Thứ bảy, 20/04/2024 15:12 (GMT+7)

Nghệ An: Ngôi chùa triệu đô xây dựng trái phép bên QL46?

THỤC ANH -  Thứ sáu, 29/11/2019 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngôi chùa không phép có vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng với nhiều hàng mục đồ sộ được xây dựng trên khuôn viên đất rộng khoảng 15.000m2 nhưng chính quyền sở tại vẫn im lặng, làm ngơ khiến dư luận bức xúc.

 Xây dựng đồ sộ nhưng không có giấy phép

Sau khi chùa Linh Sâm xã Thanh Yên, (Thanh Chương) xây dựng trái phép, xâm phạm di tích Quốc gia đền Hữu bị phát hiện, xử lý, người dân tiếp tục phản ánh lên cơ quan chức năng, báo chí một ngôi chùa đồ sộ, có mức đầu tư gấp nhiều lần, xây dựng trái phép trong thời gian vừa qua: đó là chùa Phúc Lạc, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc.

Toàn cảnh ngôi chùa triệu đô xây dựng trái phép trên khu đất rộng 15000 m2 nằm bên QL46 xã Nghi Thạch, Nghi Lộc.

Trước khi xây dựng quy mô, chùa Phúc Lạc chỉ có vài gian nhà cấp 4 rộng hơn 100m2. Sau khi có tờ trình của chùa, vào năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định số 2803/QĐ-UBND-NC về việc chấp thuận phục hồi chùa Phúc Lạc.

Năm 2013 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An ra quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Tâm Thành (thế danh Hồ Trọng Thanh, quê quán xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu) làm trụ trì chùa Phúc Lạc. Đại đức Thích Tâm Thành đồng thời cũng là trụ trì chùa Cổ Am (một ngôi chùa lớn ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu).

Ngày 16/09/2016, nguyên PCT tỉnh Nghệ An - Lê Xuân Đại có Quyết định số 4487/QĐ-UBND về việc cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm, lập quy hoạch chi tiết xây dựng phục dựng chùa Phúc Lạc tại xã Nghi Thạch và Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc. Theo đó diện tích khảo sát khoảng 14.580m2, hiện trạng đất chùa đang sử dụng và đất trồng cây hàng năm, lâu năm khác.

Mới cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm, lập quy hoạch nhưng chùa đã cho các tốp thợ tiến hành xây dựng các hạng mục rầm rộ. Đến cuối năm 2017, hạng mục Nhà phật tử (cao 2 tầng), diện tích 552 m2 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Mặc dù mới cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm, lập quy hoạch như vậy nhưng chùa đã cho các tốp thợ tiến hành xây dựng các hạng mục rầm rộ. Đến cuối năm 2017, hạng mục như Nhà phật tử (cao 2 tầng), diện tích 552 m2 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đặc biệt hạng mục Nhà tổ và tượng phật (diện tích gần 1.000m2, chiều cao tương đương tòa nhà 12 tầng) đã được các tốp thợ do chùa thuê thi công gần như hoàn thiện phần thô. Nhìn tòa tháp đồ sộ, cao ngất ngưỡng nhưng chưa được thẩm định, cấp phép xây dựng, trong khi công nhân vẫn thi công ngày đêm hết sức nguy hiểm.   

 Ông Lê Văn H, một người dân ở xã Nghi Thạch cho hay: “Họ xây một tòa tháp cao như thế nhưng không hiểu sao lại chưa được cấp phép, lỡ xảy ra chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm? Người dân chúng tôi sống xung quanh đây cũng hết sức lo sợ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Mặc dù thi công với tháp cao, đồ sộ như thế nhưng các tốp thợ không có bảo hộ lao động, không có biển cảnh báo, che chắn xung quanh công trình; dây điện truyền dẫn lòng thòng dưới đất hết sức nguy hiểm. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì được biết, xây dựng chùa chỉ là các tốp thợ, không có nhà thầu hay công ty đủ năng lực, tư cách pháp nhân. Chiếc cần cẩu cao hàng trăm mét đặt tại công trường vẫn chưa được kiểm định, cấp phép hoạt động.

Chưa kể, theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 số 3406, ngày 28/07/2017 của UBND tỉnh Nghệ An thì hạng mục số 5 (bãi đậu xe) đã được chùa Phúc Lạc xây dựng thành nhà tổ đường rộng vài trăm m2. Hạng mục số 6 (2 nhà vệ sinh chung, diện tích 120 m2) cũng “biến mất”, trong khi đó chùa lại xây dựng trái phép một khu vệ sinh ngoài khuôn viên chùa, đất thuộc sự quản lý  của UBND xã Nghi Khánh.

Chiếc cần cẩu cao hàng trăm mét đặt tại công trường vẫn chưa được kiểm định, cấp phép hoạt động.

Ai đã “im lặng” để chùa triệu đô bất chấp pháp luật?

Mặc dù với chức năng quản lý địa phương trực tiếp về vấn đề xây dựng, đất đai, quy hoạch nhưng khi được hỏi về sự việc tại chùa Phúc Lạc, qua điện thoại chủ tịch UBND xã Nghi Thạch - Nguyễn Đình Nhân cho rằng: “Tôi chưa nắm được, để tôi cho anh em kiểm tra lại”.

Tuy nhiên sau đó, tiếp tục điện thoại hay xuống trực tiếp cơ quan, chúng tôi cũng không thể gặp được ông Nhân. Qua làm việc với phòng Địa chính xây dựng xã Nghi Thạch, chúng tôi được cung cấp một số thủ tục về xin phục dựng, bổ  nhiệm trụ trì, quy hoạch chứ không có giấy phép xây dựng hay bất cứ một biển bản đình chỉ, xử phạt nào. Phải chăng sự việc xây dựng trái phép, sai quy hoạch với tổng mức đầu tư dự án hàng triệu đô la tại chùa Phúc Lạc lãnh đạo UBND xã Nghi Thạch không biết? Hay đã có sự “im lặng”, làm ngơ để ngôi chùa này tiến hành xây dựng bất chấp các quy định pháp luật hiện hành?

 Để nắm thêm thông tin vụ việc, chúng tôi cũng đã trao đổi với bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Bà Tuyết cho biết: “Vào tháng 10/2019, chúng tôi đã tổng kiểm tra về đất đai, xây dựng, hoạt động phật sự tại các ngôi chùa đóng trên địa bàn huyện Nghi Lộc, trong đó có văn bản yêu cầu chùa Phúc Lạc dừng thi công, đình chỉ các hoạt động xây dựng vì chưa có giấy phép. Tuy nhiên họ vẫn bất chấp tiến hành làm. Ngay sau khi PV phản ánh, tôi sẽ cho anh em xuống kiểm tra và đình chỉ ngay”. Khi chúng tôi xin được tiếp cận văn bản yêu cầu chùa Phúc Lạc đình chỉ hoạt động xây dựng thì bà Tuyết cho rằng “đây là văn bản mật nên không được cung cấp” (?!).

Mặc dù thi công với tháp cao, đồ sộ như thế nhưng các tốp thợ không có bảo hộ lao động, không có biển cảnh báo, che chắn xung quanh công trình, dây điện truyền dẫn long thong dưới đất hết sức nguy hiểm.

Tuy nhiên một ngày sau đó, khi chúng tôi có mặt tại chùa thì mọi hoạt động thi công vẫn diễn ra bình thường, phải chăng “yêu cầu đình chỉ” của UBND huyện Nghi Lộc không có hiệu lực, hay vị PCT huyện chỉ nói cho có? Vì sự mất an toàn lao động, đe dọa đến tính mạng (tòa tháp cao hơn 40 m vẫn chưa được thẩm định thiết kế xây dựng, chịu lực) nên chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Trần Thị Ánh Tuyết. Vị PCT huyện Nghi Lộc cho biết sẽ cho đoàn xuống ngay hiện trường lập biên bản đình chỉ và xử phạt. Tuy nhiên khi báo chí vẫn chưa một lần được “nhìn thấy” biên bản hay quyết định xử phạt, do được cho là tài liệu “mật”?!.

Liên quan đến vụ việc, Đại đức Thích Tâm Thành, Trụ trì chùa Phúc Lạc, cho biết qua điện thoại: Chùa đã có chủ trương quy hoạch, phục dựng lại và vẫn chờ giấy phép. Tuy nhiên do giấy tờ khá lâu nên cho thi công trước để kịp hoàn thành tiến độ.

Chùa Phúc Lạc xây dựng trái phép lâu nay nằm bên QL46 nhưng chính quyền các cấp không hay biết hay làm ngơ?

Việc chùa Phúc Lạc xây dựng khi chưa có giấy phép, nhiều hạng mục xây trái quy hoạch, thi công mất an toàn, lấn chiếm đất công… diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý khiến dư luận hết sức bất bình, khó hiểu. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nhanh chóng vào cuộc nhằm đảm bảo an toàn lao động cũng như lập lại kỷ cương xây dựng chùa chiền trái phép trong thời gian qua.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Ngôi chùa triệu đô xây dựng trái phép bên QL46?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ