Thứ sáu, 26/04/2024 03:25 (GMT+7)

Lùng bùng những dự án thay thế cây xanh tại Lai Châu

MTĐT -  Thứ tư, 24/10/2018 10:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thành phố Lai Châu chia nhỏ hàng loạt gói thầu để chỉ thầu trong suốt thời gian qua, liệu có hay không việc mập mờ, khuất tất trong những dự án này?

Cách đây 1 năm, trong dự án thay thế lát vỉa hè, thành phố Lai Châu đã bị phê phán vì chia nhỏ gói thầu để chỉ thầu. Nay những gói thầu trồng cây xanh trên các tuyến phố vẫn tiếp tục được " chia năm xẻ bảy" để thực hiện chỉ thầu.

Hàng phong lá đỏ được thành phố trồng thử nghiệm trên đường 58m được nhập từ Trung Quốc.

Dư luận lại nghi vấn: Liệu có sự ưu ái nào đó cho doanh nghiệp trong dự án này không? Song song với đó là hàng loạt câu hỏi liên quan đến dự án hạ - trồng mới cây xanh 2018, khi triển khai dự án mà chưa có hợp đồng.

Theo các Quyết định chỉ định thầu số 55 ngày 10/7/2017; số 61 ngày 10/7/2017 và số 67, ngày 21/7/2017 của chủ đầu tư là Phòng Quản lý đô thị thành phố Lai Châu năm 2017 chỉ định thầu cho các nhà thầu thi công 3 gói thầu trồng thay thế, bổ sung cây xanh đô thị trên đường thanh niên; đường Trần Phú và trong giải phân cách đường đại lộ Lê Lợi.

Phong lá đỏ trồng trên đường Trần Phú có nguồn gốc trên rừng đưa từ các tỉnh Tây Bắc về trồng.

Cả 3 gói thầu này đều có cùng tính chất, cùng thời gian thực hiện và đều dưới 1 tỷ đồng. Dư luận tại Lai Châu lại tiếp tục đặt câu hỏi: Liệu chủ đầu tư có cố tình lách luật, chia nhỏ để thực hiện chỉ thầu?

Ông Khúc Văn Phong, Phó trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Lai Châu, đại diện chủ đầu tư cho biết: Các dự án trên đã thực hiện đúng quy trình từ đấu thầu đến thực hiện dự án.

Tuy nhiên, với gói trồng thay thế, bổ sung cây Phong trên đường 58m thì mới trồng thử nghiệm, với chiều dài 2,8 km chưa có hợp đồng xây dựng.

Vậy đơn vị nào trồng “thử nghiệm” số cây xanh này và liệu có “trúng thầu” khi chủ đầu tư “đấu thầu” không? Hay chủ đầu tư tiếp tục chia nhỏ để chỉ thầu cho nhà thầu đã trồng “thử nghiệm”?:

“Giá thành của cây phong lá đỏ là 9 triệu 700, giá thành này đã bao gồm tất cả. Hiện tại cây Phong đang trồng trên đường Trần Phú đây là cây phong bản địa của Tây Bắc còn cây Phong lá đỏ trồng trên đường 58m thì xuất sứ từ Trung Quốc”, ông Phong nói.

Một trong những quyết định chỉ định thầu.

Theo Hợp đồng xây dựng số 62, giữa phòng Quản lý đô thị và Công ty TNHH một thành viên Ngân Hà thì có sự chênh lệch khá lớn về giá trị cây phong lá đỏ.

Tại đoạn đường Trần Phú, tổng cây thay thế là 84 cây, đường kính gốc 10-12cm, chiều cao lớn hơn hoặc bằng 3m.

Giá trị hợp đồng là hơn 873.000.000 đồng...(PV làm tròn). Như vậy chia cho 84 cây thì giá mỗi cây là gần 10,4 triệu đồng.

Trong khi đó không hiểu sao con số do Phó phòng quản lý đô thị thành phố Khúc Văn Phong cung cấp  chỉ là 9,7 triệu đồng.

Việc duy trì, bảo dưỡng hệ thống cây xanh cũng đáng bàn. Tại một số khu vực, cây trồng không được chăm sóc để mối đắp làm tổ lên tận ngọn cây.

Vậy thành phố Lai Châu có dành kinh phí cho chăm sóc cây hay không, nếu dành thì có kiểm tra, nghiệm thu nghiêm túc không???.

Khu vực hồ hạ, mới đây đã được trồng thay thế một hàng cây Ban. Khi thấy cây cả cũ và mới thay thế trồng trên đường cáp điện ngầm quanh bờ hồ, Phóng viên có trao đổi với ngành điện Lai Châu.

Theo ông Cao Ngọc Lạc, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh, việc trồng cây trên đường điện cáp ngầm về lâu dài khi cây sinh trưởng phát triển sẽ có những bất cập nhất định: “Chẳng hạn mà nó có sự cố thì khó sửa chữa, chẳng hạn như chập điện đúng vào chỗ cây gần thì lại phải đào bới chỗ đó ra. Đúng ra thì phải có đường điện đi riêng không thể chui dưới gầm cây được, sau này cây lớn thì sẽ khó cho công tác sửa chữa”.

57 cây Ban mới được trồng bổ sung trên đường cáp điện ngầm xung quanh khu vực hồ hạ.

Từ khi thành lập thành phố đến nay hầu như năm nào thành phố Lai Châu cũng đầu tư nhiều tỷ đồng cho công tác trồng, thay thế, bổ sung cây xanh trên diện tích 132 héc ta.

Trả lời câu hỏi của phóng viên có hay không sự lãng phí trong đầu tư các dự án cây xanh trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, ông Lương Chiến Công, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lai Châu nói: “Bảo là tốn kém rất nhiều nhưng chỗ này thì tôi nghĩ cũng chưa phải là nhiều. Chúng tôi lấy những loại cây về cơ bản là những cây bản địa và một số cây nhập khẩu về thì khí hậu, thổ nhưỡng của bạn với mình cũng tương đồng với nhau".

Nhiều cây xanh bị mối đắp lên tận ngọn.

Hiện nay dư luận rất bức xúc và đặt ra câu hỏi, phải chăng việc năm nào cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng để thay thế, bổ sung cây xanh tại đây có hoang phí? Việc trồng những loại cây quá đắt đỏ ở một tỉnh miền núi nghèo, nhằm mục đích thu hút khách du lịch có đem lại giá trị đầu tư? Việc chia nhỏ dự án nhằm mục đích gì? Các dự án này có phù hợp ở từng công trình, địa điểm và nhất là giai đoạn này?

Trước đây dự án trồng cây Cau vua trên đường phố Lai Châu đã từng gây lãng phí.

Lai Châu vừa trải qua một trận lũ kinh hoàng tại nhiều địa bàn trong tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nhất là vùng sâu vùng xa, việc bỏ ra nhiều tỷ đồng để thay thế những cây xanh đang phát triển bình thường liệu có cần thiết ở tỉnh thuộc diện khó khăn nhất cả nước??? Những câu hỏi này rất cần câu trả lời thỏa đáng.

Người dân ở Lai Châu mong muốn tỉnh và các Bộ ngành Trung ương cần sớm thanh tra, kiểm tra, rà soát lại các dự án đầu tư cây xanh tại đây có thật sự cần thiết và minh bạch trong quá trình đầu tư?

Bạn đang đọc bài viết Lùng bùng những dự án thay thế cây xanh tại Lai Châu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

PV/ Theo VOV

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.