Thứ ba, 19/03/2024 15:07 (GMT+7)

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần loại bỏ (Bài 5)

MTĐT -  Thứ bảy, 06/06/2020 10:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đi kèm tính chất du lịch tâm linh trong sáng cũng đã bộc lộ động cơ “lấy thánh, thần ra kinh doanh” để trục lợi, “hô biến” hàng trăm nghìn hécta đất rừng, đất lúa, tài sản thiên nhiên của quốc gia.

Một góc Tràng An. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Bài 5: Dự án kinh doanh núp áo du lịch tâm linh ‘tận diệt’ tài nguyên

Hơn một thập kỷ nay, “du lịch tâm linh” đã trở thành loại hình phát triển mới ở Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu thờ tự, tín ngưỡng, vừa giúp hàng triệu người dân, du khách có cơ hội đi thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng “chốn bồng lai tiên cảnh.”

Nhưng, đi kèm tính chất du lịch tâm linh trong sáng ấy cũng đã bộc lộ động cơ “lấy thánh, thần ra kinh doanh” để trục lợi. Và cứ thế, vì tham vọng hay lợi nhuận, hàng loạt dự án du lịch tâm linh đua nhau “ra đời,” đồng thời với “hô biến” hàng trăm nghìn hécta đất rừng, đất lúa, tài sản thiên nhiên của quốc gia...

Kinh tế du lịch tâm linh: Được và mất!

Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, lịch sử lâu đời, đa sắc tộc và tôn giáo. Vì thế dọc chiều dài đất nước hình chữ S, 63 tỉnh-thành phố, địa phương nào cũng có di tích thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đó, có khoảng 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc gia và hàng nghìn địa điểm tâm linh nổi tiếng đã đi vào sách sử.

Đánh trúng tâm lý “trước vãn cảnh, sau thăm chùa,” rất nhiều khu di tích vốn yên bình, hài hòa với thiên nhiên cũng đã trở thành biểu tượng của “kinh tế mới” để mở đường cho phát triển du lịch tâm linh, tạo nguồn thu cho doanh nghiệp đầu tư cũng như ngân sách địa phương.

Thế nhưng, bên cạnh cái được dễ đo đếm là những cái mất vô hình, những cái mất có vẻ như xa lạ với tư duy người làm du lịch cũng như người hưởng dịch vụ, đó là giá trị phi vật thể, giá trị tâm linh bị lợi dụng vào các mục đích xấu, thu lợi bất chính.

Thực tế cho thấy, trong vòng một thập kỷ qua, trên cả nước đã xuất hiện hàng trăm khu du lịch tâm linh với diện tích đất khó có thể thống kê đầy đủ. Và, đằng sau những “dự án tâm đức” ấy là hàng nghìn hécta rừng-tài sản của quốc gia bị biến thành “của riêng” với những lâu đài, tòa tháp bê tông cao vút đầy kiêu hãnh như thách thức lòng người và bất chấp các quy định pháp luật về quy hoạch, môi trường…

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (thành phố Đà Nẵng) đã đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trong đó đề nghị làm rõ căn cứ cho việc cấp hàng nghìn hécta đất tại Ninh Bình, Hà Nam,... để doanh nghiệp xây chùa Bái Đính, Tam Chúc. Việc xây chùa có nằm trong quy hoạch sử dụng đất không? Chùa do ai sở hữu?...

Trả lời chất vấn bằng văn bản sau đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà dù không nêu rõ trách nhiệm của ai, nhưng đã khẳng định việc giao đất ở dự án chùa Tam Chúc chưa rõ ràng về nội dung. Các quyết định giao đất chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định. Như vậy là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất.

Việc giao đất cho các đơn vị để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh (Chùa Bái Đính) cũng chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất là giao có thu tiền hay không thu tiền, không xác định thời hạn sử dụng…

Đáng chú ý là Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết từ năm 2006 đến năm 2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi diện tích gần 520 hécta đất (chiếm 51,5 % so với quy hoạch được duyệt). Nhưng sau 13 năm kể từ khi bắt đầu giao đất, xây chùa Bái Đính vẫn “không biết” gần 520 hécta đất thuộc về ai…

Công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ thuộc khu vực Tràng An cổ ở Ninh Bình. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Điều này thật vô lý. Gần 520 hécta đất không phải là “chiếc kim” dễ vùi lấp hay bẻ gãy, mà là tài nguyên vô giá của quốc gia được thiên nhiên trao tặng. Thế nhưng, suốt hơn thập kỷ, Nhà nước không thu được một đồng nào từ thuế sử dụng đất, lại còn mất bao nhiêu tiền đầu tư cho hạ tầng cơ sở. Thất thoát ấy, ai chịu trách nhiệm?

Đó cũng là lý do, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) từng dẫn ra câu hỏi “nóng” chất vấn trước toàn thể Quốc hội: “Việt Nam có nên quy hoạch cả ngàn hécta cho du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng hay không? Trên thế giới có nước nào dành cả ngàn hécta để làm khu du lịch tâm linh như nước ta không?”

Một dự án tâm linh "gánh" ba dự án kinh doanh

Mặc dù tình trạng “lấy thánh, thần ra kinh doanh” để trục lợi đã trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông, dư luận xã hội và cả ở diễn đàn Quốc hội, nhưng thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp vẫn “đổ” hàng nghìn tỉ đồng đầu tư vào các dự án du lịch tâm linh khiến hàng trăm hécta đất rừng, lúa bị “xóa sổ.”

Thậm chí, một số nơi còn ngang nhiên xây dựng chùa trái phép, lấn chiếm diện tịch đất lớn. Đơn cử như tại Nghệ An, dù mới được Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương xây chùa Linh Sâm (khoảng hơn 34 tỉ đồng), chưa được cấp phép, nhưng từ tháng 9/2019, chùa này đã được xây dựng ngay cạnh bên trái Đền Hữu (được công nhận là Di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2009).

Mới đây nhất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh lại có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng hơn 47ha đất lúa năm 2019 để thực hiện dự án Khu Du lịch sinh thái-tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Pacific-Hòa Bình làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.038 tỷ đồng.

Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ cho biết dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, có ý kiến.

Trước đó, tháng 7/2018, ông Nguyễn Văn Trường-Giám đốc doanh nghiệp xây dựng tư nhân Xuân Trường (Ninh Bình) cũng đã đề xuất Hà Nội cho xây khu du lịch tâm linh Hương Sơn rộng 1.000ha tại chùa Hương, với tổng vốn đầu tư tới 15.000 tỉ đồng nhưng đã phải dừng lại trước làn sóng phản đối gay gắt của dư luận.

Dự án khu biệt thự Đường Đệ xây dựng trên khu vực núi Cô Tiên, phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Nhắc tới “đại gia” Xuân Trường, dư luận hẳn sẽ nghĩ ngay tới một loạt “đại” dự án tâm linh xuất hiện trải khắp các tỉnh phía Bắc do doanh nghiệp này xây dựng như: Quần thể danh trắng Tràng An-Bái Đính, Ninh Bình với diện tích 6.000ha; khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên trên 25.000ha (có tổng vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng); Khu du lịch chùa Tam Chúc-Hà Nam với diện tích 5.100ha;...

Điều đáng nói là, dù hầu hết các dự án tâm linh của Xuân Trường xin diện tích đất rất lớn, nhưng thực tế cho phần diện tích tâm linh chỉ là một phần nhỏ, cõng cho phần lớn diện tích cho việc xây các khu dịch vụ đi kèm để kinh doanh. Đơn cử như chùa Tam Chúc, quy mô công trình là 4.000ha, nhưng chỉ có 1.205ha xây khu tâm linh, còn lại là đất mặt nước và đất xây các khu vui chơi giải trí; khu du lịch tâm linh đảo Cái Tráp có tới 108ha dành cho khu dịch vụ…

Bàn về thực trạng trên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần phải xem xét cẩn thận việc sử dụng quỹ đất của người dân để xây dựng những khu tâm linh kết hợp du lịch. Nếu tỉnh nào cũng muốn xây dựng khu tâm linh thì quỹ đất sẽ ngày càng cạn kiệt mà đất thì không sinh ra được, sẽ ngày càng mất đi.

“Tận diệt” tài nguyên là bước đi thụt lùi

Không chỉ lấy quỹ đất, nhiều khu “rừng cấm” trên cả nước cũng bị “xâm chiếm” để doanh nghiệp ồ ạt xây dựng các dự án phát triển du lịch. Đơn cử như vụ ồn ào 40 biệt thự xây dựng trái phép ở Sơn Trà, Đà Nẵng, hay như những sai phạm trầm trọng tại di tích Tràng An.

Tại bán đảo Sơn Trà, lật ngược thời gian, trong vòng 10 năm (từ năm 2003 đến 2013), chính quyền Đà Nẵng đã lần lượt phê duyệt, chấp thuận giao chủ đầu tư 18 dự án du lịch nghỉ dưỡng trên bán đảo với tổng diện tích hơn 1.222 ha. Quy mô lưu trú của các dự án khoảng 1.902 biệt thự, 24 bungalow, 306 buồng khách sạn...

Thế nhưng, ngày 9/11/2016, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến 2025, định hướng 2030 với diện tích 1.056ha. Như vậy trong 10 năm trước đó, chính quyền Đà Nẵng đã cấp phép 18 dự án vượt so với quy hoạch phê duyệt lên tới 166,5ha. Điều đáng nói là, cho đến năm 2017 sau khi cấp phép hàng loạt dự án, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa đánh giá tổng thể, hiện trạng đa dạng sinh học trên bán đảo này. Điều này đã tạo ra sự “nhập nhằng” về diện tích rừng đặc dụng ở Sơn Trà.

Tại Ninh Bình, trong khi gần 520ha đất còn “chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng…,” thì tại vùng lõi của di sản văn hóa-thiên nhiên thế giới Tràng An, lại tiếp tục diễn ra tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng nhiều công trình resort, homestay sai phép, xâm hại di sản.

Một góc khu du lịch sinh thái Thung Nham, tỉnh NInh Bình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ, di sản thế giới Tràng An được UNESCO công nhận vào năm 2014, có diện tích 12.252ha. Trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt có 6.226ha, còn lại là diện tích vùng đệm. Vùng lõi di sản Tràng An được phân thành vùng cấm, hạn chế xây dựng.

Thế nhưng, tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham (hơn 33ha), hình ảnh mà người viết ghi nhận cho thấy di sản Tràng An đang bị xâm hại rất nghiêm trọng. Khu du lịch này nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư, do Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại-du lịch Doanh Sinh đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp này đã xây sai phép, vượt hơn 1.810m2, khiến nơi đây mất dần vẻ đẹp vốn có.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ngày 3/3/2020, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư đã thừa nhận thực trạng trên. Tuy nhiên, theo ông, việc quản lý di sản là quản lý chung của các sở, ban, nghành. Vì thế, huyện sẽ làm việc với các bên để có hướng xử lý các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên sau hơn nửa năm phát hiện vi phạm, phía Công ty cổ phần dịch vụ thương mại-du lịch Doanh Sinh vẫn chưa tháo dỡ dứt điểm các công trình sai phép trong vùng lõi di sản Tràng An, mà còn “cù nhầy” kiến nghị xin giữ lại một số công trình trái phép. Điều này trái với Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực là từ ngày 15/1/2018, là sẽ không còn chuyện “phạt cho tồn tại,” mà buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.

Từ những câu chuyện trên cho thấy, nếu khai thác tài nguyên không gắn liền với bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, núp áo phát triển du lịch mà “phá hoại” tài nguyên quốc gia, quan trọng hơn cả, khi đặt lợi ích cá nhân, doanh nghiệp lên trên lợi ích Nhà nước thì việc phát triển kinh tế với mũi nhọn du lịch chính là những bước đi thụt lùi./

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết 'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần loại bỏ (Bài 5). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.