Thứ sáu, 29/03/2024 17:22 (GMT+7)

Nhìn lại việc hồi sinh những ‘dòng sông chết’

MTĐT -  Thứ hai, 15/03/2021 18:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến được TP Hà Nội ban hành vào tháng 6 tới cho thấy Hà Nội thực sự “sẽ quay mặt vào sông Hồng” để phát triển.

Sông Charles từ chỗ ô nhiễm nặng nề đã trở thành nơi có thể bơi, chơi lướt sóng hay câu cá.

Bởi vậy, trước sự ô nhiễm do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các nhà chức trách đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm cải tạo hồi sinh, để trả lại cho những dòng sông những giá trị và ý nghĩa vốn có. VietnamFinance nhìn điểm lại quá trình hồi sinh của một số con sông ‘chết’ trên thế giới. Sông Hồng hiện vẫn là dòng sông "sống" với dòng chảy được duy trì, tuy nhiên việc quy hoạch, tổ chức lại không gian dọc theo dòng sông này được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho Hà Nội và cả miền Bắc.

Sông Charles, Mỹ

Cách đây nửa thế kỷ, sông Charles bị xem là biểu tượng bẩn thỉu của thành phố Boston. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ - EPA đánh giá năm 1995 là thời điểm ô nhiễm nặng nề nhất.

Ngọn nguồn ô nhiễm nằm ở sự liên kết của các đường ống dẫn nước thải và đường ống dẫn nước mưa, đều đổ ra sông.

Khi mực nước sông thấp, nước thải cùng nước mưa chảy theo đường ống mới đến một khu xử lý ở đảo Deer, nằm trong vịnh Boston. Tuy nhiên, khi mưa lớn xảy ra, nước sông dâng, hệ thống ống dẫn bị tràn và nước thải sẽ đổ thẳng ra sông qua các đường ống cũ.

Các nỗ lực làm sạch dòng sông xuất hiện vào đầu những năm 1980. Vào thời điểm đó, mỗi năm có khoảng 6,5 triệu m3 nước thải và nước mưa trộn lẫn xả trực tiếp xuống sông. Đến nay, con số này đã giảm tới 99,5%, sau các hoạt động của EPA và chính quyền địa phương.

Ngoài việc hạn chế xả thẳng nước thải xuống sông, các biện pháp làm sạch dòng nước cũng được triển khai. Nhờ đó, con sông từ chỗ ô nhiễm nặng nề đã trở thành nơi có thể bơi, chơi lướt sóng hay câu cá.

Một trong số biện pháp làm sạch hiệu quả nhất là vận động người dân vớt rác thải bị cuốn xuống theo những cơn mưa xuống sông. Nổi bật nhất trong đó là người đàn ông có tên Tom McNichol.

Năm 2003, sau khi nghỉ hưu, McNichol thấy con sông của thành phố có quá nhiều rác bẩn và ô nhiễm, ông quyết định tự mình cải thiện tình hình. Một mình một thuyền, McNichol dành hàng giờ mỗi ngày để vớt rác trôi nổi trên sông. Có những ngày, ông gom được tới 10 túi rác to. Nhận thấy lợi ích của việc làm này, một số người bạn của McNichol cũng tham gia và dần dần họ nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ một số doanh nghiệp địa phương.

Đến nay, phong trào do McNichol khởi xướng vẫn được duy trì, dù cho ông đã qua đời. Nhóm tình nguyện viên làm sạch sông Charles được mở rộng, thời điểm cao nhất có đến hơn 3.000 thành viên. Họ hoạt động từ tháng 5 - 9 hàng năm, trong đó, mỗi tuần tổ chức vớt rác trong 4 ngày.

Sông Thames, Anh

Sông Thames đã được hồi sinh

Năm 1957, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh tuyên bố sông Thames đã chết về mặt sinh học. Những tin tức thời kỳ đó miêu tả dòng sông như một cái cống khổng lồ, hôi thối và ô nhiễm.

Nguyên nhân ô nhiễm được cho là các vụ đánh bom trong thời chiến phá hủy một số hệ thống cống nước thải cũ ở London. Đến cuối những năm 1960, hệ thống này mới được khôi phục, cùng với sự vực dậy về kinh tế của đất nước sau chiến tranh. Từ đó, sông Thames bắt đầu ‘thở’ trở lại, ô xy xuất hiện trong dòng nước.

Ngoài cải tạo hệ thống cống, một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp sông Thames sạch trở lại là quá trình dọn dẹp của người dân địa phương.

Trong những năm 1970-1980, nhận thức về môi trường của người dân được tăng cao, các nguồn thải nguy hiểm xuống sông cũng theo đó mà giảm theo. Ví dụ như, thuốc trừ sâu, trừ cỏ được sử dụng ít hơn, những cơn mưa sẽ không cuốn chúng xuống sông. Hay các loại hóa chất dùng trong tráng phim cũng ngày càng ít do xu hướng chuyển sang sử dụng máy kỹ thuật số.

Với nhiều thay đổi như trên, con sông được hồi sinh, hiện có khoảng 125 loài cá đang sống trên sông Thames, so với con số 0 vào những năm 1950. Việc các loài cả trở lại kéo theo sự xuất hiện của một số động vật có vú từ biển như hải cẩu, cá heo, thậm chí cá đuối hay cá voi cũng đôi khi bơi lạc vào dòng sông.

Sông Châu Giang, Trung Quốc

Đồng bằng sông Châu Giang ở tỉnh Quảng Đông là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc, trung bình trên 13% kể từ đầu những năm 1980. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng đi đôi với hậu quả môi trường. Châu Giang, con sông dài thứ ba Trung Quốc, trở nên ô nhiễm nặng nề, nhiều nhánh của nó có chất lượng nước thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia và không thể dùng làm nguồn nước uống.

Nước thải sinh hoạt đổ ra hệ thống sông mà hầu hết không qua xử lý. Năm 2005, khoảng 55% nước thải ở thành phố Phật Sơn được xử lý, trong khi con số này ở Giang Môn là 22%.

Lượng nước thải được thu gom và xử lý của của Phật Sơn tăng từ 55% năm 2005 lên 88% năm 2013, một phần nhờ vào việc tăng công suất của nhà máy xử lý nước thải Chấn An từ 200.000 lên 250.000 m3.

4 cơ sở xử lý bùn mới với tổng công suất 220 tấn/ngày đảm bảo bùn được xử lý đúng cách và an toàn, ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm và các tuyến đường thủy lân cận xung quanh. 6,7 km bờ kè dọc theo sông Phần Hà được cải thiện bằng cách chặn nước thải, chuyển hướng đến nhà máy xử lý nước thải và nâng bờ sông để tránh lũ lụt.

Chất lượng nước được cải thiện sau khi gần 700.000 m3 cặn được nạo vét từ lòng sông. 4 trạm quan trắc chất lượng nước tự động và hệ thống thông tin quản lý môi trường nước đã được thiết lập, bao gồm hệ thống phản ứng khẩn cấp để thúc đẩy cơ quan bảo vệ môi trường xử lý nhanh những trường hợp xả chất ô nhiễm ra sông.

Tại Giang Môn, lượng nước thải được thu gom và xử lý tăng từ 22% năm 2005 lên 70% năm 2013, do công suất của nhà máy xử lý nước thải Wen Chang Sha tăng từ 50.000 đến 200.000 m3/ngày. Họ cũng cho xây dựng một trạm bơm và 22 km cống, phục vụ khoảng 500.000 người ở khu vực thành thị.

Sông Hán ở Hàn Quốc

Sông Hán trong sạch hiện nay

Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), sông Hán trở thành biểu tượng ô nhiễm của Hàn Quốc. Seoul thời đó tập hợp đầy đủ các yếu tố gây ô nhiễm nặng, từ chất thải công nghiệp đến sinh hoạt.

Thời điểm đó, cá chết ngập 2 bên bờ sông, các loại chim, gia cầm cũng không thể sinh sống ở đây. Nhận thấy sự cần thiết của việc hồi sinh sông Hán, chính quyền Seoul đã thảo luận và lập ngân sách. Mục tiêu là đưa sông Hán trở thành biểu tượng mới của Seoul.

Chính quyền Seoul chi tiêu số tiền này rất hợp lý, phân bổ ra nhiều giai đoạn làm sạch, trải qua nhiều năm.

Năm 1982, Hàn Quốc khởi động dự án làm sạch sông Hán với ngân sách 470 triệu USD, kéo dài trong 5 năm. Dự án này được áp dụng trên hơn 30 km sông Hán chảy qua Seoul bao gồm 4 giai đoạn. Trong đó có cải tạo đường cao tốc, xây 4 nhà máy xử lý nước thải, lên kế hoạch nạo vét, kiểm soát mực nước trong mùa khô cũng như mùa lũ và xây dựng các công trình giải trí, cây xanh dọc dòng sông.

Kết quả đầu tiên của dự án quy mô này là vào Olympics năm 1988, sông Hán được chọn làm nơi tổ chức môn đua thuyền.

Giờ đây, khi đi từ sân bay Incheon về trung tâm Seoul, bạn sẽ được nhìn thấy dòng sông Hán đẹp tuyệt vời. Ngoài làn nước sạch, chính quyền còn xây lối đi bộ, đường xe đạp, công viên và nhà hàng dọc bờ sông. Dòng sông với những cây cầu càng lung linh hơn vào ban đêm, khi đèn đóm được bật sáng.

Sông Pasig, Philippines

Biển quảng cáo nổi trên sông Pasig của Philippines năm 2014

Vào năm 1990, sông Pasig ở Philippines được coi là đã chết khi hoạt không có một sinh vật nào tồn tại được giữa dòng nước bốc mùi hôi thối.

Theo các chuyên gia, sông Pasig bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt chưa được xử lý và nước thải công nghiệp; việc thu gom chất thải yếu kém và thiếu các bãi chôn rác thích hợp.

Năm 1999, Ủy ban Phục hồi sông Pasig (PRRC) được thành lập với mục đích cải tạo sông Pasig về điều kiện nguyên sơ trước đây. Năm 2010, cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) và Ngân hàng Phát triển châu Á đã cho chính phủ Philippines vay 200 triệu USD để thực hiện dự án này .

Ước tính 65% chất thải chảy xuống sông Pasig là từ cộng đồng người nghèo sống trong các ngôi nhà tạm ở rìa sông. Để thay đổi, cơ quan phát triển Vùng đô thị Manila ra quy định họ phải sống cách bờ sông 3-10 m, chính quyền cũng tái định cư những người này đến vùng ngoại ô.

Có một số ý tưởng sáng tạo để xử lý ô nhiễm trên sông Pasig. Năm 2014, một nhãn hàng làm đẹp của Nhật thiết lập biển quảng cáo nổi dài 27 m trên sông. Nó được làm từ cỏ Vetiver có khả năng hấp thụ các chất độc hại, thường được sử dụng để xử lý nước thải. Biển quảng cáo được cho là có thể làm sạch 7.500 đến 30.000 lít nước mỗi ngày. Hãng Nhật cho biết thông điệp của biển quảng cáo là "nhanh chóng làm sạch dòng sông" nhằm thay đổi cách người dân nhận thức về ô nhiễm sông ngòi.

Tháng 10/2018, PRRC được trao giải Asia Riverprize nhờ nỗ lực cải tạo sông Pasig. PRRC tuyên bố thủy sinh đã quay trở lại sông. Một số thành tựu của PRRC là tái định cư hơn 18.000 gia đình sống dọc theo bờ sông, tháo dỡ 376 công trình tư nhân lấn chiếm, phân tách 22.000 kg chất rắn khỏi nước thải, thành lập các khu vực bảo tồn môi trường và giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường./.

Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại việc hồi sinh những ‘dòng sông chết’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.