Thứ sáu, 29/03/2024 14:37 (GMT+7)

Những phận người rơi vào ngõ cụt giữa dự án mở đường

Vũ Khoa -  Thứ hai, 14/09/2020 16:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đóng góp tiền bạc, công sức từ những ngày đầu hình thành chợ, đến nay, khi dự án Vành đai 1 được triển khai thì nhiều hộ rơi vào cảnh lao đao vì mức đền bù quá thấp, không thể ổn định cuộc sống.

Chợ Thành Công A đột ngột bị cắt điện

Trên phản thịt lợn của tiểu thương Đào Kim Dung, những lá đơn tố cáo, khiếu nại nằm vạ vật nhưng được sắp xếp thứ tự cùng hàng loạt biên bản làm việc, biên bản đối thoại, các quyết định liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chợ Thành Công A để phục vụ dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội.

Thời điểm đó là tròn 10 ngày chợ Thành Công A đột ngột bị cắt điện, hoàn toàn không có thông báo hay lý do nào được đưa ra. Nguồn điện bị đóng sập và không được cấp trở lại. Giữa cơn nóng nực tháng 9, trong muôn vàn khó khăn do sự hoành hành của dịch Covid-19 quái ác, các tiểu thương nhốn nháo, họ hỏi nhau “Ai đã cắt điện chợ Thành Công A?”.

Cần nói rõ, điều 27 Luật Điện lực 2004; Nghị định 134/2013 NĐCP; điều 8, thông tư 30/2013/TTBCT của Bộ Công thương quy định về việc cắt điện trong điều kiện bình thường được ghi rõ: trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo trước cho bên mua điện trước thời điểm ngừng ít nhất 5 ngày. Nhưng như đã nói ở trên, tiểu thương chợ Thành Công A không nhận được thông báo.

Tiền điện các hộ kinh doanh sử dụng đều được thu hộ thông quan Ban quản lý chợ số 2 và gửi về tài khoản của Công ty Điện lực Ba Đình, do vậy, mặc dù chỉ là bên thứ 3 nhưng các tiểu thương này mới là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc hành chính hóa quan hệ dân sự. Theo các tiểu thương, mục đích chính được cho là nhằm ép các hộ kinh doanh rời khỏi chợ.

Về bản chất, việc cắt điện, nước như một biện pháp cưỡng chế cũng đang sai luật khi cách làm này chỉ mới được Bộ Tư pháp đưa vào dự thảo, trong khi luật đã quy định tới 23 biện pháp để nhà nước cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt thì hành động cắt điện ngày 1/9/2020 đối với các hộ kinh doanh tại chợ Thành Công A chỉ chứng tỏ một điều rằng cơ quan công quyền yếu kém, bất lực.

Ông Nguyễn Hoàng Khương, Giám đốc Công ty điện lực Ba Đình cho biết, “Chúng tôi chỉ làm theo trách nhiệm, khi ban quản lý chợ có công văn đề nghị thanh lý hợp đồng và thu hồi công tơ thì chúng tôi thực hiện”. Ông Khương cũng khẳng định, Ban quản lý chợ số 2 là đơn vị đứng tên trong hợp đồng, do đó bên điện lực không liên quan đến các hộ kinh doanh bên trong chợ.

Đời sống của hàng chục hộ kinh doanh bị xáo trộn, bế tắc sau khi chợ Thành Công A nằm trong quy hoạch đường Vành đai 1.

“Chúng tôi cần công bằng”

Trong quá trình tìm hiểu, PV thu thập được một số Biên lai thu tiền từ thời điểm năm 1999 được Sở Tài chính vật giá đóng dấu, số tiền này được ghi nhận là tiền trúng thầu ki-ot chợ Thành Công A. Hơn 350 triệu đồng là tổng số tiền do 8 hộ kinh doanh đã đóng, đây là số tiền rất lớn nếu tính theo thời giá năm 1999. Chưa kể, đây là các hộ còn giữ được biên lai thu tiền, trong khi thống kê của Ban quản lý chợ số 2 là còn 9 trên tổng số 17 hộ kinh doanh nộp các giấy tờ, 9 hộ này có bản giải trình nhưng không còn giữ biên lai, chứng từ chứng minh việc nộp tiền xây dựng chợ năm 1999.

Đóng tiền xây dựng chợ, đằng đẵng đóng thuế suốt 32 năm kèm theo nhiều khoản đóng góp khác cho Ban quản lý và Nhà nước, nay bỗng nhiên nằm giữa dự án nghìn tỷ, cuộc sống của các tiểu thương trong chợ Thành Công A dần bị “bóp nghẹt”, số nhiều tiểu thương đều tỏ ra hoang mang vì không biết sẽ làm gì để kiếm sống sau khi các ki-ot bị thu hồi.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại chợ Thành Công A đang dậm chân tại chỗ vì nhiều vấn đề vướng mắc.

27 trên 40 hộ kinh doanh chưa nhận tiền đền bù vì cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ được UBND quận Ba Đình phê duyệt là quá thấp, quá bất công. Nhất là đối với những người đã góp cả công sức, tiền bạc trong ngày đầu dựng chợ. Thế nhưng, Quyết định số 492 của UBND quận Ba Đình về phê duyệt phương án bồi thường chỉ đưa ra con số là 2.263.871.605 đồng, đây là tổng phương án đền bù cho Ban quản lý chợ số 2; 36 hộ kinh doanh không phải đóng thuế; 24 hộ kinh doanh có đóng thuế.

Hơn 2 tỷ đồng đền bù cho hàng chục hộ kinh doanh đang hoạt động ổn định là quá thấp, số tiền mỗi hộ nhận được chỉ là vài chục triệu, hộ cao nhất cũng chỉ đến 200 triệu đồng, một số hộ chỉ được nhận hơn 2 triệu đồng. Số tiền này nếu so với thời giá hiện nay thì chắc chắn không thể sử dụng vào việc tái đầu tư kinh doanh, chưa kể là quá bất công với các khoản đóng góp xây dựng chợ, thuế nếu đưa ra ví dụ về giá trị tiền tệ năm 1999.

Không đồng ý với phương án bồi thường, các tiểu thương khiếu nại tới UBND quận Ba Đình. Phản hồi khiếu nại, Tổ công tác giải quyết đơn thư khiếu nại Ba Đình yêu cầu Ban quả lý chợ số 2 có báo cáo về kinh phí đầu tư xây dựng chợ Thành Công A. Thế nhưng khi cần đối chiếu, Phòng Tài chính kế hoạch – Ban quản lý chợ Thành Công A lại đơn giản thông báo là không có hồ sơ lưu trữ về việc đầu tư xây dựng chợ Thành Công A thời điểm năm 1988 và năm 1999.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Thành Công cho biết, “Mức hỗ trợ cho các hộ kinh doanh hiện nay là từ khoảng 10 - 100 triệu đồng và được áp dụng cao nhất theo đúng quy định của Nhà nước, căn cứ trên mức thuế nộp hàng năm của các hộ”.

Từ đó, UBND quận Ba Đình ban hành Quyết định giữ nguyên Quyết định bồi thường số 492 trong sự bất bình của hàng chục tiểu thương và gia đình họ. Quyết tâm thực hiện dự án của UBND quận Ba Đình là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo đời sống cho người dân sau khi GPMB, hơn nữa là cần có sự minh bạch, đúng đắn để thúc đẩy sự ủng hộ của nhân dân đối với dự án trọng điểm. Trong một số biên bản làm việc, ý kiến các tiểu thương cũng khẳng định sẽ đồng ý di dời nếu quyền lợi của tất cả là như nhau. “Chúng tôi cần công bằng”, tiểu thương 43 tuổi Dương Thị Hà nói khi gặp PV trước cổng UBND quận Ba Đình.

Gần 100m2 đất biến mất

Theo thông báo số 17/TB-UBND của UBND quận Ba Đình ban hành ngày 4/3/2019 về đo đạc, kiểm đếm thực hiện dự án Xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục xác định diện tích đất dự kiến thu hồi tại thửa đất số 56, thuộc tờ bản đồ số 7G-III-35 là 1.583,69 m2. Đây là diện tích đất thuộc Ban quản lý chợ số 2 quận Ba Đình (Chợ Thành Công A). Thời gian điểu tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được thực hiện từ quý II năm 2018 đến quý I năm 2019.

Thông báo số 17 được ban hành dựa trên các điều 62,67,68,69, 70 của Luật Đất đai năm 2013. Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và một số Quyết định liên quan. Lý do thu hồi đất là để thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục.

Tiếp đó, UBND phường Thành Công có văn bản xác nhận về đất nằm trong chỉ giới thu hồi đất khu đất tại số 1 Láng Hạ, Thành Công, Ba Đình, TP.Hà Nội, chính là chợ Thành Công A. Phần diện tích được xác nhận tại văn bản ban hành ngày 8/10/2019 này là 1.579,8 m2, nguồn gốc là đất sử dụng làm chợ từ năm 1993.

Tuy nhiên, đến Quyết định số 491/QĐ-UBND cũng do UBND quận Ba Đình ban hành ngày 25/2/2020, diện tích thu hồi đột ngột bị tụt xuống chỉ còn 1.490,2m2. Theo văn bản này, vị trí, diện tích, ranh giới đất thu hồi được xác định tại hồ sơ điều tra hiện trạng nhà đất và tài sản trên đất, có xác nhận của Ban Quản lý chợ số 2 quận Ba Đình và các thành viên trong tổ công tác GPMB.

Điều đáng nói, để ban hành được Quyết định này, UBND quận Ba Đình phải căn cứ theo Thông báo số 17 đã ban hành trước đó nhưng diện tích đất thu hồi lại có sự chênh lệch đáng kể, vậy gần 100m2 đã biến đi đâu?

Sơ đồ diện tích đất chợ Thành Công A.

Theo tìm hiểu, các tiểu thương tại chợ Thành Công A cũng rất bức xúc về việc trên cùng mảnh đất thuộc chợ nhưng lại có hộ không được đưa vào phương án tại Quyết định 492 và Quyết định thu hồi đất 491. Phần thiếu hụt so với Thông báo 17 dẫn đến việc các hộ không nằm trong phương án được hỗ trợ nhà đất và không bị buộc di dời cùng lúc với các tiểu thương. Theo một tiểu thương, phần thiếu hụt được thể hiện trên bản đồ đo đạc là ô số G27, G28, giá trị phần diện tích này nếu không bị thu hồi có thể lên đến cả chục tỉ đồng.

Do đó, một số tiểu thương đề nghị làm rõ sự chênh lệch giữa các phiên đo đạc, đồng thời làm rõ có hay không việc cố ý làm sai lệch để trục lợi?

Bạn đang đọc bài viết Những phận người rơi vào ngõ cụt giữa dự án mở đường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.