Thứ bảy, 20/04/2024 04:41 (GMT+7)

Nhiều tranh cãi về phương án đầu tư sân bay Long Thành

MTĐT -  Thứ năm, 08/08/2019 15:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để huy động vốn làm sân bay quốc tế Long Thành, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án. Thế nhưng, đến nay các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về những phương án này.

Tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu khả thi cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, có 3 phương án đề xuất đầu tư đó là: 

Phương án 1 là vay vốn ODA. Chính phủ sẽ đi vay rồi cho doanh nghiệp vay lại. Hiện chỉ có thể tiếp cận được vốn ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhược điểm của phương án này là sẽ làm tăng nợ công, sử dụng nhà thầu và dịch vụ tư vấn của nước cho vay.

Phương án 2 là giao cho AVC trực tiếp làm chủ đầu tư, khai thác. Hình thức đầu tư trực tiếp bằng vốn doanh nghiệp.

Phương án 3 là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng, Hội đồng thẩm định nhà nước lựa chọn phương án ACV đề xuất, để có thể khởi công công trình vào đầu năm 2021 và hoàn thành trong năm 2025 như nghị quyết của Quốc hội. 

Bộ GTVT cho rằng, ACV chưa thực hiện dự án nào có quy mô tương tự sân bay Long Thành, nhưng đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án riêng lẻ như xây dựng đường cất hạ cánh tại sân bay Phú Quốc, Cần Thơ; đầu tư sân đỗ tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; đầu tư nhà ga mới tại T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất...

Nhược điểm của việc giao ACV đầu tư khai thác sân bay Long Thành là các quy định của luật Đấu thầu buộc dự án này phải đưa ra đấu thầu quốc tế.

Chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác cảng hàng không Long Thành mà không qua đấu thầu. Ngoài ra, phương án này có thể gây rủi ro tài chính cho đơn vị quản lý cảng trong trường hợp sân bay thực tế khai thác không được như tính toán của phương án tài chính.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT AVC cho biết, đơn vị có thể cân đối được từ 40-45% tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của sân bay Long Thành. ACV chỉ vay 60% tổng mức đầu tư.

"Về năng lực quản lý dự án, ACV cũng có nhiều kinh nghiệm khi đã thực hiện nhiều dự án hạ tầng hàng không và đảm bảo dự án sân bay Long Thành không bị chậm tiến độ do nguồn vốn hay năng lực thực hiện" - ông Thanh khẳng định.

Ông Phạm Văn Tới, Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, cũng đánh giá phương án giao ACV đầu tư sân bay Long Thành là tối ưu. "Trong giai đoạn một, việc quản lý, khai thác sân bay Long Thành cần kết nối với các cảng hàng không khác nên thống nhất một đơn vị đầu mối sẽ thuận lợi", ông Tới nói.

Theo ông, ưu điểm khác là doanh nghiệp trong nước đầu tư thì sẽ không bị phụ thuộc nước ngoài về công nghệ, tiến độ.

Từ thực tế Tân Sơn Nhất đang quá tải, ông Tới phân tích nếu chọn phương án một hoặc ba thì thời gian chuẩn bị đầu tư, đấu thầu có thể kéo dài thêm nhiều năm, không kịp đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không đang bùng nổ.

"Chúng ta đã chứng kiến nhiều dự án ODA hay BOT phụ thuộc nhà đầu tư, nhà thầu khiến tiến độ bị chậm", ông Tới nói và cho rằng, cuối năm nay dự án sân bay Long Thành sẽ được trình Quốc hội nên chỉ còn một năm để thực hiện thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công và thẩm tra.

Còn trao đổi với Vnexpress, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho ý kiến rằng, phương án đấu thầu quốc tế là "hiệu quả, minh bạch nhất", cần được áp dụng tại các dự án lớn tương tự Long Thành. Tuy nhiên, ông lưu ý cơ quan nhà nước cần quy định hợp đồng chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình, không đội giá.

Chuyên gia này đề nghị xem xét kỹ phương án giao cho ACV làm chủ đầu tư vì không có sự cạnh tranh. Hơn nữa, tài chính của đơn vị này cũng chưa đủ để xây dựng sân bay Long Thành. "Chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, không nên chỉ vì lý do thời gian gấp rút mà phải chỉ định thầu", ông Ngô Trí Long nói.

Về phương án vay vốn ODA, theo ông Long "không nên tính đến" vì thực tế đã chứng minh cách thức huy động vốn này kém hiệu quả, không chỉ làm tăng nợ công mà kèm theo nhiều ràng buộc khiến dự án đội chi phí.

Sân bay Long Thành là công trình có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), trong đó giai đoạn một là 114.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD); kế hoạch chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn một.

Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nhiều tranh cãi về phương án đầu tư sân bay Long Thành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...