Thứ sáu, 29/03/2024 05:50 (GMT+7)

Hà Nội: Chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch 'quên' hỏi cư dân (Bài 1)

Cẩm Anh -  Thứ ba, 11/06/2019 09:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vừa qua, hàng loạt khu đô thị tại Hà Nội xin điều chỉnh quy hoạch, làm tăng mật độ xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Thế nhưng, ngạc nhiên là các chủ đầu tư lại không hề lấy ý kiến cư dân.

Ciputra Hà Nội - Điều chỉnh quy hoạch không lấy ý kiến cư dân

Trước tình trạng hàng loạt khu đô thị kiểu mẫu, những nơi được ca tụng “đáng sống” của Hà Nội có nguy cơ vỡ quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý theo đúng thẩm quyền.

Nổi bật nhất trong thời gian qua là vấn đề điều chỉnh quy hoạch tại khu đô thị Ciputra Hà Nội được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long và Khu Đoàn ngoại giao do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp làm chủ đầu tư. Cư dân căng băng rôn phản đối và liên tục gửi đơn thư kiến nghị đến các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, hàng trăm hộ dân sống tại Khu đô thị Ciputra (Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội) đang rất bất bình, phản đối đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư.

Khu đô thị Ciputra. Ảnh: Intenet. 

Ciputra Hà Nội từng được giới thiệu là khu đô thị quốc tế lớn nhất đầu tiên tại Thủ đô. Đây cũng là khu đô thị mới đồng bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế phát triển theo quy hoạch tổng thể của Hà Nội.

Từ việc xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch lần này, cư dân lại phát lộ ra việc chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất mà không lấy ý kiến người dân và vẫn được cơ quan chức năng “hợp thức hoá”.

Một góc xanh tại Ciputra. Ảnh: Internet. 

Cụ thể, trong năm 2016, 2 ô đất đã được điều chỉnh gồm: ô đất I.A.20 được điều chỉnh tăng 1.810 người; ô đất I.A.25 tăng 629 người và một lần điều chỉnh quy hoạch trong năm 2017.

Vấn đề người dân đặt ra là những lần điều chỉnh quy hoạch trên người dân không hề biết, hoàn toàn không được xin ý kiến.

Thay đổi quy hoạch một nơi, lấy ý kiến dân nơi khác?

Cũng được coi là nơi đáng sống của thủ đô Hà Nội với mật độ xây dựng thấp từ 30 – 33%, 70% còn lại là khu công viên xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng... khu ngoại giao đoàn được coi là điểm nhấn của Thủ đô Hà Nội được nhiều người lựa chọn và đặt mua...

Thế nhưng, suốt 2 năm qua, các cư dân tại đây đã 3 lần xuống đường, căng băng rôn phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch, tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ.

Cư dân Ngoại giao đoàn phản đối việc điều chỉnh quy hoạch trong suốt 2 năm qua.

Cụ thể, các lô đất được điều chỉnh có ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 vốn có chức năng đất công cộng, dịch vụ, đất đầu mối kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp. Nay, chúng bị điều chỉnh tăng mật độ xây dựng lên rất nhiều. Việc thay đổi làm phá vỡ quy hoạch tổng thể dự án, làm tăng mật độ xây dựng, gây áp lực hạ tầng giao thông, thiếu hụt trường học, nhà trẻ, khu vui chơi…

Chị Đoàn Thị Lan Anh (tòa NO3 T8 khu Ngoại giao đoàn) không khỏi thất vọng chia sẻ với chúng tôi: “Lúc mua căn hộ, xem quy hoạch vui mừng vì nghĩ về đây sẽ được an cư lạc nghiệp, tin tưởng có trường học để con cái đỡ phải đi xa. Nhưng giờ con tôi học đến cấp 2 rồi trường thì chẳng thấy đâu, nhà cao tầng, bệnh viện cứ xây ồ ạt”.

Theo cư dân, có một số lô đất điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, như lô đất ký hiệu ĐMKT1 theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) với quy mô 4.801m2, không xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Nay, chỗ này điều chỉnh thành lô đất có ký hiệu BV có chức năng đất công cộng đô thị, với mật độ xây dựng 40%, tầng cao công trình 12 tầng + 2 tầng hầm.

Công trình bệnh biện ung bướu xây dựng trong khu đô thị Ngoại giao đoàn. 

Cư dân tại đây cho rằng, việc xây dựng bệnh viện ung bướu ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn cư dân, giữa đại sứ quán các nước, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ khu đô thị Ngoại giao đoàn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu.

Đồng thời, cư dân lo ngại việc này gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của khu đô thị.

Đáng chú ý, chủ đầu tư - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp đơn phương thực hiện các thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch mà không tham khảo ý kiến của cư dân. Điều này đã được chính quyền phường Xuân Tảo đã xác nhận.

 “Chị Đỗ Thị Hương Chà – Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo trong cuộc hợp các bên có UBND quận Bắc Từ Liêm và chủ đầu tư đã khẳng định 10 người lấy ý kiến đồng ý thay đổi quy hoạch là người dân ở phường Xuân Tảo, không phải cư dân của khu Đoàn ngoại giao, những người không có quyền lợi, không phải cư dân lại cho ý kiến thay đổi quy hoạch của khu đô thị này, đấy là điều bức xúc nhất”, anh Cao Xuân Tùng - Trưởng Ban Quản trị tòa N03T2 khu Ngoại giao đoàn cho biết.

Ngày 12/5/2019, cư dân Ngoại Giao đoàn xuống đường căng băng rôn phản đối lần thứ 3. 

Chia sẻ với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty TNHH Luật Inteco cho biết, Luật Quy hoạch quy định rất rõ ràng rằng, khi thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch thì những người tham gia vào quá trình điều chỉnh quy hoạch phải lấy ý kiến của chính quyền địa phương, của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại trường hợp của Ngoại giao đoàn, tôi nghĩ bắt buộc phải lấy ý kiến của bà con cư dân đang sinh sống tại địa bàn đó. Nếu việc chủ đầu tư khu đô thị xin điều chỉnh quy hoạch, cơ quan nhà nước cấp phép điều chỉnh quy mà không lấy ý kiến của cư dân là hành động thể hiện sự coi thường pháp luật, sai pháp luật”, Luật sư Hà Huy Phong cho biết.

Hà Nội “nóng” chuyện điều chỉnh quy hoạch

Không chỉ riêng 2 trường hợp trên, vừa qua dư luận cũng “nóng” lên với chuyện điều chỉnh quy hoạch tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, khi chủ đầu tư là Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất xây dựng công trình Tòa nhà gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch cao 18 tầng, diện tích xây dựng là 1686m2, mật độ xây dựng tăng lên 49%, tổng diện tích sàn tăng gấp khoảng 9 lần trước đó.

Vị trí đề xuất xây tòa nhà cao 18 tầng đang là trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề xuất bổ sung diện tích sàn đỗ xe gồm 3 tầng hầm và 3 tầng nổi.

UBND TP. Hà Nội đã thống nhất nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch, cho phép Vinaconex xây tòa nhà Gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ tại Thông báo số 186/TB-VP ngày 24/7/2018.

Tuy nhiên, ngay sau khi chủ đầu tư và chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư thì người dân đã bày tỏ sự không đồng tình. Tại các cuộc hợp 100% cư dân đều phản đối xây dựng công trình trên…

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại một góc phía Đông Bắc công viên Cầu Giấy theo đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Các tòa nhà xung quanh công viên Cầu Giấy căng băng rôn phản đối dự án bãi đỗ xe ngầm. 

Hàng nghìn cư dân sống tại các tòa nhà xung quanh công viên đã ký đơn thư đề nghị dừng triển khai dự án gửi đến các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ… băng rôn phản đối, cờ Tổ quốc hiện vẫn đang căng đỏ khắp các tòa nhà...

Điều chỉnh quy hoạch: Những lời hứa xuông từ chủ đầu tư? (Bài 2)

Tại sao cần điều chỉnh quy hoạch? 

Theo Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty TNHH Luật Inteco, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng căn cứ trên nhiều yếu tố liên quan khác nhau.

Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng có thể do thời điểm chúng ta lập quy hoạch chưa đầy đủ, chưa phù hợp, hay nguyên nhân do điều chỉnh quy hoạch khu, phân khu, điều chỉnh quy hoạch vùng dẫn đến quy hoạch khu vực nhỏ hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch vùng lớn hơn, tổng thể hơn.

Điều chỉnh quy hoạch có thể xuất phát từ nhu cầu nội tại của khu vực đó cần thiết phải bổ sung các hạng mục, các công trình xây dựng, hoặc do nguyện vọng của chủ đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh, bổ sung các công năng phục vụ chính khu dân cư đó.

Tuy nhiên, luật sư Phong cũng cho rằng, chúng ta không loại trừ một yếu tố nữa là sự cố tình từ phía chủ đầu tư để vì lợi ích, mục đích nào đó thuộc về chủ đầu tư, chứ không phải lợi ích của dân cư.  

Đồng thời, việc điều chỉnh quy hoạch có cơ sở pháp lý, bao gồm Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch, quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục các vấn đề khác liên quan đến điều chỉnh quy hoạch.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch 'quên' hỏi cư dân (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.