Thứ sáu, 29/03/2024 18:24 (GMT+7)

Đà Nẵng bàn cách chống ngập sau trận mưa lớn gây lụt lịch sử

Nam Hà -  Thứ ba, 18/12/2018 17:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng thừa nhận, với lượng mưa trung bình 200-300mm như 2 ngày 8 và 9/12, đã vượt quá khả năng ứng phó của hệ thống thoát nước của thành phố.

Ngày 18/12, kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX tiếp tục diễn ra với phần bỏ phiếu tín nhiệm và trao đổi các vấn đề liên quan đến văn hóa, xã hội.

Tại đây, đại biểu Nguyễn Thành Tiến (Trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng) chia sẻ 2 vấn đề “nóng” khiến người dân thành phố đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, bao gồm tình trạng xử lý rác thải và chuyện ngập úng lịch sử diễn ra ở thành phố trong 2 ngày 8 và 9/12 vừa qua.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Tiến, từ năm 1998 đến nay thành phố đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng cho các dự án thoát nước và đã giải quyết được ngập úng cho nhiều khu vực dân cư cũng như những trục đường Nguyễn Văn Linh, Đống Đa...

Tuy nhiên, qua giám sát thì hệ thống thoát nước của thành phố đã lạc hậu và không theo kịp sự phát triển đô thị; chưa thích ứng với lượng mưa lớn tới 635 mm trong 24 giờ. Ngoài ra, diện tích hồ điều tiết đã giảm từ 42 xuống 30 vì nhường đất cho đô thị.

Nhiều tuyến phố của Đà Nẵng ngập sâu trong trận mưa lớn kéo ngày 9/12.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng chưa duy tu, nạo vét hệ thống mương thoát nước trong thời gian dài; chưa kiểm soát được xả thải nước ngầm lẫn bùn đất công trình thi công ra cống gây tắc cục bộ; chưa có biện pháp hạn chế xả thải của nhiều dự án lớn, gây quá tải hạ tầng lên công trình thoát nước.

Trong những năm qua, hệ thống thoát nước cơ bản hoạt động tốt. Tuy nhiên, hệ thống này dường như đã lạc hậu và không ứng phó được trước đợt mưa lịch sử vừa qua. Nguyên nhân là do quy hoạch tính toán chưa dự báo sự phát triển đô thị, ứng phó thời tiết cực đoan và các hồ ở trung tâm thành phố giảm đáng kể”, ông Tiến nói.

Đại biểu Tiến đề nghị, thành phố cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thoát nước, để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó đầu tư nâng cấp các tuyến cống hiện tại và tuyến cống mới đảm bảo năng lực thoát nước phù hơp.

 Đồng thời, phải nâng cấp các cống hiện có, mở rộng tiết diện một số tuyến cống chính để tăng thêm dung tích chứa và thông thoát, xây dựng thêm những tuyến cống mới.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng cho rằng, việc hệ thống thu gom nước thải và nước mưa của thành phố không phát huy tối đa tác dụng có một phần nguyên nhân là rác thải mắc lại ở cửa thu cũng như trong cống.

Do đó, bên cạnh giải pháp đồng bộ, thành phố cần kết hợp tuyên truyền cho người dân. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch duy tu, nạo vét định kỳ cống thoát nước.

"Đà Nẵng cần cẩn trọng với dự án thoát nước phía đông vì sát với biển, nguy cơ và rủi ro cao về ô nhiễm môi trường biển. Nên chăng cần nghiên cứu bố trí dọc sông Hàn để dễ dàng ứng phó khi có sự cố về thoát nước", ông Tiến kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho biết hình ảnh sau trận mưa kỷ lục vừa qua là bờ biển tràn ngập rác thải, trong đó có cả ống nhựa, ly nhựa, chăn chiếu mền và đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người dân.

"Đợt vừa rồi phát hiện nhiều chăn, mền, mùng màn mà cũng tuôn ra từ cống xả thải... Nhận thức của người dân trong vấn đề môi trường còn hạn chế. Ý thức của các cơ sở kinh doanh về môi trường cũng tệ.

Cơ sở nào cũng ký cam kết về bảo vệ môi trường nhưng khi chúng tôi đến mở hố ga lên thì thấy rác thải kinh doanh vứt đầy phía dưới...", ông Hùng nói và cho biết thêm, bình quân mỗi ngày thành phố thải ra 1.000 tấn rác. Chỉ tính riêng 20 quán trà sữa ở quận Hải Châu mỗi tháng đã thải ra 100m3 rác thải ly nhựa, ống hút. Các bãi rác mỗi ngày một đầy và chi phí xử lý cũng cao (gần 1 triệu đồng/tấn).  

Đại biểu Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, tại phiên thảo luận sáng 18/12.

 Ông Hùng đề nghị người dân thành phố cùng vào cuộc với chính quyền để thu gom rác ngay tại gia đình và khu dân cư, để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa không gây tắc cống thoát nước.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, từ đầu 2019 thành phố sẽ phân loai rác tại nguồn. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã giao cho Sở Tài nguyên 3 tháng để triển khai đồng loạt trên toàn thành phố. "Nếu không làm việc này thì khó đạt danh hiệu môi trường và đối diện với nhiều vấn đề trong tương lai", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiện lượng nước thải mỗi ngày của thành phố là 200m3, trong khi toàn thành phố chỉ có 4 trạm xử lý, 24 cửa xả.

Với lượng mưa trung bình 200-300mm như 2 ngày 8 và 9/12 (tổng lượng mưa trong 24h đạt mức 600mm) đã vượt quá khả năng ứng phó của hệ thống thoát nước của thành phố.

Về giải pháp, Sở Tài nguyên – Môi trường kiến nghị xây dựng hệ thống thoát nước ven sông Hàn, thay vì ven biển nhằm tránh tình trạng nước thải tràn ra biển gây ô nhiễm môi trường. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thành Tiến là cần có kế hoạch duy tu, kiểm tra định kỳ các hệ thống thoát nước.

Hy vọng, khi hệ thống quan trắc đưa vào hoạt động sẽ kiểm soát được tình trạng xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp cũng như các khu dân cư”, ông Hùng chia sẻ.

Phát biểu về tình trạng ngập lụt lịch sử vừa qua, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung, cho rằng với lượng mưa trên 600 mm và kéo dài trong ngày 9-12 thì không có cống rãnh đô thị nào thoát nhanh được.

“Vừa rồi tôi đi kiểm tra, thấy rằng chỗ có máy bơm thì không có nước về, còn chỗ nước về thì không có máy bơm. Tính đồng bộ chưa đảm bảo. Bài toán muôn thuở là mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa thi công. Như chỗ ga Đà Nẵng, đang thi công (cống thoát nước) mà vừa rồi bị ngập... ”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, mỗi năm thành phố bố trí 83 tỉ đồng cho công tác nạo vét cống nhưng đề nghị UBND TP kiểm tra xem có nạo vét hết không. Bên cạnh đó, người dân cũng phải thay đổi thói quen. 

"Cứ thấy muỗi bay lên thì bịt hố ga, nước mưa sao thoát được rồi lại chảy vô nhà", ông Trung nói.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng nhìn nhận, quá trình phát triển của Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều công trình "nắng thì làm thủ tục, mưa lại đem ra thi công" gây nguy hiểm cho người dân.

"Đề nghị UBND TP rà soát lại hệ thống thoát nước, phân kỳ đầu tư đồng bộ và có giải pháp chống ngập hiệu quả. Ngân sách thì điều chỉnh, thảo luận trong đợt này đế bổ trí vốn cho mùa mưa đến. Thống nhất giữ quỹ dự phòng để ưu tiên đầu tư”, ông Trung nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng bàn cách chống ngập sau trận mưa lớn gây lụt lịch sử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới