Thứ năm, 28/03/2024 19:29 (GMT+7)

'Chính quyền cần quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội, môi trường'

Lam Vy -  Thứ bảy, 23/11/2019 08:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Trước khi thực hiện thì các nhà thiết kế công trình và đơn vị thi công cần nghiên cứu và giải thích kỹ để cho dư luận dễ hiểu hơn về phương án sẽ thực hiện, tránh những ý kiến hiểu sai”.

Liên quan tới việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu quận Hoàn Kiếm sớm tổ chức đấu thầu dự án chỉnh trang hồ Hoàn Kiếm vì hiện tại hồ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Và sau hai năm tìm kiếm, thành phố đã có được công nghệ mới, sẽ nghiên cứu dùng những khối bê tông nặng khoảng hai tấn để kè xung quanh hồ. Mỗi khối bê tông dài khoảng một mét, được đặt thẳng xuống bờ hồ mà không phải dịch chuyển hay đào bới bất cứ thứ gì và khẳng định sau khi kè xong.

Những ý kiến trái chiều

Xoay quanh vấn đề về việc kè lại hồ bằng vật liệu bê tông và có ảnh hưởng tới hệ sinh thái của hồ hay không? Đã có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều, đã có những ý kiến của chuyên gia cho rằng việc sử dụng chất liệu bê tông sẽ khiến hồ Hoàn Kiếm trở nên thô cứng, không còn nét duyên dáng, nét đẹp của Thủ đô, biến Hồ Gươm thơ mộng thành cái hồ chứa nước khổng lồ và khiến hệ sinh thái của hồ Gươm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên kè bằng chất liệu bê tông để có thể đảm bảo việc chống sụt lún, an toàn. 

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, chị Nguyễn Thị Minh Anh (Một người dân ở Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Việc kè lại bờ Hồ Gươm là rất cần thiết, vì trong thời gian qua bờ Hồ sạt lở rất nghiêm trọng. Tôi đi qua thấy có nhiều biển cảnh báo nguy hiểm. Vì Hồ Gươm là địa điểm thu hút khách du lịch và là nét đẹp của Thủ đô nên cần phải tu sửa trong thời gian sớm nhất. Còn việc sử dụng các khối bê tông để kè lại thì cũng hợp lý, vì như vậy sẽ rất bền và an toàn”.

Hồ Gươm được coi là trái tim của Thủ đô. Mỗi ngày, có hàng nghìn lượt khách trong nước và ngoài nước ghé thăm, vãn cảnh. Tình trạng sụt lở này không chỉ gây nguy hiểm cho du khách tham quan mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và bộ mặt của Thủ đô.

Để có thêm những ý kiến đa chiều liên quan tới những ý kiến liên quan tới kè lại Hồ Gươm, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Trọng Dương- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam.

Ông Dương chia sẻ: “Việc gia cố lại bờ Hồ Hoàn Kiếm bằng chất liệu bê tông sẽ không ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Bởi trước đây quanh bờ hồ là bằng đất, không đảm bảo an toàn, bây giờ tu sửa, kè lại bằng bê tông sẽ rất vững chắc và an toàn”.

Ông Nguyễn Trọng Dương- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam ( bên trái).

Khi có thông tin đưa ra liên quan tới việc kè lại hồ Gươm bằng các khối bê tông nặng 2 tấn và mỗi khối bê tông dài khoảng một mét đặt xuống hồ đã có rất nhiều lo ngại tới việc liệu rằng khi thực hiện phương án đó sẽ còn  giữ được nguyên hiện trạng đất tự nhiên đáy hồ hay không ? Nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ có bị phá vỡ khi khối bê tông kè quá lớn?

Để giải đáp những lo ngại của dư luận, ông Dương cho rằng: “Việc sử dụng bê tông để kè lại hồ Hoàn Kiếm hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới hiện trạng đất tự nhiên đáy hồ cũng như nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ, nếu có ảnh hưởng đến đáy hồ thì cũng không đáng kể. Chỉ là kè lại quanh hồ chứ không phải là đáy hồ.

Đây là kè xung quanh bờ Hồ, nói chung về mặt kỹ thuật thì cũng không ảnh hưởng tới chất lượng cũng như hệ sinh thái của hồ, các nước tiên tiến họ cũng kè như vậy để đảm bảo vệ sinh môi trường.

 Nhưng trước khi thực hiện thì các nhà thiết kế  công trình và đơn vị thi công cần nghiên cứu và giải thích kỹ để cho dư luận dễ hiểu hơn về phương án sẽ thực hiện, tránh những ý kiến hiểu sai”.

Theo đơn vị tư vấn khảo sát, toàn bộ kè hồ Hoàn Kiếm dài khoảng 1.600 m, trong đó có khoảng 600 m đã hư hỏng. Việc tu sửa, kè lại hồ Hoàn Kiếm là việc thật sự cần thiết và phải thực hiện trong thời gian tới. Phương án thi công không dùng tường vây, đê bao, không thay đổi mực nước Hồ Gươm, cũng không làm đường công vụ.

Đảm bảo giữ nguyên hiện trạng nền đất tự nhiên đáy hồ, giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh bờ hồ, không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ. Hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thi công, không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, sinh hoạt văn hóa thường ngày của người dân.

Lo ngại việc kè hồ sẽ ảnh hưởng tới người dân và khách du lịch

Nhưng không ít người dân Thủ đô lo ngại về việc tu sửa sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ và đặc biệt là những bất tiện đối với du khách khi đến thăm hồ Hoàn Kiếm.

Ông Trần Văn Nam, người dân sống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ với PV: “Tôi biết vào năm 2017 quanh hồ đã xuất hiện tình trạng sụt lún, tới bây giờ Thành phố Hà Nội mới triển khai tu sửa là hơi muộn. Nhưng tôi nghĩ khi đưa ra kế hoạch tu sửa phải thật sự chi tiết, vì hồ Gươm không giống như các hồ khác, đây là nơi có lượng khách du lịch ghé qua lớn. Nếu không đảm bảo các yếu tố về vệ sinh môi trường thì không được”.

Hồ Gươm được coi là trái tim của Thủ đô. Mỗi ngày, có hàng nghìn lượt khách trong nước và ngoài nước ghé thăm, vãn cảnh. Tình trạng sụt lở này không chỉ gây nguy hiểm cho du khách tham quan mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và bộ mặt của Thủ đô.

Ông Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường Việt Nam.

Tiếp tục câu chuyện nóng bỏng trên, PV đã liên hệ với Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường Việt Nam- Ông Trần Hiếu Nhuệ để tìm hiểu thêm về giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng của việc kè bờ hồ Hoàn Kiếm có thể làm ảnh hưởng tới môi trường cũng như người dân và khách du lịch.

Ông Nhuệ chia sẻ: “Khi thực hiện việc kè hồ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nơi cư trú của các loài sinh vật dưới nước, làm hạn chế tính đa dạng sinh học trong hồ. Chính vì vậy cần có khoảng xen kẽ để có thể bảo vệ được các loài sinh vật dưới nước. Khi thi công cần đảm bảo các yếu tố về thời điểm thi công sao cho hợp lý, tránh gây ra sự phiền toái cho người dân và khách du lịch.

Các điều kiện về cấp thoát nước cần chú ý, để làm sao cho nó đảm bảo cuộc sống bình thường của các loài sinh vật, của người dân sống xung quanh hồ. Chính quyền, đơn vị thi công cần quan tâm tới những vấn đề an sinh xã hội, môi trường”.

Việc tu sửa, chỉnh trang lại bờ hồ Hoàn Kiếm là việc làm hết sức cần thiết đối với bộ mặt của Thủ đô trong thời gian này. Chính vì vậy khi lựa chọn phương án cũng cần tới sự tính toán kỹ lưỡng và đảm bảo các yếu tố cơ bản, giảm thiểu ảnh hưởng tới hệ sinh thái  tại hồ cũng như người dân, du khách khi tới thăm hồ Hoàn Kiếm.

Bạn đang đọc bài viết 'Chính quyền cần quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội, môi trường'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.