Thứ bảy, 20/04/2024 06:08 (GMT+7)

Ninh Bình: Dự án nhà máy xi măng nghìn tỷ "đắp chiếu"

MTĐT -  Thứ tư, 12/07/2017 13:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(moitruongvadothi.vn) – Dự án Nhà máy xi măng Phú Sơn thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan (Ninh Bình) được kỳ vọng là “điểm nhấn”, là đầu tàu thúc đẩy ngành công nghiệp ở huyện miền núi khó khăn này. Thế nhưng sau hơn 10 năm triển khai thi công, khu đất dành cho nhà máy rộng hơn 40 ha này vẫn chỉ là bãi đất nền phẳng phiu, dự án nghìn tỷ đã “đắp chiếu” và chưa hề có dấu hiệu hồi sinh, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận nhân dân.

Nhiều người dân tại xã Phú Sơn bức xúc cho biết: Năm 2006, gần 200 hộ dân thuộc các thôn 1, thôn 3 và thôn 4, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan đồng thuận và khẩn trương bàn giao đất đai (chủ yếu là đất hai lúa) với diện tích trong khuôn viên là 34,6 ha, cùng 4 ha đất vùng bị ảnh hưởng khi nhà máy đi vào hoạt động là tổng diện tích là hơn 40 ha. Sau khi hoàn thiện công tác GPMB, năm 2007 dự án bắt đầu được triển khai rầm rộ, thế nhưng dự án nghìn tỷ này chỉ hoành tráng được một thời gian ngắn ngủi, càng về sau các hoạt động xây dựng càng ít, càng chậm và đến năm 2009 thì dừng hẳn đến tận nay.

Đây là những gì “hoành tráng” nhất sau 10 năm triển khai dự án nhà máy xi măng Phú Sơn

Hiện trên khu đất hơn 40 ha của dự án nhà máy xi măng Phú Sơn chỉ mới xây dựng được một phần bờ tường bao quanh, nhà máy nước (chưa hoạt động), bể nước, khu văn phòng điều hành 3 tầng mới chỉ xong phần thô và hàng trăm cộc nhồi bê tông dở dang.

Theo quan sát của PV thì khu đất rộng lớn dành cho dự án nằm gần Quốc lộ 12B, qua con đường độc đạo toàn bùn đất với lởm chởm đá chừng vài trăm mét là dự án nghìn tỷ đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Sau thời gian dài “đắp chiếu”, giờ đây dự án đã hóa hoang phế, toàn cỏ dại mọc um tùm, các hạng mục công trình dở dang đã rỉ sét, rêu mốc bám đầy, xuống cấp nặng nề. Nhiều vị trí đã xuất hiện các vết nứt rất dễ gây nguy hiểm cho người dân khi đến gần, một số vị trí tường bao đã bị rỗng chân tường, nguy cơ đổ là bất kỳ lúc nào. Dự án được kỳ vọng là “điểm nhấn” ngành công nghiệp của huyện miền núi Nho Quan một thời hiện không có ích lợi gì ngoài việc các hộ có nơi chăn thả, nuôi nhốt dê, lợn và trâu bò.

Nhiều vị trí, công trình đã rỉ sét, xuống cấp

Sau khi nhường đất cho dự án, những hộ bị ảnh hưởng mất toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp được chủ đầu tư hứa hẹn cho 60 con em đi học nghề xi măng ở Hải Phòng, ra trường sẽ về chính nhà máy tại quê hương để làm việc. Rồi kỳ vọng nhiều thì thất vọng cũng chẳng ít, nhà máy chỉ hỗ trợ tiền học phí, còn tiền ăn ở, sinh hoạt các gia đình phải chịu, sau 2 năm học tốn không ít chi phí thì giờ lại hoàn tay tắng, mất tiền mà việc cũng không. Người dân bức xúc, kiến nghị nhiều lần về việc có hay không tiếp tục triển khai dự án để tránh lãnh phí đất đai nhưng vẫn chưa có hồi âm.

Dự án nghìn tỷ hiện chỉ có tác dụng nuôi lợn, dê và trâu bò

 Trao đổi với PVBáo Tài nguyên và Môi trường, ông Phan Quang Cảnh – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: Dự án nhà máy xi măng Phú Sơn do Công ty Cổ phần xi măng Phú Sơn làm chủ đầu tư với công suất dự kiến khi đi vào hoạt động là 11 triệu tấn/năm, mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ, dự kiến năm 2011 sẽ cho ra mẻ xi măng đầu tiên. Năm 2006 thì công tác GPMB hoàn thành, năm 2007 thì bắt đầu thi công, đến năm 2009 thì ngừng toàn bộ hoạt động thi công cho đến nay. Việc dự án chậm tiến độ, “đắp chiếu” gần 10 năm nay theo ông Cảnh là lãng phí đất đai, trong khi đất nông nghiệp bị thu hồi, bà con nhân dân lại không có công ăn việc làm. Những cháu được đi đào tạo nghề xi măng về không có việc lại vừa tốn kém cũng khiến bà con bức xúc. Hơn nữa, khu vực hơn 40 ha đất dự án không có người quản lý nên gây bất ổn an ninh trong khu vực khi có nhiều đối tượng nghiện hút vào đây tụ tập.

Hơn 40 ha bị bỏ hoang suốt thời gian dài gây lãng phí đất đai và thất thoát cho Nhà nước nhưng lại chưa hề bị thu hồi

Ông Cảnh còn cho biết: Cũng có một số nhà đầu tư vào thăm dò vì đây là vị trí rất thuận lợi cho kinh doanh nhưng vì thủ tục đất đai của dự án nhà máy xi măng còn chưa biết có thu hồi hay không nên cũng khó. Mong muốn lớn nhất của địa phương đó là: Nếu năng lực tài chính của chủ đầu tư không có để tiếp tục triển khai dự án thì rất mong tỉnh Ninh Bình sớm thu hồi dự án, giao đất cho chủ đầu tư khác vừa tránh lãng phí đất đai vừa tạo việc làm cho nhân dân.

Không chỉ sử dụng đất không đúng kế hoạch, gây lãng phí tài nguyên đất trong suốt một thời gian dài mà nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với hơn 40 ha đất dự án cũng chưa được làm rõ và tại sao dự án chậm tiến độ, “đắp chiếu” gần 10 năm nay nhưng lại không hề bị thu hồi đất?

Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Ninh Bình: Dự án nhà máy xi măng nghìn tỷ "đắp chiếu". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...