Thứ ba, 16/04/2024 13:16 (GMT+7)

Lựa chọn kiến trúc hiện đại hay cổ điển cho cầu Trần Hưng Đạo?

MTĐT -  Thứ năm, 30/07/2020 09:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã giao 1 Công ty tư vấn thiết kế nghiên cứu phương án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên

Đơn vị này đã nghiên đưa ra 2 phương án kiến trúc cầu, với mong muốn tạo dựng thương hiệu cho thành phố.

Phối cảnh phương án kiến trúc thứ nhất của cầu Trần Hưng Đạo

Dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã 5 nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; điểm cuối vượt qua đường Nguyễn Văn Linh, kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng, quận Long Biên.

Toàn tuyến dài 5,5 km, trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4 km, còn lại là đường dẫn hai đầu cầu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng. Về quy mô, cầu rộng 31 m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và hai dải đi bộ; tốc độ thiết kế xe đạt 80 km/h. Trên tuyến sẽ có 5 nút giao.

Phương án thứ hai cho cầu Trần Hưng Đạo có nhiều ý kiến cần nghiên cứu về tỉ lệ khối tháp, điêm kéo dây cáp chưa hợp lý

Được biết, cầu Trần Hưng Đạo là một trong những cầu đường bộ vượt sông Hồng (đoạn qua địa phận Hà Nội) đã được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 cũng như Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đơn vị xây dựng đang nghiên cứu hai phương án kiến trúc cầu. Phương án 1 theo kiến trúc kiểu nệ cổ, điểm nhấn là biểu tượng trụ cổng giống các cửa ô của thủ đô tạo ra không gian cổ kính. Phương án 2 với điểm nhấn là trụ cầu mô phỏng thanh kiếm của Trần Hưng Đạo vươn lên bầu trời, gắn với trận chiến Bạch Đằng.

Phương án kiến trúc cuối cùng sẽ trình UBND thành phố Hà Nội trước tháng 10 năm nay. Thành phố sẽ thành lập Hội đồng kiến trúc để đánh giá, thẩm định các phương án kiến trúc cầu theo đề xuất của tư vấn, sau đó xem xét chủ trương và phương thức đầu tư cầu Trần Hưng Đạo.

Sau khi phối cảnh phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được công bố, đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhiều ý kiến cho rằng, cả hai phương án không đem lại sự thu hút, nổi bật. Hà Nội nên mở cuộc thi thiết kế để chọn ra cây cầu đẹp, không chỉ phục vụ mục đích giao thông mà còn mang tính thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cảnh quan, phục vụ du lịch.

Đối với kiến trúc sư trẻ, có nhiều ý kiến về phương án 1, nếu phương án này được xây lên thì đây là một bước thụt lùi của kiến trúc Thủ đô. Thời đại phát triển như hiện tại không thể ngoái đầu níu kéo quá khứ bằng cách nhái lại các hình thức kiến trúc cũ. Hãy để cái đẹp của quá khứ được yên, đừng nên nhái lại kiến trúc đấy nữa, nhất là với 1 cây cầu giữa Thủ đô. Còn phương án 2 tuy chưa đẹp, chưa ấn tượng nhưng ít ra trông còn hiện đại hơn. Các kiến trúc sư trẻ đề nghị, hãy tổ chức 1 cuộc thi để các kiến trúc sư trẻ được đề xuất phương án, chắc chắn sẽ có những phương án hiện đại và sáng tạo hơn nhiều.

Giới kiến trúc sư cho rằng, Hà Nội nên mở cuộc thi thiết kế với Ban giám khảo có kinh nghiệm để tìm ra cây cầu đẹp, có điểm nhấn

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Tôi mới được xem một số hình ảnh phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo, tôi cảm thấy không gây cho mình ấn tượng tốt. Về mặt thẩm mỹ, cây cầu mang phong cách kiểu nệ cổ nó nặng nề và cổ quá. Tôi thiên về phương án 2, mang tính chất hiện đại nhưng nó cũng chưa tạo được ấn tượng mạnh về kiến trúc cầu hiện đại.

Theo tôi, cầu cũng như một kiến trúc phải sinh ra trong thời đại đấy, ngôn ngữ của mỗi thời đại nó khác mình khó có thể khôi phục lại, không nên lấy ngôn ngữ của quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình không thể khai thác giá trị quá khứ, mình nên khai thác tinh thần, những điều gợi lên cái đó chứ không nên làm thật như công trình cổ.

Tôi nghĩ rằng Hà Nội cần nghiên cứu kĩ thêm theo phương án hiện đại, một cây cầu cần thanh mảnh, nhẹ nhàng như dải lụa vậy. Thiết kế cầu không đơn thuần là kỹ thuật mà mình cần tạo hình cho nó, có những nhịp hoặc dấu ấn độc đáo. Ấn tượng thanh mảnh cũng tạo sự tinh tế của Hà Nội, dòng sông sẽ có điểm nhấn như thế sẽ rất tốt.

Tôi cũng không nghĩ mình phải làm cổng chào mà tôi nghĩ 2 đầu cầu nên làm biểu tượng, có thể gọi là nghệ thuật công cộng cho người ta cảm nhận đấy là cầu Trần Hưng Đạo. Cũng cảm nhận được lối ra lối vào của từng phía, nhưng đó là một tác phẩm nghệ thuật dưới dạng biểu tượng nằm trong không gian công cộng.

Tôi nghĩ một cây cầu hoàn chỉnh cần có sự kết hợp giữa kĩ thuật, kiến trúc và điêu khắc. Việc thiết kế cầu nên tổ chức cuộc thi theo các quy định hiện hành, để cả cộng đồng cùng tham gia, bởi đây không chỉ là nơi giao thông mà còn là điểm đến, nơi người ta lưu lại những dấu ấn, những khoảnh khắc.

Hình ảnh, phối cảnh một số cây cầu có kiến trúc nổi bật trên thế giới:

Infinity loop bridge (Ảnh: Archdaily)

Cross Bay Link Bridge (Ảnh: Archello)

Một thiết kế của kiến trúc sư người Tây Ban Nha - Santiago Calatrava (Ảnh: Pinterest)

Cầu Juscelino Kubitschek là một trong nhiều phần kiến trúc hiện đại hấp dẫn nhất ở Brasília, Brazil (Ảnh: Shutterstock)

Cầu Forth, một cây cầu đường sắt bắc qua sông Forth của Scotland, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận (Ảnh: Strevo / Flickr)

Cầu Octavio Frias De Oliveira, Brasil: Octavio Frias De Oliveira không chỉ đóng vai trò là đường giao thông mà còn là hình ảnh mang tính biểu tượng đối với người dân Sao Paulo. Điều làm nó đặc biệt là chữ X được tạo nên bởi hai trụ cầu và 2 tầng cầu khi nhìn từ trên cao (Ảnh: ST)

Theo Khánh Hoà/Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Lựa chọn kiến trúc hiện đại hay cổ điển cho cầu Trần Hưng Đạo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!