Thứ bảy, 20/04/2024 03:24 (GMT+7)

'Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế'

MTĐT -  Thứ hai, 09/03/2020 15:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bán sơn địa là một thuật ngữ có khả năng gợi ra chất thơ hơn mức thuần túy là một ngữ danh từ mô tả địa hình.

Nếu những nhà quy hoạch vùng quan tâm đến sự tổng hòa các điều kiện kinh tế – xã hội, thì nhiều người khác lại quan tâm đến đặc trưng văn hóa của nơi chốn, thuật ngữ này vang lên những mô tả về một vùng văn hóa riêng biệt đã cung cấp một kho dữ liệu cá tính. Bắc Giang là một điển hình của vùng bán sơn địa, tiếp nối văn hóa vùng Kinh Bắc song lại có sắc thái sơn cước khi nằm ở cửa ngõ từ vùng biên cương phía Bắc đi xuống châu thổ sông Hồng.

Bến đò Thổ Hà (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Bắc Giang là một tỉnh nằm nối tiếp vùng châu thổ Bắc Bộ, các dãy núi Bắc Sơn và Đông Triều tựa như một cái quạt xòe rộng, mà các dòng sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam là những cái nan lớn. Chúng tạo ra một thềm tiếp giáp châu thổ hình thành từ phù sa của hệ thống sông Thái Bình, từ lâu đã là một trung tâm quần cư của người Việt (vốn được cho là sớm hơn vùng châu thổ gần biển do đã cao ráo từ nhiều nghìn năm). Hệ thống di tích đình chùa ở Bắc Giang do đó cũng mang một cá tính đặc biệt.

Bắt đầu từ những vùng đồi giáp các dãy núi Bắc Sơn và Đông Triều, các ngôi đình làng có sàn gỗ còn lại đến ngày nay có nét tương đồng các ngôi nhà sàn vùng núi, thường quy mô không lớn song có bộ mái duyên dáng, chạm khắc đẹp mang tính nguyên bản. Đình Lỗ Hạnh (Đông Lỗ, Hiệp Hòa), một trong những ngôi đình có niên đại được xác định sớm nhất còn lại đến giờ (1576), để lại những chạm khắc mang đề tài dân gian, đặc biệt có hình người đánh đàn đáy, loại nhạc cụ chuyên dùng trong nghệ thuật ca trù. Chi tiết này cũng hữu ích cho việc xác thực sự có mặt của ca trù vào thời điểm đó, cũng như sự phổ biến của loại hình âm nhạc có tính bác học ở vùng đất bán sơn địa này. Đình Cao Thượng (Tân Yên) và đình Phù Lão (Đào Mỹ, Lạng Giang) đều là những công trình đặc sắc của thể loại đình làng Việt, với kết cấu đại đình bề thế và chạm khắc trang trí xếp loại đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc cổ. Ở phần trung châu giáp rìa đồng bằng là những cụm đình chùa nổi tiếng như Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên) bên sông Cầu với cấu trúc làng ven sông gồm hình ảnh đã thành biểu tượng: bến nước – cây đa – cổng – đình – chùa (Đoan Minh Tự). Ai đã rong ruổi trên những con đường Bắc Giang, sẽ dễ thấy tiếp sau những quả đồi là những dòng sông và bến đò, thấp thoáng những mái đình hay chùa báo hiệu một vùng cư trú lâu đời.

Nằm tiếp giáp trung tâm Phật giáo vùng Kinh Bắc ở phía Nam sông Cầu là Bắc Ninh và vùng Đông Triều với khu Yên Tử, Bắc Giang có những ngôi chùa quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Nói đến chùa ở Bắc Giang, phải nhắc tới chùa Vĩnh Nghiêm (hay còn gọi là chùa Đức La, Trí Yên, Lục Nam), ngôi chùa tổ của phái Trúc Lâm bên bờ sông Lục Nam và chùa Bổ Đà (Tứ Ân Tự, Tiên Sơn, Việt Yên). Hai ngôi chùa này nổi tiếng vì chứa đựng các di sản mộc bản kinh sách của tông phái Trúc Lâm và dòng thiền Lâm Tế, song trước hết là ở cách thức xây dựng đặc sắc gắn với vật chất tại nơi chúng phát tích. Hệ thống tường đất bao quanh chùa Bổ Đà cũng như các bức tường xây bằng các lớp gạch nung già lửa hóa sành không trát vữa bề mặt mà để lộ cấu trúc của chùa này cho thấy tư duy thẩm mỹ về vật liệu rất đặc sắc của người Việt cách đây vài thế kỷ.

Bắc Giang có một hệ thống di sản đặc biệt mà ít nơi có được, đó là 46 lăng đá, niên đại thế kỷ 17-18. Riêng huyện Hiệp Hòa có một hệ thống tới 26 lăng trên một địa bàn không lớn. Một số lăng đá di tích kiến trúc mộ táng kết hợp nơi thờ tự của các quan lại cao cấp thời Lê-Trịnh như lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương, lăng Bầu, thể hiện trình độ xây dựng và điêu khắc tinh xảo với nhiều tượng đá và đồ án trang trí. Hai huyện lân cận Việt Yên và Tân Yên cũng có số lăng đá khá nhiều (11 và 5 lăng mỗi địa bàn), tạo ra một hệ thống di sản nếu được quy hoạch, bảo tồn cũng là một điểm nhấn hiếm nơi có được. Hệ thống lăng đá gợi nên một đặc điểm của vùng bán sơn địa: vật liệu của vùng núi đồi với tường bao bằng đá ong, và các pho tượng đá bằng đá xanh. Tương đồng với nguồn gốc vật liệu, các đình chùa thường có cột gỗ to khỏe, bộ mái lớn, phản ánh nguồn gỗ từng có, và tường bao xây bằng đá ong, có phần giống với vùng văn hóa xứ Đoài. Cùng với hệ thống các lăng đá, di tích đồn Phồn Xương của khởi nghĩa Yên Thế và phế thành Xương Giang nối dài câu chuyện về một hình thái kiến trúc sử dụng vật liệu tự nhiên tại chỗ.

Ba con sông chảy trong lòng địa bàn Bắc Giang qua các vùng núi đồi và xuôi dần để hội tụ ở Lục Đầu Giang chứa những dữ liệu văn hóa như một đất nước thu nhỏ với hình thế sông núi. Ở đầu nguồn những con sông là những căn cứ địa thâm u, mà những cái tên Nhã Nam, Phồn Xương, Yên Thế, Cấm Sơn, Xương Giang đã đi vào dữ liệu văn học nghệ thuật. Các vùng đất sử thi được nhắc tới trong những chiến công dựng nước thời Lý, Trần, Lê cũng đồng thời là những vùng văn hóa.

Mặc dù Bắc Giang dồi dào di sản, lại có cả một vùng văn hóa quan họ đậm đặc trải suốt từ những làng ven sông Cầu lên tận sông Thương, song dường như khó xác định một lộ trình di sản văn hóa, cũng như tốc độ đô thị hóa và các khu công nghiệp xâm lấn trực tiếp lên hệ thống di sản này. Các lăng đá nổi tiếng ở huyện Hiệp Hòa gần đây được kêu cứu vì bị lút giữa nhà dân, trong khi các đình chùa cũng trong cảnh trùng tu “ba trăm tuổi thành một tuổi” diễn ra rầm rộ. Cổng làng Thổ Hà vốn là phông cảnh cho nhiều bức ảnh du lịch của Việt Nam sau khi tu bổ đã không còn giữ được bề mặt vật liệu gốc, cộng thêm các nhà dân xây cao tầng lợp mái tôn xanh đỏ sát bên cạnh, trở nên nhỏ bé còi cọc. Các ngôi nhà nông thôn không còn giữ được kiểu cách kiến trúc thông thoáng mà đi theo lối nhà ống hộp diêm dựng đứng như các phố thị. Tình trạng ô nhiễm các con sông nhỏ và rác thải nhựa không thu gom được cũng khiến cho môi trường cảnh quan các làng xóm tù đọng xuống cấp. Thực tế đáng buồn này tương phản với chất thơ của danh ngữ bán sơn địa đã đem lại cho vùng đất nhiều thế kỷ qua.

Biểu trưng của tỉnh Bắc Giang mới công bố năm 2015 cho thấy những quan điểm rõ ràng về di sản của tỉnh này khi lời thuyết minh đề cập nhiều đặc điểm địa phương: chùa Vĩnh Nghiêm, khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, vải thiều Lục Ngạn, ba con sông lớn, những rặng núi. Đó cũng là những gì đã in dấu trong ký ức nhiều thế hệ. Mỗi vùng đất thường sẵn có những kho di sản vật thể lẫn phi vật thể, dù nhiều hay ít, song chừng đó vẫn cần một cách kể, một nội dung để trình bày. Cách kể ở đây phải dựa trên một ý thức có tính hệ thống về những gì đang có và những gì chỉ còn trong bảo tàng.

Chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

“Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh
Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng
Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế
Kìa nước xa xa sông Cấm còn mịt mùng ngoài bến xuân”
(Đàn chim Việt – Văn Cao, 1945)

Làng Bánh Đa Thổ Hà (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Xét về mặt quy hoạch - kiến trúc, Bắc Giang cũng có thể tạo ra một nội dung mới bằng những công trình hấp dẫn mới. Công trình dấu ấn không chỉ có mỗi nhà thi đấu Bắc Giang với phần mái được thuyết minh là mô phỏng chiếc nón quai thao. Nó còn là môi cảnh sống dự kiến của những thành phố hiện đại và những khu làng xóm ngoại ô đủ tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Trong vòng một vài thập niên tới, khi vệt đô thị nối dài từ Hà Nội đến thành phố Bắc Giang, thì khung cảnh dải đô thị ấy sẽ ra sao? Chỗ nào cho những di tích văn hóa và những không gian làng xã bảo lưu các tập tục văn hóa làm nên bản sắc địa phương? Chẳng hạn, trục đường nối giữa hai ngôi chùa lớn nhất tỉnh, Bổ Đà và Vĩnh Nghiêm, đi qua thành phố Bắc Giang, dài chưa tới 40km, hoàn toàn có thể làm nên một con đường di sản kết hợp du lịch. Vuông góc với lộ trình ấy là con đường di sản Yên Thế – Xương Giang – Kiếp Bạc đi xuyên qua trọn phạm vi tỉnh, kết nối những câu chuyện về những trận chiến lừng danh trong lịch sử trên mảnh đất này.

Vài suy nghĩ gợi ra có thể góp một vài nét cho câu chuyện tư duy về di sản như một hệ thống kết nối nhiều chiều. Ngay trong cách chọn biểu trưng của tỉnh Bắc Giang trong thế kỷ 21 hay nhà thi đấu có hình ảnh nón quai thao, rõ ràng mối bận tâm về hình ảnh đặc trưng cổ truyền vẫn chi phối. Những cách kể liên quan đến di sản tỏ ra vẫn hiệu nghiệm. Trong sự phát triển có nhiều lựa chọn ưu tiên, song những người yêu mến mảnh đất Bắc Giang cũng như bất kỳ mảnh đất nào mong đợi di sản là thứ được tính đến, bởi sự hiện tồn của chúng là dấu hiệu để những câu chuyện có thể được tiếp tục kể.

Theo Tạp chí Kiến trúc

Bạn đang đọc bài viết 'Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...