Thứ sáu, 19/04/2024 18:56 (GMT+7)

Hà Nội: Chủ đầu tư dự án treo gần 1/4 thế kỷ bỗng dưng...'biến mất'?

Mạnh Hoàng -  Thứ năm, 29/11/2018 14:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án Sông Hồng City tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) gần 23 năm không được thực hiện, bất ngờ hiện nay đất dự án biến thành bãi giữ xe. Và địa chỉ công ty của chủ đầu tư bây giờ chỉ là... "ảo"?

Dự án Sông Hồng City được cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 1059/GP ngày 29/11/1994 của Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư về việc cho phép Cty phát triển Đô thị (là Cty liên doanh giữa Cty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội và Cty Antara Koh Development (v) Pte. Ltd.,Singapore) xây dựng khu nhà ở, Văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê.

Đến tháng 3/1995, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 187/TTg về việc cho Cty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội thuê đất 60.000m² để liên doanh với nước ngoài xây dựng và kinh doanh nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn tại hồ Nghĩa Dũng, TP Hà Nội.

Quyết định và diện tích dự án Sông Hồng City từ năm 1995, sau 23 năm vẫn nằm yên.

Tháng 9/1995, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E0373660 cho Cty Phát triển đô thị theo Quyết định số 3299/QĐ-UB để thực hiện dự án Sông Hồng City.

Tháng 9/2009, Chính phủ cho phép UBND TP. Hà Nội phối hợp với Seoul (Hàn Quốc) nghiên cứu, xem xét lập quy hoạch xây dựng Sông Hồng City với tổng vốn đầu tư dự kiến là 7,1 tỷ USD.

Dự kiến xây dựng các công trình với số vốn là 1,92 tỷ USD, bồi thường tái định cư là 1,564 tỷ USD. Còn hơn 1/2 số vốn còn lại là xây dựng các tòa nhà chung cư cao từ 30 - 40 tầng, khách sạn 5 sao...

Dự án đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch đã được duyệt. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà gần 23 năm nay dự án vẫn chưa đưa vào triển khai, chủ đầu tư buông lỏng quản lý gây bức xúc trong nhân dân.

Gần 23 năm kể từ khi dự án Sông Hồng City được phê duyệt, đến nay vẫn bỏ không. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong diện tích dự án Sông Hồng City hiện có khoảng 80 hộ dân cư có đất sinh sống đang rơi vào tình cảnh đi không được, ở không xong.

Ngoài ra, tại dự án này người dân còn lấn chiếm, dựng lều quán, ki ốt và các điểm trông giữ xe trái phép gây bức xúc cho người dân, làm thất thoát tài sản công.

Nhiều bãi xe nằm trong đất dự án.

Trao đổi với PV về vấn đề này ông Phạm Thành Trung – Phó chủ tịch Phường Yên Phụ cho biết: “Dự án này đã tồn tại quá lâu rồi, tận 23 năm. Chúng tôi cũng rất muốn được biết sớm dự án này có bị thu hồi hay có triển khai tiếp được hay không.

Cứ tiếp tục không rõ bước tiếp theo như nào phường cũng rất mệt mỏi. Phường trong nhiều năm đã liên tục có những báo cáo, đề nghị lên cấp trên nhưng vẫn không có biện pháp cụ thể nào”.

Được biết, Dự án này phường cũng đang đề xuất quận và Thành phố xem xét có thu hồi hay không để có thể cấp giấy chứng nhận cho nhân dân.

Để tình trạng dự án treo như thế này không chỉ nhân dân bị ảnh hưởng mà ngay cả phường cũng khó có thể kiểm soát trong nhiều năm liên tục.

Nhiều bãi xe mọc lên trái phép, không có giấy chứng nhận tạm thời.

Về vấn đề những bãi giữ xe bên trong dự án Phó chủ tịch phường Yên Phụ cho biết, các bãi này đã tồn tại rất nhiều năm, nhưng do nằm trong đất dự án nên không thể xin giấy phép bãi xe tạm thời.

Đồng thời khẳng định, các bãi xe trong dự án về PCCC là an toàn, rất nhiều năm rồi nhưng không có một sự việc nào liên quan đến cháy nổ diễn ra tại đây.

Phường liên tục đi kiểm tra, rà soát và có những báo cáo lên cấp trên về tình trạng môi trường, lấn chiếm hay sử dụng sai mục đích.

Mới đây, tháng 6/2018, UBND Phường Yên Phụ đã có công văn số 165/UBND- ĐC gửi đến Công ty phát triển đô thị (là đơn vị chủ dự án được cấp năm 1995) có địa chỉ tại phòng 703, số 23 Láng Hạ (Đống Đa - Hà Nội) với nội dung: Hiện dự án chưa được triển khai, người dân lấn chiếm đất làm bãi trông giữ xe gây khó khăn trong công tác quản lý. Đề nghị Công ty phát triển đô thị có ý kiến bằng văn bản về việc sử dụng đất làm bãi trông giữ xe (tại số 9, đường Hồng Hà) gửi đến UBND Phường Yên Phụ để xử lý theo quy định.

Tuy có gửi đơn yêu cầu chủ đầu tư giải quyết vấn đề, nhưng địa chỉ này giờ không thể tìm thấy.

“Tuy nhiên, cái khó của phường là hiện tại địa chỉ trên phường cũng không thể tìm kiếm được, không biết ở nơi đâu. Cho nên việc để gặp và giải quyết những vấn đề trong dự án là rất khó khăn”, ông Trung thông tin về Chủ đầu tư.

Hiện khu đất dự án Sông Hồng City có rất nhiều hộ dân sinh sống. Họ vẫn đang chưa biết phải làm thế nào khi dự án không được thực hiện nhưng cũng chưa có quyết định thu hồi giao cho đơn vị cụ thể nào. Nhiều người muốn cải tạo, cơi ưunới, thậm chí xây mới vì nhu cầu cuộc sống nhưng không dám thực hiện.

Đến bao giờ người dân trong dự án Sông Hồng City mới có thể sống cuộc sống trên đất của chính mình, an cư và lạc nghiệp.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Chủ đầu tư dự án treo gần 1/4 thế kỷ bỗng dưng...'biến mất'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...