hồng mới có 6 triệu người, ngày nay là hơn 24 triệu (tăng gấp 4 lần). Chia bình quân chỉ 2-3 sào/ nông dân nhưng đi đâu cũng thấy ruộng bỏ hoang, khu đô thị/công nghiệp dang dở.

Trong các làng quê hay trên cánh đồng, hầu như thiếu vắng thanh niên (họ đã ra thành phố hay các khu công nghiệp làm việc), chỉ còn lại người già và trẻ em. Nhiều vùng nông thôn thiếu lao động.

Thực tế cho thấy, thành phố thiếu đất ở, giao thông, cây xanh, mặt nước, không gian công cộng, hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Trong khi nông thôn vẫn còn không gian để bù trừ cho thiếu hụt này nhưng bắt đầu hoang hóa, ô nhiễm và thiếu sức sống tái tạo (nhiều vùng ô nhiễm không khí, nước thải và rác thải).

Nông thôn quanh các khu công nghiệp đô thị hoang hóa, trong khi thực phẩm, lương thực phải nhập khẩu, vận chuyển từ xa. Trong khi các đô thị phải chi một khoản tiền lớn cho việc thu gom xử lý nước thải/rác thải thì lại đi nhập rác thải về làm nguyên liệu sản xuất (sắt vụn/vải vụn/giấy vụn/nhựa đã qua sử dụng) đó là chưa kể hàng hóa điện tử, xe máy, hàng tiêu dùng, quần áo đã qua sử dụng, thậm chí cả những nhà máy, dây chuyền sản xuất thải ra từ các nước phát triển .

Bài toán bế tắc từ đô thị và nông thôn có thể giải bằng cấu trúc lại chuỗi sản xuất tuần hoàn, dựa trên nguyên tắc chính sách “mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất” – EPR (Extended Producer Responsibility) trong quản lý chất thải rắn/lỏng và khí.  Đây chính là mô hình liên kết phát triển kinh tế tuần hoàn giữa đô thị và nông thôn. Chi phí thu gom và xử lý rác thải của Hà Nội và TP HCM là 1.200 -1.500 tỷ đồng/năm. Trung bình các địa phương còn lại khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng (thu phí từ người dân khoảng 10-15%), đó là chưa kể phải bỏ ra hàng ngàn ha đất dành cho việc chôn rác.

Thu gom và xử lý nước thải hàng năm cũng phải chi hàng ngàn tỷ cho các thành phố lớn, đó là chưa kể đến hàng chục ngàn tỷ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải. Nếu như 80% rác thải được phân loại, tái chế thành phân bón, xi măng, vật liệu xây dựng, san nền đường xá nguyên liệu tái chế khác… thì nông thôn sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp không hóa chất, cả đô thị và nông thôn sẽ hình thành chuỗi sản xuất “không rác thải”.

Ví dụ tại Hà Nội nếu được vận hành mô hình này, hàng năm sẽ có hàng chục ngàn tỷ được trả lại cho vùng nông thôn thông qua việc giảm chi phí phát thải  theo chính sách “mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất” – EPR, tương đương với tổng đầu tư cho nông thôn trong 10 năm (2008-2018) khoảng 18.000 tỷ đồng.

Như vậy ngoài thu nhập từ nông sản giá trị cao (từ mô hình sản xuất không hóa chất), người nông dân quanh đô thị có thể tăng thu nhập tương đương với nông dân Philippin hoặc Indonesia.

Trong khi quản trị ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất lạc hậu thì các doanh nghiệp tư nhân đã phát triển các giải pháp quản trị số hóa hiện đại, ví dụ: Bản đồ Quản lý rừng của Hieu Nguyen; Theo dõi cấp nước của P-GIS; và Quy hoạch đất đai công bố trên điện thoại”quyhoach.hanoi.vn” của VietPalm.

Kiến trúc Nông thôn trong tiến trình hiện đại hóa quản trị nông nghiệp

Chương trình “Nông thôn mới” đã được triển khai trên toàn quốc với nhiều công trình điện – đường – trường – trạm, nhà ở, trụ sở xây dựng mới. Nhưng xem xét tổng thể sản xuất nông nghiệp, thu nhập nông dân và chất lượng sống, môi trường sinh thái nông thôn còn không ít tồn tại.

WB khuyến cáo Việt Nam cần phải tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn, hiệu quả cao hơn cho nông dân và người tiêu dùng đồng thời sử dụng ít hơn tài nguyên, nhân công và hóa chất độc hại.

Tỷ lệ giá trị gia tăng nông nghiệp/thu nhập đầu người tại các quốc gia giai đoạn 1990-2014 cho thấy Việt Nam giảm dần thì Malaysia neo ở mức cao. Đây là kết quả của Kế hoạch Malaysia thứ 9: Đặt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trở thành một trong ba trụ cột tăng trưởng kinh tế quốc gia. Sản xuất nông sản chất lượng với giá trị gia tăng cao từ chế biến, phân loại, đóng gói, xây dựng thương hiệu.

Thành phần rác thải tại Việt Nam và mô hình liên kết tuần hoàn đô thị/nông thôn cùng phát triển kinh tế không rác thải. 

Chương trình thực hiện “Hợp đồng canh tác” ký giữa Hội đồng quản trị (đại diện Chương trình) với từng hộ nông dân dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp, các ngành, địa phương liên quan. Hội đồng quản trị là người mua và đồng ý bảo lãnh cây trồng thị trường nơi nông dân sản xuất cây trồng theo chủng loại, giống, chất lượng, cấp, đóng gói và đặt lịch sản xuất.

Toàn bộ được theo dõi bằng công nghệ số gắn trên bản đồ vệ tinh, đồng thời là thông tin chỉ dẫn địa lý.Việt Nam đã ứng phó rất tốt với Covid-19, trong đó có chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm vận hành trơn tru.

Một số doanh nghiệp nông nghiệp gặt hái thành công ngay trong đại dịch này nhờ nắm bắt thông tin thị trường toàn cầu, gợi ý quản trị nông nghiệp Việt Nam không cần “xắn quần lội ruộng/chỉ đạo kịp thời” mà cần vận hành linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo, đa dạng hóa và tạo thêm giá trị mới.

Khâu đột phá là chuyển đổi số toàn diện quản trị nông nghiệp. Thông tin chính xác, nhanh nhậy là chìa khóa mở ra cho kinh tế nông nghiệp tích hợp đa ngành, đa lợi ích và thích ứng với kinh tế nông nghiệp toàn cầu biến đổi không ngừng.

Một nền nông nghiệp tân tiến hiện đại ắt sẽ mang lại thu nhập cao cho nông dân, và lúc đó họ sẽ thuê các Kiến trúc sư tài giỏi thiết kế nên khung cảnh nông thôn phồn minh tươi đẹp, văn minh sạch sẽ vượt xa các tiêu chí hiện tại, nếu được vậy thì chương trình Nông thôn mới mới thực sự thành công.

KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội KTS. Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Cần một kịch bản quy hoạch mới cho sự phát triển của nông thôn Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất