Thứ sáu, 29/03/2024 18:42 (GMT+7)

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Xây chung cư ồ ạt, ảnh hưởng hạ tầng

MTĐT -  Thứ bảy, 01/06/2019 16:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người phát ngôn Chính phủ thừa nhận: "Đúng là hiện nay có nhiều bất cập. Chúng ta thấy việc xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trong các đô thị lớn, mật độ dân số cao trong khi bất cập về hạ tầng…”

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 về quan điểm của Chính phủ liên quan tới việc cấp phép ồ ạt xây dựng chung cư cao tầng ở các thành phố lớn, theo VOV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ: Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ di dời tất cả cơ sở lớn như bệnh viện, trường học… ra khỏi nội đô để giảm áp lực đến hạ tầng. Để thực hiện việc này, Chính phủ đã phân cấp rất mạnh cho lãnh đạo các địa phương. Nội dung phân cấp chủ yếu là việc xây dựng như thế nào, quy hoạch ra sao cho đúng chỉ đạo chung về mật độ và các hạ tầng phúc lợi kèm theo.

Người phát ngôn Chính phủ thừa nhận: "Đúng là hiện nay có nhiều bất cập. Chúng ta thấy việc xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trong các đô thị lớn, mật độ dân số cao trong khi bất cập về hạ tầng dùng chung, hạ tầng phúc lợi công cộng… không đáp ứng được”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh nếu đầu tư đồng bộ về hạ tầng với xây dựng chung cư sẽ xử lý được bất cập. Thực trạng hiện nay lại không có sự đồng bộ. "Các cơ quan báo chí quan tâm là điều rất đúng", ông Dũng nói.

Nói về trách nhiệm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại việc Chính phủ đã phân cấp rất mạnh cho các địa phương. "Chính phủ đã phân cấp trách nhiệm quản lý, phê duyệt các dự án, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, chỉnh trang đô thị… cho các địa phương, nhất là các thành phố lớn", ông Dũng nêu rõ

Nhiều địa phương chưa tuân thủ các quy định về tổ chức không gian trong đô thị, việc quy định trách nhiệm của các chủ thể chưa rõ ràng, chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm.

Cao ốc nhồi nhét trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội). Ảnh: Internet.

Trên thực tế, nhiều tuyến đường của Hà Nội, TP.HCM đang trở nên chật cứng bởi các cao ốc chen nhau mọc lên, như đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương (Hà Nội), đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (quận 7) hay dọc bến Vân Đồn (TP.HCM)... Đằng sau tốc độ đô thị hóa chóng mặt và cơn sốt bất động sản ở 2 trung tâm đô thị lớn là bài toán hạ tầng chưa có lời giải.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 11.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, quy hoạch điều chỉnh luôn luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng và lợi ích của người sử dụng, như tăng số tầng, diện tích sàn, chia nhỏ diện tích, căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm tiện tích cây xanh.

Riêng tại TP.HCM, đất dành cho giao thông TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3-4%.

TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ vào tốp đầu cả nước, hơn 40%, từ 1/7/2014 đến hết năm 2018, TP có 181 dự án phải điều chỉnh quy hoạch.

Đầu năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng cho biết tốc độ gia tăng dân số của TP là 200.000 người/năm, đồng nghĩa với việc cứ 5 năm, thành phố lại có thêm 1 triệu cư dân. Với tốc độ này, chỉ trong gần 10 năm nữa, TP sẽ trở thành một trong những siêu đô thị mới của khu vực với hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Xây chung cư ồ ạt, ảnh hưởng hạ tầng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới