Thứ năm, 25/04/2024 11:35 (GMT+7)

'Mở rộng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu'

MTĐT -  Thứ ba, 09/06/2020 08:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Văn phòng Chính phủ cho rằng phương án mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tháng 6, trong báo cáo gửi đến Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các phương án phân vùng trên cả nước giai đoạn 2021-2030, Vụ Công nghiệp (thuộc Văn phòng Chính phủ) đưa ra nhiều cơ sở khẳng định tính hợp lý của đề xuất mở rộng đồng bằng sông Hồng. 

Đề xuất này nằm trong phương án phân vùng thứ hai là tách Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (Thừa Thiên Huế thuộc Bắc Trung bộ). Đồng bằng sông Hồng được mở rộng thêm tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và đổi tên thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Như vậy, các vùng mới trên cả nước gồm: miền núi phía bắc có 10 tỉnh; đồng bằng và trung du Bắc Bộ có 15 tỉnh; Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Ba vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố); đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố) giữ nguyên.

Đây cũng là phương án được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất, chỉ đạo nghiên cứu, do có tính kế thừa việc phân vùng trước đây, ít xáo trộn. 

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khánh thành năm 2014, dài 63 km, kết nối Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Ảnh: Giang Huy

"Mở rộng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng sự gắn kết về lợi ích của các địa phương trong khai thác nguồn lợi sông Hồng, sông Đà, sông Thương, sông Cầu", Vụ Công nghiệp nêu quan điểm.

Đồng bằng sông Hồng có 21 triệu dân, nhưng diện tích nhỏ nhất, nên cần thiết phải mở rộng để có thêm không gian phát triển kinh tế, xã hội, và thúc đẩy một số tỉnh ở trung du miền núi phía Bắc phát triển nhanh hơn. Nếu mở rộng, vùng mới hình thành là đồng bằng và trung du Bắc Bộ sẽ có tổng diện tích gần 37.000 km2, dân số gần 27 triệu. 

Vụ Công nghiệp đánh giá các tỉnh miền núi phía Bắc khác biệt rất lớn với 4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, chủ yếu là núi cao, dốc (độ cao trung bình hơn 600 m) gây khó khăn cho phát triển hạ tầng, kinh tế. Trong khi đó, 4 tỉnh nêu trên có núi, đồi, đồng bằng (độ cao trung bình 200 m), thuận lợi cho phát triển kinh tế. 

Miền núi phía Bắc chủ yếu là lâm nghiệp, nông nghiệp, chế biến, thủy điện, khai thác khoáng sản. Đây là những địa phương khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp luôn ở tốp cuối, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, cần có chính sách riêng. 4 tỉnh trên lại phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, bất động sản; thu hút nhiều nhà đầu tư, dòng vốn. 4 tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người đang tăng ở tốp cao; gắn kết hữu cơ hai chiều với thủ đô Hà Nội và các địa phương khác ở đồng bằng sông Hồng. Kết nối giao thông giữa các địa phương này rất thuận lợi, thời gian di chuyển không quá hai tiếng.

Hòa Bình - Hà Nội có sự gắn kết về thị trường du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng. Phú Thọ, Thái Nguyên và Hà Nội gắn kết sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu như gang thép, giấy. Bắc Giang gắn kết với Hà Nội qua các khu công nghiệp xuất khẩu. 

Hai phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030. Đồ họa: Tiến Thành.

Nêu lý do tách Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Vụ Công nghiệp cho rằng khoảng cách quá dài (hơn 1.300 km) nên hoạt động giao lưu, kết nối hạn chế. Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có diện tích quá lớn, gồm nhiều vùng văn hóa, lịch sử, con người khác nhau. Đặc biệt, khí hậu giữa phía Nam và Bắc đèo Hải Vân có khác biệt lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội. 

Vùng Tây Nguyên giữ nguyên vì có đặc trưng văn hóa, dân tộc, đời sống xã hội cần được phát huy. Tây Nguyên có nhiều yếu tố về an ninh, chính trị cần có chính sách riêng để xử lý hài hòa. Vùng này cũng cần có chính sách riêng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bởi đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Vụ Công nghiệp đề xuất Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng quyết định phương án phân vùng bằng cách lấy phiếu ghi ý kiến các thành viên Chính phủ. 

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đề xuất phương án phân vùng khác (phương án thứ nhất), là giữ nguyên hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Trung du và miền núi phía Bắc được tách thành Đông Bắc và Tây Bắc. Duyên hải miền Trung tách thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc Nam Trung Bộ; tỉnh Bình Thuận sang Đông Nam Bộ.

Bốn tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông gộp vào Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới gồm các tỉnh hiện nay, bổ sung Lâm Đồng và Bình Thuận.

Phương án phân vùng theo hướng giữ nguyên đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long (phương án một). Ảnh: VGP

Phương án này cũng tính đến sự liên kết kinh tế giữa các địa phương trong điều kiện kinh tế thị trường; đặc tính liên kết vùng về kinh tế cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư. Tỉnh Thừa Thiên Huế có mối quan hệ với Đà Nẵng và các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nên được đưa vào Nam Trung bộ. Đông Nam Bộ được mở rộng, bổ sung các tỉnh có sự gắn kết chặt chẽ là Lâm Đồng và Bình Thuận.

Tuy nhiên, phương án này sẽ gây xáo trộn so với hiện nay. "Do thông tin, dữ liệu cơ bản hiện tại đã và đang được thống kê theo đơn vị hành chính cấp tỉnh nên việc thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu theo các vùng mới không gặp nhiều khó khăn và chi phí không cao", Bộ Kế hoạch Đầu tư nêu quan điểm. 

Hiện cả nước được chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm Trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; đồng bằng sông Cửu Long. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, phương án phân vùng hiện nay được kế thừa qua nhiều lần phân vùng khác nhau, là cơ sở xây dựng chính sách phát triển, quy hoạch vùng 20 năm qua. Các địa phương trong từng vùng cơ bản tương đồng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, dân cư và có mối quan hệ nhất định về kinh tế, xã hội, hạ tầng. 

Tuy nhiên, các vùng hiện nay chưa vì mục tiêu phát triển, một số địa phương có mối liên kết kinh tế với một vùng nhưng thuộc vùng khác khó khăn hơn để được hưởng các chính sách ưu đãi. "Cơ sở phân vùng vẫn đặt nặng tính đồng nhất về điều kiện tự nhiên so với tính liên kết kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong mỗi vùng, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định. 

Khoảng cách một số vùng quá dài, nhất là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (hơn 1.300 km), trong khi các tỉnh, thành trong vùng có mối liên kết không lớn. Một số vùng bao gồm các địa phương có điều kiện tương đồng về tự nhiên, nhưng gắn kết nội vùng không chặt chẽ mà liên kết mạnh hơn với địa phương ở vùng khác. Các tỉnh ở Tây Nguyên liên kết rất hạn chế.

Trong khi đó, Lâm Đồng hợp tác mạnh mẽ với TP HCM, Đông Nam Bộ. Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk hợp tác nhiều với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (thuộc Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung).

Vì vậy, phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 dựa trên quy định về "vùng" trong Luật Quy hoạch cũng như thực trạng phương án phân vùng giai đoạn vừa qua và các yêu cầu phát triển mới của đất nước. 

Tiêu chí để phân vùng giai đoạn mới dựa vào khả năng và nhu cầu tự thân về liên kết giữa các địa phương, giữa các địa phương với trung tâm (cực tăng trưởng); phát triển hạ tầng gắn với hình thành chùm đô thị. Vùng có thể gồm một số tỉnh, thành lân cận có điều kiện tương đồng về tự nhiên, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hoá, dân cư. Các địa phương trong vùng phải có mối quan hệ tương đối chặt chẽ. 

Theo Viết Tuân/Vnexpress.net

Bạn đang đọc bài viết 'Mở rộng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành