Thứ năm, 28/03/2024 19:00 (GMT+7)

Hàng trăm biệt thự cổ ở TP. HCM bị “xóa sổ”: Lỗi tại ai?

MTĐT -  Thứ sáu, 15/11/2019 15:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi kiểm tra thực tế đã có 560/ 1.400 biệt thự biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng mà xây thành nhà phố dù trên giấy tờ đất vẫn ghi nguồn gốc đất là biệt thự.

Hàng trăm biệt thự biến mất

Tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM về Công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị sáng 12/11, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM nhìn nhận công tác bảo tồn di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị là việc cần làm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, từ năm 2013, TP ban hành quyết định 2751/QĐ -UBND với tên gọi tắt là Chương trình bảo tồn với 10 nội dung, trong đó lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP là phó ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động.

Qua gần 7 năm triển khai, đến nay quyết định 2751 đã hết hạn nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn, các nội dung đều chậm thực hiện hoặc chưa triển khai.

Do chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều năm nay, một số công trình di sản bị xâm lấn, lấn chiếm, tranh chấp hoặc xuống cấp, chưa được trùng tu, bảo vệ.

Nhiều công trình cảnh quan kiến trúc thuộc sở hữu tư nhân do chưa có cơ chế khuyến khích nên bị thay đổi hiện trạng. Điển hình, vì công tác phân loại, đánh giá biệt thự kéo dài nhiều năm, khi kiểm tra thực tế đã có 560/ 1.400 biệt thự biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng mà xây thành nhà phố dù trên giấy tờ đất vẫn ghi nguồn gốc đất là biệt thự.

Tại hội thảo về bảo tồn di sản do Bảo tàng TP.HCM và Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM phối hợp tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) đưa ra một danh sách gồm 18 công trình kiến trúc đã bị xóa sổ trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Đó là địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và ụ tàu, Cầu sắt trong Thảo Cầm Viên, Cầu Ba Cẳng, Tháp quan sát phòng cháy, chữa cháy đầu tiên của TPHCM ở khuôn viên Sở Cảnh sát PCCC, Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, Công viên Chi Lăng, Quán cà phê Givral, Thương xá Tax, Nhà đèn Chợ Quán, Cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn...

Theo ông Hòa, các nước phát triển khi xây dựng phát triển đô thị nếu vì bất khả kháng phải chấp nhận đánh đổi di sản để đem lại “lợi ích lâu dài và lớn gấp nhiều lần”, điều họ làm trước hết là lập “phụ lục” di sản bị phá hủy ở ngay tại công trình mới. Đó là bảng giới thiệu, hình ảnh, một ít hiện vật còn sót lại, mô hình thu nhỏ của công trình/di sản lúc còn tồn tại...

Nhiều biệt thự cổ ở TP. HCM bị xóa sổ. Trong ảnh là Biệt thự cổ hơn 100 tuổi nằm ở vị trí đắc địa với 3 mặt tiền Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan. Ảnh: VTV.

Biệt thự cũ chỉ còn phần hồn, phần xác đã mất từ lâu

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM đưa ra một số nguyên nhân khiến việc bảo tồn di sản, di tích gặp nhiều khó khăn. Đó là kiến thức của đội ngũ quản lý nhà nước nói chung và đội ngũ quản lý các di tích nói riêng không theo kịp sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền quyết tâm bảo tồn không đủ mạnh nên nhiều di sản giá trị không còn.

Theo ông, nhà nước nên đưa ra chính sách hợp lý cho chủ sở hữu di sản và cơ chế bảo tồn. Bên cạnh đó, cần công khai thông tin, quy hoạch quanh di tích để người dân được thấy được sự quan tâm của nhà nước.

Theo đánh giá công tác bảo tồn di tích, di sản, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM, cho dù UBND TP và các sở, ngành triển khai nhiều nhiệm vụ nhưng trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Thực tế cho thấy nhiều công trình quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị triển khai, trong đó có nhiều di tích vẫn nằm trong đó mà chưa có chiến lược bảo vệ di tích, cảnh quan kiến trúc công trình quanh di tích.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu UBND TP HCM phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, sớm đưa ra cơ chế chính sách phù hợp. Tiến hành phân loại, rà soát, đưa từng loại hình công trình vào danh mục kiểm kê các công trình cần bảo tồn, hạn chế tình trạng phá bỏ căn biệt thự cũ xây dựng mới. Hiện nay, hàng làng biệt thự cũ chỉ còn phần hồn, phần xác đã mất từ lâu.

Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết TPHCM đang lập hồ sơ 102 công trình, địa điểm để kiểm kê xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, một số công trình, địa điểm đã được xác định là đủ tiêu chí xếp hạng nhưng chủ sở hữu, cá nhân tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng không đồng ý.

Trong quá trình quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, cơ quan chức năng chưa tính đến khu vực bảo vệ di tích, cảnh quan kiến trúc công trình xung quanh di tích đã dẫn đến hậu quả là nhiều di tích có khu vực bảo vệ nằm trong quy hoạch giao thông, đô thị.

“Một số tổ chức, cá nhân trông coi trực tiếp tại di tích đã để xảy ra việc mất trộm hiện vật như đình Linh Tây, đình Bình Tây, đình Khánh Hội, đình Bình Đông”, ông Huỳnh Thanh Nhân cho hay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hàng trăm biệt thự cổ ở TP. HCM bị “xóa sổ”: Lỗi tại ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.