Thứ bảy, 20/04/2024 06:55 (GMT+7)

Đà Nẵng: Nhiều ý kiến trái chiều về việc xây dựng cảng Liên Chiểu

MTĐT -  Thứ ba, 05/11/2019 10:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên TGĐ Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho rằng, nếu chậm xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ thì sau này Đà Nẵng sẽ gặp khó khăn về thu hút hàng hoá.

Đà Nẵng xác định cảng sẽ là một dự án động lực phục vụ phát triển. Thế nhưng theo Công ty Surbana Jurong (Singapore) - đơn vị tư vấn quy hoạch chung Đà Nẵng đề nghị Đà Nẵng cân nhắc vì lo ngại tính hiệu quả của dự án và nguy cơ tác động tiêu cực của dự án đến "mũi nhọn" du lịch, công nghiệp công nghệ cao theo định hướng của TP.

Trao đổi về vấn đề này tại cuộc họp báo ngày 29/10 của UBND TP Đà Nẵng, theo báo TTO,  ông Thái Ngọc Trung, phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, trước đây cảng Liên Chiểu được quy hoạch với quy mô từ 200-300ha.

"Tuy nhiên khi tư vấn Singapore nghiên cứu tư vấn quy hoạch chung cho TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì thấy toàn bộ cảng Liên Chiểu là lấn biển. Nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan trong khu vực từ Nam Ô đến Làng Vân. Đồng thời khi cảng Liên Chiểu phát triển lên thì phải tạo luồng cho các tàu vận tải ra vào cảng, kéo theo nguy cơ gây ô nhiễm cho vịnh Đà Nẵng" - ông Trung nói.

Theo ông Trung, hiện tư vấn Singapore đưa ra hai phương án cho TP lựa chọn. Một là đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, hai là không đầu tư vào cảng Liên Chiểu mà tập trung đầu tư vào cảng Tiên Sa.

Theo đánh giá, việc xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Đà Nẵng phát triển logistics và thu hút hàng hóa, nhất là hàng hóa container - Ảnh minh họa

"Nhưng hiện vấn đề này vượt quá tầm của lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng. Cho nên vừa rồi tại hội thảo do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức chưa thể thông qua vấn đề này được. Hiện Bí thư Thành ủy có giao cho Sở Giao thông vận tải mời Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức một hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia về ý kiến của tư vấn Singapore đưa ra.

Trên cơ sở các luận chứng tư vấn đưa ra, quyền lựa chọn là của TP. Còn hiện nay chưa có quyết định cuối cùng có đầu tư hay không" - ông Trung nói.

Theo ông Trung, ý kiến của tư vấn Singapore thì nghiêng về đầu tư cảng Tiên Sa thôi và họ có lý của họ.

"Mình đã xác định là du lịch, công nghiệp công nghệ cao thì cũng nên xác định cảng là một thành phần thứ yếu quy mô vừa phải và trọng lượng hàng hóa thông qua cảng không giống như các cảng Chân Mây (Huế) và Kỳ Hà (Quảng Nam). Cảng Chân Mây, Kỳ Hà có qui mô rất lớn, Đà Nẵng không nên đi cạnh tranh về cảng với các đô thị khác" - ông Trung nói thêm.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên TGĐ Công ty CP Cảng Đà Nẵng, người có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hải trong cuộc trao đổi với báo GT cho rằng, cảng Tiên Sa (CDN) hiện hữu có những thuận về địa lý như: tương đối kín gió, có đê chắn sóng, cơ sở hạ tầng tốt, nhân lực chuyên nghiệp, sản lượng tăng hàng năm 10 - 20%, riêng container năm 2019 tăng 30% so với 2018. Sản lượng container 2019 khoảng 480.000 TEUs.

"Tuy nhiên, cảng Tiên sa có nhược điểm khó khắc phục là diện tích kho bãi trong cảng hẹp (khoảng 27ha). Đặc biệt, cảng nằm trong lòng thành phố, việc kết nối giao thông với các phương thức vận tải khác gặp nhiều trở ngại do đường dẫn vào cảng xung đột với giao thông đô thị. Với 2 yếu tố đó, trong tương lai, cảng Đà Nẵng không thuận tiện cho mục tiêu phát triển dịch vụ logistics quy mô lớn", ông Sia nói.

Đối với cảng Liên Chiểu, theo ông Sia, báo cáo tiền khả thi cho thấy, cảng Liên Chiểu có diện tích khoảng 220ha, trong đó, 70% dành cho kho bãi, công suất của 3 giai đoạn lên đến 2 triệu TEUs, hàng tổng hợp khoảng 5 triệu tấn.

"Việc xây dựng mới cảng Liên Chiểu có những lợi thế mà các cảng khác không có được như: Mặt bằng để làm kho bãi đáp ứng yêu cầu của bến cảng container. Theo kinh nghiệm các cảng container trên thế giới, cứ 100.000 Teus, cần 5ha hạ tầng phục vụ, gồm: đường nội bộ, hậu cần kỹ thuật và kho bãi. Tức là, khi cảng Liên Chiểu đạt sản lượng đạt 2 triệu TEUs (theo thiết kế), diện tích kho bãi cần 80 - 100ha, khu vực Liên Chiểu đáp tốt yêu cầu này.

Cùng đó, vị trí cảng Liên Chiểu có kết nối giao thông thuận tiện với sân bay Đà Nẵng, nhà ga đường sắt, đường bộ Bắc - Nam và đường thủy nội địa... Lợi thế này sẽ giúp chi phí logistics, vận chuyển hàng hóa được giảm thiểu đáng kế, các cảng đối thủ khó đáp ứng điều kiện này. Hơn nữa, chỉ có vị trí Liên Chiểu mới dễ dàng tiếp cận các thị trường hàng hóa tiềm năng tại các vùng như: Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan,... cho hàng hoá container", ông Sia phân tích.

Cũng theo ông Sia, qua khảo sát địa chất, luồng lạch khu vực xây dựng cảng Liên Chiểu có thể nạo vét đến -14m, xây cầu tàu mớn nước -16m, khả năng tiếp nhận tàu container đến 6.000 TEUs , tàu hàng tới 100.000 tấn.

Với việc hội tụ các yếu tố như: mớn nước sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây và khu vực Trung Trung Bộ, khả năng Cảng Liên Chiểu là cảng trung chuyển khu vực Đông Nam Á trong tương lai là rất lớn.

"Nếu chậm xây dựng cảng Liên Chiểu, các cảng láng giềng (đối thủ cạnh tranh) như: Singapore, Thái Lan,… sẽ đua nhau làm cảng để phát triển logistics. Lúc đó, cảng Đà Nẵng sẽ gặp khó khăn về thu hút hàng hoá", ông Sia nói.

Liên quan đến vấn đề này theo Ifonet, thông tin từ Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND TP Đà Nẵng cho hay, dự kiến chiều 7/11, tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng sẽ diễn ra hội thảo quốc tế lấy ý kiến về phương án quy hoạch, đầu tư các cảng biển tại Đà Nẵng.

Dự kiến hội thảo sẽ do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và lãnh đạo Bộ GTVT đồng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; lãnh đạo HĐND, UBND TP, Văn phòng Thành ủy, Giám đốc các sở, ngành, địa phương liên quan của TP Đà Nẵng

Hội thảo quốc tế sẽ tập trung lấy ý kiến về phương án quy hoạch, đầu tư các cảng biển tại Đà Nẵng nên Ban tổ chức cũng mời đại diện Hội Cầu đường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Quy hoạch kiến trúc đô thị TP Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và các chuyên gia đến từ JICA, Yokohama (Nhật Bản), Ngân hàng Thế giới (WB), Bokolis, Rottendam (Hà Lan), TEDIPort (Bộ GTVT)… tham dự và phát biểu tham luận.

Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu đã được đưa vào Nghị quyết 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030. Thời gian qua, các cơ quan liên quan của Đà Nẵng đã tích cực làm việc với Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để đưa dự án vào kế hoạch đầu tư giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.

Theo đề xuất của TP Đà Nẵng, dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn khởi động (năm 2022), khu bến đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000 TEUs, năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 17 triệu tấn/năm có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng. Phần vốn đầu tư của Nhà nước dự kiến là 3.426 tỷ đồng (hợp phần A); phần vốn đầu tư của tư nhân dự kiến là 3.951 tỷ đồng (hợp phần B, hai bến khởi động).

Việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu được kỳ vọng sẽ đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics kiểu mẫu của miền Trung, là cửa ngõ giao thương của khu vực và thế giới và giải quyết được tình trạng quá tải của cảng Tiên Sa, giảm thiểu TNGT trên trục Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn.

P.V(Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Nhiều ý kiến trái chiều về việc xây dựng cảng Liên Chiểu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...