Thứ sáu, 29/03/2024 04:30 (GMT+7)

Điều chỉnh quy hoạch: Những lời hứa suông từ chủ đầu tư? (Bài 2)

Cẩm Anh -  Thứ tư, 12/06/2019 14:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên tục phản đối thế nhưng việc điều chỉnh quy hoạch vẫn được thực hiện mà không có sự tham vấn ý kiến của cộng đồng cư dân, những lời hứa từ phía chủ đầu tư giờ đây không còn khiến cư dân tin tưởng.

Dân lo chủ đầu tư vẫn nuôi dã tâm điều chỉnh quy hoạch

Ngày 10/5/2019, chủ đầu tư khu đô thị Ngoại Giao đoàn là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đã có cuộc đối thoại với cư dân theo đơn kiến nghị và yêu cầu đối thoại của Liên minh các toà chung cư Đoàn Ngoại giao (Ngoại Giao đoàn) vào tháng 3/2019.

Tại cuộc đối thoại này, chủ đầu tư đã đồng thuận theo phần lớn yêu cầu của cư dân về quy hoạch khu Ngoại Giao đoàn.

Cụ thể, Hancorp đồng ý điều chỉnh khu CC5 (HH1) từ 27 tầng xuống shophouse 5 tầng, khu NO1-NG & NO2-NG từ 15 -17 tầng xuống 5 tầng, chủ đầu tư sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Bên cạnh đó, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cam kết không đề xuất điều chỉnh quy hoạch của các lô đất trong dự án.

Dự án bệnh viện u bướu được xây dựng giữa khu đô thị không được lấy ý kiến cộng đồng khiến cư dân Ngoại Giao đoàn vô cùng bức xúc. 

Mặc dù cuộc đối thoại có sự tham dự của đại diện chính quyền UBND quận Bắc Từ Liêm, đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm, đại diện UBND phường Xuân Tảo, lãnh đạo Hancorp, đại diện các chủ đầu tư thứ phát tại dự án, đại diện Ban quản trị các toà nhà và đại diện cư dân tại các toà nhà chưa có Ban quản trị, thế nhưng những cam kết từ phía chủ đầu tư không nhận được sự tin tưởng từ phía cư dân.

Do đó, chỉ 2 ngày sau, tức ngày 12/5/2019, cư dân Ngoại Giao đoàn lại một lần nữa xuống đường căng băng rôn phản đối việc điều chỉnh quy hoạch. Trọng yếu là phản đối dự án bệnh viện u bướu đang được xây dựng rất gấp rút.

Hứa là vậy nhưng không biết liệu chủ đầu tư có làm văn bản gửi các cơ quan chức năng không, hay chỉ hứa để an dân. Hai năm qua, chủ đầu tư đã hứa nhiều rồi mà bệnh viện vẫn xây lên, sổ đỏ đến giờ vẫn chưa cấp, chúng tôi chỉ thấy Hancorp hứa nhưng không thực hiện, không biết còn hứa đến bao giờ”, chị Đoàn Thị Lan Anh – cư dân tòa NO3 T8 chia sẻ.

Gần đây, tại khu đô thị Ciputra Hà Nội (khu đô thị Nam Thăng Long), hàng trăm hộ dân đã có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch Hà Nội, các sở: Quy hoạch- Kiến trúc; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư… về việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất thuộc khu đô thị Ciputra - giai đoạn 2, tại quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Chủ đầu tư khu đô thị Ciputra Hà Nội xin điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất tại khu đô thị. 

“Quy hoạch chiều theo ý chủ đầu tư sẽ gây ra nhiều hệ lụy”

Theo TS. Võ Kim Cương – Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. HCM, việc điều chỉnh quy hoạch là tất yếu, cần thiết vì không thể nào có dự báo cho tương lai hàng chục năm, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch cụ thể đã và đang diễn ra có cái phù hợp, nhưng có cái gây ra những hệ lụy.

Nếu như quá chiều theo ý chủ đầu tư sẽ dẫn tới những áp lực khác đối với hạ tầng, hệ lụy đầu tiên là về giao thông, thứ hai là gây ra hiện tượng ngập nước, hệ lụy này gián tiếp dẫn tới tắc nghẽn giao thông, ngoài ra còn dẫn đến hệ lụy về môi trường sinh thái”, TS. Võ Kim Cương nói.

TS. Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. HCM. 

Trao đổi về vấn đề thay đổi quy hoạch, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, việc chủ đầu tư có nhu cầu thay đổi quy hoạch xây dựng để tận dụng, khai thác quỹ đất một cách có hiệu quả cao nhất là biểu hiện rất rõ ràng của xu hướng kinh tế thị trường. Mặc dù việc làm này đem lại lợi ích kinh tế lớn cho chủ đầu tư nhưng lại khiến cả xã hội phải gánh chịu những hệ lụy về sau.

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội; Thành viên Hội đồng Khoa học TCKTVN – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng), hệ lụy thứ nhất để lại là bệnh nhờn quy hoạch, tức là các dự án bất động sản sẽ liên tục có sự điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi nhất với chủ đầu tư. Thứ hai, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ làm lãng phí, thất thoát tài nguyên đất đai đô thị.

Thứ ba là rủi ro các vấn đề về xã hội, thiên tai. Hệ lụy ngay lập tức nhận ra là giao thông, mật độ không khí, mật độ cây xanh, các tiện ích hạ tầng, khả năng cứu hộ cứu nạn, khả năng tương tác của các công trình với nhau.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội. 

Chính cư dân sống tại các khu đô thị phải gánh chịu hoàn toàn những hệ lụy, bên cạnh đó là các cư dân có cuộc sinh hoạt đi qua khu vực đó bị ảnh hưởng bởi áp lực ô nhiễm không khí, tai nạn giao thông…”, KTS. Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Nhìn nhận về vấn đề này, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lo ngại việc điều chỉnh quy hoạch làm tăng số lượng lớn các căn hộ sẽ làm mật độ dân số tăng nhanh. Hà Nội sẽ phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ dân số mà không thể kiểm soát.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Một đô thị chật hẹp như Hà Nội trong tương lai sẽ không đáp ứng nổi hạ tầng cũng như hạ tầng dịch vụ công cộng”, Nguyên Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, GS. TS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa có tư duy xã hội cao, bởi nếu có tư duy xã hội cao sẽ biết xấu hổ với những việc làm có hại cho xã hội, cho người dân. Và chỉ những doanh nghiệp tư duy tốt mới có thể bước qua lợi ích của mình để vì lợi ích cộng đồng.

Bài 3: Phản đối điều chỉnh quy hoạch: Cư dân cầu cứu Thủ tướng

Bạn đang đọc bài viết Điều chỉnh quy hoạch: Những lời hứa suông từ chủ đầu tư? (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.