Thứ năm, 25/04/2024 00:58 (GMT+7)

Nghiên cứu dùng bê tông chỉnh trang Hồ Gươm: Chuyên gia lo lắng

Lam Vy -  Thứ sáu, 22/11/2019 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo GS Hà Đình Đức: “Việc kè lại lại bờ hồ là việc làm cần thiết nhưng phải thực hiện thận trọng. Nếu không, việc làm này sẽ phá Hồ Gươm, biến Hồ Gươm thơ mộng thành cái hồ chứa nước khổng lồ".

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu quận Hoàn Kiếm sớm tổ chức đấu thầu dự án chỉnh trang hồ Hoàn Kiếm vì hiện tại hồ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố, sau hai năm tìm kiếm, thành phố đã có được công nghệ mới, sẽ nghiên cứu dùng những khối bê tông nặng khoảng hai tấn để kè xung quanh hồ. Mỗi khối bê tông dài khoảng một mét, được đặt thẳng xuống bờ hồ mà không phải dịch chuyển hay đào bới bất cứ thứ gì và khẳng định sau khi kè xong, kết hợp với trang trí ánh sáng, hồ Hoàn Kiếm sẽ rất đẹp.

Hồ Hoàn Kiếm vì hiện tại hồ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Được biết, Hà Nội đã thí điểm kè những khối bê tông nặng khoảng 2 tấn, dài 1m này ở hồ Trúc Bạch. Ông Chung cho biết, ông đã đi kiểm tra và thấy công nghệ này rất phù hợp với hồ Hoàn Kiếm và thời gian thi công cũng rất nhanh. Dự kiến thời gian kè xong toàn bộ hồ Hoàn Kiếm bằng công nghệ bê tông đúc sẵn này hết khoảng 50 ngày.

Không thể biến Hồ Gươm thành bể chứa nước khổng lồ

Việc kè lại toàn bộ bờ hồ Hoàn Kiếm là việc làm hết sức cần thiết nhưng liệu với việc sử dụng những khối bê tông để kè lại hồ có hoàn toàn hợp lý và việc thi công sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới môi trường cũng như hệ sinh thái của hồ.  

Để hiểu hơn về những thắc mắc trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với GS. Hà Đình Đức- một người đã có nhiều năm gắn bó và nghiên cứu về Hồ Gươm.

Ông Đức chia sẻ: “Theo tôi, việc kè lại lại bờ hồ là việc làm cần thiết nhưng cần phải biết lựa chọn kỹ lưỡng, nếu muốn kè thì cũng có thể kè được, nhưng việc làm đó sẽ phá Hồ Gươm, biến Hồ Gươm thơ mộng thành cái hồ chứa nước khổng lồ.Còn bây giờ cho mấy tấm bê tông vào sẽ rất thô cứng, không còn nét duyên dáng, nét đẹp của Thủ đô”.

GS. Hà Đình Đức- một người đã có nhiều năm gắn bó và nghiên cứu về Hồ Gươm

Mặc dù với sự khẳng định của vị Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông  Phạm Tuấn Long về việc kè hồ sẽ triển khai thi công nhanh gọn, tác động ít nhất đến hiện trạng. Sẽ không  thu nhỏ diện tích mặt nước và việc thi công không được ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường đang diễn ra. Nhưng chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại với phương án cải tạo trên.

Ông Đức cho hay: “Thường khi kè ở các hồ có cảnh quan thì các tấm bê tông sẽ phải chừa ra khoảng trống để tiến hành trồng cỏ thì sẽ ăn nhập với môi trường. Đúng là việc cải tạo sẽ không thu nhỏ mặt nước nhưng rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái ở hồ. Bởi những sinh vật trong hồ, sinh vật thường bám vào bờ hồ để kiếm ăn, nếu làm bê tông thì sinh vật sống dưới nước sẽ cạn kiệt nguồn thức ăn.

Trước đó Hồ Gươm có tiến hành cải tạo, nạo vét hồ nhưng đã làm xáo trộn môi trường, ảnh hưởng rất nhiều tới các sinh vật sinh sống dưới nước, nếu như bây giờ mà đặt những khối bê tông thì không biết hệ sinh thái dưới đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào nữa. Chúng ta có thể hình dung Hồ Gươm sẽ như chiếc vòng kim cô, dần dần sẽ phá vỡ cảnh quan và biến cái hồ thành bể chứa nước”.

Sử dụng vật liệu phù hợp để đảm bảo giá trị văn hóa truyền thống

Để rộng đường dư luận và có những đánh giá khách quan hơn về mặt kiến trúc đô thị cũng như chất liệu bê tông sử dụng trong việc kè hồ có thật sự hợp lý hay không? PV đã có cuộc trò chuyện với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam).

Ông Nghiêm cho rằng, việc kè lại Hồ Hoàn Kiếm để đảm bảo môi trường là việc rất cần nhưng vấn đề đặt ra ở đây là phải nghiên cứu thật kỹ vật liệu thích hợp để sử dụng để kè hồ và phải có giá trị văn hóa truyền thống, giá trị cảnh quan bởi hồ còn mang những yếu tố về văn hóa lịch sử. 

"Vì vậy việc sử dụng các khối bê tông thì nên cân nhắc xem các phương án nào phù hợp,  bởi trong xây dựng hiện nay đang đưa ra Quốc hội để bàn về việc tăng cường sử dụng vật liệu phù hợp với yêu cầu, đảm bảo thân thiện môi trường và tài nguyên thiên nhiên”, ông Nghiêm nói.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm- Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam.

Hồ Hoàn Kiếm được coi là hòn ngọc của Hà Nội, chỉ cần nhắc tới là người ta có thể gợi nhớ những nét đẹp về văn hóa, lịch sử và nét cổ kính đặc trưng của Hà Nội. Chính vì lý do đó nên việc chọn lựa vật liệu xây dựng phù hợp để kè lại xung quanh hồ là việc hết sức quan trọng và cần thiết.

Ông Nghiêm cho biết: “Vấn đề sử dụng các khối bê tông là yếu tố hiện đại, nhưng tại sao chúng ta không sử dụng những vật liệu gắn với cảnh quan hơn ví dụ như vật liệu đá, giữa các kè đá thì  kết hợp tạo thành các mảng vẽ tranh thì sẽ hợp lý hơn. Đây cũng là 1 vấn đề mà trong điều chỉnh Luật Xây dựng mà Quốc hội đang  bàn và đặt ra vấn đề sử dụng vật liệu xây dựng cần gắn với yêu cầu thân thiện môi trường, phù hợp với cảnh quan vậy việc kè bê tông đã thực sự phù hợp chưa và tại sao không nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các lần trước.

Phải tính toán, xem xét rất kỹ để không ảnh hưởng tới điều kiện địa chất, thủy văn. Nhưng vật liệu bằng bê tông rõ ràng so với các vật liệu khác thì chưa đảm bảo thân thiện môi trường và phù hợp cảnh quan”.

Được biết trước đó vào tháng 3/2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân hoàn thiện dự án “Đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”. Theo kế hoạch, quận Hoàn Kiếm sẽ cho bóc toàn bộ gạch block và đá xanh, thay bằng đá granite dày 10 cm có nguồn gốc từ tỉnh Bình Định.

Ngoài những ý kiến không đồng tình với việc sử dụng các khối bê tông kè lại xung quanh Hồ Hoàn Kiếm thì cũng có ý kiến cho rằng nên kè bằng chất liệu bê tông để có thể đảm bảo việc chống sụt lún, an toàn. Vậy xoay quanh việc kè lại bờ Hồ Hoàn Kiếm bằng chất liệu và phương án gì vẫn là những vấn đề được quan tâm trong thời gian qua.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu dùng bê tông chỉnh trang Hồ Gươm: Chuyên gia lo lắng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành