Thứ bảy, 20/04/2024 14:12 (GMT+7)

Có thể xây dựng nền Kiến trúc hiện đại – Bản địa ở Việt Nam

MTĐT -  Thứ ba, 11/05/2021 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kiến trúc là nghệ thuật tổ chức không gian phục vụ cho con người, và nó cũng tuân thủ các quy luật thẩm mỹ đó và thêm vào những yêu cầu đặc thù của chuyên ngành thiết kế kiến trúc.

1. Kiến trúc như sản phẩm của xã hội và lịch sử.


Một tác phẩm nghệ thuật có phong cách thẩm mỹ (cái đẹp) khi có được phương thức biểu cảm riêng. Mặt khác, giá trị nghệ thuật được sáng tạo không vì số đông công chúng, cũng không phải do thói quen hay do sự nổi tiếng của tác giả. Điều đó buộc nghệ thuật luôn phải tự khẳng định thông qua một giá trị thẩm mỹ mới được tạo ra trong quá trình lao động sáng tạo.

Kiến trúc là nghệ thuật tổ chức không gian phục vụ cho con người, và nó cũng tuân thủ các quy luật thẩm mỹ đó và thêm vào những yêu cầu đặc thù của chuyên ngành thiết kế kiến trúc.

Phong cách kiến trúc (hay thời kỳ kiến trúc) được nhìn nhận như là hình thức thẩm mỹ của biểu cảm nghệ thuật, mỗi hình thức thẩm mỹ lại dẫn đến một xúc cảm riêng biệt với những đặc tính xác định để được nhận diện. Hình thức mới thường cần đến thời gian để xã hội làm quen, dần dần sẽ được chấp nhận rộng rãi và được khẳng định bằng một số tác phẩm đặc trưng, có tính đại diện.

Về bản chất, nghệ thuật luôn đổi mới, luôn tìm kiếm những nguyên tắc mới, những nhu cầu mới, những hình thức thẩm mỹ và phong cách biểu hiện mới. Đó là động lực cho sự ra đời các trào lưu mới, dẫn đến sự thay đổi các phong cách nghệ thuật trong lịch sử.

Theo quy luật nói trên, sự thay đổi các trào lưu nghệ thuật được khởi đầu và xác định bởi tập hợp những nguyên nhân sâu xa và phức tạp trong sự thay đổi các cấu trúc kinh tế, kỹ thuật, văn hoá và xã hội – vốn là nền tảng để nảy sinh nghệ thuật.

Các lý thuyết kiến trúc cơ bản đều đề cập đến kiến trúc như sản phẩm của xã hội và lịch sử. Khi xã hội dịch chuyển, xuất hiện những nhân tố mới, những trào lưu nghệ thuật có điều kiện phôi thai, được phát lộ và chịu tác động trực tiếp của cấu trúc xã hội, kinh tế, kỹ thuật quy định nó.

Mối quan hệ này thường không thực hiện trực tiếp mà theo những con đường phức tạp, đôi khi bí ẩn của quy luật thẩm mỹ – sự cảm nhận và tính đại diện.

2. Kiến trúc chịu sự chi phối của thời đại , nhưng lại có nguồn gốc dân tộc.


Nếu chúng ta chỉ đề cập riêng về hình thức kiến trúc sẽ có những câu hỏi thường chỉ dừng lại “có thẩm mỹ” và thử đánh giá thế nào là có thẩm mỹ hay không, lập tức sẽ vấp phải hàng loạt những vấn đề không hề đơn giản về “quan niệm thẩm mỹ” đến từ đâu, lấy “tiêu chí thẩm mỹ” nào để đánh giá nó. Trên thực tế một cách sâu xa hơn, hình thái kiến trúc thường thay đổi theo thời đại nhưng lại có nguồn gốc dân tộc và mang tính địa phương. Những trào lưu, xu hướng kiến trúc mới, khác với cái thông thường, hay bị đón nhận một cách nghi ngại, ngờ vực. Sau một thời gian, người ta bắt đầu quen và không còn thấy nó “xấu”, cuối cùng lại có thể được đón nhận như một kiểu kiến trúc “đẹp” và trở thành thời thượng. Hiển nhiên cái thay đổi ở đây không phải là thực tế khách quan mà chính là tâm lý thẩm mỹ, do sự nhận thức cái đẹp đã đổi khác mang tính thời đại – phải chăng đó chính là quy luật của thẩm mỹ nghệ thuật và kiến trúc?

Thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, tâm lý thẩm mỹ thường có nguồn gốc địa lý, dân tộc. Nhưng thời toàn cầu hóa, cách nhìn nhận thẩm mỹ mới phải chăng đã và đang có một “định kiến trước” do cái gốc rễ truyền thống và có thể phải đổi mới cách nhìn về “phong cách kiến trúc của thời đại” một cách tỉnh táo hơn nữa. Bởi kiến trúc tốt trước hết là sử dụng được cho con người một cách hữu hiệu nhất và đồng thời có sự thống nhất hài hoà trong một tổ chức không gian thống nhất được về hình thức nghệ thuật kiến trúc với những yêu cầu chuyên biệt nghiêm khắc của kiến trúc (Tiện dụng, bền vững và nhân bản ) và, tác phẩm đó có các giá trị tinh thần của chất lượng thẩm mỹ – hay lý tưởng thẩm mỹ, chịu sự tác động trực tiếp của cấu trúc kinh tế, xã hội và kỹ thuật – công nghệ của thời đại nó sinh ra.

Điều cơ bản là phải khẳng định được sự hiện diện của các giá trị thẩm mỹ mới và nhân bản hướng về tương lai. Về bản chất, chính là biểu cảm thẩm mỹ từ những motip cũ đã đổi sang một cách thức khác trong đó ẩn chứa một động lực hay một hệ giá trị mới gắn với sự tiến bộ xã hội. Sự thay đổi phong cách trong kiến trúc được khởi đầu và được xác định từ một loạt các nguyên nhân sâu xa của sự phát triển văn hoá – xã hội và kinh tế – kỹ thuật được qui ước từ mức độ phát triển của dân tộc ấy, đất nước ấy và thời đại của nó.

3. Nắm bắt sự vận động của kiến trúc trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay.


Trên phương diện lý thuyết phát triển kiến trúc mà đại diện cao nhất là phong cách nghệ thuật kiến trúc, vấn đề đặc thù của bản thân phong cách kiến trúc là mối liên hệ với quá trình tự thân của nó khi chuyển qua các giai đoạn phát triển khác nhau, thường đi tới theo các nền văn minh.

Và đến khi xuất hiện kiến trúc hiện đại, chúng cũng tuân theo quy luật có tính khách quan của chuỗi phong cách kiến trúc của chủ nghĩa Hiện đại – Modernism. Dường như con đường của kiến trúc hiện đại cũng trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn khi nhìn từ quan điểm của quy luật phát triển phong cách kiến trúc – nó cho phép hiểu được sự tiến triển khách quan của kiến trúc hiện đại và chính vì thế ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả các vấn đề lý thuyết và thực hành kiến trúc. Trong một phạm vi nhất định, kiến trúc hiện đại còn tác động trực tiếp đến cách nhìn nhận các trào lưu thẩm mỹ kiến trúc và các KTS hiện nay.

Và cũng chính từ điểm nhìn này, vấn đề chủ yếu được đặt ra là: Phải chăng trong kiến trúc có những tiêu chuẩn khách quan nào đó có giá trị cho tất cả các trào lưu và phong cách nghệ thuật, dựa vào đó có thể đánh giá cái nào là nhân tố mới (sẽ dẫn đến con đường phát triển và được xã hội đón nhận), cái nào là thời kỳ thử nghiệm và dẫn tới ngõ cụt, cái nào là sự cách tân thực sự và cái nào sẽ bị lãng quên ngay ngày mai.? Việc đi tìm những quy luật phát triển và tiêu chí khách quan để đánh giá sự phát triển kiến trúc, của phong cách nghệ thuật có thể lý giải được phần lớn các câu hỏi nêu trên.

Trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay của Việt Nam, nhất là sự bế tắc trong công tác lý luận ở các đại học và hội nghề nghiệp, hàng loạt vấn đề cơ bản như vậy của kiến trúc chưa được làm sáng tỏ dưới ánh sáng của Lý thuyết phát triển đô thị và phong cách kiến trúc. Chúng ta đang sa nhiều vào vị hình thức và chủ nghĩa hình thức, nói chi đến xây dựng Quan niệm thẩm mỹ và Tính thời đại của dân Việt khi đã bước nhiều bước chân vào đô thị.

Trong thời đại chúng ta, các phong cách kiến trúc thay đổi nhanh chóng do động lực của công nghệ – vật liệu xây dựng, khiến cho người KTS không chỉ gắn bó với một phong cách duy nhất mà có điều kiện để trải nghiệm nhiều phong cách và nhiều thủ pháp rất khác nhau trong sáng tác. Vấn đề là cần thấu hiểu bản chất của kiến trúc tốt và sự tiến bộ của nó tương ứng với bối cảnh xã hội, điều kiện kinh tế kỹ thuật và văn hóa tộc người, dân cư đại chúng.

Ngay cả vấn đề kiến trúc dân tộc, kiến trúc địa phương với tính bản địa đang được cách tân trong các công nghệ tin học và trí tuệ nhân tạo – là mơ ước và được nhìn nhận như sự tất yếu của quy luật vận động, tựa vào nó tìm các giá trị mới cho tương lai cũng là những dấu hỏi lớn. Sự hiện diện của những quy luật phát triển kiến trúc tốt cũng có thể dùng làm phương tiện giải toả các nút thắt khó gỡ của hàng loạt vấn đề phức tạp, rối rắm trong lý thuyết và thực hành kiến trúc hiện nay ở Việt Nam. Vấn đề là ai sẽ đảm nhận?

4. Những tiêu chí có thể xác định kiến trúc tốt hiện nay ở Việt Nam.


Muốn đưa ra các tiêu chí xác định có sự tồn tại của loại kiến trúc có phong cách thẩm mỹ hay nghệ thuật, chúng ta phải xem xét các mối quan hệ bên trong và quan hệ khách quan của kiến trúc. Đặc biệt cần căn cứ trên yếu tố nền tảng của kiến trúc là công năng và tính tiện dụng (luôn đúng trong bất cứ phong cách hay hình thức kiến trúc khác nhau). Đã và sẽ không bao giờ có kiến trúc không có công năng (I.Barkhin đã nói: “kiến trúc luôn luôn thiết thực”), tức là kiến trúc luôn phải đáp ứng một chức năng sử dụng trực tiếp trong đời sống hoặc tinh thần nào đó, và nó phải luôn vươn đến sự tiện dụng hơn gắn liền với phát triển văn minh con người, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ và trí thức. Kiến trúc tốt luôn đáp ứng cao nhất cho sinh hoạt đời sống và tinh thần của con người.

Tiêu chí cho “cái tiện dụng hơn” của kiến trúc:

Từ thời hiện đại, các KTS sáng tạo ra phong cách kiến trúc nghệ thuật mới đều cố gắng chứng minh rằng tác phẩm của họ làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn, dễ dàng và thuận tiện hơn (trong mối quan hệ công năng làm chủ sáng tác). Vì vậy, quy luật “kiến trúc luôn tiện dụng” đã cho chúng ta một tiêu chí xác định phong cách hoàn toàn khách quan. Mỗi giải pháp kiến trúc thoả mãn tốt hơn nhu cầu của con người so với các giải pháp trước đó, đều thể hiện hướng đi đúng đắn trong sự phát triển kiến trúc. Phong cách kiến trúc không chỉ là hình thức bên ngoài mà thể hiện sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhu cầu của con người hiện đại, gắn kết nhu cầu thẩm mỹ và sự thiết thực chức năng ngày càng nhiều và ngày càng hướng đến số đông dân cư dịch chuyển vào đô thị.

Nguyên tắc tiện dụng trong kiến trúc dẫn đến một hệ quả quan trọng: Mỗi công trình đều được xây dựng với mục đích sử dụng nhất định, nên các giải pháp góp phần đạt được mục đích sử dụng tốt nhất với ít chi phí vật liệu hơn, nhanh hơn, ít công sức hơn (tức là giá thành rẻ hơn) là tiêu chí khách quan cho hướng đi đúng trong sự phát triển kiến trúc. Chúng có làm ta thích không lại là vấn đề khác, nhưng cần nhớ rằng đó là một trong những tiêu chí chính mà các chủ đầu tư và xã hội chọn lựa.

Độ thị ở Hà Nội


Tiêu chí cho sự tiến bộ hơn của kỹ thuật xây dựng, vật liệu và trang thiết bị: Có thể suy nghĩ đến một ý tưởng quan trọng, thích hợp thời đại công nghiệp và hậu công nghiệp như sau: Tất cả các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác xây dựng, giúp cho việc đạt được mục đích sử dụng cuối cùng một cách nhanh hơn và rẻ hơn đều mang các đặc tính tiến bộ khách quan và không thể bị bỏ qua bởi bất cứ ý thích cá nhân nào.

Khiếm khuyết của một công trình xấu không phải ở các tấm bê tông đúc sẵn, mà ở chỗ các kỹ thuật sử dụng trong công nghiệp hóa xây dựng được thiết kế, sản xuất và sử dụng như thế nào.

Chưa kể đến sự ra đời của những trang thiết bị làm mát và sưởi ấm các tòa nhà, các thang máy tốc độ cao đưa con người sinh sống trên các phương thẳng đứng, các thiết bị của công trình thông minh, sử dụng tiết kiệm năng lượng và, những ngôi nhà tự sống (Autonomous House) do tự sản xuất nước sạch và năng lượng tái tạo… Tất cả nguồn gốc của sự thay đổi kỹ thuật đã làm thay đổi các quan điểm về kiến trúc, cho ra đời hàng loạt các ngôi nhà thân thiện môi trường mà ta hay gọi là kiến trúc xanh.

Tiêu chí gắn kết tính tiện dụng với tính thẩm mỹ: Tiêu chí này thường bị bỏ qua trong các tranh luận học thuật thời hiện đại. Nhưng thời hậu hiện đại lại khác: Quan hệ này cho ta một số tiêu chí khách quan khác có thể giúp cho việc định hướng trong những vấn đề còn tranh cãi gay gắt – Ví dụ: Hình thức là gì và thế nào là chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc? Cái gì có thể được coi là trang trí và cái gì không? Con người thích cái mình dùng không những tiện dụng mà còn phải đẹp. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn hẳn để đạt được điều đó (có thể bằng sức lao động, bằng tiền hay bằng các chi phí thêm).

Hiện nay, khi kiến trúc quay trở về tự nhiên và ưa thích tính bản địa thì trang trí lại quay trở về với đời sống đô thị. Đó có thể là các chi tiết đầu cột, các gờ phào trang trí, các mái chóp / tháp hay các dạng hoa văn mà ta đang thấy đầy rẫy khắp làng quê hay phố xá chật chội.. Kệnh cỡm hay thuận thị hiếu, nhưng chúng vẫn được sử dụng khá phổ biến và tồn tại như một thành phần đương nhiên trong kiến trúc Việt Nam hiện nay và dân chúng thường lựa chọn giải pháp nào cơ bản, đơn giản nhất hay là rẻ nhất để làm đẹp công trình của họ.

Vấn đề là chúng ta có bao giờ bàn đến tính thẩm mỹ, và cần khích lệ như thế nào để nó nâng giá trị không gian sống của người dân lên. Khó, khi mà không gian tổng thể đô thị lớn nhỏ đều đang bị những đứt gãy về văn hóa và hình thái.

Tiêu chí đánh giá sự tiến bộ thẩm mỹ kiến trúc so với thời kỳ trước: Điều này dẫn đến những vấn đề nóng khi xem xét các nguyên tắc thiết kế và công trình kiến trúc hiện đại ở Việt Nam hiện nay.Thời hậu hiện đại điều này có vẻ không còn hợp lý nữa, bởi sự tự do biểu đạt đã là một cơ hội của phát triển kiến trúc, do sự giải phóng không gian và hình thức kiến trúc ra khỏi sự bó buộc của kết cấu và vật liệu và những giá trị cứng nhắc trong truyền thống kiến trúc. Chúng ta đã có những phản ứng gì trước làn sóng dâng trào của Kiến trúc sau hiện đại?

Cần nhấn mạnh đến xu hướng quay lại khai thác tính hoài cổ vào danh mục của “chủ nghĩa hình thức, là nệ cổ, nhại cổ” vì nó lan tràn khắp nơi. Phải chăng là đúng? Có thể gọi sự hoài niệm dai dẳng kiến trúc Pháp hay cổ điển phương tây như đầu cột Ionic cổ điển là hình thức chủ nghĩa được không? Tại sao nó đeo bám kiến trúc chúng ta lâu và phổ biến đến thế. Không chỉ tiếp nhận nó đơn giản như là sự trang trí và sự thật là cây cột đá cổ điển với chân cột, thân cột, đầu cột và phần dầm (antablemant) bên trên chẳng qua là sự nhắc lại hình thức sang trọng, danh giá của một thời, từ lâu chúng đã mất đi giá trị. Nhưng một khi đã chấp nhận đầu cột Ionic như là vật điêu khắc trang trí, thì có cơ sở để gọi các biến thể thẩm mỹ đó là hình thức chủ nghĩa được không?

Trong kiến trúc hiện đại, những bức tường giản đơn với những ô cửa sổ giống hệt nhau theo phong cách quốc tế đang lặp lại ở Việt Nam trong đồng phục của dạng nhà chia lô, được xây khắp nơi cùng chốn tại các đô thị lớn nhỏ cho thấy sự lộn xộn thẩm mỹ trong đô thị? Xin được nói thẳng, đây là sự yếu kém đến bất lực của chính quyền và giới chuyên môn. Rõ ràng vấn đề đặt ra ở đây là cần có sự giải thích sâu hơn và chính xác hơn về quan điểm và sự dẫn hướng của Nhà nước, của Hội nghề, của các cá nhân KTS.

Tiêu chí “tính thời đại” cho thấy: Kiến trúc là sản phẩm của Cấu trúc kinh tế – xã hội, công nghệ và thẩm mỹ thời đại.

Từ quan điểm biện chứng của sự phát triển phong cách tốt trong kiến trúc nhận thấy rõ rằng một KTS nhạy bén cần phải làm gì tại những thời kỳ nhất định. Anh ta cần phải sáng tạo trong tinh thần của thời đại mình, phải là cái antena thâu tóm các tìm kiếm mới và tổng hợp chúng bằng những khả năng về không gian, kỹ thuật và vật liệu mang tính thời đại của mình, để sáng tạo những tác phẩm kiến trúc mang tính thẩm mỹ mới.

Nắm bắt được các nguyên tắc phát triển trong kiến trúc cho chúng ta nhiều tiêu chí quan trọng đối với một kiến trúc tốt. Cùng với những phẩm chất khác, kiến trúc tốt là kiến trúc đáp ứng được một cách toàn diện tinh thần thẩm mỹ và những khả năng vật chất của thời đại. Vì vậy kiến trúc tốt sẽ trở thành giá trị và với thời gian trở nên phổ biến, được nâng lên thành phong cách kiến trúc – nghệ thuật đại diện thời đại.

Từ đó rút ra hai kết luận: Thứ nhất, phong cách kiến trúc – nghệ thuật của thời đại không thể là sáng tạo cá nhân của một KTS đơn lẻ; và thứ hai, kiến trúc tốt phải mang hơi thở của thời đại mình.Yêu cầu kiến trúc mang tính thời đại có giá trị cao đối với kiến trúc ngày nay và điều đó cho ta một điểm tựa quan trọng, một tiêu chí khách quan và rất khoa học đối với kiến trúc hiện đại.

Tiêu chí tôn trọng đặc thù của mỗi phong cách kiến trúc hay tính địa phương

Toàn bộ lịch sử nghệ thuật ở tất cả mọi lĩnh vực đã khẳng định: Dù xét theo các tiêu chí khách quan nhất cũng không bao giờ có thể tồn tại một phong cách tốt hơn hay hoàn thiện hơn bất kỳ phong cách nào khác. Mỗi phong cách đều có những đặc điểm riêng và vẻ đẹp chỉ của riêng nó. Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism) không tốt hơn chủ nghĩa ấn tượng (Impressionism). Âm nhạc tiền cổ điển không hay hơn âm nhạc cổ điển hay lãng mạn. Phong cách Phục hưng không thể và không được đem so sánh với Gotic.

Một phong cách mới có thể xuất hiện như một sự phát triển so với phong cách trước, nhưng cả hai đều có chất lượng và giá trị khách quan, và không thể nói phong cách nào tốt hơn phong cách nào bởi tính đại diện lịch sử hoặc nhu cầu mới. Chỉ có sự tôn trọng sự thật khách quan mới có thể đánh giá đúng những yếu tố mới mẻ trong phát triển kiến trúc. Chúng ta cần đi đến khái quát chung về các tiêu chí khách quan nhất để đánh giá kiến trúc và xây dựng được những quan điểm phù hợp thật sự với kiến trúc Việt Nam hôm nay.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục
Theo Tạp chí Kiến trúc

Bạn đang đọc bài viết Có thể xây dựng nền Kiến trúc hiện đại – Bản địa ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ