Thứ năm, 28/03/2024 23:57 (GMT+7)

Huế: Giải pháp nào cho người dân ở “Làng thanh niên lập nghiệp”?

Nguyễn Hiền -  Thứ ba, 04/12/2018 05:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi chưa tìm ra giải pháp, hàng chục hộ dân tại “Làng thanh niên lập nghiệp” (TT.Huế) đến nay vẫn vô cùng khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư, nên nhiều hộ đã vắng mặt và cắt khẩu.

Theo tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, tháng 9/2009 Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế bắt đầu khởi công Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp A Lưới, với các công trình hạ tầng cơ sở gồm hệ thống giao thông, điện nước sinh hoạt, nhà mẫu giáo, sân thể thao… cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các hộ.

Được biết tại dự án, mỗi hộ lên lập nghiệp được cấp 2.000m2 đất ở và đất vườn (trong đó 500m2 đất ở), 20 triệu đồng hỗ trợ di dân tái định cư, 2ha đất rừng để sản xuất, 5 triệu đồng tiền cây, con giống…

Đặc biệt, dự án cam kết cấp cho mỗi hộ lên lập nghiệp 2ha đất rừng sản xuất nhưng tính đến nay, chỉ có 26 hộ được cấp diện tích đất sản xuất 2 ha, 4 hộ được cấp 1,6 ha, 2 hộ được cấp 0,9 ha và 13 hộ được cấp 0,7 ha.

Như vậy, theo định mức dự án phê duyệt về giao đất sản xuất cho các hộ dân tại làng (tối thiểu 2 ha/hộ), thì diện tích đất sản xuất giao cho các hộ còn thiếu là 20,7 ha.

Dù đã định cư nhiều năm nay nhưng nhiều hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Sau hai đợt tiếp nhận các hộ đến bố trí lập làng, đến năm 2013, Làng được bàn giao cho xã Hương Phong (huyện A Lưới) với tổng số 45 hộ.

Mặc dù đã định cư nhiều năm nay, xong đời sống các hộ thanh niên ở làng lập nghiệp duy nhất của Thừa Thiên Huế vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Do tình trạng thiếu đất sản xuất, đất đai nghèo kiệt và khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên hiện tại, làng chỉ còn 29 hộ đang định cư ổn định, số hộ vắng mặt, không ở và cắt khẩu là 16 hộ.

Tiếp xúc với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, chị Nguyễn Thị Hiền (quê ở Phong Mỹ, Phong Điền) cho biết: "Hiện tại cuộc sống của gia đình tôi cơ bản ổn định. Song sản xuất vẫn còn khó khăn, do đất bạc màu và thiếu vốn đầu tư.

Đây là tình cảnh chung, vì hầu hết các gia đình trong làng đều thiếu việc làm, đàn ông chủ yếu đi chặt cây thuê cho các chủ rừng và đi phụ thợ nề, còn phụ nữ đa số ở nhà làm vườn, chăn nuôi và chăm con nhỏ. 2 ha đất rừng tôi tiến hành trồng tràm nhưng cây phát triển rất kém”.

Do tình trạng thiếu đất sản xuất, đất đai nghèo kiệt và khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên hiện tại nhiều hộ đã vắng mặt và cắt khẩu.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Đây là dự án không phải của Chính phủ, nên các hộ nằm trong dự án này không thuộc đối tượng được miễn giảm tiền sử dụng đất. Hơn nữa xã Hương Phong đã đạt chuẩn nông thôn mới, không phải vùng đặc biệt khó khăn. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị để thực hiện đảm bảo quyền lợi cho các hộ, bởi đây là dự án ở vùng biên giới, nhưng vấn đề này vẫn còn nan giải.

"Khi lên lập nghiệp, tuy mỗi hộ được Ban quản lý dự án phối hợp với địa phương hỗ trợ tín chấp cho vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng số vốn đó không thấm vào đâu đối với các gia đình lên lập nghiệp ở vùng khó khăn, khu vực biên giới. Thiếu vốn, hầu hết các hộ ở đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ", ông Hùng nói.

Lý giải thêm về những khó khăn, vướng mắc ở đây, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế cho rằng, hầu hết các hộ ở đây đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, kể cả các hộ đầu tiên đến lập làng từ năm 2011. Bởi, nếu tính các khoản kinh phí tiền sử dụng đất ở và lệ phí trước bạ, mỗi hộ phải đóng 30- 40 triệu đồng. Đây là điều “quá tải” đối với các hộ thanh niên, khi mà họ vừa mới lên lập nghiệp.

Được biết, cuối tháng 11 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với cử tri nhằm tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại lâu nay tại Dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới A Lưới.

Trong buổi tiếp xúc cử tri ông Phan Ngọc Thọ đã chia sẽ với người dân về những khó khăn tồn tại và hứa sẽ cố gắng tìm giải pháp giúp bà con ổn định cuộc sống.

Trong buổi làm việc, ông Thọ đã cho biết, lãnh đạo tỉnh cũng như chính quyền địa phương cũng trăn trở và tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho bà con, mong bà con sớm ổn định cuộc sống.

“Từ những khó khăn thực tế nêu trên, chúng ta đã nhìn nhận được bức tranh tổng thể của Làng thanh niên lập nghiệp. Do thiếu kinh nghiệm, nhiều vấn đề khó khăn về vị trí, địa điểm, nên quá trình triển khai và kế thúc dự án có nhiều tồn tại phức tạp.”

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cũng khẳng định, đối với số diện tích đất rừng chưa cấp đủ cho các hộ, sau khi hoàn tất các thủ tục thu hồi 35ha từ Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi tỉnh, sở sẽ phối hợp với huyện A Lưới tiến hành cấp tiếp diện tích sản xuất phù hợp cho các gia đình.

Riêng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, sẽ thay đổi hạn mức đất ở xuống 100m2, số còn lại là đất vườn để giảm chi phí tiền sử dụng đất xuống thấp và tạo điều kiện ghi nợ tiền sử dụng đất, giúp bà con trả dần nhằm giảm bớt khó khăn.

Ngoài ra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, chuyển giao các kỹ thuật cho bà con sau khi huyện đã có đề án xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp cho các hộ dân nơi đây, để tạo thêm việc làm giúp các hộ tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Bạn đang đọc bài viết Huế: Giải pháp nào cho người dân ở “Làng thanh niên lập nghiệp”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.