Thứ ba, 19/03/2024 10:55 (GMT+7)

Di dời ga Nha Trang: Ai được hưởng lợi?

MTĐT -  Thứ bảy, 01/02/2020 10:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với đề xuất di dời ga Nha Trang ra khỏi nội đô thành phố với lý do giảm ùn tắc giao thông. Nhưng không hiểu lý do vì sao cả hai phương án của chủ đầu tư đều đề xuất xây hai tòa cao tầng?

Đề xuất hai phương án di dời để xây chung cư?

Theo báo Khánh Hòa, Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Hà Nội) đề xuất 2 phương án cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang.

Cụ thể, phương án 1 cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay máy để bỏ đường vòng. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới là ga hàng hóa có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe; xây dựng đường vòng trạm tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội để tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố. Phương án quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang, diện tích khoảng hơn 36.400m2, được bố trí như sau: chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Phương án 2, cải tại ga Nha Trang thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ ga Nha Trang và đường bóng đèn hiện tại, cải tuyến đường sắt chính tuyến từ Km1312+500 đến Km1318+300, đường sắt không vào trung tâm TP. Nha Trang. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới, là ga kỹ thuật hỗn hợp khách hàng có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe.

Sau khi di dời ga, quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.200m2, sẽ bố trí như sau: bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Hà Nội) đề xuất 2 phương án cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, theo quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015, trong đó có cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang để bỏ đường vòng, ga Nha Trang thành ga cụt, xây dựng ga hàng hóa Vĩnh Trung.

Phương án 1 đề xuất phù hợp với quy hoạch này. Bên cạnh đó, theo điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, ga Nha Trang sẽ trở thành ga hành khách, xây dựng ga hàng hóa ngoài trung tâm thành phố. Do đó, việc đề xuất như phương án 1 là phù hợp với quy hoạch chung thành phố.

Đối với phương án quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích hơn 36.400m2, sau khi cải tạo ga Nha Trang, chưa được thể hiện trong quy hoạch chung của thành phố. Vì vậy, việc thực hiện phương án này phải được điều chỉnh quy hoạch bổ sung và phải được cụ thể hóa theo quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mới triển khai được dự án.

Về phương án 2, theo Sở GTVT là chưa phù hợp với quy hoạch đường sắt đã được Bộ GTVT phê duyệt. Trong khi đó, theo điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Nha Trang cũng chưa được định hướng dời toàn bộ ga ra khỏi khu vực trung tâm thành phố.

Cần di dời để giảm ùn tắc

Cũng trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh cho biết, hàng ngày ga Nha Trang tiếp nhận khoảng 48 đoàn tàu ra vào ga, vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều có 8 đến 10 đoàn tàu ra vào ga, nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông tại nút giao Mả Vòng và đường Lê Hồng Phong.

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, sở thống nhất đề xuất định hướng di dời ga Nha Trang (phương án 2) và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố. Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương án 2 cần phải bổ sung vào quy hoạch GTVT tỉnh, được tích hợp trong quy hoạch tỉnh hiện nay đang triển khai; thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung thành phố đến năm 2025 và phải cụ thể hóa theo quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 mới triển khai được dự án.

Đồng thời, phải xây dựng lộ trình di dời cụ thể, lưu ý việc di dời chỉ được thực hiện khi đường sắt tốc độ cao được xây dựng và đi vào khai thác. Dự án đề xuất thực hiện đầu tư theo hình thức BT, đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu kỹ về quỹ đất ga Nha Trang (tài sản do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý) là tài sản công cần phải thực hiện theo quy định hiện hành và các quy định về đầu tư theo hình thức BT để bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ai là người hưởng lợi?

Trong khi đó trao đổi với Zing về vấn đề này, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners (chuyên gia về quy hoạch và kiến trúc) cho rằng, việc dời ga xe lửa ra ngoài trung tâm thành phố để lấy đất làm dự án đang là đề xuất của các nhà đầu tư tại nhiều đô thị trên khắp cả nước. Trong đó, việc di dời ga Nha Trang ra khỏi nội đô thành phố để làm dự án địa ốc cũng đã được đề nghị trong nhiều năm qua, với lý do giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, đứng từ góc độ khoa học quản lý đô thị, chúng ta hoàn toàn không nên cổ xúy cho việc đô thị hóa đến đâu, dời ga đến đó. Đây là xu hướng rất có hại cho đô thị, trong khi bỏ qua tiềm năng phát triển giao thông công cộng.

Đặc biệt với trường hợp của ga Nha Trang, nếu chọn cách di dời nhà ga hiện tại để đổi lấy đất vàng phục vụ dự án thương mại sẽ là một sai lầm chiến lược.

Ông cũng nêu dẫn chứng tại các đô thị lớn trên thế giới như New York (Mỹ), Paris (Pháp) hay Montreal (Canada), ga xe lửa đều được giữ lại trong khu trung tâm, và được chỉnh trang để kết nối tốt với mạng lưới giao thông công cộng của thành phố.

Nhờ đó, người dân có thể đi mọi nơi trong thành phố, và đi đến các thành phố khác một cách tiện lợi, mà không cần phương tiện giao thông cá nhân.

Việc phá các tuyến đường sắt cũ để làm dự án địa ốc là một sai lầm chiến lược, dẫn đến thiệt hại kinh tế rất lớn, trong khi chỉ làm lợi cho nhà đầu tư.

Chúng ta từng mắc nhiều sai lầm trong lịch sử phát triển đô thị. Hà Nội từng có đường tàu điện, TP.HCM từng có đường xe lửa chạy đến tận chợ Bến Thành, nhưng đều đã bị bỏ đi, hoặc cắt ngắn, để làm đường và xây dựng nhà phố.

Giá như lúc đó vẫn giữ lại các tuyến giao thông này, ngày nay chúng ta đã có thể dễ dàng nâng cấp thành một mạng giao thông công cộng phục vụ nội đô hiệu quả và ít tốn kém.

Cả Hà Nội và TP.HCM đang có dự án thực hiện những tuyến metro hàng tỷ USD, bao gồm đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM, nhưng đã nhiều năm rồi vẫn không xong.

Trong khi đó, giá như lúc trước giữ lại tuyến xe lửa Hòa Hưng - Bến Thành, thì nay chúng ta đã có thể chuyển thành tuyến giao thông công cộng đường sắt nhẹ (light rail), có thể hoàn thành chỉ trong vài tháng, với chi phí thấp hơn rất nhiều.

Với bài học kinh nghiệm đó, Nha Trang có thể xem xét hai lựa chọn.

Thứ nhất là giữ lại ga đường sắt như một ga hành khách nhỏ ở khu trung tâm, dời ga chính (hành khách và hàng hóa) của thành phố ra ngoài, và chỉnh trang mạng lưới giao thông, đặc biệt là những chỗ giao cắt khác cốt giữa đường sắt với tuyến đường bộ trong nội thành. Như vậy từ ga chính chỉ có một số toa hành khách tách ra để chạy vào khu trung tâm.

Thứ hai, nếu muốn dời toàn bộ ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, thì nhà ga và hệ thống đường ray hiện tại vẫn nên được giữ lại để chuyển đổi sang loại hình giao thông công cộng khác, như tuyến metro hoặc đường sắt nhẹ. Các chuyến tàu chạy trên đường sắt nhẹ có thể chạy nối đuôi nhau với tần suất 5 phút/chuyến, và cũng có thể xen kẽ với xe buýt để tăng hiệu suất sử dụng.

Khi nhà ga xe lửa chính ở ngoài nội đô, tuyến nhánh đường sắt nhẹ đi vào trung tâm sẽ thành tuyến giao thông công cộng, không những nối nội thành với ga đường sắt, mà còn phục vụ cho giao thông công cộng khu nội thành, thích hợp với các tuyến xe buýt khu vực. Người dân sẽ có một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả và kinh tế.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Di dời ga Nha Trang: Ai được hưởng lợi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.