Thứ sáu, 29/03/2024 09:23 (GMT+7)

Lùm xùm ‘đất vàng’ ở Nhà hát lớn: DN nói bị đối xử thiếu công bằng?

V.Chương -  Thứ năm, 23/05/2019 06:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến vụ “lùm xùm” ở Nhà hát lớn, trong khi doanh nghiệp nhất nhất thực hiện theo hợp đồng đã ký thì Bộ VHTT&DL lại nói rằng phụ lục hợp đồng không có giá trị.

Cách đây không lâu, trong phiên trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường chiều 18/11/2017, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã định nghĩa về Chính phủ kiến tạo. Theo Thủ tướng, một trong số 4 nội dung trong Chính phủ kiến tạo chính là Nhà nước không làm thay thị trường. Những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư.

Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục gửi thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân và doanh nghiệp. Đi kèm với đó, Chính phủ đã có hàng loạt các giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tư duy, cách thức làm việc trong các bộ, ngành.

Nhà hát lớn Hà Nội.

 Tuy nhiên, dường như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để ở không ít bộ ngành, địa phương. Mới đây, dư luận đang hết sức quan tâm đến vụ tranh cãi liên quan đến việc kinh doanh trên “đất vàng” ở Nhà hát lớn (Hà Nội). Theo tìm hiểu của phóng viên, cuối năm 2016, Nhà hát lớn Hà Nội có hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Việt Thái Quốc tế (gọi tắt Việt Thái Quốc tế - PV về việc khai thác toàn bộ tầng hầm và khu vườn phía bên phải nằm giữa Nhà hát lớn Hà Nội và khách sạn Hilton Hà Nội để mở dịch vụ ăn uống, giải khát phục vụ cho khán giả đến tham quan và thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Theo đó, hợp đồng có thời hạn 10 năm từ 1/12/2006 đến 1/12/2016. Đến ngày 1/5/2007, hai bên tiếp tục ký Phụ lục hợp đồng số 1 với nội dung đồng ý nâng thời hạn hợp đồng lên 15 năm từ ngày 1/5/2017 đến 1/5/2022. Sau thời hạn nên trên, Việt Thái Quốc tế được quyền gia hạn tiếp hợp đồng thêm một lần nữa thời hạn là 15 năm với điều kiện và điều khoản mới sẽ được hai bên thống nhất.

Cũng theo tìm hiểu của PV, để được ký hợp đồng kinh doanh tại tầng hầm và vườn của Nhà hát lớn, Việt Thái Quốc tế xác định Nhà hát lớn là một chứng tích lịch sử, là biểu trưng của thủ đô, nên khi cải tạo, chúng tôi phải thực hiện các bước rất chặt chẽ, cẩn thận. Chúng tôi phải thuê các kiến trúc sư, tư vấn nước ngoài tư vấn. Theo ước tính, riêng tiền thuê tư vấn nước ngoài đã mất khoảng 2 triệu USD (năm 2006 tương đương khoảng 30 tỷ đồng tại thời điểm ký).

Mặc dù phụ lục hợp đồng được ký nêu rất rõ thời hạn hợp đồng là 15 năm nhưng bất ngờ đến ngày 16/11/2016, Bộ VHTT&DL có văn bản số 4719 và văn bản số 5043 về việc sắp xếp lại và xử lý nhà đất của Ban quản lý Nhà hát lớn để thực hiện chỉnh trang khu vực sân vườn Nhà hát lớn. Bộ đề nghị Ban quản lý thực hiện thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với Việt Thái Quốc tế. Ngay sau đó, Ban quản lý Nhà hát lớn có văn bản thông báo với Việt Thái Quốc tế về việc thanh lý hợp đồng ký ngày 1/12/2016 do hết hạn hợp tác, đề nghị công ty giao lại mặt bằng.

Đại diện Công ty Cổ phần Việt Thái Quốc tế bày tỏ: “Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều giải pháp để hai bên liên doanh cùng có lợi mà vẫn phục vụ được khán thính giả và đồng bào trong nước cũng như khách du lich quốc tế muốn thăm quan, tiếp cận với di sản Nhà hát lớn. Thực tế, các di sản trong nước và quốc tế khác cũng đang được khai thác như Văn miếu Quốc tử giám, Hoàng Thành Thăng Long, Nhà hát nghệ thuật đương đại 16 Lê Thái Tổ, nhà hát Sydney tại Úc hay tháp Eiffel tại Pháp. Việc họ lấy lý do hết thời hạn hợp đồng hợp tác, trong khi đó phụ lục hợp đồng (là một phần không thể tách rời của hợp đồng) thể hiện rất rõ là đến năm 2022 mới hết hạn là không đúng. Dường như họ đang cố lờ đi phụ lục hợp đồng”.

Vị này nói thêm, trong cuộc họp với các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định Chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân phát triển. Việc Bộ VHTT&DL, Ban quản lý Nhà hát lớn đang làm không những không tạo điều kiện mà còn có dấu hiệu vi phạm hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.

Đại diện Việt Thái Quốc tế cho biết việc kinh doanh ở khu vườn Nhà hát lớn đang bị ngưng trệ.

"

“Hiện nay, tình hình kinh doanh của Việt Thái Quốc tế tại Nhà hát lớn đang gặp rất nhiều khó khăn và thiệt hại vì Ban quản lý Nhà Hát lớn đã khóa cửa trước, cắt nước, cắt hệ thống điều hòa,… Doanh nghiệp chúng tôi đã gắng sức xây dựng thương hiệu và có gần 20 năm đồng hành cùng văn hóa kinh doanh của người Việt.  Chúng tôi kinh doanh đúng pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động mà tại sao họ không thực hiện đúng cam kết?”, vị này đặt câu hỏi.

Đại diện Việt Thái Quốc Tế nói rằng trong vụ việc này, các cơ quan nhà nước không cần ưu ái, “biệt đãi”, chỉ cần thực hiện đúng hợp đồng, cam kết là đã kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời trên báo Kinh tế & Đô thị chiều 21/5, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho rằng, thời hạn hợp đồng hợp tác kinh doanh đã hết từ năm 2016, chứ không phải 2022 như phía doanh nghiệp nêu.

Ông cũng nhấn mạnh, Phụ lục hợp đồng số 1, trong đó có nội dung thay đổi thời hạn hợp đồng là 15 năm (từ 1/5/2007 đến 1/5/2022) mà Ban quản lý Nhà hát Lớn và Công ty Việt Thái Quốc tế ký kết không có giá trị. Bởi, Nhà hát Lớn là đơn vị thuộc Bộ VHTT&DL. Do vậy, nếu ký gia hạn hợp đồng, Ban quản lý Nhà hát Lớn phải xin phép Bộ.

Liên quan đến vấn đề này, dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, Luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng văn phòng Luật sư Huy An cho biết, theo quy định về giá trị pháp lý của phụ lục hợp đồng : Phụ lục hợp đồng  là một bộ phận của hợp đồng dân sự, có giá trị pháp lý như hợp đồng. Trường hợp phụ lục hợp đồng quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng.

Cũng theo Luật sư An, phụ lục hợp đồng dùng để quy định chi tiết một số điều khoản hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng dân sự. Trường hợp phụ lục hợp đồng dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.

“Như vậy, ta có thể hiểu phụ lục hợp đồng là một bộ phận của hợp đồng và giá trị của chúng xác định như hợp đồng”, Luật sư An khẳng định.

Vị luật sư này cho rằng, trong trường hợp của Công ty Cổ phần Việt Thái Quốc tế và Nhà hát lớn Hà Nội, hai bên cần phải tôn trọng hợp đồng đã ký. Nếu không có tiếng nói chung, hai bên có thể đưa ra tòa xử lý. “Việc đưa ra tòa là hành động văn minh nhất”, luật sư An khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết Lùm xùm ‘đất vàng’ ở Nhà hát lớn: DN nói bị đối xử thiếu công bằng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.