Thứ sáu, 19/04/2024 00:49 (GMT+7)

Định hướng bắt đầu từ tầm nhìn

MTĐT -  Thứ ba, 03/08/2021 11:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi chưa có một tầm nhìn toàn cảnh sao có mục tiêu toàn cảnh để xác định định hướng phát triển, vì vậy đã có nhiều định hướng vạch ra vẫn chung chung và qua nhiều thời gian không thay đổi.

Những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, kinh nghiệm của Singapore đã cho ta khái niệm về “tầm nhìn” trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước nói chung và các lĩnh vực nói riêng, thay vì các kế hoạch 5 năm, bằng kế hoạch ngắn trung và dài hạn.

Nói đến “tầm nhìn” thì trước hết phải nhìn thấy được bằng hình ảnh (viễn cảnh) – Lâu nay ta chẳng thấy được gì ngoài các con số và chỉ tiêu, mà chưa ai “vẽ” được một hình ảnh xã hội, con người của tương lai vài chục năm sau của một đô thị hay một làng quê nông thôn nào.

Khi chưa có một tầm nhìn toàn cảnh sao có mục tiêu toàn cảnh để xác định định hướng phát triển, vì vậy đã có nhiều định hướng vạch ra vẫn chung chung và qua nhiều thời gian không thay đổi.

I. Tầm nhìn phải từ khả năng hiện thực và tiếp cận được xu thế tiến bộ

Thông thường, theo quy luật, tương lai bao giờ cũng phát triển hơn so với hiện tại, viễn cảnh mỗi quốc gia, mỗi địa phương, hay từng lĩnh vực đều phát triển không giống nhau vì phải trên cơ sở của nó, trong đó đặc biệt là con người và điều kiện năng lực phát triển về vật chất.

Tầm nhìn là thực tiễn, khả năng vươn tới cộng với hoài bão – Hoài bão là tác nhân quyết định cần được khuyến khích và tạo điều kiện, song không để cho sự tự phát lấn át. Mặc khác, trong bối cảnh toàn cầu phát triển ồ ạt, có thể nhìn thấy “tầm nhìn” đa mức độ xung quanh, nếu lựa chọn thiếu phù hợp sẽ làm cho viễn cảnh thành viễn tưởng.

Tuy nhiên, chúng ta không bỏ qua khả năng tác động tích cực của sự hợp tác, các nước có thể rút ngắn khoảng cách, tiếp cận được mũi nhọn của xu thế và thành quả văn minh nhân loại, trong đó có thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

II. Định hướng phát triển kiến trúc bắt đầu từ quy hoạch xây dựng

Với tương lai xa (25 năm) xã hội Việt Nam sẽ phát triển rất lớn, con người xuất hiện một thế hệ mới.

Đời sống không chỉ được nâng cao, mà nếp sống dân cư, tổ chức và cấu trúc cộng đồng, quản lý vận hành xã hội cũng sẽ thay đổi hẳn. Biểu hiện sự thay đổi rõ nét ở hạ tầng đô thị mà quy hoạch xây dựng là tổ hợp vật thể quan trọng, phải thích ứng và dễ nhìn thấy được nhất.

Để có được định hướng phát triển quy hoạch xây dựng đô thị, trước hết phải xác định được tầm nhìn phát triển đô thị của tương lai ấy.

1. Tầm nhìn về phát triển đô thị

Khi nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao, tỷ lệ đô thị hóa sẽ tăng, nhiều TP mới xuất hiện.

Với xu thế ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng sống của dân cư, xây dựng và phát triển đô thị theo hướng sinh thái xanh, đáng sống, các đô thị Việt Nam cũng vươn tới mục tiêu ấy.

Thêm nữa, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, khả năng quản lý còn bị hạn chế… phát triển đô thị cần giới hạn quy mô, không để tự phát thành đô thị nén quá đông dân số. Với TP lớn hiện hữu, cần nâng cấp đô thị lõi, phần còn lại cấu trúc thành các đô thị chức năng, đô thị vệ tinh.

Tận dụng thành tựu của công nghệ số, trí thuệ nhân tạo, điều khiển học… xây dựng và phát triển đô thị thông minh là con đường chung của thế giới. Cấu trúc không gian của đô thị thông minh cần đơn giản, rạch ròi, tổ chức mặt bằng đặc biệt, mạng lưới giao thông đô thị theo dạng hình học phù hợp với các phương tiện giao thông tự lái, hoặc cho các hình thức mới trên không hay dưới đất.

Tương lai, tài nguyên cạn kiệt dần, vấn đề môi trường càng được coi trọng xu thế tái tạo và tái sử dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch xây dựng cũng phải thích ứng.

Vận hành xã hội, hoạt động của con người và dịch vụ phục vụ con người theo chiều hướng online sẽ làm thay đổi tỷ lệ các kiến trúc chức năng, chẳng hạn như trụ sở và cao ốc văn phòng cho thuê, siêu thị cửa hàng và kho tàng, chợ xanh sẽ không còn. Khi sản xuất nông sản theo hợp tác xã và thương hiệu, ngược lại đời sống cao, tăng các công trình phục vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, tập luyện thân thể, thực tế ở một số nước phát triển cao – xe đạp đã trở lại. Năng suất lao động cao, thời gian lao động giảm, nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch tăng.

Công nghệ thay đổi (tự động hóa, robot, công nghiệp sạch) việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp tập trung trong đô thị sẽ thay đổi theo hướng là một khu đô thị chức năng.

Đất đai vẫn là một vấn đề nóng khi dân số tăng, việc xây dựng nhà cao tầng trong đô thị vẫn tồn tại như một giải pháp ưu việt, tuy nhiên tổ chức nó sẽ khác, từ ngôi nhà thông minh, cụm nhà thông minh, đến tổ hợp quy hoạch có kết nối giao thông, môi trường xanh trên cao… giải phóng mặt đất tối đa cho không gian công cộng.

Một đô thị thông minh cần có dân cư chất lượng, có kỹ năng sử dụng vận hành hệ thống công nghệ thông minh ấy. Ngoài nơi làm việc và hệ thống dịch vụ, thiết thân với họ là nơi ở cũng phải thông minh (nhà ở, căn hộ chung cư) từ nội dung cấu trúc bên trong đến hình thức bên ngoài cũng phải phù hợp tư duy, nếp sống mới, vật liệu, trang thiết bị công nghệ số, môi tường cảnh quan mới. Tất nhiên không lạm dụng nhân tạo, tiết kiệm năng lượng.

Nhà ở TP còn cần quan tâm đến xu thế trong ngôi nhà còn mô hình cùng sống chung 3-4 thế hệ nữa không, khi nhu cầu độc lập cá nhân cao.

2. Tầm nhìn về phát triển nông thôn

Đường lối HĐH-CNH nông nghiệp nông thôn qua thực tế cho ta thấy khá rõ tương lai nông thôn – con người nông dân mới có kiến thức trở thành công nhân nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ mới, sạch, điều khiển thông minh tổ chức nông thôn mới cũng theo hướng thông minh.

Tuy nhiên tính chất sản xuất, môi trường sống tổ chức xã hội nông thôn, nếp sống văn hóa con người nông thôn vẫn khác thành phố, đó là cái đặc trưng và cũng có phần ưu việt cần giữ, không nên đồng hóa với thành thị.

Quy hoạch xây dựng nông thôn tất nhiên phải phù hợp với cơ cấu và mô hình sản xuất thông minh, nếp sống mới của con người nông thôn hiện đại, tổ chức xã hội hiện đại, nhưng nên giữ được cái hồn của làng xã Việt Nam mà ít đâu có như cơ cấu và hình ảnh cổng làng, cây đa, giếng nước hồ ao, sân đình, nhà vườn, các cây đặc thù tre, cau, gạo – Hạ tầng hiện đại như đô thị, nhưng môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, hình ảnh kiến trúc phải khác đô thị. Nông thôn các nước phát triển cũng giữ được như vậy. Hiện đại hóa nông thôn, không đô thị hóa nông thôn, chúng ta đã bỏ hổng một thời để tự phát triển phố chợ tại trung tâm với nhà chia lô liền kề, san lấp hết ao hồ, bỏ vườn, chặt cây, làng trơ như phố.

Nhà vườn là một đặc trưng nhà ở nông thôn, đời sống nhà ngày nâng cao 2-3 tầng, nhưng không thể sao chép biệt thự đô thị. Ưu việt của nhà dân gian nông thôn là kiến trúc mở, con người giao tiếp với thiên nhiên, tận dung lợi thế khí hậu tự nhiên, kiến trúc mới biết tiếp thu truyền thống chính là tạo nên bản sắc.

Đối với nông thôn ven đô, do tiếp cận đô thị, tính chất không còn thuần nông mà là hỗn hợp (từ cơ cấu kinh tế, xã hội, thành phần cư dân, đến văn hóa) và cũng có nguy cơ đô thị hóa.

Thực tế hiện nay, khi hệ thống giao thông thuận lợi, phương tiện làm việc giao dịch và dịch vụ online, nhiều người có xu hướng ra ở ngoại ô, nhà vườn, có môi tường tốt, tránh áp lực nội đô.

Nông thôn ven đô cũng có thể là nơi đến cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần.

Nói đến tầm nhìn và định hướng phát triển kiến trúc ta cần nhìn nhận hai mặt giá trị của nó: Giá trị nghệ thuật và giá trị xã hội.

Nghệ thuật kiến trúc luôn phải đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của con người và xã hội đương thời.

Tương lai khi xã hội tiến lên hiện đại, con người mới nhận thức thẩm mỹ cũng thay đổi theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa bản địa là cứu cánh duy nhất cần gìn giữ để phân biệt các quốc gia.

Nghệ thuật kiến trúc cũng vậy, ít bị lệ thuộc nên có thể chắt lọc truyền thống, sáng tạo lồng ghép hiện đại để có được nét riêng mà ta gọi là bản sắc dân tộc. Ở góc độ này tầm nhìn và định hướng là xuyên suốt.

Còn ở góc độ xã hội, kiến trúc luôn thay đổi vì nó chịu tác động trực tiếp và quá nhiều, từ đối tượng phục vụ đến vật chất hình thành ra nó.

Khi xã hội phát triển mọi mặt, con người cũng thay đổi từ tư duy đến nhu cầu, kiến trúc tất yếu phải thích ứng. Nếu nhạy bén có khi kiến trúc phải tiên phong để dẫn dắt xã hội hướng dẫn nếp sống tiến bộ cho cộng đồng.

Tầm nhìn càng rõ, càng sáng suốt thì định hướng càng đúng đắn và thiết thực. Tuy nhiên thực tiễn có những sự cố bất thường phải điều chỉnh, đó là lẽ tự nhiên.

KTS Nguyễn Thúc Hoàng

Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

Theo TC Kiến trúc

Bạn đang đọc bài viết Định hướng bắt đầu từ tầm nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.