Thứ ba, 23/04/2024 19:09 (GMT+7)

Khu Liên hợp Thể thao quốc gia tiếp tục chậm trễ thu hồi mặt bằng

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 10/08/2018 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bất chấp yêu cầu thu hồi mặt bằng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động kinh doanh tại khu đất của Khu liên hợp thể thao Quốc gia vẫn diễn ra bình thường.

Bị yêu cầu thu hồi nhưng quán xá vẫn “hiên ngang” tồn tại

Ngày 1/8 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục gửi Công văn yêu cầu Khu Liên hợp Thể thao quốc gia nghiêm túc thực hiện chỉ đạo và báo cáo Bộ kết quả thu hồi lại mặt bằng đất chờ thực hiện dự án trước ngày 15/8/2018.

Khu Liên hợp Thể thao quốc gia có địa chỉ tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Trong Công văn nêu rõ, trong trường hợp Khu Liên hợp Thể thao quốc gia tiếp tục trậm chễ trong việc thu hồi lại mặt bằng, Thủ trưởng đơn vị sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ.

Thế nhưng đến nay, theo ghi nhận của phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử vào ngày 9/8/2018, hàng loạt nhà hàng, quán cà phê, gara ô tô, nhà xưởng… vẫn đang hoạt động bình thường, chưa có dấu hiệu dừng khai thác.

Loạt quán xá nằm trong phần diện tích khu đất Khu Liên hợp Thể thao quốc gia vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường. 

Cơ quan chủ quản tuýt còi nhiều lần

Trước đó, vào ngày 23/3/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 1132/BVHTTDL-KHTC gửi Khu Liên hợp Thể thao quốc gia về việc quản lý cơ sở vật chất tại Khu Liên hợp Thể thao quốc gia.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Khu Liên hợp Thể thao quốc gia dừng khai thác, cho thuê toàn bộ phần diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai các dự án theo quy hoạch.

Văn bản này xác định rõ, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia có trách nhiệm chấm dứt các hợp đồng cho thuê, khai thác ngắn hạn hiện có và thu hồi lại mặt bằng.

Cổng chính Khu Liên hợp Thể thao quốc gia. 

Được biết, sau Công văn số 1132, ngày 6/7/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2957/ BVHTTDL-KHTC, yêu cầu Khu Liên hợp Thể thao quốc gia khẩn trương xử lý dứt điểm việc thu hồi lại mặt bằng đất chờ thực hiện dự án và báo cáo Bộ trước ngày 30/7/2018.

Bất chấp yêu cầu của cơ quan chủ quản, đến ngày 1/8/2018, đơn vị này vẫn chưa có báo cáo kết quả thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, buộc cơ quan chủ quản tiếp tục ra Công Văn yêu cầu Khu Liên hợp Thể thao quốc gia nghiêm túc thực hiện chỉ đạo và báo cáo Bộ kết quả thu hồi lại mặt bằng đất chờ thực hiện dự án trước ngày 15/8/2018.

Việc liên tiếp không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khiến dư luận đặt ra nghi vấn liệu Khu Liên hợp Thể thao quốc gia có đang thách thức pháp luật, phớt lờ chỉ đạo từ cơ quan chủ quản?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Khu liên hợp thể thao quốc gia được xây dựng từ năm 2001 để phục vụ cho việc tổ chức SEA Games 2003 trên tổng diện tích 247 ha đất. Bên trong khu liên hợp có hai công trình lớn là sân vận động quốc gia Mỹ Đình có sức chứa 40.000 chỗ ngồi và cung thể thao dưới nước với ba hồ đạt chuẩn quốc tế.

Năm 2012, Khu liên hợp thể thao quốc gia đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy theo Nghị định 43 và Nghị định 16 của Chính phủ; Nghị định 59 và Nghị định 69 của Chính phủ về cơ chế và chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề, văn hóa, thể thao và môi trường.

Thực hiện tự chủ về tài chính theo Nghị định của Chính phủ và chịu trách nhiệm 100% kinh phí cho hoạt động, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đã thực hiện liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân để tạo các nguồn thu từ việc đầu tư khai thác quỹ đất và những cơ sở vật chất hiện có.

Bạn đang đọc bài viết Khu Liên hợp Thể thao quốc gia tiếp tục chậm trễ thu hồi mặt bằng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới