Thứ sáu, 29/03/2024 16:18 (GMT+7)

Lập đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng: Đừng để “mắc sai lầm”

MTĐT -  Thứ ba, 06/06/2017 14:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua dư luận đang “ầm” lên việc “quân ta” mời tư vấn nước ngoài vào Lập đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng. Việc này đang tạo ra những quan điểm trái chiều từ giới Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu

Những ý kiến trái chiều!

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô.

Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa. Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu việc quy hoạch mới cần khai thác, kế thừa quy hoạch cơ bản sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được UBND thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu) tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua thành phố, trục không gian cảnh quan văn hóa - đô thị Hồ Tây - Cổ Loa.

Theo UBND thành phố Hà Nội, thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội triển khai lập các quy hoạch phân khu, trong đó có phân khu đô thị sông Hồng (quy hoạch dọc hai bên bờ sông Hồng).

Trên cơ sở đề xuất của 3 nhà đầu tư, gồm: Cty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Cty CP Tập đoàn Mặt Trời (SunGroup), Tập đoàn Vingroup-CTCP với UBND thành phố Hà Nội về việc các nhà đầu tư này tự nguyện đóng góp tài chính cho việc nghiên cứu trị thủy, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương tiếp nhận tài trợ của 3 đơn vị và yêu cầu 3 nhà đầu tư có trách nhiệm mời các đơn vị tư vấn quốc tế có năng lực, có kinh nghiệm đã nghiên cứu lập quy hoạch đô thị hai bên bờ sông trên thế giới như: Sông Hàn ở Hàn Quốc, sông Hoàng Phố, sông Thiên Tân... ở Trung Quốc tham gia lập quy hoạch.

Về việc này, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cung cấp hồ sơ, số liệu cho đơn vị tư vấn để nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng. Tuy nhiên, dù mới đang trong vòng tuyển lựa, sự xuất hiện của Viện Thiết kế và quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia quy hoạch hai bên bờ sông Hồng (Hà Nội) đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người dân lẫn giới chuyên gia.

Việc UBND thành phố Hà Nội liên tục có những thông tin về sự xuất hiện của nhà thầu nước ngoài trong việc tham gia lập quy hoạch hai bên bờ Sông Hồng, khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng: Việc “quân ta” bỏ tiền ra thuê tư vấn nước ngoài vào lập quy hoạch Thủ đô sẽ làm mất đi bản sắc của đô thị Việt, đây sẽ là bước đi “phủ nhận” khả năng, vị thế của hàng loạt Kiến trúc sư của Việt Nam đang hoạt động chuyên môn trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, việc thuê tư vấn nước ngoài trong công tác lập quy hoạch còn tiềm ẩn về khả năng lộ bí mật nhà nước, an ninh quốc phòng của đất nước. Trong khi Hà Nội có viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và một số Viện quy hoạch của Bộ Xây dựng.

Được biết, đây không phải lần đầu Hà Nội triển khai quy hoạch sông Hồng, mà công việc này được thực hiện từ năm 1994 và 2006; vào hai năm này Hà Nội đã mời Singapore và Seoul (Hàn Quốc) lập quy hoạch hai bên Sông Hồng và các bên đều đã có đề xuất liên quan với quy mô khác nhau.

Theo đó, năm 1994 dự án Trấn Sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng; UBND thành phố Hà Nội cũng đã lập Ban quản lý dự án, nhưng không biết vì lý do gì, đến nay dự án chưa triển khai được.

Cũng vào năm 2006, lãnh đạo thành phố Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Tuy nhiên việc hợp tác này đã chưa đâu vào đâu thì, năm 2007, đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô. Theo đề xuất của quy hoạch, tuyến đê hai bên bờ sông Hồng sẽ được củng cố, nâng cao khả năng chống lũ, đây cũng là các trục giao thông lớn dọc bờ sông. Tuyến vận tải thuỷ trên sông được cải tạo, kết hợp chặt chẽ với hệ thống giao thông đường bộ.

Khi đồ án quy hoạch bị “dồn” vào chân tường

Điều đáng nói, mặc dù Hà Nội đang rất “sốt sắng” trong việc hô hào doanh nghiệp bỏ tiền lập quy hoạch, rồi mời gọi tư vấn nước ngoài tham gia vào khâu lập quy hoạch. Thế nhưng hiên nay, hai bên bờ Sông Hồng đang được Hà Nội “làm ngơ” cho các tổ chức, cá nhân chất tải quá nhiều nhà cao tầng ở đây. Việc này khác gì đưa quy hoạch vào con đường cụt, bài toán khó ngày càng ít lời giải.

Khảo sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng cho thấy, hiện nay hai bên Sông Hồng đã và đang hình thành lên những khu xóm lều, khu phố “lem nhem”. Nhiều đoạn tuyến, lợi dụng lợi thế đất đai những tổ chức, cá nhân ra đổ đất, cắm rào chiếm đất. Tình trạng mất trật tự xây dựng diễn ra phổ biến trên nhiều phường, nhiều quận.


Những khu phố cũ kỹ, chắp vá như thế này được xây dựng phổ biến dọc hai bên Sông Hồng.

Cũng theo một số chuyên gia ngành Xây dựng cho rằng: Khu vực hai bên bờ sông Hồng là vùng trũng, do vậy việc xây dựng quá nhiều nhà cao tầng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra với công tác quản lý trật tự xây dựng “lỏng lẻo” như hiện nay tại Thủ đô thì có lẽ đến khi lập xong quy hoạch, Nhà nước cũng phải “khốn khổ” trong việc bỏ tiền ra GPMB để xây dựng, hoặc giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng: Thời gian qua Hà Nội đã “thả nổi” trong công tác quản lý quy hoạch, một thời gian dài những đồ án quy hoạch được “ưu ái” điều chỉnh vô tội vạ, khiến những nhà cao tầng đã và sắp mọc lên ngày càng nhiều ven Sông Hồng.

Điển hình, tại vị trí một bến xe khách cũ bên đường đê Nguyễn Khoái (địa bàn quận Hai Bà Trưng), tháng 4/2016 UBND thành phố Hà Nội đã trình Chính phủ xin cơ chế đặc thù (triển khai dự án không qua đấu thầu) để triển khai 8 dự án cấp bách với mục tiêu hoàn thiện, đưa vào hoạt động ngay trong năm 2016. Trong số đó có dự án làm cầu vượt tại nút giao Trần Hưng Đạo – dốc Lương Yên (bến xe Lương Yên khi đó vẫn hoạt động và là một trong những điểm ách tắc nhất ở Thủ đô). Tuy nhiên, sau khi di dời bến xe này, cùng với việc đề ra giải quyết bài toán ách tắc giao thông của Thủ đô, như sau đó Hà Nội đã quyết định không triển khai dự án này. Hiện nay, bến xe đã dừng hoạt động thay thế vào đó là dự án tổ hợp thương mại – nhà ở cao tầng.

Cách bến xe cũ khoảng 1000 m, dự án tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê tại khu đất số 210 Trần Quang Khải và số 17 phố Tông Đản được UBND thành phố Hà Nội thu hồi từ diện tích đất thuộc sở hữu Nhà nước cho Cty CP Him Lam sử dụng để xây dựng tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê. Gần đây một số thông tin cho rằng, dự án này đã được bán cho Tập đoàn ThaiGroup do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT để triển khai dự án Khách sạn Park Hyatt Hà Nội.


Từng bị “liệt” vào danh sách những dự án phải hạ độ cao, tuy nhiên ngay sau đó dự án này đã được “giải thoát” và tiếp tục được xây dựng cao tầng giữa quận nội thành Thủ đô.

Trước đó, dự án này của Cty CP Him Lam đã bị “tuýt còi” tạm dừng triển khai vì nằm trong danh sách những dự án công trình cao tầng loại II, theo Thông báo 202/TB-VPCP ngày 19/7/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng công trình cao tầng trong 4 quận nội thành và văn bản số 8987/UBND-XD của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó không lâu, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo chấp thuận với đề xuất của Sở Quy hoạch kiến trúc và cho dự án tiếp tục triển khai.

Có lẽ, những bất cập cùng với những ý kiến trái chiều trong việc Lập đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng đã “vọng” tới lãnh đạo thành phố, tuy nhiên việc này đã đẩy thành phố Hà Nội tới việc không còn sự lựa chọn, mà phải sắn tay vào làm. Dư luận đang kỳ vọng vào những hành động thiết thực của Thủ đô trong việc đổi mới tư duy trong việc xây dựng, phê duyệt những đồ án quy hoạch xứng tầm, đậm đà bản sắt Việt.

Theo Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Lập đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng: Đừng để “mắc sai lầm”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.