Thứ năm, 25/04/2024 12:45 (GMT+7)

Đô thị hóa đang dần “lấn át” di sản văn hóa, không gian kiến trúc

MTĐT -  Thứ hai, 09/12/2019 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của Thường trực HĐND TPHCM hiện nay nhiều di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị ở thành phố đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình phát triển đô thị.

Di sản văn hóa đang bị đe dọa

Trước áp lực về quá trình đô thị, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố khiến các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị ở thành phố đang bị đe dọa.

Đây là nhận định của Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố, tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa IX chiều 8/12.

Di sản văn hóa ở thành phố rất phong phú, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, bao gồm các vết tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng-tôn giáo, các công trình công cộng, cơ quan nhà nước.

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM, cho hay, TPHCM có 3 di sản phi vật thể được công nhận là Ca trù, nghệ thuật đờn ca tài tử, Lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ). TPHCM có 172 di tích đã được xếp hạng; 14 bảo tàng đang lưu giữ gần 541.000 hiện vật. Đặc biệt, TPHCM có 15 bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận. Hàng năm, UBND TPHCM bố trí ngân sách khoảng 10 tỷ đồng để mua hiện vật cho các bảo tàng.

Đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy kiến nghị cần quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.

Trong bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, UBND TPHCM xác định đây là công việc quan trọng phải được tiến hành nghiêm túc, thận trọng và làm ngay để sớm xác định được dấu ấn kiến trúc của TPHCM. TPHCM có trên 1.000 biệt thự trước năm 1975 có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử được phân loại theo mảng, tuyến, cụm, điểm cảnh quan đô thị nhằm bảo tồn tạo nên bản sắc và bề dày văn hóa đô thị.

Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã bố trí kinh phí hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 32 di tích với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng; phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo di tích với tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng; ghi vốn chuẩn bị đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vận động xã hội hóa trong tu bổ di tích là khoảng 400 tỷ đồng với hơn 20 di tích được tu bổ, chủ yếu là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo đánh giá của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ở thành phố ngày càng nhiều khó khăn, phức tạp; áp lực của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa, việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là một bài toán khó cho lĩnh vực bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.

Nhiều công trình mới đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm gây tác động và thay đổi cấu trúc cảnh quan đô thị nói chung, không gian nhiều công trình nói riêng. Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị có phần bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Trong khi đó, việc xây dựng các quy định về công tác bảo tồn di sản đô thị còn chậm so với quá trình phát triển. 

Khó khăn trong công tác bảo tồn

Theo TTXVN, phát biểu tại kỳ họp, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Các di sản văn hóa tại TP Hồ Chí Minh khá phong phú, tuy nhiên có giai đoạn chúng ta khá lúng túng trong công tác quản lý di sản, gần như buông xuôi khiến các công trình kiến trúc văn hoá, di tích lịch sử xuống cấp, thậm chí biến mất nhanh chóng. Trước thực trạng biến mất của nhiều di sản, Ban Tuyên giáo đã nhận được nhiều đơn kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa, đội ngũ làm công tác di sản văn hóa... để khôi phục và giữ gìn các di sản văn hóa hiện có”.

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê góp ý việc xã hội hóa trong trùng tu bảo tồn cũng khá cần thiết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ông Khuê, di sản và kiến trúc đô thị chính là “phần hồn” của TP Hồ Chí Minh, nếu nhìn đó là sự lạc hậu cần phá dỡ thì đó là một sai lầm và sẽ có lỗi với các di tích lịch sử và thế hệ tương lai. Vì vậy, các nhà quản lý cần tăng cường quảng bá để mọi người dân hiểu được về giá trị của “phần hồn” thành phố, để cùng thành phố tham gia vào bảo tồn các di sản văn hóa.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy cũng cho rằng, công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác kiểm kê các biệt thự cổ trước năm 1975 dù đã có chủ trương nhưng đến nay khâu triển khai còn chậm. Đặc biệt, đội ngũ nhân lực làm việc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa vừa thiếu, vừa hạn chế về trình độ nên khó trong công tác bảo tồn. Vì vậy, ngành văn hóa và Thành phố cần quan tâm hơn, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh ghi nhận ý kiến của các đại biểu, ông cũng cho biết TP Hồ Chí Minh đã và đang đối mặt với các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển đô thị của một đô thị lớn, do đó vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ngày càng nhiều khó khăn, phức tạp.

Cụ thể, các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị có phần bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị hóa, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Hệ thống luật pháp, chính sách bảo tồn di sản văn hóa chưa được phổ biến rộng rãi; việc tuân thủ luật pháp của một bộ phận người dân, của nhà đầu tư chưa tốt; việc xây dựng các quy định về công tác bảo tồn di sản đô thị còn chậm so với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đô thị hóa đang dần “lấn át” di sản văn hóa, không gian kiến trúc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới