Thứ năm, 28/03/2024 19:49 (GMT+7)

Điều chỉnh quy hoạch dự án: Nhiều rủi ro dẫn đến tham nhũng (Bài 3)

Cẩm Anh -  Thứ năm, 13/06/2019 11:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đơn thư phản đối đề xuất điều chỉnh quy hoạch được gửi đi khắp nơi nhưng chờ mãi không có bất cứ cơ quan chức năng nào vào cuộc. Chuyên gia cho rằng, sự việc trên có thể liên quan đến tham nhũng.

Rủi ro tham nhũng trong câu chuyện điều chỉnh quy hoạch

“Tôi cho rằng câu chuyện này liên quan đến rủi ro tham nhũng. Chúng ta vẫn nói rằng nhóm lợi ích. Tức là giữa chính quyền và doanh nghiệp có thể xảy ra nhóm lợi ích. Đây là trở ngại lớn nhất cho phát triển đô thị. Những chủ đầu tư mà tự tiện thay đổi quy hoạch thì phải có gì cơ quan quản lý cấp cơ sở mới bỏ qua, người ta sẽ nghĩ đến câu chuyện có phong bì hay không? Nó rất đơn giản”, đó là ý kiến của GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam về việc đơn thư phản đối điều chỉnh quy hoạch của người dân gửi khắp nơi nhưng không có cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý. 

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Kiến nghị không được giải quyết, cư dân phải gửi đơn thư vượt cấp 

Đề cập tình trạng trên, có thể kể đến trường hợp tiêu biểu của cư dân tại khu đô thị Ngoại Giao đoàn nằm ở xã Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. 

Chia sẻ với phóng viên, anh Cao Xuân Tùng - Trưởng Ban Quản trị tòa N03T2 khu Ngoại Giao đoàn cho biết, phần lớn cư dân ở đây mua căn hộ ký hợp đồng mua bán theo quy hoạch tại Quyết định số 368. Sau khi dọn về ở, cư dân mới phát hiện có thay đổi quy hoạch theo Quyết định số 2905.

Chúng tôi ngã ngửa khi biết có thay đổi quy hoạch từ mật độ xây dựng thấp, thay đổi làm tăng mật độ xây dựng lên rất nhiều, Quyết định số 2905 được ban hành ngày 22/5/2017, đến khoảng tháng 10/2017 chúng tôi mới viết đến thông tin điều chỉnh quy hoạch, nhưng việc này là do người dân tự tìm hiểu ra, không một cơ quan chức năng nào thông báo cho chúng tôi biết”, anh Tùng nói.

Anh Cao Xuân Tùng - Trưởng Ban Quản trị tòa N03T2 khu Ngoại Giao đoàn. 

Theo cư dân, sau khi phát hiện có quyết định điều chỉnh quy hoạch, các Ban đại diện, Ban Quản trị của các tòa nhà trong khu Ngoại Giao đoàn đã làm đơn thư kêu cứu, phản ánh gửi đến UBND phường Xuân Tảo, UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng… nhưng đến thời điểm này không nhận được bất cứ phản hồi xử lý nào. Mặc dù, Văn phòng Chính phủ vào thời điểm cuối năm 2017 đã có văn bản chuyển đơn của một số cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đến UBND thành phố Hà Nội, đề nghị kiểm tra giải quyết và thông báo kết quả cho Văn phòng Chính phủ.

Đơn thư khiếu nại không được giải quyết, cư dân Ngoại Giao đoàn nhiều lần xuống đường căng băng rôn phản đối. 

Đến tháng 8/2018, một số cư dân đã gửi Đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội kiện việc chủ đầu tư không tuân thủ hợp đồng mua bán đã ký kết, không lấy ý kiến cư dân về việc điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, sau đó Tòa án đã trả lại đơn.

Tháng 11/2018, cư dân lại tiếp tục gửi đơn kêu cứu, phản ánh đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và yêu cầu UBND TP. Hà Nội đối thoại, tuy nhiên cũng không nhận được phản hồi từ bất cứ cơ quan nào.

Trường hợp tương tự cũng diễn ra với việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Cầu Giấy. Hơn 1.000 cư dân tại đây đã ký đơn cầu cứu phản đối dự án gửi các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, nhiều lần đề nghị UBND phường Dịch Vọng, UBND quận Cầu Giấy tổ chức đối thoại. Không được xử lý kiến nghị, cư dân đã gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ, Quốc Hội, Chủ tịch nước…

Cư dân tại các tòa nhà xung quanh công viên Cầu Giấy căng băng rôn phản đối dự án bãi đỗ xe ngầm. 

Phản đối đề xuất xây dựng tòa nhà Gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), cư dân khu đô thị này cũng đã phải gửi đơn thư cầu cứu đến Văn Phòng Chính phủ.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ vừa đã có công văn gửi Bộ Xây dựng, yêu cầu xử lý phản ánh của báo chí liên quan đến việc phản đối của cộng đồng cư dân đối với điều chỉnh quy hoạch các dự án đô thị này…

Mới đây, trước sự phản ánh mạnh mẽ của báo chí, các cơ quan truyền thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền phản ánh của của báo chí liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch ở khu đô thị Ciputra và Ngoại Giao đoàn.

Sau 2 năm đơn từ đi khắp nơi mà chưa có bất cứ cơ quan chức năng có thẩm quyền của Hà Nội nào trả lời chính thức, động thái này khiến cư dân tại 2 khu đô thị trên không khỏi vui mừng.

Chúng tôi hy vọng lần này có sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng thì sự việc sẽ được giải quyết. Hai năm qua, khi cư dân lần đầu biết tin khu Ngoại Giao đoàn đột nhiên bị thay đổi quy hoạch chúng tôi rất sốc và bất bình”, anh Cao Xuân Tùng nói.

 Kỳ cuối: Phá vỡ quy hoạch, có khó để làm rõ trách nhiệm? 

Bạn đang đọc bài viết Điều chỉnh quy hoạch dự án: Nhiều rủi ro dẫn đến tham nhũng (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.