Thứ năm, 25/04/2024 20:02 (GMT+7)

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề ‘nóng’ của ‘siêu đô thị’ TP.HCM

MTĐT -  Thứ bảy, 22/05/2021 10:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thềm bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2016 sẽ diễn ra vào ngày mai (23.5), nhiều vấn đề “nóng của TP.HCM đã được cử tri gửi gắm các ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2016 sẽ diễn ra vào ngày mai (23.5), nhiều vấn đề “nóng của TP.HCM đã được cử tri gửi gắm các ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH), như: giải quyết tình trạng quy hoạch treo, sửa luật Đất đai 2013, điều tiết ngân sách, chống tham nhũng...

Các ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ 2021-2016 thuộc đơn vị bầu cử số 8 (địa bàn quận 6 và huyện Bình Chánh) vừa kết thúc 11 cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại hai địa phương này. Năm ứng cử viên thuộc đơn vị bầu cử này, gồm: Bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM; Ông Đặng Văn Lẫm - Ủy viên Đảng ủy Quân khu 7, Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân khu 7; Ông Tăng Phước Lộc - Phó Trưởng ban Dân tộc TP.HCM; Ông Trương Trọng Nghĩa - Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố; Bà Nguyễn Thanh Xuân - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM.

Trong số các ứng viên này, Luật sư Trương Trọng Nghĩa đã có hai lần đắc cử ĐBQH khóa XIII (do Hội Luật gia TP.HCM đề cử) và khóa XIV (do Đoàn Luật sư TP.HCM đề cử) và là thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; còn bà Tô Thị Bích Châu là ĐBQH khóa XIV.

Các ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2016 thuộc đơn vị bầu cử số 8 tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều ngày 18.5.2021. Ảnh: T.Dũng

Sau khi được giới thiệu tóm tắt về tiểu sử, các ứng viên theo thứ tự đã trực tiếp chia sẻ về chương trình hành động của mình nếu đắc cử ĐBQH, sau đó lắng nghe ý kiến phát biểu cũng như những vấn đề mà cử tri quan tâm, gửi gắm. Trong đó, nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất là hội nghị tiếp xúc cử tri diễn ra tại hội trường Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) vào chiều ngày 18.5. Các cử tri thuộc các phường 9, 12, 13, 14 (quận 6) nhận định năm ứng cử viên đều có quá trình công tác, trưởng thành và có nhiều cống hiến, xứng đáng với vai trò là đại biểu của nhân dân. Ứng với cơ quan, vị trí công tác cũng như chuyên môn, kinh nghiệm đã trải qua, mỗi người đã giới thiệu được những thế mạnh của mình trong chương trình hành động và cử tri mong rằng các ứng viên sau khi trúng cử phải “nói được, làm được”, thực hiện được chương trình hành động trình bày trước cử tri; lắng nghe và phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời những bức xúc, trăn trở của cử tri; trên cơ sở đó tham gia giám sát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật...

Trong đó, cử tri đề nghị các ứng cử viên quan tâm công tác bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, chế độ cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, tập trung đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội do thời gian qua nảy sinh nhiều loại tội phạm với những phương thức thủ đoạn mới. Đề cập đến vấn đề đang hết sức nóng bỏng, đó là tình trạng nhập cảnh trái phép trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, cử tri đề nghị cần phải có biện pháp chế tài mạnh hơn, có tính răn đe cao hơn đối với những người tiếp tay cho việc nhập cảnh trái phép. Việc tiếp tay đó làm tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, cũng như nhiều hệ luỵ khác về an ninh quốc gia...

Liên quan đến các vấn đề dân sinh, cử tri kiến nghị ngành điện cần nghiên cứu để có chính sách trợ giá, giảm giá cho người dân vào những ngày nắng nóng. Bởi, nắng nóng cũng có thể coi là một dạng thiên tai như bão, lũ... Mà chính những ngày nắng nóng người dân cần phải tiêu thụ lượng điện nhiều. Cử tri cũng kiến nghị cần đơn giản hoá thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chấn chỉnh nạn tín dụng “đen”, tình trạng cho vay nặng lãi; thành lập tổ chuyên trách để dẹp nạn đua xe trái phép; bảo vệ quyền và bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em; xem xét vấn đề dạy đạo đức trong trường học; chấn chỉnh tình trạng loạn tiếng nước ngoài, quảng cáo tràn lan như hiện nay...

Nhiều vấn đề liên quan đến tố tụng, chẳng hạn như thực trạng án dân sự thường bị kéo dài thời gian xét xử so với án hình sự, là người hiểu rõ quá trình pháp luật đi vào cuộc sống nên ứng cử viên Trương Trọng Nghĩa được cử tri gửi gắm đích danh những vấn đề này. Rằng nếu đắc cử, cử tri mong luật sư Nghĩa sẽ tiếp tục phát huy vai trò chuyên môn và kinh nghiệm của mình trong việc góp ý, đề xuất trong xây dựng luật cũng như tích cực trong các hoạt động khác như giám sát, chất vấn, xử lý các khiếu nại, tố cáo của cử tri…

Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV, phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử ĐBQH khóa XV vào chiều 18.5.2021. Ảnh: Trung Dũng

Đặc biệt, cử tri quan tâm và đề nghị ĐBQH phải có tiếng nói mạnh mẽ, hành động quyết liệt, đấu tranh loại trừ tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng. Trong đó, công cuộc chống tham những cần được đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa, như tinh thần của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: Chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

Cử tri cũng mong muốn các ứng cử viên có được những hành động đột phá để xây dựng đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng phát triển, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Dù Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH2014 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhưng tỉ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương liên tục bị cắt giảm từ 33% năm 2003 chỉ còn 18% giai đoạn 2017 – 2020 chưa tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Vì vậy, cử tri cũng quan tâm đến đề xuất của lãnh đạo TP.HCM trong kỳ họp vừa qua với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố, hỗ trợ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án dự án giao thông, tạo ra đồng bộ hạ tầng giúp TP.HCM phát triển và từ đó sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Là những địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh, đặc biệt là huyện Bình Chánh đang trong lộ trình sẽ lên quận trong thời gian tới (*), nên các vấn đề liên quan đến quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thủ tục pháp lý nhà đất được các cử tri quan tâm, gửi gắm nhiều tâm tư tới năm ứng viên ĐBQH. Nhiều cử tri đề nghị cần phải có giải pháp triệt để đối với “vấn nạn” quy hoạch “treo”, đang xảy ra phổ biến ở thành phố. Việc quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm không chỉ gây thất thoát lớn cho ngân sách thành phố mà trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện sống, chất lượng sống của người dân trong khu quy hoạch này.

Cử tri cũng cho rằng cần sớm hoàn thiện các văn bản luật, trong đó cần chỉnh sửa, hoàn thiện Luật Đất đai 2013 bởi sau gần 10 năm có hiệu lực đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo. Hệ quả là quá trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển trở nên phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản bước phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Quan trọng hơn, những kẽ hở đang tồn tại trong bộ luật này là mầm mống để tham nhũng, tiêu cực nảy sinh. Đề cập đến vấn đề này, một cử tri ở phường 13, quận 6 đưa ra ví dụ của bản thân, là cầm hồ sơ nhà đất đến cơ quan nhà nước xin nhiều lần đều bị từ chối, nhưng chi tiền nhờ “cò” thì lại được giải quyết...

Một cử tri phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV (Đơn vị bầu cử số 8 - quận 6, Bình Chánh) vào chiều 18.5.2021. Ảnh: T.Dũng

Bình Chánh thời gian qua là điểm "nóng" của thành phố về các vấn đề quy hoạch xây dựng như xây dựng không phép, xây dựng sai phép, phân lô bán nền... Mặc dù lãnh đạo thành phố đã có những chấn chỉnh kịp thời tuy nhiên trước xu hướng đô thị hoá, đặc biệt là "cú hích" từ thông tin Bình Chánh cùng nhiều huyện khác của thành phố sẽ lên quận, sẽ tiếp tục hâm nóng thị trường bất động sản khu vực này, kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, xây dựng, hạ tầng, "sốt" đất và tăng dân số... Vì vậy, cùng với vai trò quản lý của chính quyền các cấp cụ thể, cử tri mong rằng các ĐBQH sẽ phát huy cao vai trò trong việc giám sát, tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo... của người dân để kịp thời xử lý.

Đại diện các ứng cử viên ĐBQH tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của cử tri vào chiều 18.5, sau khi “lắng nghe và ghi chép rất kỹ”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa đã tóm lược và đi vào các vấn đề mà cử tri quan tâm. Ông Nghĩa cam kết: “Những việc của của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ chúng tôi sẽ kiến nghị, sẽ nêu lên và mỗi một kỳ họp sẽ tiếp cận các Bộ trưởng để tìm giải đáp nhanh nhất cho những câu hỏi của cư tri. Còn lại những vấn đề của thành phố, ở đây, trong năm ứng cử viên có một người ứng cử cả HĐND thành phố. Khi trúng cử HĐND thành phố, các đại biểu cũng sẽ phản ánh các vấn đề này".

Ông Nghĩa cho biết thêm: "Với địa bàn quận 6, do không có HĐND quận, phường vì thực hiện đề án chính quyền đô thị, khi bảo vệ đề án này trước Quốc hội để được đồng ý thông qua, chúng tôi cam kết với Quốc hội rằng bỏ HĐND điều đó không có nghĩa là cử tri bị mất đi kênh đại diện của mình, hay gặp khó khăn trong tiếp cận với chính quyền. Có nghĩa, không có HĐND quận 6, không có HĐND phường thì cử tri còn một cấp nữa là HĐND thành phố và cử tri được quyền đi thẳng lên HĐND thành phố. Như vậy HĐND thành phố phải tổ chức mạng lưới rộng rãi để làm sao làm tốt hơn vai trò của mình. Bỏ HĐND cấp quận, phường không có nghĩa là sẽ làm chậm mà ngược lại, phải làm tốt hơn, đó là cam kết của thành phố đối với Quốc hội”.

"Chúng tôi tin tưởng trong kỳ bầu cử Quốc hội này, bà con đi bầu cử đầy đủ, sáng suốt lựa chọn lựa được những đại biểu đầy đủ tiêu chuẩn, xứng đáng để đại diện cho mình. Sau đó chúng ta sẽ tích cực để làm sao nhiệm kỳ 5 năm tới đây cải cách hành chính tốt hơn, các quy định sẽ chặt chẽ hơn, đời sống của bà con trong các khu phố, trong phường sẽ tốt hơn.”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.

_____________

(*) Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, về nhiệm vụ phát triển thành phố xác định sẽ xây dựng đề án để chuyển một số huyện thành quận. Việc đặt ra mục tiêu này thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tạo động lực mạnh mẽ phát triển nền kinh tế... Và quyết tâm chính trị ấy đang dần được hiện thực hoá tại tờ trình "Kế hoạch chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030" Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND thành phố mới đây, có nội dung Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) trước năm 2025.

Theo Ngô Gia/ Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề ‘nóng’ của ‘siêu đô thị’ TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng