Thứ sáu, 29/03/2024 21:06 (GMT+7)

Hà Nội: Mất lòng tin, hoang mang khi nghe tin cải tạo chợ Đồng Xuân

MTĐT -  Thứ ba, 10/04/2018 09:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người Hà Nội và những người yêu nét đẹp truyền thống của Kẻ chợ những ngày này đang đầy hoang mang, lo lắng trước thông tin quận Hoàn Kiếm muốn xây lại chợ thành trung tam thương mại (TTTM) hiện đại.

Hà Nội vốn được gọi là “Kẻ Chợ”, nhưng những năm qua, các thế hệ lãnh đạo của thành phố này bằng các quyết định sai lầm đã tự làm mất đi rất nhiều chợ truyền thống, cũng là mất đi những giá trị cực kỳ to lớn của Hà Nội.

Mất lòng tin trước việc Hà Nội đã để mất đi hàng chục chợ truyền thống nổi tiếng, các tiểu thương đã lên tiếng phải đối ngay khi vừa nghe phong phanh thông tin cải tạo chợ Đồng Xuân.

Những chợ Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Mơ, chợ Trương Định, chợ Trung Hòa… đã gần như biến mất, chỉ còn lại cái tên chợ để gợi nhớ một thời sầm uất của nó và càng khiến người ta tiếc nuối. Ngày nay, Kẻ Chợ chỉ còn lại lác đác vài chợ truyền thống, trong đó đặc biệt quý báu là chợ Châu Long và chợ Đồng Xuân. Và, cũng chính vì vậy mà khi vừa nghe nói đến cải tạo, xây lại chợ là người ta sợ “mất mật”, dù cho chợ ấy đã vô cùng sập sệ. Đấy là vì lòng tin đã mất.

Đơn cử như chợ Thành Công. Nếu ai ghé qua đều sẽ thấy chợ này đã xuống cấp kinh khủng, nhớp nhúa, đột nát và tối tăm. Thế nhưng, khi chủ đầu tư đến khoan cọc thăm dò để chuẩn bị xây lại thành “chợ kết hợp trung tâm thương mại”, hàng trăm tiểu thương, kể cả những cụ già 90 tuổi, cũng đã thức đêm để phản đối. Đó là vì, Hà Nội vẫn cố muốn phá chợ Thành Công để xây thành trung tâm thương mại dù trước đó, bài học nhãn tiền là sự thất bại của việc xây lại chợ Mơ, chợ Hàng Da, cửa Nam.

Hay như chợ Nghĩa Tân, sau bao nhiêu điều đình, thương thảo và kiện cáo, cuối cùng vẫn tồn tại theo kiểu sập sệ, cũ nát mà chẳng ai dám đồng ý để sửa chữa, xây mới.

Trong khi đó, với sự quyết tâm của chính quyền, chợ Trung Hòa đã bị đập đi xây lại thành một tòa nhà hoành tráng, và cái chết đã được báo trước nhưng không thể tránh khỏi số phận hẩm hiu.

Và nay là chợ Đồng Xuân. Vừa nghe nói đến việc cải tạo lại chợ thành trung tâm thương mại, người nào người nấy giật mình, sợ “mất mật”, đặc biệt là các tiểu thương và những kiến trúc sư, những nhà sử học…

Trao đổi với VnMedia về thông tin cải tạo chợ Đồng Xuân thành trung tâm thương mại hiện đại, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Nói là cải tạo thành trung tâm thương mại là không chính xác. Bây giờ mới đưa ra thảo luận, lấy ý kiến xem làm thế nào tốt nhất để phát huy giá trị truyền thống của chợ đầu mối".

“Chợ Đồng Xuân được xây dựng từ lâu và đến nay đã bắt đầu xuống cấp. Các điều kiện kinh doanh chưa được phù hợp. Hơn nữa, bây giờ bán hàng online phát triển rất mạnh, chợ Ninh Hiệp cũng phát triển rất mạnh mẽ nên cũng phải nghiên cứu cải tạo chợ để bà con tiểu thương còn cạnh tranh được. Ngoài ra, cũng phải có giải pháp để tổ chức lại giao thông xung quanh khu vực chợ” - Ông Long chia sẻ thêm.

Lãnh đạo quận thì giải thích như vậy, nhưng với người dân và các chuyên gia, thì điều mà họ nghĩ đến đầu tiên, và lo lắng nhất, đó là việc liệu có “đại gia” bất động sản nào đang nhăm nhe chiếm mảnh đất vàng của một trong những chợ truyền thống cuối cùng của Hà Nội hay không.

Theo ông Hoàng Công Anh, Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân, ngay khi láng máng nghe tin cải tạo chợ, ngày 6/4, đại diện cho hơn 2.000 tiểu thương chợ Đồng Xuân đã kéo đến công ty để hỏi.

“Chúng tôi có giải thích đó mới là một hội thảo của các nhà khoa học, mới đang nghiên cứu, chứ chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản chính thức nào, thế nhưng tiểu thương sốt ruột quá lại kéo lên. Chúng tôi lại phải nói lại là bà con cứ bình tĩnh, buôn bán như cũ. Chợ Đồng Xuân vẫn là chợ truyền thống, điểm đến của du khách khắp nơi, là nơi kinh doanh của 2.000 hộ chứ không phải đơn giản. Tiểu thương cũng lo người ta cải tạo thành trung tâm thương mại (TTTM) như Hàng Da, nhưng chúng tôi cũng nói là các nhà khoa học họ sẽ có góp ý, có tính toán, chứ không ai để lặp lại sai lầm cũ”, ông Hoàng Công Anh cho biết.

Và đỉnh điểm là sáng qua (9/4), hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Xuân đã căng băng rôn phản đối việc xây chợ, dù có thông tin nào khẳng định là chợ này sẽ bị đập bỏ. Minh chứng cho điều này thì Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cũng đã đích thân giải thích cho bà con, rằng không có chuyện đập bỏ chợ Đồng Xuân để xây mới.

Chợ Hàng Da sầm uất của Hà Nội một thời đã gần như biến mất khi được xây dựng lại

Cải tạo chợ: Đừng nhìn bằng con mắt kinh tế thuần túy

GS.KTS Hoàng Đạo Kính, người tham gia cuộc tọa đàm tìm giải pháp cải tạo chợ Đồng Xuân và chợ Bắc Qua cũng cho biết, đây mới là ý tưởng khởi đầu.

Tuy nhiên, ông Hoàng Đạo Kính cũng chia sẻ, đúng là có nhiều người cũng đặt vấn đề xây thành các TTTM to, hiện đại như AEON hay Vincom. "Nhưng quan điểm của tôi là không làm như vậy. Nếu có làm cũng phải trên cơ sở phát huy truyền thống, bản sắc của phố cổ Hà Nội, mà cái đó là gì, là cửa hiệu. Phố cổ Hà Nội là cửa hiệu.” – GS Hoàng Đạo Kính nói.

Là một người luôn giữ quan điểm “cái gì đồ sộ không thuộc về khu phố cổ”, GS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: “Công trình ấy không được làm to tát, nó phải ăn nhập với không gian ở đó. Phải tạo ra không gian nhỏ, mềm mại, sinh động trên nền tảng buôn bán của phố cổ Hà Nội truyền thống. Chợ đó phải đặc sắc như một sự bổ sung cho phố cổ. Người ta đến đó là đến với chợ của Hà Nội cũ, chứ không phải nhìn vào đó bằng con mắt kinh tế thuần túy”.

Bày tỏ bất ngờ vì chưa biết “họ sửa chữa kiểu gì”, nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc cũng lo lắng: “Chợ có vị trí rất quan trọng về kinh tế, người ta nói là đắc địa hay đất vàng đất bạc, rất dễ khiến cho những người có tư duy thuần túy về kinh tế nhìn thấy ở đấy một nguồn lợi. Tôi nói nguồn lợi chung về kinh tế, chứ chưa nói gì đến tư lợi theo nghĩa xấu. Nhưng đừng quên những giá trị chúng ta phải lưu giữ về văn hóa, bởi vì tiền bạc có thể kiếm được, nhưng những yếu tố về văn hóa không dễ kiếm đâu.”

Đồng quan điểm này, KTS Trần Huy Ánh lưu ý, chợ có yếu tố về văn hóa, lịch sử, và đặc biệt là vị trí của nó trong đô thị, trong hệ thống giao thông tương tác với nó. Về khía cạnh kinh tế, ông Trần Huy Ánh cho rằng, nền kinh tế đang vận hành đã làm cho chính những người đã buôn bán kinh doanh trong đó thích ứng hàng chục năm nay và họ tiếp tục chuyển đổi, thích ứng hàng ngày hàng giờ.

“Phải ghi nhận, nghiên cứu và thấy rằng, nó mâu thuẫn ở chỗ nào, vướng mắc ở chỗ nào để điều chỉnh nó, làm cho chợ đem lại lợi ích cho xã hội nhiều nhất chứ không phải đem lại lợi ích cho người xây chợ được nhiều nhất.” – KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Còn theo TS Khuất Tân Hưng, Khoa Di sản kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội, “Thay đổi chợ Đồng Xuân phải cực kỳ thận trọng. Nếu không là đi theo vết xe đổ của các chợ truyền thống trước đó. Nguy hiểm nhất là lại biến nó thành TTTM”.

“Tại sao chúng ta không trưng cầu dân ý, ít nhất trong khuôn khổ một quận, không những người ở trong chợ nói, người xung quanh chợ nói, mà người đi qua chợ cũng có thể đóng góp ý kiến được. Không thể nhìn như một nhà kinh tế thuần túy, chỉ thấy cái gì có lợi nhất về mặt tiền bạc, còn văn hóa là thứ yếu”, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu ý kiến.

Theo VnMedia

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Mất lòng tin, hoang mang khi nghe tin cải tạo chợ Đồng Xuân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới