Thứ sáu, 29/03/2024 19:44 (GMT+7)

Có nên mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng?

MTĐT -  Chủ nhật, 14/06/2020 16:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa 4 tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ và Bắc Giang về ĐBSH có ý nghĩa nhấn mạnh sự liên kết giữa ĐBSH với vùng chuyển tiếp rồi lan tỏa đến vùng miền núi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay. Theo phương án mới, sẽ mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) bằng cách đưa vào 4 tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình.

Theo báo Tiền phong, tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030, sáng 4/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. Do đó, phương án phân vùng cần tạo ra các không gian phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới. Các vùng có khoảng cách quá lớn như vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (dài 1.300km) cần chia tách thành 2 vùng với sự gắn kết thực tế và phù hợp hơn về điều kiện tự nhiên, khí hậu.

Báo cáo về phương án phân vùng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và địa phương, bộ xây dựng 2 phương án.

Theo đó, phương án một là giữ nguyên 2 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tách vùng Trung du và Miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Đồng thời tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung bộ), điều chỉnh 1 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung bộ. Vùng Đông Nam bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận).

Còn về phương án 2, vốn được đa số các bộ, ngành và địa phương lựa chọn, ông Phương cho biết, được xây dựng trên cơ sở phương án phân vùng giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay, chỉ tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: vùng Bắc Trung bộ và vùng Nam Trung bộ. Đồng thời mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ.

Như vậy, các vùng mới trên cả nước gồm: miền núi phía bắc có 10 tỉnh; đồng bằng và trung du Bắc Bộ có 15 tỉnh; Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Ba vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố); đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố) giữ nguyên.

Đây cũng là phương án được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất, chỉ đạo nghiên cứu, do có tính kế thừa việc phân vùng trước đây, ít xáo trộn.

"Mở rộng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng sự gắn kết về lợi ích của các địa phương trong khai thác nguồn lợi sông Hồng, sông Đà, sông Thương, sông Cầu", Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm.

Đồng bằng sông Hồng có 21 triệu dân, nhưng diện tích nhỏ nhất, nên cần thiết phải mở rộng để có thêm không gian phát triển kinh tế, xã hội, và thúc đẩy một số tỉnh ở trung du miền núi phía Bắc phát triển nhanh hơn. Nếu mở rộng, vùng mới hình thành là đồng bằng và trung du Bắc Bộ sẽ có tổng diện tích gần 37.000 km2, dân số gần 27 triệu.

Văn phòng Chính phủ đánh giá các tỉnh miền núi phía Bắc khác biệt rất lớn với 4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, chủ yếu là núi cao, dốc (độ cao trung bình hơn 600 m) gây khó khăn cho phát triển hạ tầng, kinh tế. Trong khi đó, 4 tỉnh nêu trên có núi, đồi, đồng bằng (độ cao trung bình 200 m), thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Miền núi phía Bắc chủ yếu là lâm nghiệp, nông nghiệp, chế biến, thủy điện, khai thác khoáng sản. Đây là những địa phương khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp luôn ở tốp cuối, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, cần có chính sách riêng. 4 tỉnh trên lại phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, bất động sản; thu hút nhiều nhà đầu tư, dòng vốn. 4 tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người đang tăng ở tốp cao; gắn kết hữu cơ hai chiều với thủ đô Hà Nội và các địa phương khác ở đồng bằng sông Hồng. Kết nối giao thông giữa các địa phương này rất thuận lợi, thời gian di chuyển không quá hai tiếng.

Theo báo Người lao động, bàn về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng phương án đưa 4 tỉnh trên về ĐBSH có ý nghĩa nhấn mạnh sự liên kết giữa ĐBSH với vùng chuyển tiếp rồi lan tỏa đến vùng miền núi.

"Để có sự lan tỏa thì từ vùng ĐBSH phải lan tỏa đến vùng trung du, sau đó mới lan tỏa lên vùng núi được" - GS-TSKH Nguyễn Quang Thái phân tích thêm và nhấn mạnh: "Phú Thọ là đất Tổ, gắn vào cùng châu thổ sông Hồng cũng là hợp lý. Hà Nội kết nối với Hòa Bình, lên Sơn La tạo thành vùng du lịch".

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng nếu 4 tỉnh này về ĐBSH sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với các quân khu của quân đội. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang nằm ở Quân khu 2, Hòa Bình lại ở Quân khu 3, trong khi Bắc Giang và Thái Nguyên lại thuộc Quân khu 1. Do đó, ông Thái cho rằng có nhiều vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng, tính toán để chọn phương án tốt nhất.

Dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng 4 tỉnh trên có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đáng chú ý như Thái Nguyên và Bắc Ninh là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nếu 4 địa phương này kết nối cùng các tỉnh, TP trong vùng ĐBSH sẽ tạo nên những động lực nhất định cho vùng.

Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cũng lưu ý cần xem xét các nét tương đồng về điều kiện địa lý, tự nhiên, bởi các tỉnh, TP thuộc vùng ĐBSH hiện nay có sự khác biệt rõ rệt với 4 tỉnh trên. "Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, tính toán kỹ khi nhập 4 tỉnh này để tránh trường hợp nhập rồi lại tách" - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Trao đổi với VOV, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, Quy hoạch vùng kinh tế ở phương án với 7 vùng kinh tế có nhiều điểm hợp lý, khi có những lợi thế trong quá trình kết nối giao thông cũng như các điều kiện về khí hậu, tự nhiên và thổ nhưỡng. Việc kết nối giao thông trong điều kiện như hiện nay nó cũng đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, và vì thế, có tăng thêm hoặc mở rộng một số vùng sẽ rất phù hợp.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, trước đây do các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về kinh tế kỹ thuật chưa được thông thoáng, nên khi quy hoạch vùng với quy mô nhỏ hơn, cũng có khi có sự chia tách hay sáp nhập ở chỗ này hay chỗ kia… nói chung quy hoạch chỉ hợp lý ở thời điểm đó. Nhưng trong điều kiện hiện nay, có những địa phương phải tách ra khỏi một số vùng do những điều kiện về cơ sở hạ tầng.

“Nếu theo phương án phân thành 7 vùng thì có sự hợp lý hơn trong tách, ghép các địa phương trong vùng so với trước đây, từ đó các vùng có thể hỗ trợ lẫn nhau với những nét tương đồng của nhau, việc đấu nối tốt hơn giữa các khu vực trong vùng tốt hơn và có thể tạo ra cùng một xu hướng hoặc cùng dây chuyền hợp lý, từ đó tạo điều kiện phát triển KT-XH một cách tốt nhất”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, việc sắp xếp, quy hoạch các vùng kinh tế với việc chia tách hoặc sáp nhập các địa phương giữa các vùng mới cũ khi thực thi sẽ chưa thực sự ăn khớp với nhau. Trước đây, trong vùng một vùng cụ thế có cách quản lý cũng như mức độ phát triển khác nhau, dẫn đến cách kết nối, hoạt động giao thương có sự quản lý và quan hệ riêng.

Nhưng nay nếu có sự chia tách, sáp nhập không phù hợp, ví dụ vùng KT-XH trước đây chỉ thuần phát triển nông nghiệp, nay chuyển sang vùng phát triển công nghiệp và dịch vụ rõ ràng sẽ có những vấn đề không ăn khớp với nhau từ quan hệ, thủ tục hành chính đến quan hệ giao thương…

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Có nên mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới