Thứ tư, 17/04/2024 01:49 (GMT+7)

Đề xuất TP.HCM liên kết vùng, tạo chuỗi đô thị biển

MTĐT -  Thứ tư, 05/05/2021 17:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổ chuyên gia cao cấp thực hiện Báo cáo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” đã đề xuất TP.HCM cần xây dựng cơ chế liên kết vùng, tạo thành chuỗi đô thị tầm vóc quốc tế

Bản báo cáo của tổ chuyên gia cao cấp được tổng hợp bởi PGS-TS. Lưu Thế Anh (Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã gửi đến UBND TP.HCM xem xét.

Những nút thắt cản trở TP.HCM phát triển 

Trong bản báo cáo có tham chiếu kinh nghiệm phát triển kinh tế biển trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, mặc dù có vị thế đầu tàu kinh tế và trong tương lai gần vẫn chưa bị thay thế, nhưng nếu so sánh với một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao khác sẽ thấy rõ một thực tế “không mấy dễ chịu” đối với TP.HCM, đó là vị thế dẫn dắt và đầu tàu của thành phố đang là thách thức. Hơn một thập niên trở lại đây, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều địa phương khác đang vươn lên mạnh mẽ. Nhiều địa phương khác hiện tại và trong thập niên tới tuy vẫn chưa phải là “đối thủ cạnh tranh” ngang tầm với TP.HCM, nhưng một số lĩnh vực đã có thể cạnh tranh trực tiếp với TP.HCM... 

Nhìn rộng ra khu vực Đông Á, nếu so sánh trên hai tiêu chí: năng lực cạnh tranh và chất lượng cuộc sống, dù quy mô dân số và diện tích không có nhiều khác biệt thì TP.HCM vẫn đứng cuối bảng xếp hạng trong số 13 thành phố trong khu vực: Tokyo, Hồng Kông, Singapore, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải, Đài Bắc, Kuala Lumpur, Bangkok, Mumbai, Jakarta, Manila, TP.HCM (theo “Xếp hạng năng lực cạnh tranh và chất lượng cuộc sống của 13 thành phố trong khu vực Đông Á” - Huỳnh Thế Du và cộng sự, 2015). 

Hiện nay, TP.HCM tiếp tục đối mặt với rất nhiều nút thắt cản trở phát triển. Trong đó, những nút thắt chính đã được chỉ ra (theo báo cáo năm 2017 của TS. Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright Việt Nam) và cộng sự): nút thắt trong xác định tầm nhìn và chiến lược của TP.HCM; nút thắt về quy hoạch và phát triển đô thị; nút thắt về dịch vụ công ích và chính sách xã hội; nút thắt về huy động nguồn lực và ngân sách; nút thắt về nguồn nhân lực; nút thắt về phát triển công nghiệp và dịch vụ; nút thắt về thể chế và chính quyền đô thị…

Khu vực được các chuyên gia đề xuất tạo chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công. Ảnh: Google map

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 khá cao, GRDP bình quân đầu người gấp 2,4 lần so với bình quân chung của cả nước, nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và quy mô dân số lớn vốn có của mình. 

Tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển đang bị lãng quên, chưa được khơi dậy cho chiến lược phát triển toàn diện của thành phố trong nhiều năm qua. Hệ thống giao thông thủy và kinh tế cảng gắn với dịch vụ hệ sinh thái sau cảng hàng trăm năm nay tại TP.HCM tuy luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của thành phố, nhưng hoàn toàn chỉ dựa vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Soài Rạp để ra biển. “Là một thành phố biển nhưng đường bờ biển lại không nhiều, trong khi biển Cần Giờ lại đang bị lãng quên, giá trị các dịch vụ hệ sinh thái độc đáo của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được phát lộ để khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm chuyển hóa và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế của thành phố”, báo cáo nhận định.

Cần Giờ trong tầm nhìn kinh tế biển

Theo nhận định của tổ chuyên gia cao cấp, TP.HCM đang có các triển vọng: vị trí đầu tàu kinh tế của đất nước, lợi thế trung tâm liên kết vùng, lợi thế kết nối vùng châu thổ sông Mekong với quốc tế... Đáng chú ý, TP.HCM tiếp cận trực tiếp với biển tại vịnh Cần Giờ có diện tích 42.000km2, làm chủ hàng hải quốc tế và nội địa thông qua nhóm cảng số 5 lớn nhất cả nước là các cảng biển Đông Nam bộ. 

Để TP.HCM phát triển kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị tầm vóc quốc tế vịnh Cần Giờ - Vũng Tàu - Gò Công, cần tập trung vào giải quyết: 

Tạo cơ chế liên kết vùng để xây dựng vị thế quốc tế của TP.HCM: liên kết vùng sẽ giúp TP.HCM tập trung vào phát triển các ngành kinh tế chất lượng, chuyển dịch và nhường lại các ngành kinh tế thu hút nhiều lao động trình độ thấp cho các địa phương lân cận. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác thương hiệu thế giới của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, đặc trưng của khu vực Đông Nam Á (giá trị đặc trưng của hệ sinh thái rừng sác được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ) và phát triển chuỗi đô thị biển quốc tế. Chỉ khi tiếp cận liên kết vùng mới có thể giải quyết hai vấn đề tồn tại để vươn lên xây dựng vị thế quốc tế:

Một là, bảo tồn các giá trị đặc trưng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới và các hệ sinh thái tự nhiên của vịnh Cần Giờ, vịnh Gành Rái khi vận dụng quan điểm tiếp cận “Bảo tồn cho phát triển” và “Phát triển phục vụ bảo tồn” để tạo cơ hội bứt phá trong phát triển đô thị biển. Cộng sinh để hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển kinh tế của TP.HCM…

Hai là, xây dựng nền tảng để giải quyết các vấn đề xã hội, chuyển đổi và phát triển sinh kế cho huyện Cần Giờ và vùng ven đô. Liên kết vùng sẽ giúp TP.HCM tạo lập nền kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế với giá trị gia tăng cao, từ đó xác lập hệ thống việc làm chính thức và ổn định. Việc chuyển đổi và phát triển sinh kế mới có cơ hội thành công và thay đổi chất lượng xã hội và phát huy các giá trị văn hóa cho thành phố.

Lựa chọn được vấn đề cốt lõi để bứt phá phát triển kinh tế biển. Chọn xây dựng hệ sinh thái đô thị biển gắn với kinh tế nền sinh thái (là thách thức, đồng thời là cơ hội lớn để phát triển thời hậu công nghiệp mang lại và phát triển TP.HCM thành siêu đô thị trên nền tảng mô hình “City Cluster”). Kinh tế sinh thái đang biến đổi chuỗi sản xuất và cung ứng của các quốc gia theo hướng phát triển các kinh tế tuần hoàn và cộng sinh…

Xây dựng chuỗi đô thị biển với tính chất hậu công nghiệp hiện đại (ECO2 city) để hình hành mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế sinh thái và kinh tế biển xanh nhằm tạo bộ mặt xã hội mới cho vị thế quốc tế của TP.HCM. Mô hình ECO2 city được thiết kế để mang lại đồng thời hai tính chất: Đô thị sinh thái (hướng đến đô thị xanh không phát thải - Zero waste) và đô thị kinh tế chất lượng (hướng đến hình thành các trung tâm tài chính - thương mại gia tăng cao). 

“TP.HCM chọn liên kết vùng để phát triển chuỗi đô thị biển mặt tiền tại vịnh Cần Giờ đảm bảo được sinh thái do gắn kết với giá trị kinh tế sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới và là chuỗi đô thị quốc tế có mức độ quốc tế hóa và sức chống chịu cao. Đây là sự bứt phá có tính khả thi cao khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đô thị biển tại huyện Cần Giờ. Các chức năng không gian chủ đạo quay xung quanh các trụ cột: HUB hoàn trả sinh thái quốc tế dựa trên dịch vụ hệ sinh thái giá trị gia tăng cao (để thu hút nguồn lực và các chuyên gia hàng đầu về kinh tế sinh thái quốc tế); HUB du lịch sinh thái và chất lượng cao (để thu hút du lịch chi trả cao từ dịch vụ hệ sinh thái), HUB sáng tạo nghệ thuật lấy cảm hứng từ công viên di chỉ khảo cổ học tiền sử Cần Giờ (với bảy loại hình nghệ thuật để tổ chức các festival quốc tế như: âm nhạc, thời trang, thiết kế, văn học, kịch bản, diễn xướng, tạo hình... gắn với giá trị bản địa; HUB CBD thương mại và tài chính quốc tế…”, báo cáo đề xuất.

Mở rộng lãnh thổ trực diện với biển và thay đổi bộ mặt xã hội theo hướng hội nhập quốc tế của TP.HCM. Có ba vấn đề cần khai thông để TP.HCM tiến biển và có vị thế quốc tế mới trong khu vực: (1) Mở rộng tiếp cận biển ở toàn bộ mặt tiền vịnh Cần Giờ và vịnh Gành Rái, thay vì phải thông qua cửa Soài Rạp như truyền thống; (2) Vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong công tác quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển cho vùng TP.HCM để thoát ra khỏi tấm áo chật chội của ranh giới hành chính, tạo cơ chế cho sự tham gia của các bên liên quan trong liên kết vùng và chuyển sang liên kết bằng lợi ích vùng (City Cluster); không một thành phố nào có thể đóng cửa để phát triển lợi ích cục bộ của riêng mình trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay - đó là sự thật của phát triển (khi không có chính quyền vùng, hãy lấy lợi ích để kết nối vùng); chỉ như vậy, các giá trị lợi ích mang lại mới tăng lên nhanh và các bên có cơ chế tham gia để chia sẻ lợi ích và trách nhiệm của 8 địa phương trong vùng TP.HCM: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, TP.HCM; (3) Thay đổi bộ mặt xã hội theo hướng hội nhập quốc tế và văn minh sinh thái biển; phát triển kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội “cộng sinh” trong phát triển; từ đó dẫn đến những thay đổi về chất lượng nguồn lao động, tạo nền tảng thu hút lực lượng lao động chất lượng cao và phát triển các dịch vụ chất lượng; đó chính là sự thay đổi căn bản để tạo bộ mặt xã hội mới, văn minh, hiện đại và nhân bản cho TP.HCM.

Phân công chức năng kinh tế cho chuỗi đô thị biển vịnh Cần Giờ: Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công với hai cánh tay Đông và Tây nối dài ra biển. Trong đó, cánh tay phía Đông được hình thành với chức năng kinh tế công nghiệp - dịch vụ - cảng biển (sân bay Long Thành và tân cảng Cái Mép - Thị Vải đóng vai trò làm hạt nhân); cánh tay phía Tây được xác định chức năng kinh tế nông nghiệp sinh thái/nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái (kết nối với Gò Công và Đồng bằng sông Cửu Long).

Chuyển từ “dựa vào đất” sang “dựa vào biển”

Theo đánh giá của tổ chuyên gia cao cấp, vùng ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất cao do không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên. Nhiều ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên, sản xuất năng lượng tái tạo từ biển... mang lại thu nhập cao cho kinh tế quốc dân và địa phương. Đô thị biển chính là không gian bao chứa và thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế biển. Chính sự kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị biển đã thúc đẩy sự hình thành các cực kinh tế mũi nhọn của mỗi quốc gia trong xu hướng “tiến biển” để phát triển lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng. TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với vịnh Cần Giờ.

Theo các chuyên gia, chính sách phát triển liên kết vùng hiện nay chưa thực sự thể hiện vị thế trung tâm vùng của TP.HCM, đòi hỏi phải có những đổi mới trong cơ chế phối hợp giữa các địa phương, hướng đến nâng cao lợi thế cạnh tranh vùng. Trong ảnh: tuyến vận tải phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu khai trương ngày 4.1.2021. Ảnh: Ngọc Dương

Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công tại vịnh Cần Giờ sẽ tạo “mặt tiền” biển để chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế, làm “bàn đạp” cho TP.HCM trở thành một thành phố “cửa ngõ” kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế. Thành phố khi đó không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của vùng kinh tế phía Nam, mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế, như hành lang kinh tế Ấn Độ - Mekong (MEIC), chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (FOIP) của Mỹ hay sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc. 

“Tuy nhiên, các chính sách về phát triển liên kết vùng hiện chưa thực sự thể hiện vị thế trung tâm vùng của TP.HCM, đòi hỏi phải có những đổi mới trong cơ chế phối hợp giữa các địa phương, hướng đến nâng cao lợi thế cạnh tranh vùng. Mô hình phát triển trong tương lai gần của TP.HCM cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistic gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ, tích tụ dân cư biển, đón nhận cơ hội của hậu hiện đại tạo bước ngoặt thay đổi phương thức phát triển của TP.HCM, là chuyển từ phát triển dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển” , báo cáo khuyến nghị. 

Theo Hoàng Khải - Anh Tuấn/Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất TP.HCM liên kết vùng, tạo chuỗi đô thị biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.