Thứ sáu, 19/04/2024 18:56 (GMT+7)

Dự án “treo” 20 năm ở Kim Liên – La Thành “bất thình lình” gia hạn

Ngọc Anh -  Thứ năm, 26/04/2018 09:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã nhận được rất nhiều đơn thư kêu cứu khẩn cấp và đề nghị hủy bỏ Dự án “treo” suốt 20 năm của bà con nhân dân thuộc Dự án Nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành.

Nhiều người không khỏi sửng sốt khi biết được thông tin hàng trăm hộ dân sống chạy dọc trên con đường  “đắt nhất hành tinh” – Xã Đàn trong suốt 20 năm qua không hề có …sổ đỏ. Mặc dù đây là mảnh đất hương hỏa của tổ tiên để lại, song dường như hơn 300 hộ dân đang phải “sống tạm”, “sống chui” trên mảnh đất của chính mình.

Cụ thể, trong đơn kêu cứu chỉ rõ nhiều điểm “mập mờ” trong quá trình ban hành quyết định phê duyệt, gia hạn và thu hồi Dự án.

Đồng thời, đơn còn tập hợp được 270 chữ ký sống là đại diện của các hộ dân tổ dân phố số 1, 18,19, 20, 21  phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đề nghị các cơ quan ban ngành vào cuộc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 300 hộ dân.

Ngôi nhà (bên trái) của cô Trần Thị Dung xuống cấp nghiêm trọng, những ngày giỗ gia đình này phải đi "giỗ nhờ" tại nhà họ hàng.

Nhiều “mập mờ” trong Dự án kéo dài 2 thập kỷ

Theo nhiều văn bản, giấy tờ liên quan do UBND phường Phương Liên và bà con tổ dân phố số 1, 18, 19, 20, 21 cung cấp cho biết: Ngày 26/12/1997 UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 5112/QĐ- UBND phê duyệt Dự án Nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành, quận Đống Đa để xây dựng 5 dãy nhà 5 tầng với 188 căn hộ.

Ngày 01/06/1998, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 2177/ QĐ- UBND về việc giao 7.851m2 đất tại phường Phương Liên cho UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành quận Đống Đa, Hà Nội; Công ty Xây dựng Kinh doanh Phát triển nhà quận Đống Đa (nay là Công ty CPĐT và Phát triển nhà số 6 Hà Nội) là đơn vị quản lý Dự án.

Trong 5 Điều của Quyết định, thì tại Điều IV của quyết định 2177/ QĐ- UBND chỉ rõ: “Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Sau 06 tháng kể từ ngày ký, nếu UBND quận Đống đa không thực hiện nội dung ghi tại khoản 1, 2 Điều II hoặc sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất, nếu chưa sử dụng hoặc sử dụng sai nội dung nêu tại Điều I Quyết định này thì Giám đốc Sở Địa chính có trách nhiệm lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi quyết định giao đất”.

Tuy nhiên, do Dự án chưa được triển khai thực hiện, ngày 09/06/2000 UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 2755/ QĐ- UBND về việc gia hạn thời hiệu thực hiện Dự án, thời gian gia hạn là 12 tháng (mười hai) kể từ ngày ký quyết định. Cụ thể, tại điều khoản 2 Điều I quyết định nêu rõ: “Các Điều, Khoản khác của quyết định số 2177/ QĐ- UB ngày 01/08/1998 của UBND Thành phố vẫn giữ nguyên hiệu lực”.

Quyết định 2177/ QĐ- UBND giao 7.851m2 đất tại phường Phương Liên cho UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành.

Thực tế cho thấy,  từ ngày 09/06/2000 đến nay đã 18 năm nhưng Dự án vẫn chưa được triển khai. Sau khi có quyết định, Dự án mới chỉ bắt đầu ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đang thực hiện dở dang giai đoạn chuẩn bị thực hiện Dự án, chưa tiến hành GPMB.

Trong các năm 2004, 2006, 2007 đơn vị Quản lý Dự án là Công ty CPĐT và Phát triển nhà số 6 Hà Nội có nhiều tờ trình và văn bản đề nghị thanh quyết toán, xử lý dứt điểm phần khối lượng đã thực hiện công tác chuẩn bị của Dự án Nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành, quận Đống Đa. Năm 2013, công ty đã gửi hồ sơ quyết toán lên Sở Tài chính và hoàn chỉnh hồ sơ tất toán tài khoản tại Kho Bạc Nhà nước Hà Nội.

Chưa kể đến năm 2015, 2017 UBND phường Phương Liên đã có văn bản kiến nghị được bãi bỏ quy hoạch Dự án “treo” này và đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 300 hộ dân đang sinh sống trong vùng Dự án.

Động thái tiếp theo đến từ UBND quận Đống Đa có văn bản số 981/UBND –GPMB ngày 26/7/2016 kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội dừng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu Nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành, quận Đống Đa.

Sở Xây dựng cũng vào cuộc, có văn bản số 7068/SXD- PTN ngày 17/08/2016 đề nghị UBND thành phố Hà Nội về việc dừng triển khai Dự án để đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân hiện đang sinh sống trong phạm vi quy hoạch Dự án.

Những động thái trên khiến bà con nhân dân phường Phương Liên vô cùng hồ hởi, vì nhiều năm sinh sống trên đất hương hỏa giờ mới biết mặt “bìa đỏ”. Có nhiều hộ gia đình còn tổ chức ăn mừng khi có thông tin dừng triển khai Dự án và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người dân càng mong ngóng, háo hức bao nhiêu thì lại bức xúc, phẫn nộ bấy nhiêu khi “bất thình lình” UBND TP Hà Nội ra thông báo số 1243/TB-UBND ngày 18/10/2017 Thông báo Kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố về quá trình triển khai Dự án đầu tư xây dựng khu Nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành. Chủ tịch UBND Thành phố - Nguyễn Đức Chung kết luận và chỉ đạo: “Giao cho UBND quận Đống Đa, căn cứ thẩm quyền và quy định của pháp luật, tiến hành gia hạn việc triển khai Dự án”.

Như vậy, câu hỏi được dư luận đặt ra là có hay không sự “mập mờ” trong quá trình theo dõi, giám sát, báo cáo Dự án? Nhất là khi Dự án đã kéo dài hơn 2 thập kỷ, liệu nó có còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại?

Đặc biệt thông báo gia hạn Dự án của UNND Thành phố đang “có vấn đề”, dường như thông báo này đã không tuân thủ và vi phạm các điều khoản trong quyết định số 2177/ QĐ- UB, 2755/ QĐ- UBND nêu trên?

Trên tuyến phố “đắt nhất hành tinh” người dân khốn khổ “giỗ nhờ”, “ở nhờ”

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, bà Bùi Thị Hạnh Loan – Tổ trưởng tổ dân phố số 1 cho biết: “Sau các văn bản giấy tờ triển khai Dự án rồi sau quá nhiều năm không triển khai, lại đến phương án dừng Dự án được UBND quận Đống Đa, phường Phương Liên kiến nghị, giờ lại tiến hành gia hạn. Mọi thứ nó cứ lung tung, không rõ ràng, người dân chúng tôi cứ nháo nhác không biết đâu mà lần”.

Theo bà Loan, “Khi quyết định năm 1998 được công bố người dân chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi. Trước đây, hết nhường đất hương hỏa để nhà nước xây dựng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Nhà máy ô tô 3/2, Khách sạn Kim Liên, Ngân hàng Bắc Á, hầm Kim Liên, bến xe cũ Kim Liên… mất cả quê hương, gốc gác. Bao nhiêu đời ở đó nhưng chúng tôi vẫn ra đi không một đồng xu…”.

Hiện trạng mục nát, tạm bợ và xuống cấp của nhiều hộ gia đình khi chưa được cấp sổ đỏ.

Nhìn vào thực tế, người dân tại làng cổ Kim Liên đã chịu rất nhiều thiệt thòi, có nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình nhà nước, phúc lợi xã hội. Đồng thời, nơi đang sinh sống là mảnh đất hợp pháp của cha ông nhiều đời mà nay người dân còn giữ lại được.

Vậy mà suốt 20 năm ròng, bà con tại làng cổ Kim Liên sống trong cảnh “nhếch nhác”, tạm bợ, ngay cả đến quyền hợp pháp có được tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với họ cũng là cả ước mơ. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo chỗ ở phải làm dấm dúi giống như người vi phạm pháp luật.

Hàng chục căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, có hộ gia đình phải đi thuê nơi khác để ở, không dám sống tại đây vì sợ nhà sụp xuống lúc nào không hay. Nhiều hộ gia đình phải cam chịu cảnh nhà che bạt “rúm ró”, bắn mái tôn sống tạm bợ ngay ngoài tuyến phố văn minh bậc nhất Thủ đô suốt 2 thập kỷ qua.

Người ta chẳng thể hình dung, ngay giữa Thủ đô – trung tâm văn hóa bậc nhất Kinh kì lại có câu chuyện lạ đời: “ở nhờ”, “giỗ nhờ”. Với nhiều người dân tại “vùng Dự án” cảnh đi sơ tán ngày mưa bão, hay làm giỗ ông bà, bố mẹ ở nhà họ hàng đã quá quen thuộc.

Cùng trao đổi với PV, ông Nguyễn Thiện Hải đại diện các hộ dân cho hay: “Vào những ngày mưa giông bão giật, chúng tôi sống tại đây rất vất vả. Nhà cửa mục ruỗng, dột nát hết. Và nếu mưa bão to cả nhà chúng tôi phải sang nhà cô em ở nhờ. Nhỡ nhà sập xuống là chết người ngay. Trận bão năm 2015, toàn bộ những nhà lợp mái tôn tạm bợ như chúng tôi bị tốc toàn bộ mái. Khổ vậy mà chẳng biết kêu ai” ?!

Gia đình cô Trần Thị Dung – số 138 Xã Đàn, sát ngay nhà ông Hải cũng chịu chung số phận. Vào những ngày giỗ, lễ, Tết họ thường phải làm “giỗ nhờ” ở nhà anh em, họ hàng. Hiện tại trong căn nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng, gia đình không dám ở mà phải thuê nhà ở nơi khác sinh sống.

Là người đứng giữa, trong hoàn cảnh này bà Loan – tổ trưởng tổ dân phố số 1 nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ bà con: “Người ta bây giờ chẳng còn gì để mất cả. Nếu như bây giờ Dự án tiếp tục thì hơn 300 hộ gia đình sẽ như thế nào đây? Ai là người chịu khổ nhất trong hoàn cảnh này? Bao nhiêu năm rồi, có những nhà có được xây đâu, có được sửa chữa đâu, có nhiều nhà “liều” thì người ta vẫn cứ làm. Họ chấp nhận chịu phạt chứ ở một đống người, sống chật chội, khổ sở quá như thế thì ai mà chịu được?”

Lý giải cho việc “ở nhờ”, “giỗ nhờ” ông Hải cũng cho biết thêm: “Nhà cửa không được cải tạo, nâng cấp, xây dựng vì chúng tôi không có sổ đỏ. Trước tình trạng Dự án kéo dài 20 năm, chúng tôi xin kiến nghị: xóa bỏ hoàn toàn Dự án và cấp sổ đỏ cho dân để chúng tôi ổn định cuộc sống”.

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Lộc – Chủ tịch UBND phường Phương Liên cũng chỉ rõ những điểm bất hợp lý của Dự án này: “UBND Phường hoàn toàn ủng hộ nhân dân, Dự án đã rất lâu không được triển khai mà nhân dân thì đã bắt đầu sinh hoạt đồng đều ổn định. Dự án xây dựng khu nhà di dân chỉ cao 5 tầng hiện giờ hoàn toàn không còn phù hợp với quy hoạch, chính vì vậy nếu còn tiếp tục duy trì Dự án những tòa chung cư mang tính chất thấp tầng sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, đặc biệt với một tuyến phố văn minh đô thị như Xã Đàn”.

Có nhiều quan điểm nghi ngại và cho rằng dự án này bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế khi chúng ta áp dụng một Dự án đã bị “treo giò” cách đây hàng 2 thập kỷ liệu có khả thi? Dù có xây 5 tòa nhà 5 tầng với 188 căn hộ thì cũng không thể phục vụ hết hơn 300 hộ dân phải di dời.

Và nhất là khi Dự án lại nằm “án ngữ” ngay trên “đất vàng” của Thành phố Hà Nội, những vấn đề quy hoạch giao thông, an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm …có được đáp ứng và lường trước hệ quả? Trong khi đó tại khu vực này chỉ có duy nhất một trường mầm non và một trường Tiểu học Phương Liên?

Hơn 20 năm qua, người dân tại làng cổ Kim Liên lao đao, khốn khổ vì Dự án treo đã “ì ạch” hàng 2 thập kỷ. Chưa một ngày nào họ thôi bất an, lo lắng cho chính số phận của mình. Dân tình khốn khổ, ấy vậy vấn đề xử lý vẫn cứ “nhập nhằng” và “mập mờ” không rõ lý do.

Ngay tại tuyến phố văn minh bậc nhất Hà Nội vẫn có những nơi người dân chưa được cấp quyền sử dụng đất.

Câu hỏi được dư luận đặt ra, UBND thành phố Hà Nội “ém” đất vàng suốt 20 năm qua với mục đích gì? Mặc dù đã có sự lên tiếng kiến nghị dừng Dự án của UBND quận Đống Đa, UBND phường Phương Liên về sự bất hợp lý trong việc triển khai Dự án Nhà ở di dân GPMB Kim Liên – La Thành.

Mới đây nhất trong nội dung trên được nêu tại văn bản số 3585/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý không phát triển chung cư ở khu vực trung tâm. Do đó UBND thành phố Hà Nội cần nghiêm túc đánh giá chính xác những tác động tiêu cực của Dự án ảnh hưởng đến xã hội.

Câu nói kiên quyết của bà Bùi Thị Hạnh Loan sẽ thay cho lời kết trong kỳ 1 Dự án “treo” 20 năm Kim Liên – La Thành “bất thình lình” gia hạn của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử: “Nếu anh làm những công trình phục vụ cho đất nước, cho dân sinh thì người dân sẵn sàng hy sinh. Nhưng nếu như có những biến tướng phục vụ lợi ích nhóm thì nhất định người dân chúng tôi sẽ kiên quyết bằng mọi giá sống chết phản đối đến cùng”.

Bạn đang đọc bài viết Dự án “treo” 20 năm ở Kim Liên – La Thành “bất thình lình” gia hạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...